Tản Đà (1889-1939)

Nhà thơ, dịch giả, nhà báo rất nổi tiếng đầu thế kỷ XX như một nhịp cầu nối giữa hai dòng văn học cổ điển và hiện đại của nước ta

TIỂU SỬ

Tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, bút danh Tản Đà. Quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, Sơn Tây (nay thuộc Hà Tây). Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, cha là cử nhân Nguyễn Danh Kế, làm quan đến chức án sát. Mẹ là một nữ sĩ thời danh lấy lẽ quan án sát nên còn gọi là Bà Ba Phủ. Vì thế nên ông thường được gọi là ấm Hiếu.

Thi Hương hai lần 1909 và 1912 không đỗ, chán đường khoa cử Tản Đà quay sang làm thơ, viết kịch, viết báo, xuất bản sách nghiên cứu Phật học, đi dạy, xem bói toán. Ông là người lận đận của thời thế, lại nghèo khó phải vào Nam ra Bắc tìm mọi cách kiếm sống. Nhưng Tản Đà đã gây được tiếng vang trong cả nước, làm cái gạch nối giữa hai nền văn học cổ điển và hiện đại của nước ta. Ông mất ở tuổi 50, khi tài năng đang ở vào độ chín nhất.

TÁC PHẨM

Tác phẩm của ông để lại khá phong phú: Khối tình con I, II; Giấc mộng con I, II; Giấc mộng lớn; Thề non nước; Đài gương kim; Đài gương truyện; Thần tiên; Trần ai tri kỷ; Tản Đà xuân sắc; Tản Đà trùng văn; Quốc sử huấn mông; Lên sáu; Lên tám; Vương Thuý Kiều giải tân truyện; Kinh thi; ĐH (dịch); Liêu trai chí dị (dịch)... Sau đây xin đơn cử một bài thơ.

THỀ NON NƯỚC

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời "Nguyện ước thề non".
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông.
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắng hai gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương.
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước, hãy còn thề xưa.
Non xanh đã biết hay chưa ?
Nước đi ra bể lại mưa vể nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi.
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui,
Nghìn năm giao ước kết đôi.
Non non nước nước, không nguôi lời thề.

THƠ DỊCH

Trong hai năm 1937-38, Tản Đà dịch 75 bài thơ chữ Hán đăng trên báo Ngày nay, với hơn nửa là của Bạch Cư Dị, chứng tỏ có mối ‘‘đồng thanh tương ứng’’ giữa ông và họ Bạch. Đặc biệt Tản Đà dịch nhiều bài về mùa thu: Thu trùng, Tảo thu độc dạ, Thu mộ giao cư hoài, Thu giang tống khách, Thu san, Trung thu nguyệt, v.v.

Thu trùng
Thiết thiết ám song hạ,
Yêu yêu thâm thảo lý.
Thu thiên tư phụ tâm,
Vũ dạ sầu nhân nhĩ.

Bản dịch của Tản Đà:
Tiếng trùng mùa thu
Tiếng đâu dưới vách kêu ran,
Lại trong đám cỏ nghe càng nỉ non.
Trời thu gái nhớ chồng son,
Mưa dầm đêm vắng ai buồn lắng tai.

Thu mộ giao cư thư hoài
Giao cư nhân sự thiểu,
Trú ngọa đối lâm man.
Cùng hạng yếm đa vũ,
Bần gia sầu tảo hàn.
Cát y thu vị hoán,
Thư quyển bịnh nhưng khan.
Nhưộc vấn sinh nhai kế,
Tiền khê nhất điếu can.

Bản dịch của Tản Đà:
Cuối thu, ở miền quê viết tả lòng mình

Ở quê, thưa việc ít người,
Giữa trưa nằm khểnh ngắm coi núi đèo.
Ngõ sâu ngán nỗi mưa nhiều,
Lạnh lùng chi sớm cảnh nghèo thêm lo.
Áo lương còn mặc mùa thu,
Ốm đau sách vẫn đôi pho chẳng rời.
Lấy chi qua sống ngày trời,
Một cần câu để bên ngòi ngồi câu.

