Bùi Giáng (1926-1998)

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây

(Bùi Giáng: Lẫn lộn lung tung)

Tiểu sử

Cuộc đời của Bùi Giáng được bao phủ bởi nhiều giai thoại ly kỳ, hư hư, thực thực. Nhưng các ấn phẩm để lại cho thấy ông là một nhà thơ hiện đại ngày càng kỳ dị và một dịch giả tài hoa.

Ông sinh ngày 17-12-1926 tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa, đang học thì thế chiến thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung. Rồi Bùi Giáng lên đường đi theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Ông qua Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học bằng cách đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam rồi theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi 2 năm.

Tháng 5-1952, Bùi Giáng ra Huế thi lấy bằng tú tài để có thể vào Sài Gòn theo học ĐH. Nhưng một lần nữa ông lại bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở ĐH Văn khoa. Sau sự cố này, Bùi Giáng không bao giờ đi học nữa.

Rồi Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Những người thân cận cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách.Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm...

Sau đó ông bắt tay vào dịch tác phẩm văn học, giới thiệu tác gia danh tiếng của nước ngoài. Đầu tiên là cuốn Tư tưởng hiện đại in năm 1960, đề cập đến Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Albert Camus, Simone Weil, Paul Claudel, Saint Exupéry, Jean Paul Sartre, André Malraux. Cuốn sách này thể hiện một kiến thức uyên bác của tác giả, tuy Truyện Kiều thứ thiệt, thơ giả Kiều do tác giả sáng tác, thơ Tản Đà, thơ của nhiều nhà thơ khác được đưa vào đây lẫn lộn. Văn thơ ông cũng bắt đầu bông phèng, thí dụ:
"Nhớ hoài ông Nguyễn ông Du
Ông Như ông Tố Điếu Đồ biển Nam".

hoặc: "Cũng may cho ông Nguyễn Du sinh ra ở thế kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông Nguyễn Du không còn chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì". Năm 1963, bộ sách 2 tập dày ngót ngàn trang "Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại" ra đời, vừa uyên thâm vừa lộn xộn. Nhưng Bùi Giáng càng được các nhà xuất bản dễ dàng cho in sách.

Bùi Giáng yêu cũng điên rồ. Trong lòng ông có rất nhiều người đẹp, nhưng hai nữ nghệ sĩ Kim Cương và Marilyn Monroe chiếm một vị trí đặc biệt. Ông nhiều lần xin: "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ." và:

"Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi
Từ đây ta bỏ ngai trời
Thu thời gian đập tơi bời càn khôn
Giữa hư vô nếu em còn
Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta
Úp môi ôm mặt khóc òa
Cồn lê lên miệng là ba bốn lần".

Năm 1969 ông in được nhiều nhất nhưng cũng là năm bị hỏa hoạn thiêu cháy hết toàn bộ sách vở quý hiếm, một số tranh và đặc biệt nhiều bản thảo hoàn chỉnh mà ông rất tâm đắc. Con người hồn nhiên của Bùi Giáng có lẽ không bị sốc vì chuyện này, nhưng sau đó người thân của ông phải đưa ông vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa để chữa trị. Ông đã tự viết về mình như sau:

"Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy".

Năm 1970 ông in Biển Đông xe cát và Mùa thu trong thi ca. Qua năm 1971 ông in Ngày tháng ngao du. Năm 1972 ông in 5 sách: Đường đi trong rừng, Lời cố quận, Lễ hội tháng ba, Con đường ngã ba - Bước đi của tư tưởng. Năm 1973 in Bài ca quần đảo, Hoàng tử Bé. Năm 1974 in Mùi hương xuân sắc. Số sách Bùi Giáng viết hoặc dịch đã được in là khoảng trên dưới 70 cuốn.

Thời đó ông còn làm cả thơ không vần:

