Thuê ’mác’ học hàm, học vị để quảng cáo sản phẩm

Để đẩy mạnh doanh thu bán hàng, khuếch trương sản phẩm các doanh nghiệp, nhà phân phối thực phẩm đã không ngần ngại chi ra một khoản tiền lớn mời các nhà khoa học là giáo sư, tiến sĩ tham gia hội thảo, quảng bá sản phẩm. Nhiều sản phẩm không như quảng cáo đã gây ngộ nhận, lừa dối người tiêu dùng.

Khi nhà khoa học bị lợi dụng

Theo giới quản lý, nhiều loại thực phẩm chức năng bị quảng cáo vượt quá công dụng thật

Đi tiên phong trong lĩnh vực này không thể không kể đến đó là thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu Noni (một loại thực phẩm được chiết xuất, cô đặc từ trái nhàu có rất nhiều ở khu vực miền Nam) được nhập khẩu từ Mỹ về phân phối và bán tại thị trường Việt Nam với mức giá 700.000 đồng/chai. Theo quảng cáo của nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm cho thấy đây là sản phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị rất nhiều loại bệnh hiểm nghèo, kể cả căn bệnh ung thư mà cả thế giới đang bó tay.

Để khuếch trương công dụng sản phẩm, công ty này đã không ngần ngại thuê hẳn một phòng hội thảo tại khách sạn Daewoo với sự tham dự của các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế là các giáo sư, tiến sĩ của thế giới và Việt Nam tới dự.

Tại buổi hội thảo, một số chuyên gia được giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ của nước ngoài (có quốc tịch từ Trung Quốc, Mỹ) không ngần ngại khi tuyên bố thực phẩm Noni chữa những cơn đau trong cơ thể như đau lưng, cổ, đau cơ, thần kinh và những cơn đau như căng thẳng, đau nửa người; Noni đóng vai trò chủ chốt trong việc chống lại bệnh tật, giúp đại thực bào và tế bào bạch huyết hoạt động mạnh; có thể tấn công nhiều loại vi khuẩn kiềm chế khả năng tiền ung thư và sự phát triển của khối ung thư bằng cách cho phép những tế bào khác thường hoạt động bình thường trở lại hay có tác dụng trong việc chữa các bệnh liên quan đến cơ và khớp như bệnh viêm khớp, hội chứng nhức xương cổ tay; hệ tim mạch (bệnh tim, huyết áp cao, đột quỵ) và hệ thần kinh... đã được cơ quan y tế Mỹ cấp chứng nhận.

Trước những lời quảng cáo đó, GS.TS Nguyễn Bá Đức (thời gian đó đang làm giám đốc bệnh viện K) đã yêu cầu, khi đề cập tới chuyên môn ung thư cần phải có các số liệu cụ thể, nếu y tế Mỹ cấp là cơ quan nào, cần chứng minh ngay tại hội thảo thì phía công ty này và các nhà khoa học đến từ nước ngoài đành xin hứa sẽ cung cấp sau, nếu cần?!

Tương tự, thời gian gần đây người dân trên địa bàn Hà Nội không còn xa lạ gì với việc công ty cổ phần Tavinet Việt Nam mời các bác sỹ, nhà tâm lý học có học hàm, học vị đến nói chuyện về chủ đề sức khỏe, tâm lý cho khách hàng nhằm đẩy mạnh thương hiệu cũng như buôn bán các sản phẩm mà công ty này hiện có.

Điều lạ ở chỗ, muốn trở thành thành viên của công ty, khách hàng phải nộp hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người chi tiền triệu để rồi phải chờ đợi phía công ty đưa ra giờ vàng (có trường hợp hàng năm trời mới được mua hàng). Số còn lại không mua được đành ngậm ngùi chờ đợi lần sau và như vậy số tiền bỏ ra làm thành viên chẳng khác gì tự tạo cơ hội cho công ty này chiếm dụng vốn một cách chính đáng dựa trên những lời có cánh tại các buổi hội nghị, hội thảo khách hàng mà những người có học hàm, học vị quảng cáo về sản phẩm mang lại?!

