231

Thiền sư Trí Hải

(1906-1979)

(Vĩnh Nghiêm, 05/12/2006) Thiền sư Trí Hải, thế danh Đoàn Thanh Tảo, sinh năm 1906, nguyên quán xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, xuất thân trong một gia đình Nho giáo, là một thiền sư có nhiều cống hiến trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam.

Trải qua 35 năm, từ lúc phôi thai (1924) của phong trào Chấn hưng Phật giáo đến năm 1958 thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, tuy có những thuận lợi, nhưng cũng gặp nhiều trắc trở khó khăn. Từ lúc đầu xướng lên phong trào Chấn hưng Phật giáo đã có những ý kiến khác nhau:

  • Có ý kiến cho rằng: Chấn hưng Phật giáo là việc viển vông, tình hình hiện nay Phật giáo vẫn hưng thịnh, chùa vẫn làm, tượng vẫn tô, chuông vẫn đúc, khách thập phương kính lễ rất đông đủ bốn mùa…
  • Có vị lại nói coi chừng: Phật cao một thước, ma cao chín tầng, người làm ít kẻ phá thì nhiều.

Khi dịch kinh từ tiếng Hán sang tiếng Việt (Quốc ngữ), có vị lại cho rằng: Tân thời nhố nhăng, tụng kinh bằng Quốc ngữ, đọc sớ Quốc ngữ, Phật có biết đâu mà tụng đọc. Kinh sách đem in Quốc ngữ để cho người dùng vào việc làm giấy bọc hàng hoặc dùng vào việc bậy bạ… Hơn nữa in chữ Quốc ngữ ai cũng đọc được thì ai còn mời các sư tụng kinh làm sớ nữa. Nói chung là bị đả kích rất dữ dội thậm chí đến sư phụ của Thượng toạ Trí Hải cũng nói: “Chú ấy học hành chí khí xem cũng khá, nhưng không khéo cũng sẽ nguy về chú ấy”. Câu này ý nói không khéo sẽ phải vào tù ăn cơm nắm.

Phong trào Phật giáo Chấn hưng lúc đó ví như con cá bơi ngược dòng cố tiến lên, việc khó mới làm của những người có chí lớn, thua keo này bày keo khác.

Qua năm sáu năm, phong trào Phật giáo Chấn hưng không thành lập được Hội. Sau Thượng toạ lại khéo léo dùng tổ chức Hội Liên Xã các Sơn môn từng khu vực, lấy tên hội là: “Lục Hoà Tịnh Lữ”. Đại ý những người trong sạch sống theo tổ chức lục hoà của nhà Phật:
1. Thân Hoà Đồng Trụ: cùng sống chung một nơi
2. Khẩu Hoà vô tránh: nói năng hoà nhã không tranh cãi nhau
3. Ý hoà vô vi: một lòng một dạ không trái ý nhau
4. Kiến hoà đồng giải: hiểu biết thông cảm nhau
5. Giới hoà đồng tu: giữ chung một kỷ luật
6. Lợi hoà đồng quân: có lợi chia đều nhau cùng hưởng

Mục đích: khuyến khích nhau về đường tu học, giúp đỡ nhau khi có công việc cần thiết, như khi có sư trưởng, phụ mẫu mất hoặc những việc hội hè làm chùa, tô tượng, đúc chuông… Về tài chính, mỗi năm đóng năm đồng (tiền Đông Dương) số tiền này để trợ cấp cho các tăng ni sinh đi học.

Ngoài ra, Thượng toạ còn vận động các bậc cao tăng, cư sĩ nhiệt liệt ủng hộ như Hoà thượng Thích Thanh Hanh trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, khi thành lập Hội suy tôn Thuyền gia Pháp Chủ, Hoà thượng Phổ Hải chùa Tế Cát, cư sĩ Nguyễn Hữu Kha con cụ cử nhân Nguyễn Hữu Cầu ở Đông Tác Hà Nội. Về dịch kinh điển nhà Phật, vận động các vị cao tăng, cư sĩ cùng cộng tác như Hoà thượng Thích Thanh Thịnh chùa Bà Đá - Hà Nội, Hoà thượng Trung Hậu, Hoà thượng Bằng Sở, Hoà thượng Thích Thanh Thuyên (Tuệ Tạng - chùa Cồn), Thượng toạ Thái Hoà, nhà sư Vũ Đình Ứng, cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giáp…

