"Thi tiên" Lý Bạch 李白 (701-762)

Nhà thơ đời Đường, tên tự: Thái Bạch; hiệu: Thanh Liên Cư Sĩ; quê: Thành Kỷ, Lũng Tây (nay là Cam Túc), Trung Quốc. Bộc lộ tài hoa từ thuở nhỏ. Giỏi thơ phú, đọc rộng, biết nhiều. Lý Bạch trải hết đời vua Đường Minh Hoàng (712-756). Từ 25 tuổi, đi lãng du khắp nơi. 42 tuổi được tiến cử vào kinh đô Trường An. Làm việc ở Hàn lâm viện một năm nhưng không được coi trọng, bị dèm pha, hơn một năm sau rời Tràng An. Năm Thiên Bảo thứ ba (744), kết giao với thi sĩ Đỗ Phủ (kém tuổi mình một giáp).

Năm 55 tuổi Lý Bạch giúp em vua là Lý Lân chống An Lộc Sơn. Nhưng vua Túc Tông sợ em thắng sẽ cướp ngôi, sai đại quân tiêu diệt Lý Lân. Lý Bạch bị đầy biệt xứ. Một năm trước khi chết, ông theo Lý Quang dẹp loạn An Lộc Sơn. Giữa đường bị bệnh, mất ở Đương Đồ năm 62 tuổi. Theo Ngụy Hạo, ông chết trong đầm nước. Theo Vương Đĩnh Bảo, Lý Bạch bận áo gấm, nhẩy xuống sông Thái Thạch, ôm trăng mà chết.

Thơ ông thể hiện tinh thần ngạo mạn, miệt thị bọn quyền quý phong kiến và phê phán sâu sắc sự thối nát của nền chính trị đương thời, thông cảm với nỗi cực khổ của nhân dân; lên án các thế lực phiến loạn An Lộc Sơn, ca ngợi cuộc chiến tranh giữ gìn sự thống nhất đất nước. Ông giỏi về miêu tả cảnh sắc thiên nhiên tráng lệ, diễn đạt tình yêu đất nước non sông. Thơ ông hùng tráng, sảng khoái, tưởng tượng phong phú, ngôn ngữ tự nhiên, âm điệu hài hoà biến hoá. Là đỉnh cao mới về thơ ca lãng mạn tích cực sau Khuất Nguyên.

Lý Bạch sáng tác gần hai chục ngàn bài thơ, nay còn lưu truyền khoảng 1800 bài (chưa tới 1/10). Ông cùng với Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị, Lý Bạch tạo thành bộ ba nhà thơ lớn nhất đời Đường, có ảnh hưởng lâu dài tới văn thơ Trung Quốc.

Tác phẩm tiêu biểu

  • Cổ phong
  • Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
  • Tảo phát Bạch Đế hành (Sáng ra đi từ thành Bạch Đế)
  • Tìm đạo sĩ ở Đái Thiên Sơn không gặp
  • Trăng núi Nga Mi
  • Tặng Lý Ung
  • Thư gửi Bùi Trưởng sử
  • Thanh bình điệu
  • Cung trung hành lạc từ
  • Chiến tranh thành Nam
  • Bắc phong hành
  • Hành lộ nan (Đường đi khó)
  • Tương tiến tửu
  • Bài ngâm để lại sau khi mơ chơi núi Thiên Mụ
  • Đinh đô hộ ca (Bài ca Đinh đô hộ)
  • Thu phố ca
  • Quan san nguyệt
  • Ô dạ đề
  • Giang Hạ hành
  • Xuân tứ

Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Phiên âm:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Hướng về phía Tây, bạn cũ giã từ lầu Hoàng Hạc,
Xuôi về Dương Châu giữa tháng ba mùa hoa khói,
Bóng cánh buồm lẻ loi xa xa mất hút vào khoảng không xanh biếc,
Chỉ thấy sông Trường Giang chảy ở lưng trời.

Dịch thơ:

Bạn từ lầu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói, châu Dương xuôi dòng,
Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.

(Bản dịch Ngô Tất Tố. Thơ Đường, tập II, NXB Văn học, Hà Nội 1987)

Hiệp Khách Hành

Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Kiếm ngô câu rực rỡ tuyết sương
Ngân yên bạch mã huy hoàng
Vó câu vun vút như ngàn sao bay.
Cách mười bước giết người chẳng trật
Nghìn dặm xa vùng vẫy mà chi
Việc xong rũ áo ra đi
Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm.
Rảnh lại nhớ Tín Lăng tìm đến
Gươm gác đùi chuốc chén đầy vơi
Này nem, này rượu khuyên mời
Bên thời Châu Hợi, bên thời Hầu Doanh.
Ba chén cạn thân mình xá kể
Năm núi cao xem nhẹ lông hồng
Mắt hoa mặt đã nóng bừng
Khí hùng bay bổng lên từng mây xanh.
Chùy cứu Triệu vung tay khẳng khái
Thành Hàm Đan run rẩy kinh hoàng
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng
Tiếng tăm hiển hách rỡ ràng Đại Lương.
Người dù chết xương còn thơm ngát
Chẳng hổ ngươi đáng mặt anh hào
Kìa ai ẩn náu trên lầu
Chép kinh đến thuở bạc đầu chưa xong.

(Bản dịch Tản Đà)

Thu tịch lữ hoài

Lương phong độ thu hải,
Xuy ngã hương tứ phi.
Liên sơn khứ vô tế,
Lưu thủy hà thời qui.
Mục cực phù vân sắc,
Tâm đoạn minh nguyệt huy.
Phương thảo yết nhu diễm,
Bạch lộ thôi hàn y.
Mộng trường Ngân hán lạc,
Giác bãi thiên tinh hi.
Hàm bi tưởng cựu quốc,
Khấp hạ thùy năng huy ?

Tối mùa thu nhớ nhà

Lạnh lùng gió vượt bể thu,
Hồn quê theo gió như vù vù bay.
Chạy dài dãy núi liền mây,
Nước trôi trôi mãi có ngày về chăng ?
Đám mây vút mắt xa chừng,
Đứt tươm khúc ruột dưới vừng trăng soi.
Cỏ thơm đẹp muớt thôi rồi,
Áo may mặc rét giục người móc sa !
Giấy mơ rơi dải Ngân hà,
Sao thưa lác đác tỉnh ra khắp trời.
Đoái thương nước cũ ngậm ngùi,
Khóc thương giọt lệ lau chùi đố ai ?

(Thơ dịch của Tản Đà)