Hay như mới đây, một hãng sữa ngoại nổi tiếng đã tổ chức hội thảo rầm rộ về dinh dưỡng, với sự tham dự của hơn 600 bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về nhi khoa và dinh dưỡng trên khắp Việt Nam. Một giáo sư nước ngoài được mời đến hội thảo và nói rất nhiều đến vấn đề sữa bổ sung DHA, ARA. Hãng sữa ngoại tài trợ cho chương trình đã không quên quảng bá các sản phẩm của mình và nhấn mạnh sữa đó có hàm lượng DHA, ARA đạt chuẩn.

Sau đó, những thông tin, hình ảnh của hội thảo được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. Người tiêu dùng khi đọc được những thông tin, hình ảnh trên luôn cho rằng đó là những sản phẩm sữa tốt nhất vì đã được các thầy thuốc Việt Nam tham dự nhiệt tình và hoàn toàn yên tâm khi chọn mua sản phẩm về sử dụng.

Treo đầu dê bán thịt chó?!

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa phần các hội thảo liên quan về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng đều có sự tham gia của đông đảo các y, bác sỹ đến dự (tất nhiên doanh nghiệp phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ cho sự có mặt đó - PV) và phát biểu ý kiến. Tại đây, hình ảnh và uy tín của các bác sỹ, chuyên gia y tế sẽ được tận dụng một cách tối đa để quảng cáo về các dòng sản phẩm cho doanh nghiệp. Y sỹ Nguyễn Hồng Thanh, bệnh viện 103 cho biết, hiện tại có một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp những chuẩn mực đạo đức, văn hóa sống của cộng đồng để sử dụng những chiêu trò nhằm lừa dối người tiêu dùng. Trong đó thực phẩm chức năng (loại thức uống không phải là thuốc nhưng được bán với giá rất đắt và được quảng cáo như thuốc đặc trị, chữa được các bệnh nguy hiểm) thường bị các doanh nghiệp lợi dụng để quảng cáo một cách vô tội vạ.

Nếu như trước kia, họ quảng cáo chủ yếu thông qua truyền hình, báo đài nhưng hiện nay đã chuyển sang dạng quảng cáo mời các bác sỹ, chuyên gia y tế (những người có học hàm, học vị như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) tham gia hội thảo nhằm đánh bóng tên tuổi, uy tín và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Điều tất yếu, hiệu quả mang lại sẽ rất cao bởi người tiêu dùng dễ tin vào sự góp mặt, tham dự của những giáo sư, tiến sĩ có uy tín đối với loại sản phẩm nào đó. Trong khi đó, nhiều sản phẩm chức năng lại không có hiệu quả như mong muốn. Nếu người tiêu dùng chẳng may mua phải sản phẩm này chẳng khác gì bị lừa.

Cùng chung tâm trạng, anh Lê Trường Giang, trú tại phố Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cho biết thêm: "Nắm bắt được tâm lý của người bệnh, rất nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối sản phẩm đã cố tình nhập nhèm trong quảng cáo để thu hút sự chú ý và quan tâm sử dụng. Thế nhưng, sau khi uống tất cả những loại thực phẩm chức năng đều không có hiệu quả chữa bệnh như họ đã quảng cáo.

Đề cập về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Phong, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế cho biết, các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng chủ yếu là do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công bố chất lượng sản phẩm thì ít nhưng quảng cáo vượt quá công năng sử dụng của sản phẩm lại nhiều, có rất nhiều doanh nghiệp quảng cáo vượt quá nội dung được cấp phép, thậm chí còn có cả quảng cáo chui. Do vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan chức năng, rất cần người tiêu dùng nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm trước khi sử dụng.

Quỳnh Chi (NĐT)