Thói quen đọc

Người Việt mình không có thói quen đọc sách, chỉ thích đọc báo. Đọc báo dễ, lớt phớt. Trong khi đọc sách là một quá trình nghĩ cùng tác phẩm, một kiểu sáng tạo cho riêng mình, động não thật sự.

Trong phòng chờ máy bay, tôi ghi chép chính xác như sau (hơi dài dòng, vì sân bay lúc nào mà chẳng đông người):

3 người Việt đọc báo (Công an, Bóng đá, Thể thao Ngày nay),

1 người Việt đọc tờ chương trình khuyến mãi của Hàng Không Việt Nam (vốn phát miễn phí ở quầy làm thủ tục),

1 phụ nữ Pháp (ngồi bên) đọc Lonely Planet,

1 phụ nữ Nhật đọc quyển sách dày, toàn chữ.

Phần còn lại, khách Việt, hoặc mắt thẫn thờ, hoặc cắm cúi mân mê chiếc điện thoại di động (giá mà lúc này nó reng cho một tiếng!).

Trên máy bay tình hình còn bi đát hơn: Với người Việt, nếu đọc, 100% là báo. Trong khi người nước ngoài đa số đọc sách.

Người Việt mình không có thói quen đọc sách, chỉ thích đọc báo. Đọc báo dễ, lớt phớt. Trong khi đọc sách là một quá trình nghĩ cùng tác phẩm, một kiểu sáng tạo cho riêng mình, động não thật sự.

Đó là thứ kỹ năng phải được rèn luyện ngay từ thuở cắp sách đến trường, nhưng chúng ta đã không làm được. Kiểu giáo dục giáo điều mấy chục năm qua đã đóng khung bao nhiêu thế hệ vào một lối tư duy khuôn mẫu. Mà văn học không chỉ cần người viết bay bổng, nó cần cả những người đọc có khả năng cùng bay bổng.

Giờ thì cả người đọc, lẫn người viết, đang cùng bay là là.

Không có những thế hệ người đọc “chuyên nghiệp” thì xã hội không có một nền văn hóa đọc sâu rộng. Từ bé đến lớn, thẩm mỹ người đọc được nhào nặn quanh một thứ văn chương cơ bản người tốt việc tốt, có gì nói nấy, chân chỉ hạt bột. Đến khi ô kìa Kafka, ô kìa Kundera, thì có tuổi rồi, có bao nhiêu thứ khác phải lo rồi.

Đất đai thế nào, cây cối thế ấy. Người viết nào xuất thân ban đầu cũng chỉ là một người đọc. Đọc biết được chừng nào, thì nghĩ được từng ấy. Nghĩ được chừng nào, thì viết được từng ấy. Thế nên, với cái nền công chúng đọc sách mà ta đang có, thì mọi người quả đã hao phí thời gian lo lắng tìm thuốc cho sự ốm yếu của văn chương nước nhà hiện nay.

Không phải lỗi nhà văn, họ cũng đã tận dụng hết vốn rồi. Cũng không phải lỗi Hội Nhà văn (HNV), như một ban huấn luyện, làm sao cho ra một đội bóng giỏi với cầu thủ ọp ẹp như thế. Nguyên nhân chính là từ thuở xa xưa, không biết ăn uống (món tinh thần) gì mà cả một thế hệ thanh niên lớn lên thiếu chất, trong khi cầu thủ nơi khác đá bằng óc tư duy chiến thuật thì cầu thủ mình chỉ biết tủn mủn với kỹ thuật cá nhân.

Người viết VN làm nghề chỉ nhờ năng khiếu, thứ thật khó đo lường để lạc quan, lại được định hướng kỹ càng để chuyên chú phục vụ người khác hơn là cho sự tồn vong của chính mình, thì đến già chỉ cùng với bạn đọc bay là là là hợp lẽ.