Trên cơ sở đó thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ ngày 6-11-1934 do ông Nguyễn Năng Quốc - Tổng đốc chí sĩ ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, Hà Nội - làm Chánh Hội trưởng; xuất bản tuần báo Đuốc Tuệ; kiến thiết lại chùa Quán Sứ; mở trường Tăng học; thỉnh Đại Tạng kinh; cử người đi học nước ngoài.

Năm 1937, Thượng toạ Trí Hải cùng với Thượng toạ Thích Mật Thể (Huế) sang Trung Quốc du học, gặp các sư bên ấy hỏi các vị quê ở nước nào? Thượng toạ Trí Hải trả lời: “Tôi ở nước Việt Nam”, bị các vị ấy hỏi lại: “Việt Nam ở đâu? Là Pháp quốc có phải không? Có vị lại hỏi Việt Nam là Trung Quốc ngày xưa có phải không?”. "Không đúng, đều là không đúng. Nếu Việt Nam là Pháp Quốc hay Trung Quốc sao không gọi là Pháp Quốc – Trung Quốc mà lại gọi là Việt Nam, có chăng ngày xưa bị Trung Quốc đô hộ, ngày nay bị Pháp Quốc xâm lược mà thôi". Thực không có cái nhục nào bằng cái nhục mất nước, đến cái tên nước cũng không ai biết đến. Qua mẩu đối thoại ngắn này chúng ta thấy Thượng toạ Trí Hải có tinh thần tự tôn dân tộc rất cao.

Xưa kia cũng non song đất nước này, ngày nay cũng vẫn đất nước non sông này. Ngày nay có thể nói khắp thế giới loài người nói đến hai chữ Việt Nam không ai là không biết tới; không ai là người không ca ngợi là một đất nước anh hùng đúng như lời Hồ Chủ Tịch nói: “Đất nước Việt Nam là đất nước anh hùng, dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng”…

Nói riêng về giới Phật giáo chính là những người theo tôn chỉ giáo lý của Phật dạy là: “Tinh thần vô uý, đại dũng mãnh, đại tinh tiến, đại hùng, đại lực, đại từ bi”.

Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo có nhiều yếu nhân xuất gia hoặc tại gia góp công của góp trí thức. Thượng toạ Trí Hải là một tấm gương xán lạn đáng trân trọng. Thượng toạ đã có nhiều tác phẩm, nhiều bài báo, nhiều bản dịch kinh, nhiều buổi thuyết pháp, đặc biệt có trên 30 tác phẩm có giá trị.

Thí dụ như cuốn Phật giáo Việt Nam, với nội dung: Chỉnh lý - Văn răn chớ giết hại.
- Vấn đề chùa cảnh… - Tinh thần giáo lý… Trong chương nói về “Văn răn chớ giết hại”, là vấn đề rất quan trọng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, chính trong giới Phật giáo cũng có vị bàn nên bớt giới (sát sinh) này đi, nếu để thì làm giảm tinh thần giết giặc cứu nước, mới nghe thấy cũng có một số người cho là hợp lý, nếu suy cho cùng, xét cho kỹ thì khác hẳn, bởi tôn chỉ của Phật là từ bi, hỉ xả, cứu nhân độ thế, lấy từ bi làm gốc rễ, lấy phương tiện làm cứu cánh. Đối với trường hợp nếu cần phải giết thì vẫn làm được. Chính trong kinh Lục Độ cũng chép một chuyện: Đời trước Đức Thích Ca còn tại gia làm người đi buôn, bấy giờ gặp một tên giặc là người quen biết, hôm ấy bọn chúng đã bàn nhau sẽ giết chết bọn lái buôn của Ngài để cướp của, tên giặc kia nói với Ngài là: vì tôi với Ngài là chỗ quen biết, tôi không muốn để Ngài bị hại. Nên Ngài tìm cách tránh đi khỏi khu vực này trong đêm nay”. Bấy giờ Ngài tự nghĩ: Nếu ta trốn đi chỉ riêng mình ta thoát nạn, còn các bạn ta đều bị chết, mà để bọn giặc sống chúng cứ tiếp tục làm giặc mãi thì chúng sẽ mắc tội đời đời. Chi bằng ta giết chúng (bọn giặc) để cứu cho chúng bớt gây tội ác đỡ bị khổ. Nghĩ xong, Ngài giết ngay tên giặc kia, chúng bạn đều thoát nạn. Như thế là không những ngài chỉ cứu được bạn mà còn cứu cho cả bọn giặc kia từ đấy không còn gây tội ác với những người sau này, trong khi giết Ngài còn nghĩ rằng nay ta nhận lấy tội giết người về ta, để ta chịu tội thay cho bọn giặc kia.