"Mùa lụt năm nay anh chèo ghe bắt cá hai con cả thảy bỏ vô nồi nướng đủ hai con một lần ăn hết trong miệng hàm răng em tròn như tiêu ớt no nê thiên thần trời cao té xuống cười như nắc nẻ hai vai lãng đãng mơ hồ như sương pha vào tuyết pha vào suốt trong mùa lụt năm nay giờ này mưa âm u như nguồn mưa như nước lũ xung quanh con người riêng một chỉ duy là một duy nhất mà thôi là em đó hai tay thật trắng đưa lên vòng tròn như càn khôn quay múa người ta bảo rằng thơ dại như lá cây nhành mai nhành mốt nhành hôm nay hôm qua gì cũng được bởi vì em có hai hàm răng ăn một con cá cả thảy hai con còn một bỏ xương xuống chân bàn chân ghế con chó con mèo tranh nhau cắn dữ em vội co bàn chân cười ngất gót tròn đỏ như son đỏ như tuyết đỏ như lá cây mùa xuân nở sen hồ đầm như lệ như bài luận học trò viết không chấm câu thầy giáo bảo rằng phải tập chấm câu và đừng viết lòng thòng như chó bươi gà bới con chồn có đuôi không gọn năm sau không được lên lớp chúng bạn cười phải chui vào trong hang mà sống như con chồn con chim bay trên trời không giống con gấu trong hang con gà rừng vỗ cánh gáy te te miệng em cười cong tròn đẹp hơn nhiều lắm nên trời đương mưa liền lụt thật to lớn ngập hết cả làng thiên hạ ra sông chèo ghe bắt cá bây giờ mỗi người có mỗi con cá suốt đời thiên hạ làm ngư ông mùa lụt mưa rừng mưa rú mưa bụi chuối con gà ướt cánh không gáy te te chạy vào kề nồi cơm lửa ấm em bỏ guốc giép chạy bay ra ngoài lên rừng kiếm củi đốt than hay kiếm cái chi mô rứa ai biết răng mà nói kiếm hay tìm cái nguồn mưa rớt giọt lụt trời thiên hạ ngó lên không thấy mây vì mưa âm u người ta bảo rằng gió bão đầu mùa là ghê gớm lắm em vào ngay kẻo lạnh tới xương đau ốm suốt mùa lấy chi mà cười cho tròn hai môi được nữa mai trời hết lụt mới ăn bắp rang lấy chi mô là thú bữa sau thượng đế kêu anh lại gần hỏi tại mần răng mà con viết thơ hay như thiên thần rứa hỉ anh sẽ thưa rằng anh ăn bắp rang với em ngày đó mưa lụt sau khi ăn hai con cá chèo ghe ướt suốt nửa ngày mà vui quá cười to nên không lạnh bây giờ viết văn hay ấy là tại thiên thần tiên nữ tiên non tiên già tiên trẻ tiên gì cũng viết thua anh nên em bằng lòng chạy vô không đứng ngoài mưa ướt như chuột lột áo quần mưa lụt không phơi ra ngoài nắng em không có quần khô mà thay thì lấy chi mà mặc chẳng lẽ lại lại lại chẳng lẽ lại lại lại là anh nói lắp bắp cà lăm em cười chi to dữ rứa rứa thiên hạ nghe thì chết chùm cả hai đứa một lượt."

(Hạnh phúc, trong tập Mưa Nguồn và Lá Hoa Cồn — có thêm phần "Mưa Nguồn Hoà Âm" xuất bản thàng 9-1973).

Về cuối đời ông thường sống cô đơn và bị cho là mắc bệnh tâm thần quá nặng. Tuy vậy thơ ông viết về điên lại có vẻ rất tỉnh:

Ông điên

Ông điên từ bữa hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm
Thanh thiên về dự hội đàm
Thành thân thiên hạ muôn vàn mai sau
***
Ông điên từ một lần đầu
Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau
Tuyệt mù biển cạn sông sâu
Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ

Dzaách

Nỗi buồn nỗi khổ đời xưa
Nỗi sung sướng đến móc mưa bất ngờ
Đời xưa đất đá đều đờ đẫn điên
Đời này đất đá cằn khô
Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng
Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời
Điên rồi rốt cuộc hỡi ôi
Cũng đành chấm dứt lìa đời hết điên

Sau đây xin dẫn một bài thơ "bình thường" của Bùi Giáng:

KHÔNG ĐỦ GỌI

Mây đứng lại chân trời phủ khói
Dòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
Đất với trời chung một nghĩa vu vơ
***
Chiều thổi đẹp gió về em không nói
Anh không chờ không biết đợi từ bao
Từ xuống mưa không biết tự phương nào
Dòng sông chảy ai người xin níu lại
***
Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi
Những giọt sương là lệ ở trong mây
Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Rằng bể rộng không bến bờ em ạ
***
Anh đợi xuống đêm về đầu phủ tỏa
Mịt mù xanh bù xõa ánh tơ giăng
Cười môi em duyên dáng như chị Hằng
Và lấp lánh mắt là sương trong lệ
***
Anh sẽ hỏi gió đêm về mở hé
Mở muộn màng là một chút mơ hoa
Mở ngàn sau hòai vọng chút phai nhòa
Và mất hút ở cuối trời nín lặng
***
Rồi từ đó về sau mang trái đắng
Bàng hòang đi theo gió thổi thu bay
Anh chờ em không biết tự bao ngày
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi
***
Sầu một thuở đất mòn không tiếng nói
Một ngàn năm trăng giãi tuyết băng buông
Anh gửi đi ngàn sóng cuộn thác nguồn
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi
***
Mùa xuân lại với chim về đã mỏi
Với cá về mây nước cứ lang thang
Anh nằm im nhắm con mắt mơ màng
Mở con mắt cũng mơ màng cỏ lá
***
Hờn phố thị cũng lạc hồn cõi lạ
Sầu phố xanh từ bữa nọ em đi
Tuyết trời Tây có nguôi lãng những gì...