Theo Gallup 60% người Việt Nam vô cảm

Mới đây, hãng khảo sát quốc tế Gallup đã công bố kết quả khảo sát về chỉ số cảm xúc trong ngày của người dân ở 150 quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý là Việt Nam xếp thứ 13 trong danh sách những quốc gia có chỉ số "vô cảm" cao nhất thế giới.

Mới đây, hãng khảo sát quốc tế Gallup đã công bố kết quả khảo sát về chỉ số cảm xúc trong ngày của người dân ở 150 quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý là Việt Nam xếp thứ 13 trong danh sách những quốc gia có chỉ số "vô cảm" cao nhất thế giới.

Gallup đã có một cuộc khảo sát đối với người dân về 5 cảm xúc tích cực (gồm cười nhiều, nghỉ ngơi đầy đủ, được tôn trọng, hưởng thụ, làm điều gì đó thú vị) và 5 cảm xúc tiêu cực (căng thẳng, giận dữ, buồn, đau đớn, lo lắng) trong một ngày trước đó hay không. Kết quả thu được vô cùng bất ngờ.

Singapore là quốc gia “vô cảm” nhất thế giới. Chỉ 36 % số người Singapore được hỏi cho rằng họ có cảm xúc tích cực hay tiêu cực mỗi ngày. Trong khi đất nước này được đánh giá là nơi có điều kiện sống tốt hàng đầu thế giới thì tới 64 % người dân ít bộc lộ cảm xúc trong ngày.

Trái lại, ở đất nước Philippines, cứ 10 người được hỏi thì có 6 người bày tỏ họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc tích cực và tiêu cực mỗi ngày.

Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, ở các nước Mỹ Latin như Panama, Paraguay, Venezuela có chỉ số tích cực xuất hiện nhiều nhất; còn vùng Trung Đông và Bắc Phi có cảm xúc tiêu cực xảy ra nhiều nhất.

Đáng chú ý là Việt Nam xếp thứ 13 trong danh sách những quốc gia có chỉ số "vô cảm" cao nhất thế giới. Chỉ có 40% số người được hỏi cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày, 60 % còn lại thì không như vậy.

Con số này thực sự rất đáng quan tâm và lo ngại, bởi sự vô cảm là dấu hiệu trái chiều của một xã hội nhân văn. Vô cảm là thực trạng đau lòng hiện đang xảy ra hàng ngày đã khiến nhiều người bức xúc - đó là sự thờ ơ giữa con người và con người, giữa sự sống và cái chết.

Sự việc xảy ra tại đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, khi một thanh niên bị tai nạn nằm bất động trước hàng chục ánh mắt nhìn lạnh lùng mà không một ai xuống giúp. Có những trường hợp còn đi quá đà hơn cả sự vô cảm đó là lợi dụng khi nạn nhân bất tỉnh, lấy đồ đạc, điện thoại, ví tiền, trang sức, mặc cho sự sống chết của người kém may mắn trên đường.

Bạn Ngô Thu Trang (Cầu Diễn, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Thực ra khi nhìn thấy những trường hợp như vậy, tôi cũng muốn giúp nhưng nhiều lúc giúp người ta lại gặp phiền phức vào bản thân, nên đành làm ngơ qua đường.”

Phải chăng, bệnh vô cảm bắt nguồn từ sự ích kỉ, sợ ảnh hưởng đến lợi ích bản thân khiến sự sẻ chia dường như ngày mất đi trong tâm hồn, suy nghĩ của nhiều người Việt Nam.

Một bộ phận các bạn trẻ né tránh tham gia các hoạt động tình nguyện. Trên các chuyến xe bus, các cô cậu học sinh không nhường ghế cho người già và trẻ nhỏ. Trong khi, đó cũng là quy định được viết trên biển mà hành khách trên xe nào cũng dễ dàng đọc được.

Một hình ảnh thương tâm của cụ ông buôn chuối trên đường Nguyễn trãi, Thanh Xuân, Hà Nội được bắt gặp giữa trời mưa phùn gió rét. Cụ mang trên mình chiếc áo mưa mỏng đã rách, loay hoay xếp lại hàng khi bị xe máy của một cậu thanh niên quệt phải quăng ra ngoài. Rất nhiều ảnh mắt ráo hoảnh ngang qua.

Việt Nam hiện là một trong những nước vô cảm nhất thế giới?

Trước đây có một bài viết về căn bệnh vô cảm đã thực sự gây xôn xao dư luận của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9, trường THCS Chu Văn An, Hà Nội.

Dưới con mắt của em học sinh 15 tuổi, căn bệnh vô cảm là bệnh nan y, nó không dừng lại ở một cá nhân mà len lỏi ra cả xã hội. Vô cảm trước hết biểu hiện từ việc thờ ơ với cái đẹp, đó là con đường trực tiếp dẫn đến cái xấu, cái ác.

"Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?", Hoàng Yến bày tỏ trong bài viết.

Sự phát triển của xã hội sẽ không thể bền vững nếu như vẫn còn căn bệnh vô cảm. Việt Nam lọt vào top 13 trong danh sách những quốc gia có chỉ số "vô cảm" cao nhất thế giới đó là điều cần được chú ý từ những nhà chức trách, để sự phát triển của đất nước luôn gắn liền với tính nhân văn của loài người.

Hoàng Hương (Petrotimes)