Lại trong kinh Đại Phương Tiện Báo Ân cũng chép một chuyện: Có một hôm đức Phật đi qua một khu rừng nghe đồn trong đó có bọn giặc rất đông. Chúng thường đón đường giết người, cướp của. Ngài liền dùng phép thần thông hoá thành một người sức lực oai vệ, ăn mặc tề chỉnh, mình đeo mang rất nhiều vàng ngọc châu báu, tay cầm cung tên, cưỡi trên mình ngựa, ung dung đi vào khu đó. Bọn kia trông thấy rất lấy làm mừng rỡ, chúng bảo nhau ta làm giặc đã lâu, mà chưa từng thấy người nào như thế kia. Nếu ta giết người kia đi, thì của ấy lấy về chia cho nhau tiêu đến bẩy đời không hết. Bàn xong chúng xô nhau kéo ra bao vây chung quanh Ngài. Ngài liền dương cung bắn, mỗi lần bắn ra rất nhiều tên, cả bọn đều trúng tên rất đau đớn vô cùng mà không có cách nào tháo tên ra được, chúng kêu la thảm khốc vang động cả khu rừng, cầu xin Ngài cứu chữa và xin được quy y Ngài. Bấy giờ Ngài liền giảng đạo cho nghe, khuyên chúng bỏ ác làm lành, chúng đều nhất tâm quy y. Ngài liền dùng phép thần thông nhẹ nhàng rút hết các mũi tên ra cho chúng, thân thể chúng trở lại khoẻ mạnh bình thường.

Qua hai mẩu chuyện trên thấy rằng, việc đánh giặc và giết giặc là Phật dùng phương tiện “giết quỷ cứu chúng sinh”, không phải đánh giết để cầu lợi cho riêng mình.

Ở nước ta các vua triều Lý, Trần có nhiều vị xuất gia, khi còn tại gia rất tín mộ đạo Phật, nhưng các vị đều lãnh đạo nhân dân đánh giặc cứu nước xong lại đi tu. Như thế có gì là trái với đạo và đời đâu.

Trong chương nói về chùa cảnh: Thượng toạ dẫn lịch sử Phật giáo thời Lý Trần: “Chùa là nơi trung tâm văn hoá là trường học. Trong đó có chép những thời kỳ này, dân đi xuất gia tới quá nửa, như trên đã nói đi tu là đi học, vì bấy giờ trường công chưa có mấy mà chỉ có vào chùa mới có trường học, các sư mới là thầy giáo. Vậy những người đi tu là đi học, vào chùa được học được ăn ngay trong chùa. Trong thời gian tu học xong lại trở ra làm việc xã hội như mọi người, có thể nói chùa vừa là trường học cũng là ký túc xá cho học sinh, toàn thể học sinh đến học không phải đóng học phí lại cũng không phải đóng tiền ăn, như vậy học sinh, sinh viên trong cả nước đều hưởng học bổng 100%. Một nước như thế có thể gọi là nước văn minh tiến bộ theo với thời đại ấy. Trong số người xuất gia lúc ấy tất có những vị xuất sắc làm nên những kỳ tích phục vụ nhân dân gây được tinh thần độc lập tự cường, chưa nói đến việc chống ngoại xâm bảo vệ nhân dân, giữ gìn sức khoẻ cho dân bảo vệ đất nước, như sự cụ Tuệ Tĩnh mồ côi cha mẹ vào chùa tu học từ năm sáu tuổi, sau trở thành một vị thánh dược chữa thuốc nam cho nhân dân danh tiếng còn lưu đến đời nay.

