Thu thập thông tin tình báo: Quá đơn giản!

Hiện nay, phần lớn các thông tin về chính trị, kinh tế và quân sự hoàn toàn có thể khai thác từ những nguồn tin mở mà không cần phải chi phí nhiều công sức và tiền bạc để duy trì những mạng lưới điệp viên lớn. Ngoài những nguồn thông tin trên Internet cũng như tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều cơ quan mật vụ thậm chí còn biết tận dụng dịch vụ của những công ty vận động hành lang tại những nước sở tại. Thống kê cho thấy, ước tính có tới 95% thông tin của các cơ quan tình báo trên thế giới được khai thác từ những nguồn thông tin mở.

Vận động hành lang thay cho gián điệp

Phần lớn các cơ quan mật vụ hiện nay đang có xu hướng thông qua những nhân viên ngoại giao hoạt động dưới vỏ bọc hợp pháp của mình để khai thác thông tin thông qua những hãng vận động hành lang, trước tiên là tại Mỹ.

Hiểu rất rõ điều này Washington đã quy định tất cả những công ty vận động hành lang phải có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tư pháp (thông qua bộ phận đại diện có tên Ban đăng ký các điệp viên nước ngoài - Foreign Agent Registration Unit) về những mối quan hệ của mình với đại diện các quốc gia kể cả thân thiện hay thù địch với nước Mỹ.

Cho dù đã có quy định tương đối chặt chẽ, nhưng cơ quan giám sát trên từ nhiều năm qua chỉ đưa ra lời buộc tội đối với một vài hãng kinh doanh trong lĩnh vực này.

Về mặt cá nhân, đạo luật trên cũng chỉ chính thức được áp dụng để trừng phạt hai cựu nhân viên cơ quan mật vụ. Một trong số này là Mark Coin, nguyên trợ lý Hội đồng Tư pháp của Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA), là đối tác của Hãng Dịch vụ Patton Boggs, người đã bị buộc tội cung cấp thông tin mật cho Bộ Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (một trong những khách hàng của Patton Boggs).

Trường hợp thứ hai là nữ nhân viên tình báo Mỹ Melissa Boyle Mahle bị buộc tội có hoạt động trái phép chống lại các quyền lợi của nước Mỹ. Nhân vật này đã từng làm việc cho CIA trong suốt 16 năm, có thời gian đáng kể hoạt động tại Palestine với tư cách gián điệp cho một cơ quan tình báo nước ngoài.

Cũng trong lĩnh vực này, Bộ Tư pháp Mỹ từng phải lên tiếng cảnh báo đối với Công ty Jefferson Waterman vì những mối quan hệ đối tác trực tiếp nguy hiểm với đại diện Văn phòng Tổng thống Ajerbaidjan và giới lãnh đạo tại Kosovo.

Nguy cơ tiềm tàng là ở chỗ, ban lãnh đạo Jefferson Waterman gồm có 3 cựu binh mật vụ Mỹ. Hai người trong số này - Charles Waterman và Samuel Hoskinson - từng nhiều năm làm việc tại Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (National Intelligence Council), người thứ ba là Samuel Wyman đã công tác tới 11 năm tại bộ phận chỉ huy tác chiến của CIA.

Theo đánh giá, tình báo Trung Quốc từ năm 2005 bắt đầu chuyển hướng sang chiến thuật tận dụng dịch vụ của nhiều công ty vận động hành lang Mỹ để khai thác thông tin.

Bertold Jacob - Huyền thoại về khai thác và phân tích thông tin mở

Bertold Jacob - một phóng viên, chuyên gia quân sự, giáo sư, nhà hoạt động chính trị, và cả nhà xuất bản - đã từng được nhắc tới rất nhiều như một kiểu mẫu về khả năng khai thác thông tin cần thiết từ những nguồn tin mở.

Vào giữa những năm 30 của thế kỷ trước, Jacob vì lo ngại trước mối đe doạ của những tên phát xít đã quyết định ra nước ngoài sinh sống. Vào thời điểm đó, Hitler khi mới lên nắm quyền đã ráo riết tái vũ trang để tăng cường sức mạnh cho quân đội, chuẩn bị cho kế hoạch bá chủ thế giới sau này. Tất cả mọi biện pháp cải tổ quân đội đều được giữ bí mật hết sức nghiêm ngặt và thông tin về chúng chỉ được một nhóm nhỏ các quan chức cao cấp của nước Đức biết đến.

