Tiến Trình Viết Văn

Muốn viết văn cho hay, nhà văn phải kiên nhẫn, có nghị lực, biết tập trung tư tưởng để hoạch định và suy nghĩ về công việc sáng tác.

Tiến trình viết văn gồm 5 giai đoạn: chuẩn bị viết, viết bản thảo, sửa bản thảo, đọc lại bản thảo lần cuối, và liệt kê tài liệu tham khảo.

1. Chuẩn Bị Cho Việc Viết Văn

a. Chọn và giới hạn đề tài

Chọn đề tài thuộc phạm vi mình đã có kinh nghiệm. Những gì nhà văn đã thấy, đã đọc, và đã nghe là điều cốt yếu giúp cho việc viết văn thành công. Ðiều này có nghĩa là nhà văn phải có kinh nghiệm sống về những điều mình muốn viết thì tác phẩm mới có giá trị. Trong những kinh nghiệm sống này, nhà văn cần chọn những gì mình thích thú, quan tâm, và tin tưởng nhất để viết.

Việc giới hạn đề tài rất là cần thiết. Nhà văn cần giới hạn đề tài để có thể tập trung vào phần mà mình có sở trường để viết cho đầy đủ. Nhà văn có giới hạn đề tài để viết thì đọc giả mới dễ theo dõi và mới hiểu được đại ý của tác phẩm.

b. Ấn định mục đích cho bài hay tác phẩm mình định viết

Mục đích tức là lý do khiến mình cầm bút viết, chẳng hạn như viết để thuyết phục độc giả về những gì mình sắp viết, viết để mua vui cho độc giả, hay viết để làm cho độc giả nghe thấy, cảm thấy, hay nhìn thấy những gì mình định viết ra. Ðể đạt được mục đích khác nhau, nhà văn cần áp dụng lối viết khác nhau.

c. Viết Cho Thành Phần Ðộc Giả Nào?

Trước khi viết, nhà văn phải biết mình định viết cho thành phần độc giả nào, chẳng hạn như thành phần người lớn, thanh niên, trẻ em, quần chúng, những người mới vào nghề, hay các chuyên gia. Ðối với mỗi đối tượng, nhà văn phải dùng cách viết và cách trình bày cùng chi tiết và ngôn ngữ khác nhau.

Nhà thơ không có độc giả vì nhà thơ thường chỉ đối thoại với một người hay cảnh vật mà thôi. Nhà văn thì khác, nhà văn cần độc giả nên phải luôn luôn đặt địa vị mình vào địa vị độc giả mỗi khi viết văn. Phải hình dung ra nét mặt độc giả của mình có tỏ ra hiểu ý mình hay chán nản khi đọc tới những dòng mình đang viết. Có như thế nhà văn mới mong thành công trong việc viết văn được.

d. Thu thập tài liệu giúp cho việc viết văn

Khi thu thập các tài liệu, nhà văn phải nhớ mục đích và thành phần độc giả để gom góp tài liệu cho thích hợp.

Viết văn là để thuyết phục độc giả tin những điều mình viết. Chính vì thế, ngoài tài liệu trong sách báo và thư từ liên lạc với bằng hữu, nhà văn còn phải phỏng vấn hay hỏi ý kiến từ những người có thẩm quyền hay thảo luận với những người có kinh nghiệm về đề tài mình định viết. Nhà văn còn phải thu thập tài liệu bằng cách ghi chép ngay vào sổ bất cứ những gì hiện đến trong óc hay những gì quan sát và đọc được về đề tài mình định viết. Có khi nhà văn còn phải chụp hình, thu băng, hay quay phim các diễn tiến sự việc để làm tài liệu viết văn.

Muốn viết cho có kết quả, nhà văn phải đọc thật nhiều. Tôi còn nhớ được một câu của nhà văn kiêm nhà ngôn ngữ học và thi sĩ Samuel Johnson (1709-1784) trong một tác phẩm nào đó: "Ðể viết một cuốn sách, nhà văn phải tham khảo một nửa số sách có trong thư viện" (The greater part of a writer’s time is spent in reading. A man will turn over half a library to make one book).

e. Chọn lựa và sắp đặt tài liệu cho hợp với nội dung của tác phẩm

Khi có đủ tài liệu, nhà văn cần chọn những tài liệu thích hợp nhất rồi xếp theo từng loại. Những tài liệu có cùng liên hệ về nội dung phải được xết thành từng nhóm. Những sự kiện xảy ra nên xếp theo thứ tự thời gian và nơi chốn.

2. Viết Bản Thảo (Nháp)

Sau khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, nhà văn phải bắt đầu viết ngay và viết nhanh vì trong khi viết ý tưởng sẽ nảy sinh và tuôn ra dào dạt.

Những người có kinh nghiệm viết văn thấy việc bắt đầu viết mới là việc khó khăn. Khi đã bắt đầu viết thì mọi sự sẽ tiến triển tốt đẹp. Muốn đạt được việc này, chúng ta cứ viết, đừng để ý tới văn phạm hay văn pháp.