Về sinh hoạt cá nhân, Người sống rất giản dị giữ tràng trai (chuyên ăn chay) theo phép điều hoà âm dương của giáo sư CHSAVA người Nhật Bản, chính giáo sư đã đi khắp bốn biển năm châu chữa khỏi cho hang nghìn hang vạn bệnh nhân. Thượng toạ Trí Hải bị bệnh đau dạ dầy, cao huyết áp theo sự chỉ dẫn của giáo sư ăn gạo lứt muối vừng với vài thứ rau, sau hai tuần đã khỏi bệnh và cứ thế tiếp tục ăn chay.

Những năm 40 thế kỷ XX, tôi được gặp và đi theo Thượng toạ, thấy Người thường dùng xe đạp (Te-rô) cũ của Pháp đằng sau là một cái hộp nhỏ để sách vở hoặc vài thứ sinh hoạt cần thiết, thế mà Người đi khắp xứ Bắc Nam để hoằng pháp, tăng ni và tín đồ rất thán phục cách sinh hoạt của Người.

Một điều đặc biệt là Người rất quan tâm đến việc cứu tế. Tháng giêng năm 1945 nạn đói ngày càng khủng khiếp trầm trọng, Thượng toạ được Hội Phật giáo cử làm Tổng Đại diện tham gia Tổng Hội Cứu Tế. Trung tuần tháng 02 năm 1945, Người về Nam Định, trên đường đi gặp nhiều người bị đói nằm quằn quại vào nhiều người đã chết. Về tới chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định một nơi danh tiếng mà chỉ làm được một việc nhỏ cứu đói bằng cách nấu cháo phát chẩn cầm hơi. Người bàn với Thượng toạ Phạm Thế Long đến gặp tổng đốc Nam Định là ông Từ Bội Thục để mua gạo cứu đói, rồi lại lên Lạng Sơn biên giới mua được trăm tạ gạo chở trên xe lửa, bị hiến binh Nhật Bản bắt giam hang tuần tra hỏi rất khốn khổ, vì chúng nghi số gạo trên xe lửa là của chúng bị mất. Sau Người phải nhờ một vị sư người Nhật Bản can thiệp chúng mới tha cho về.

Trong chiến tranh, lúc tản cư về hậu phương, Người tổ chức một số trại trẻ để cứu các em mồ côi, thế mà cũng có người không ủng hộ, lần đi đến các chùa nói với các nhà sư là đừng ủng hộ Viện Cô Nhi (cứu trẻ) cứ để cho thầy trò Trí Hải chết. Nhưng Người cùng với cư sĩ Thiều Chửu vẫn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tổ chức cứu được gần trăm trẻ em khỏi chết đói và ăn học nên người.

Ngoài việc hoạt động từ thiện Người lại có biệt tài về hoạt động tài chính, như vận động khuyến khích các nhà hảo tâm, các công hội các vị có chức sắc giàu có phát tâm ủng hộ xây dựng chùa cảnh như khi nhập tự xây dựng chùa Quán Sứ , và chùa Phật giáo Hải Phòng, chùa Đông Kết - Hưng Yên, trường học Vạn Hạnh (Hàm Long, Hà Nội), mở các trường Tăng học, các trại Cô Nhi ở các địa phương… Thế mà cũng có người viết ca châm biếm: “Thuyết pháp Tố Liên, làm tiền Trí Hải”, nhưng nhiều người lại nói rằng nếu không có tài ngoại giao về tài chính như Thượng toạ Trí Hải thì lấy đâu ra tiền để xây dựng nhưng di tích Phật giáo hiện nay.