Thế mà gần như ngay sau khi Jacob rời khỏi nước Đức, trên các giá sách của nước Anh xuất hiện hàng loạt những cuốn sách của ông ta, trong đó có thông tin chi tiết về cơ cấu mới của quân đội phát xít - tiểu sử tất cả các quan chức cao cấp nhất trong Bộ Tổng tham mưu, của 168 viên tướng chỉ huy các sư đoàn Đức, thậm chí cả đặc điểm tính cách của họ.

Khỏi phải nói cuốn sách đã gây ra hiệu ứng của một quả bom nổ như thế nào ngay giữa lòng nước Đức. Hitler khi đó đã cho rằng, nguồn thông tin mật bị rò rỉ trên chắc chắn bắt nguồn từ hàng ngũ quan chức cao cấp nhất trong chính quyền phát xít. Để làm rõ những kẻ phản bội, Hitler đã ra lệnh cho chỉ huy cơ quan tình báo và phản gián bằng mọi giá phải bắt cóc được tác giả đưa về Berlin, trước khi áp dụng bất cứ thủ đoạn nào để moi được tên tuổi những kẻ đồng phạm.

Các điệp viên của Gestapo cuối cùng cũng thực hiện được nhiệm vụ này. Với lý do hợp tác xuất bản một tờ báo chống phát xít, Jacob bị một điệp viên Gestapo nhử tới Basel (Thụy Sĩ), đánh thuốc mê rồi đưa về Berlin.

Ngay buổi thẩm vấn đầu tiên, Jacob đã khai rằng, tất cả thông tin có trong cuốn sách của ông ta đều nhận được từ... những tờ báo địa phương tại Đức.

Chẳng hạn thông tin về Thiếu tướng Haaze đang chỉ huy Sư đoàn 17 tại Nuremberg được rút ra từ một bài cáo phó trên báo địa phương, trong đó có nói rõ tang lễ có sự tham dự của vị tướng đứng đầu sư đoàn này. Còn trong một đoạn thông tin về đám cưới khác, có thể xác định viên đại tá Virov là chỉ huy Trung đoàn 306, thuộc Sư đoàn 25 đóng tại Stutgart. Jacob còn nêu ra một loạt ví dụ khác về những thông tin sự kiện, trong đó có sự tham dự của những tướng lĩnh cao cấp trong quân đội Đức.

Dù đã hiểu ra sự thật, nhưng phải đến nửa năm sau, với sự phản đối quyết liệt của chính quyền Thụy Sĩ, phát xít Đức mới quyết định trả tự do cho Jacob, lúc này đã tàn tạ vì những đòn tra tấn liên miên.

Kỷ nguyên của thông tin mở

Có thể nói, phần lớn thông tin quan trọng đều được các cơ quan mật vụ trên thế giới khai thác từ nguồn thông tin mở. Các chuyên gia phân tích trong lĩnh vực tình báo đều khẳng định, từ đủ các loại nguồn thông tin mở khác nhau - báo, tạp chí, báo cáo, tài liệu tại các hội nghị khoa học v.v... - đều có thể nhận được tất cả những thông tin cần thiết để lắp ghép được một bức tranh hoàn chỉnh về các sự kiện đang diễn ra ở nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị cho tới công nghiệp quân sự.

Như tại Mỹ, tất cả 16 cơ quan trong cộng đồng tình báo Mỹ đều chú trọng đặc biệt đến việc phân tích các nguồn thông tin mở. Mỗi cơ quan đều có một bộ máy chuyên gia phân tích hùng hậu trong lĩnh vực đã được định nghĩa là "Tình báo trên cơ sở phân tích các nguồn thông tin mở" (OSINT - Open Source Intelligence).

Ngay từ năm 1947, chuyên gia phân tích nổi tiếng Sherman Kent của CIA - được mệnh danh là người đặt nền móng cho hoạt động tình báo phân tích - đã khẳng định rằng, trong thời bình, có tới 80% số thông tin được các chính trị gia sử dụng để đưa ra quyết sách đều có thể nhận được từ các nguồn tin mở.

Nếu như sau đó một thời gian, Trung tướng Samuel Wilson (chỉ huy Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ DIA) đã nâng tỉ lệ thông tin từ nguồn mở lên thành 90%, thì giờ đây con số này đã tăng lên thành 95%. Không chỉ riêng nước Mỹ, mà theo các chuyên gia độc lập, các cơ quan mật vụ nước ngoài cũng đang áp dụng ngày một rộng rãi hơn phương pháp khai thác thông tin vừa hiệu quả vừa rẻ tiền này

Thái Quân (CAND)