Thế nên tôi thắc mắc việc nhiều người nói nhà văn nay viết không hay. Thế nào là hay? Người đọc người viết đang ngồi trên cùng một thuyền, dùng chung một thước đo thẩm mỹ. Cái thước ấy dài ngắn ra sao ai chỉ cho biết. Ai thẩm định được cái hay với cái hệ thẩm mỹ xơ cứng ngay từ khi còn trẻ ấy? Thử dạo xem trang văn nghệ cuối tuần trên các báo, các bài điểm sách… sẽ thấy ngay rằng, với khả năng đọc hiện nay của nhà văn, nhà thơ, biên tập, người đọc (nói chung là tất cả), ta chỉ nên bàn đến chữ hợp (gu) nhau thôi.

HNV, gồm những con người ấy, cùng chung nền tảng kiến thức ấy, cùng kiểu tư duy ấy, thì làm được gì?

Nên xem HNV là một tổ chức xã hội, như Hội Cựu chiến binh, hay Quỹ chăm lo người nghèo gì đó mà dạo này tôi thấy hoạt động rất hiệu quả. HNV phát báo miễn phí hàng tuần cho hội viên, ai qua đời cũng có bài to bài nhỏ nhắc nhở một lần trước khi chìm vào quên lãng, rồi 5 năm một lần các nhà văn được mời họp ở Thủ đô, nói chung đó đều là những điều hay cả. Có dịp vui thế là tốt. Còn tiền ấy là tiền dân hay tiền gì gì, nếu Nhà nước vẫn cương quyết cho, cứ nhận, không nên bàn thêm. Không nhận, lỡ nó lại chạy qua kiểu đầu tư hoang phí khác (khai quật hè phố chẳng hạn) thì có phải phí phạm hơn nhiều không.

Nhưng với tư cách một tổ chức nghề nghiệp thì không ổn. Hội này không giúp gì nhiều trong thúc đẩy nhà văn sáng tác (vốn là chuyện riêng mỗi người), mà còn khiến người ta nghi ngờ về khả năng thẩm định văn chương của mình. Xem các giải thưởng hàng năm cũng như chất lượng những tờ báo chuyên ngành, tờ Văn nghệ chẳng hạn, người đọc có lý do để thất vọng nhiều hơn sau mỗi 5 năm đến kỳ Đại hội.

Hội và các sản phẩm của Hội (giải thưởng, báo…) có thể là một cái gì đó, nhưng chắc chắn không thể đại diện cho tất cả.

HNV có thể vô địch về khả năng chăm lo cho số lượng gần ngàn hội viên của mình, nhưng lại không đóng vai trò gì lớn trong những chuyển biến của văn học nước nhà, khi rất nhiều hội viên mệt mỏi, mất hết lửa lao động nhà văn, trong khi cuộc sống cuồn cuộn bên ngoài hiện diện rất nhiều người viết sung sức không là hội viên của mình. HNV cũng sẽ phải biết xấu hổ khi những tờ báo chính thống của Hội chỉ bộc lộ sự già nua, cũ kỹ ngay cả khi so với báo của thời các cụ tiền bối.

Với vốn liếng người viết hiện nay, để cải thiện tình hình được chừng nào hay chừng ấy, cần có một cú hích sáng tạo hay một cơ chế gì đó mang tính cạnh tranh, mỗi người viết tự quyết định lấy danh hiệu nhà văn qua lao động của mình chứ không chỉ bằng danh xưng hội viên.

Một giải văn chương (không nhất thiết hàng năm) chung cho những nhà văn viết tiếng Việt trên toàn thế giới chăng? Một giải làm đối trọng với HNV để mọi người viết chân chính trong-ngoài đều được bình đẳng.

Cần nhất là xây dựng được uy tín của giải. Khác với hằng hà sa số giải lâu nay vẫn nằm trong tay một ít quan văn hành chánh suốt ngày ngồi bàn giấy cơ quan, tỉ mẩn với lối chấm điểm cán bộ cũ kỹ, có thể đó là một kiểu Oscar văn chương, do nhiều người biết đọc, chịu đọc, ở mọi nơi bầu chọn, những người còn có đam mê muốn đọc văn người khác chứ không chỉ văn mình và những văn quen biết luẩn quẩn quanh mình.

*

Đó là chuyện người viết, phần ngọn. Còn phần gốc, người đọc, xét cho cùng không còn thuộc về chuyện văn chương nữa rồi.

(theo Thể thao văn hóa)