Một điều rất đáng thán phục là tài ứng xử của Người rất tài tình, với mọi chế độ chính trị, mọi nhà cầm quyền để làm việc đạo, với Người: “Thiền môn là bất biến” không xu thời, không bị động, không ham địa vị danh vọng, chấp hành mọi pháp luật của các nhà cầm quyền ở địa phương cũng như trung ương, từ một việc rất nhỏ như ở đâu phải đăng ký tạm trú tạm vắng, đến đâu phải khai báo Người chấp hành rất nghiêm chỉnh, vô tư không ngại khó, ngại phiền. Có lẽ với tác phong đó mà Người trụ trì được lâu dài ở bất cứ nơi đâu, cũng làm tròn nhiệm vụ phục vụ Thiền môn, nhưng người quản lý phần đời của Người không ai dám trách cứ. Tóm lại, Người sống rất thanh bạch, giản dị, khiêm tôn, không có một tì vết gì mà ngoài đời bình phẩm…

Thượng toạ Trí Hải xuất gia năm 17 tuổi, qua hai năm tu học đã nhận thấy tinh thần Phật giáo rất thiết thực mang lại lợi ích cho chúng sinh trong đời hiện tại và tương lai. Ngay trong bài phát nguyện về khoá lễ buổi sáng đã có câu: “Gặp lúc người đời bị đau ốm nặng, nguyện hoá ra thuốc men để cứu chữa, khi nhân dân bị đói thiếu, nguyện hoá ra lúa gạo để giúp đỡ”.

Chỉ hai câu này thôi đã hàm ý nói lên tinh thần “cứu khổ cứu nạn” của nhà Phật. Đây cũng là phương châm cách sống suốt đời tu hành của Thượng toạ Trí Hải.

Những buổi Thượng toạ thuyết Pháp về “Tứ Ân”, những buổi bình thơ Thiền, như bài Quốc Tộ của Thiền sư Pháp Thuận khuyên nhủ vua Lê Đại Hành cách thức xây dựng đất nước theo đường lối “Vô vi” , dập tắt được nạn binh đao, phải dùng lòng yêu thương, đức hi sinh theo tinh thần Phật giáo thì mới dập tắt được đao binh.

Quốc Tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô - vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh

* * *

(Vận nước rất bền vững,
Trời Nam mở thái bình.
Vô - vi trên điện gác,
Chốn chốn dứt đao binh)

Bài thơ Quốc Tộ này có trước bài Nam Quốc Sơn Hà và bài Phạt Tống Lộ Bố của Lý Thường Kiết: Hai bài thơ cách nhau gần một thế kỷ (990-1075).

Hoặc những buổi nói chuyện về lịch sử Trúc Lâm Tam Tổ, Thượng toạ nhắc lại chuyện:

Hỏi sư ở đâu? Rằng Vua Nam Định
Hỏi tiểu ở đâu? rằng trạng Bắc Ninh.

(Vua Trần Nhân Tông quê làng Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, khi đi tu lên
bậc Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài Huyền Quang quê ở Vạn Ty, Bắc Ninh đỗ trạng nguyên rồi mới đi tu.)

Cách thuyết giảng của Thượng toạ có sức thuyết phục hấp dẫn dễ nghe, dễ hiểu, gây cảm xúc sâu sắc, đúng là một nhà mô phạm về hoằng dương Phật pháp.

Thay lời kết:

TRÍ HẢI THIỀN SƯ
Trí thức viên thông, đạo pháp thông,
Hải tâm như Hải vãn Tây Đông.
Thiền môn bất biến Thiền sinh tuệ,
Sư thuyết Chân Như, địa Lạc Hồng.

(Trí thông đạo pháp viên thông,
Hải là tâm Phật mênh mông biển trời.
Thiền môn bất biến khôn vơi,
Sư người đất Việt thuyết lời Chân Như)

(Cư sỹ Đinh Thế Hinh, tham luận Hội thảo "Sa môn Trí Hải và Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Việt Nam")

THAM KHẢO TIỂU SỬ

Hòa thượng Thích Trí Hải thế danh là Đoàn Thanh Tảo, sinh năm Bính Ngọ (1906) tại làng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà. Xuất thân trong một gia đình chuyên làm ruộng và dệt vải. Thân phụ là Đoàn Văn Đích tự Phúc Thực, thân mẫu là Nguyễn Thị Tuất hiệu Diệu Mậu. Hòa thượng là con trưởng, dưới Ngài còn có 2 người em gái.