Sau đây là một bài thơ Đường của Trương Nhược Hư, kèm theo bản dịch của Tản Đà.
張 若 虛
春 江 花 月 夜
春 江 潮 水 連 海 平
海 上 明 月 共 潮 生
灩 灩 隨 波 千 萬 里
何 處 春 江 無 月 明
江 流 宛 轉 遶 芳 甸
月 照 花 林 皆 似 霰
空 裏 流 霜 不 覺 飛
汀 上 白 沙 看 不 見
江 天 一 色 無 纖 塵
皎 皎 空 中 孤 月 輪
江 畔 何 人 初 見 月
江 月 何 年 初 照 人
人 生 代 代 無 窮 已
江 月 年 年 秖 相 似
不 知 江 月 待 何 人
但 見 長 江 送 流 水
白 雲 一 片 去 悠 悠
青 楓 浦 上 不 勝 愁
誰 家 今 夜 扁 舟 子
何 處 相 思 明 月 樓
可 憐 樓 上 月 徘 徊
應 照 離 人 妝 鏡 臺
玉 戶 簾 中 卷 不 去
擣 衣 砧 上 拂 還 來
此 時 相 望 不 相 聞
願 逐 月 華 流 照 君
鴻 雁 長 飛 光 不 度
魚 龍 潛 躍 水 成 文
昨 夜 閒 潭 夢 落 花
可 憐 春 半 不 還 家
江 水 流 春 去 欲 盡
江 潭 落 月 復 西 斜
斜 月 沈 沈 藏 海 霧
碣 石 瀟 湘 無 限 路
不 知 乘 月 幾 人 歸
落 月 搖 情 滿 江 樹

TRƯƠNG NHƯỢC HƯ

Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ

Xuân giang triều thủy liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh?
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện
Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tản.
Không lý lưu sương bất giác phi,
Đinh thượng bạch sa khan bất kiến
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân?
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên kỳ tương tự.
Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân,
Đãn kiến trường giang tống lưu thủy.
Bạch vân nhất phiến khứ du du,
Thanh phong phố thượng bất thăng sầu,
Thùy gia kim dạ biên chu tử,
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu?
Khả lân lâu thượng nguyệt bồi hồi,
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
hộ liêm trung quyển bất khứ,
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.
Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ
Ngư long tiềm dược thủy thành văn.
Tạc dạ nhàm đàm mộng lạc hoa.
Khả lân xuân bán bất hoàn gia.
Giang thủy lưu xuân khứ dục tận,
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.
Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ.
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy?
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.

Dịch thơ:
Đêm Trăng Hoa Trên Sông Xuân

Sông xuân sáng nước liền ngang bể,
Vầng trăng trong mặt bể lên cao.
Ánh trăng theo sóng đẹp sao!
Sông xuân muôn dặm chỗ nào không trăng?
Dòng sông chảy quanh rừng hoa ngát,
Trăng soi hoa như tán trập trùng.
Sương bay chẳng biết trong không
Trên soi cát trắng nhìn không thấy gì.
Trời in nước một ly không bụi.
Mảnh trăng trong ròi rọi giữa trời.
Thấy trăng thoạt mới là ai?
Trăng sông thoạt mới soi người năm nao?
Người sinh mãi, kiếp nào cho biết,
Nhìn trăng sông năm hệt không sai.
Trăng sông chẳng biết soi ai,
Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi.
Đám mây trắng ngùi ngùi đi mãi,
Rặng phong xanh một dải sông sầu.
Đêm nay ai đó, ai đâu?
Chiếc thuyền để nhớ trên lầu trăng soi.
Trăng thờ thẩn nơi người xa ngóng,
Chốn đài gương tựa bóng thương ai.
Trong rèm cuốn chẳng đi thôi,
Trên bàn đập áo quét rồi lại ngay.
Cùng nghe ngóng lúc nay chẳng thấy,
Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng.
Hồng bay, ánh sáng không màng,
Nước sâu cá quẫy chỉ càng vẩn tăm.
Đêm nọ giấc trong đầm hoa rữa,
Ai xa nhà xuân nửa còn chi!
Nước sông trôi mãi xuân đi,
Trăng tà lặn xuống bên kia cánh đầm.
Vầng trăng lặn êm chìm khói bể,
Đường bao xa non kệ sông Tương.
Về trăng mấy kẻ thừa lương,
Trăng chìm lay bóng đầy hàng cây sông.

TẢN ĐÀ