"Thống kê giá cả vĩ mô của Nhà nước phải xem lại"!

Ông Vũ Vinh Phú, Uỷ viên Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định: ..." Vào dịp tết thì giá cả có tăng lên một chút, nó rơi vào con gà, cân thịt thăn, nải chuối xanh thôi chứ không lên nhiều. Mức tăng khoảng 2-5% thôi. Cái chính là mặt bằng giá cao nên người dân sẽ mua không được nhiều hàng hoá"...

Mặt bằng giá mới đã hình thành

— Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về tình hình giá cả trong thời gian gần đây, khi liên tục có nhiều mặt hàng "bứt phá" quá cao?

Hiện nay, các mặt hàng thiết yếu từ 2007 đến nay tăng gấp đôi gấp rưỡi. Ví dụ một chai dầu 5 lít trước 80 nghìn đồng, nay tăng lên 150 nghìn đồng, củ su hào trước 1.500 đồng, bây giờ tăng lên 4 nghìn, một mớ rau muống trước đây 1000 đồng bây giờ tăng 3000 - 5000 đồng, một cân thịt bò trước 70 nghìn bây giờ lên 140 nghìn đồng, 1 cân thịt lợn trước 40 nghìn giờ tăng lên 80 nghìn đồng...

Mặc dù chỉ số giá 2009 Tổng cục Thống kê công bố là 4-5% gì đó nhưng mặt bằng giá cao rồi nên giá cũng sẽ không thể xuống nữa, chỉ có lên thôi, đã hình thành một mặt bằng giá mới.

— Nguyên nhân của việc giá cả tăng cao là do đâu, thưa ông?

Hiện nay hệ thống phân phối qua nhiều tầng nấc trung gian, kể cả chi phí tiêu cực, cả chi phí chính thức. Một viên thuốc qua tới 3-4 khâu phân phối. Một con tôm qua đến 4-5 lần thương lái rồi mới đến tay người tiêu dùng.

Thứ hai, năng suất lao động của mình trong sản xuất là rất thấp, theo thống kê năng suất của mình thấp từ 2-32 lần so với thế giới nên giá thành cao. Tôi ví dụ chỉ có 5 người nông dân ở Mỹ sang vùng ngoại thành Hà Nội mà chăn nuôi tới mấy vạn con lợn, hay đưa công nghệ trồng cà chua của Isarel năng suất từ 10 tấn/ha lên tới 60 tấn/ha. Những việc đó mình vẫn chưa làm được.

Một nguyên nhân nữa là nguyên liệu đầu vào hiện nay phụ thuộc nhiều vào thế giới, từ năng lượng, xăng dầu, phụ liệu đều phụ thuộc vào nước ngoài, nên họ sốt giá thì mình cũng sốt theo, họ gian lận thì mình cũng phải gian lận theo...

Thứ ba, nghiên cứu cho đầu tư phát triển sản xuất ít.

Thứ tư, kỹ năng tay nghề của người lao động, sản xuất ít.

Thứ năm là quản lý nhà nước yếu kém, đã giá cả thấp rồi hàng giả, buôn lậu cũng nhan nhản, kiểm soát buôn lậu mới chỉ là chạm vào phần nổi của tảng băng chìm.

Cuối năm giá cả tăng 2-5%

— Vậy giải pháp phải làm thế nào để người có thu nhập thấp đặc biệt là đại bộ phận người dân nông thôn có thể tiếp cận được hàng hoá giá rẻ, thưa ông?

Quan trọng nhất phải có vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước, phải có trách nhiệm làm trong sạch lực lượng công an, hải quan biên giới, quản lý thị trường chống hàng lậu, hàng giả bảo vệ cho sản xuất trong nước...

Trong chỉ đạo điều hành của nhà nước phải có một nhạc trưởng, phải tạo chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ bán lẻ khép kín, ít trung gian mà hiệu quả. Nếu không làm được chuyện này thì con tôm chở từ tỉnh Thái Bình vẫn sẽ phải mất phí cầu đường, phí thương lái, phí tiêu cực này nọ.

Những phí tiêu cực đó nó chui vào con tôm thôi chứ chẳng chui đi đâu. Một kg tôm từ 80 nghìn lên đến Hà Nội thành 160 nghìn/kg ngay.

Phải thiết lập, xây dựng, quy hoạch hệ thống phân phối, phải có chỗ để người dân đưa hàng hoá vào, đừng ngăn sông cấm chợ, đừng thu phí gì cả, tạo điều kiện cho người dân đưa hàng hoá vào chợ bán. Hiện nay các siêu thị mới đáp ứng được 15% nhu cầu hàng hoá, còn lại là chợ, cửa hàng bán lẻ.

Chúng ta cứ hay nói chợ cóc chợ tạm mất mỹ quan đô thị, nhưng nếu tính độ hiệu quả thì nó tiết kiệm được tới 5% chi phí cho người dân. Nếu quy hoạch tốt thì con số tiết kiệm này còn tăng lên nữa.

Trong thống kê giá cả vĩ mô của Nhà nước phải xem lại. Chứ hiện nay giá cả tăng cao nhưng thống kê lại rất thấp. Tôi ví dụ từ đầu năm đến nay tăng giá xăng 8 lần, nhưng giảm có một lần 500 đồng, gas tháng 11 vừa rồi tăng ba lần.

— Thưa ông, còn một vấn đề mà người tiêu dùng rất quan tâm là với việc giá cả cá mặt hàng thiết yếu liên tục tăng như vậy thì vào dịp cuối năm liệu người tiêu dùng có phải chịu một đợt tăng giá mới hay không?

Như hiện nay là giá cả tăng cao rồi, nên vào dịp tết thì giá cả có tăng lên một chút thôi nó rơi vào con gà, cân thịt thăn, nải chuối xanh thôi chứ không lên nhiều. Mức tăng khoảng 2-5% thôi. Cái chính là mặt bằng giá cao nên người dân sẽ mua không được nhiều hàng hoá thôi.

Thưa ông, còn "Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn" có góp phần khắc phục tình trạng giá rẻ để người nông dân được tiếp cận hàng hoá, đặc biệt vào dịp tết?

Thực ra đây cũng chưa hẳn thành một thị phần cố định mà mới dừng ở phong trào. Nếu muốn người dân nông thôn tiếp cận hàng hoá thì lâu dài anh phải đặt hệ thống phân phối đại lý ở nông thôn một cách đều đặn.

Nhưng dù sao trước mắt người nông dân cũng đã tiếp cận được nguồn hàng phong phú từ chính những doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (thực hiện)