Năm 12 tuổi, Hòa thượng được gia đình cho theo học tại chùa làng 5 năm. Do đó, trở thành mến đạo và có ý định xuất gia. Đến năm 17 tuổi, được cha mẹ cho phép và qua sự hướng dẫn, giới thiệu của sư cụ Thanh Dương, Hòa thượng chính thức xuất gia nhập đạo dưới sự dạy dỗ trực tiếp của Tôn sư Thích Thông Dũng tại chùa Mai Xá huyện Lý Nhân tỉnh Nam Hà. Với tư chất thông minh và tính cần cù, hiếu học, Hòa thượng tiếp thu nhanh chóng giáo lý và các nghi thức tụng niệm, cho nên chẳng bao lâu sau khi xuất gia Hòa thượng đã được thụ giới Sa di.

Với tinh thần hòa hợp và sách tiến trong tăng chúng, năm 19 tuổi Hòa thượng đã cùng một số tăng ni trẻ thành lập Đoàn thanh niên Tăng lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ.

Năm 20 tuổi, Hòa thượng thụ giới Tỷ khiêu, sau đó tiếp tục đi học và kết hạ trong suốt 5 năm.

Đến năm 20 tuổi, Hòa thượng bắt đầu ra trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, Nam Hà. Sau đó một năm lại trở về trông coi chùa Mai Xá vì Tôn sư của Hòa thượng viên tịch.

Năm 1932, Hòa thượng đã cùng với các vị Tăng sĩ và cư sĩ Phật tử thành lập Ban Phật học Tùng thư để nghiên cứu phiên dịch và ấn hành các kinh sách với mục đích phổ độ giáo lý cho các hàng Phật tử.

Đến năm 1934, với tinh thần trách nhiệm đối với Phật pháp đương thời, nhận thấy cần phải phục hưng chấn chỉnh và phát triển sâu rộng Phật giáo trên toàn Bắc Việt, nên Hòa thượng đã cộng tác chặt chẽ với các tăng ni, phật tử có đạo tâm và uy tín để tiếp nhận chùa Quán Sứ Hà Nội làm trụ sở trung ương và chính thức thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ làm cơ sở pháp lý cho việc phục vụ chính pháp. Bởi vậy, lịch sử Phật giáo Việt Nam viết thêm một trang tươi sáng.

Năm 1935, để truyền bá giáo lý, gây ý thức về chủ trương chân chính của Hội trong việc tương trợ lẫn nhau khi hoạn nạn lúc đau yếu hay lâm chung, trong việc hệ thống hóa và đoàn thể các hàng Phật tử, tăng ni cùng cư sĩ, Hòa thượng cùng với bản hội đã cố gắng xuất bản tờ tuần báo “Đuốc Tuệ” và lập nhà in Đuốc Tuệ là tiền thân của bán nguyệt tập san Diệu âm và Phương Tiện sau này. Ngoài ra Hòa thượng còn chủ trương xuất bản một tờ nhật báo Tân tiến.

Năm 1936, Hòa thượng nhận thấy chùa Quán Sứ cũ không đủ đáp ứng những nhu cầu cần thiết như : Nghi lễ, Hội họp, diễn giảng và tiếp tân, bởi lẽ, sau khi được thành lập, chẳng những các phật tử trong nước tới chiêm bái mỗi ngày một đông đảo mà còn có các du khách ngoại quốc thường lui tới. Vì thế, Hòa thượng đã đứng ra đại diện tái thiết toàn bộ ngôi chùa này trên một quy mô kiểu mới.

Việc này đã khởi công đặt chân móng vào ngày mồng 8 tháng tư năm Bính Tý (1936). Đồng thời tổ chức Đại lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hanh (Vĩnh Nghiêm) lên ngôi Thiền gia Pháp chủ, và lập trường Tăng học đặt tại chùa Bồ đề, bên cầu Long Biên, Gia Lâm Hà Nội. Ngoài ra Hòa thượng còn tích cực vận động được 50 mẫu ruộng để giải quyết vấn đề kinh tế căn bản cho các tăng sinh yên tâm tu học.

Vào năm 1937 – 1938, Hòa thượng đã sang Trung Hoa 11 tháng để tham khảo Tam tạng kinh điển, thăm viếng các cơ sở Phật giáo, tiếp xúc với những nhà lãnh đạo lớn của Phật giáo Trung Hoa như Thái Hư Đại sư, Thiện Nhân pháp sư… và thu lượm những kinh nghiệm cũng như phương pháp tổ chức chỉ đạo. Cuối năm 1938, Hòa thượng lại sang Lào, Thái Lan lập các chi hội Phật giáo Việt kiều Hải ngoại và đặt quan hệ Phật sự với các đoàn thể Phật giáo của hai nước.

Năm 1941 – 1942, nhằm dạy dỗ thanh thiếu niên và tạo một nơi an nghỉ cuối cùng cho các Hội viên quá cố, Hòa thượng đã ủy thác cho đạo hữu Nguyễn Hữu Kha, tức Thiều Chửu lập trường học Phổ Quang, và nghĩa trang Tế độ. Cả hai cơ sở này đều tọa lạc trong vùng ngoại ô Hà Nội. Một trường Ni học cũng được khai giảng tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm Hà Nội. Trường Tăng học trước cũng đặt tại chùa này, tăng chúng mỗi ngày một đông, do đó phải chia ra và di chuyển tới chùa Cao Phong, Phúc Yên do Hòa thượng Tuệ Tạng hướng dẫn, tới chùa Côn Sơn, Hải Dương do Hòa thượng Tố Liên giảng dạy, tới chùa Hải Dương do Hòa thượng Thái Hòa đào luyện. Cả bốn ngôi chùa trên đều thuộc của Hội, và dưới quyền giám hộ trực tiếp của Hội.

Năm 1945 – 1946, một nạn đói kém lan truyền khắp Bắc Việt, tiếp theo một biến cố lịch sử đã đưa đất nước Việt Nam sang một vận hội mới đầy vinh quang : Đó là cuộc cách mạng giành độc lập thắng lợi của toàn dân, do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lãnh đạo, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thể hiện lòng từ bi cứu khổ và góp phần vào việc xây dựng xã hội mới, Hòa thượng đã cùng với Hòa thượng Tố Liên và cư sĩ Triều Chửu thành lập tổng hội Cứu tế tại chùa Quán Sứ Hà Nội để giúp đỡ tiền gạo cho những người đói khổ, dựng một cô nhi viện nuôi hơn 200 trẻ em thất lạc bơ vơ không nơi nương tựa, không may cuối năm 1946, chiến tranh lại bùng nổ trên toàn quốc, số phận các cô nhi viện cực kỳ bấp bênh và các phật sự phải tạm dừng. Hòa thượng đã đưa một phần các em về chùa Mai Xá, Nam Hà và dạy cho chúng làm nghề thủ công như đan mũ cối, xe đay, kéo sợi và dệt chiếu để tự túc. Còn các em khác thì được đạo hữu Thiều Chửu dẫn lên Phúc Yên sinh sống.

Năm 1950, Hòa thượng đã thỉnh được toàn bộ Tân tu Đại chính Đại tạng từ Nhật Bản để bổ sung vào thư viện Phật giáo tại chùa Quán Sứ. Vấn đề thỉnh Đại tạng kinh này đã được lưu ý từ khi Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập. Song song với việc này, Hòa thượng Tố Liên đã đi tham dự Đại hội thành lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới họp tại thủ đô Tích Lan (Sri-lan-ca).

Năm 1951, để thích ứng kịp thời với phong trào Phật giáo thế giới đang phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Úc… 6 hệ phái Phật giáo của Bắc, Trung, Nam đã họp tại chùa Từ Đàm (Huế), thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam và cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ và Hòa thượng Trí Hải làm đệ nhất phó hội chủ.

Năm 1952, theo nhịp bước tiến chung của Phật giáo trong nước và nước ngoài, Giáo hội Tăng Già Việt Nam được thành lập tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, cũng nằm trong tinh thần và hoạt động thống nhất toàn quốc. Đại hội suy tôn Đại lão Hòa thượng Tuệ Tạng (Thích Thanh Thuyền) lên ngôi Thượng thủ, và bầu Ngài làm trị sự trưởng.

Năm 1953, với mục đích đào tạo tăng tài và trao đổi văn hóa Phật giáo với các nước trong tổ chức Phật giáo Thế giới, Hòa thượng cùng với các quý Hòa thượng khác, dưới danh nghĩa Tổng hội và Giáo hội đề cử một số quý thầy như : Thanh Kiểm, Tâm Giác, Phúc Tuệ, Thiên Ân, Trí Không, Minh Châu, Huyền Dung… sang du học tại Ấn Độ, Tích Lan (Sri-lan-ca) và Nhật Bản.

Và cùng trong năm này, Hòa thượng đứng ra xây dựng trường trung – tiểu học Vạn Hạnh trong khuôn viên chùa Hàm Long Hà Nội. Tuy nhiên, trong chùa Quán Sứ bấy giờ cũng đã có trường tiểu học Khuông Việt, cả hai trường đều dạy theo chương trình thế gian.

Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Hòa thượng đã vận động xây chùa Phật giáo Hải Phòng, trong 3 tháng hoàn thành.

Năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ra đời với đường lối mới tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Hòa thượng cũng hòa mình tham dự với chư Tăng, nhưng vì tuổi cao sức yếu cho nên Hòa thượng không giữ một chức vụ nào. Tuy nhiên tại chùa Phật giáo Hải Phòng, Hòa thượng vẫn cố gắng hướng dẫn Phật tử, sáng tác và phiên dịch nhiều tác phẩm. Trước sau về văn học Phật giáo, Hòa thượng đã hoàn thành được 27 cuốn :
• Nhập Phật Nghi tắc
• Nghi thức tụng niệm
• Khôn sống
• Gia đình giáo dục
• Truyện Phật Thích Ca
• Phật học ngụ ngôn
• Lời vàng
• Kinh Thập thiện
• Kinh kiến chính
• Phật học phổ thông
• Phật học vấn đáp
• Đồng Nữ La Hán
• Cái hại Vàng Mã
• Phật hóa tiểu thuyết
• Kinh lục độ tập
• Tâm chúng sinh
• Thanh gươm trí tuệ
• Luận Quán Tâm
• Phẩm Quán Tâm
• Khóa Hư lục
• Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
• Nhân gian Phật giáo Đại cương
• Nghi thức Tam quy
• Duy Ma Cật và Viên Giác
• Các văn sớ
• Nghĩa khoa cúng chúc thực
• Phật giáo triết học
• Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1979, sau khi Tổ quốc thống nhất được 4 năm, Hòa thượng vào tham quan miền Nam, tại TP Hồ Chí Minh trong 3 tuần, được toàn thể Tăng Ni, Phật tử đón tiếp nhiệt liệt và kính mến. Khi trở về miền Bắc được ít hôm, Hòa thượng lâm bệnh và thị tịch nhẹ nhàng, nhằm ngày 07 tháng 6 năm Kỷ Mùi (30.6.1979) tại chùa Phật giáo Hải Phòng.

Hòa thượng trụ thế 74 tuổi, hoằng đạo 57 năm.

Tóm lại: Cố Hòa thượng Thích Trí Hải là một trong những bậc cao tăng của lịch sử Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng vẫn sống mãi trong lòng Tăng Ni Phật tử hiện tại cũng như tương lai.

(Bản tiểu sử này do Tổ Đình Vĩnh Nghiêm biên soạn và được đọc trong một buổi phát tang tưởng niệm Tổ tại chùa Vĩnh Nghiêm năm 1979)