Hãy cố gắng trình bày tư tưởng theo tài liệu đã sưu tầm và ghi chép. Hãy viết theo bố cục đã định và theo mục đích đã vạch ra.

Trong khi viết, ta sẽ có những ý tưởng mới xuất hiện. Có khi ta viết đi viết lại một đoạn văn nhiều lần mới ưng ý.

Khi viết, ta nên viết tự nhiên theo lối hành văn của mình, đừng cố bắt chước cách viết của người khác, dùng chữ giản dị dễ hiểu giống như khi mình nói chuyện với bạn bè, và nên dùng các câu ngắn gọn. Trong mỗi đoạn văn, ta nên diễn đạt một ý tưởng. Ta nên diễn đạt tóm tắt ý tưởng này vào trong một câu gọi là câu chủ đề, rồi sau đó, ta diễn giải ý tưởng này cho rõ.

Nếu cần, ta nên dùng thí dụ để làm sáng tỏ điều mình muốn trình bày.
Cuối cùng, ta phải hình dung ra những thắc mắc của độc giả về những gì ta đang viết. Có như thế bài viết của ta mới rõ ràng và súc tích.

Ngày nay, ta viết văn bằng máy vi tính nên việc viết văn lại trở nên rất dễ dàng. Ta có thể vừa viết vừa sửa bài một cách nhanh chóng. Chúng ta nên viết liên tục đến khi xong tác phẩm rồi cố gắng đọc lại ngay để sửa sơ qua lần đầu. Sau đó, ta nên nghỉ một lúc trước khi sửa lần thứ hai.

3. Sửa Bản Thảo

Bản thảo đầu tiên là bản có rất nhiều lỗi. Ta nên so sánh những điều đã viết với tài liệu đã sưu tầm được để xem có chính xác không.

Trong kỳ sửa lần này, ta chưa cần phải để ý đến văn phạm và văn pháp mà phải để ý đến nội dung bài viết. Không chú tâm về văn phạm và văn pháp, nhưng nếu thấy các lỗi về văn phạm và văn pháp ta vẫn phải sửa ngay.

Ta cần gọt giũa, diễn giải thêm, và làm trong sáng bài viết. Sửa đi sửa lại nhiều lần càng tốt. Ðã có nhiều nhà văn đã sửa tác phẩm của mình đến hàng chục lần mới hoàn tất. Ta cần tự hỏi những câu hỏi sau để tìm ra các khuyết điểm:
- Tác phẩm đã đáp ứng mục đích đề ra hay không?
- Nội dung có thích hợp với loại độc giả ta nhắm tới hay không?
- Bài viết có gắn liền với chủ đề hay không?
- Có ý nào dư thừa không? Nếu có thể cắt bớt đoạn văn mà bài vẫn đủ ý thì nên cắt bớt. Những gì viết ra phải cần thiết, tránh những điều dư thừa và lập lại một cách vô ích.
- Lập luận có vững không?
- Sự sắp xếp ý tưởng có hợp lý hay không?
- Các ý trình bày có trôi chảy, rõ ràng, dễ hiểu, và hợp lý không?
- Việc dùng chữ có chính xác không?
- Và quan trọng hơn hết là bài viết có hấp dẫn, lôi cuốn, và chinh phục được độc giả không?

Ta nên nhớ viết là trình bày tư tưởng một cách hữu lý, mạch lạc, hấp dẫn và thuyết phục.

Muốn chắc chắn một tác phẩm được hoàn hảo, ta cần phải:
- Ðọc to toàn bài của mình nếu có thể. Khi đọc to, ta sẽ dễ thấy những điều sai sót để sửa.
- Nhờ người khác đọc và cho ý kiến, chẳng hạn như nếu bài viết nhắm vào thanh niên, ta nên nhờ một thanh niên đọc và cho ý kiến.
- Viết rồi để đó trong một thời gian rồi lấy ra đọc lại, ta lại thấy có nhiều điều cần phải sửa.

4. Ðọc Lại Bản Thảo Lần Cuối

Việc sửa bản thảo đã xong, ta viết lại và cho in ra để đọc lần cuối. Lần này ta chú trọng về mặt văn phạm và văn pháp. Ðiều cần nhất là xem cú pháp có chỉnh không? Dấu chấm câu có đúng cách không? Các chữ viết hoa và chính tả đã đúng chưa?

Sau khi sửa, ta đọc lại để kiểm soát từng lỗi đã mắc phải để chắc chắn là chúng ta đã sửa hết các chỗ sai. Mục đích lần sửa kỳ này là làm cho bài viết của ta rõ ràng và đúng cách.

Nếu có thể, ta đem bài đã viết để trình bày trước công chúng, để dạy học, hay thảo luận với bạn bè. Việc này sẽ giúp ta thấy các điều thiếu sót. Có như thế ta mới cải tiến các khuyết điểm trước khi cho xuất bản.

Ðã viết văn ai cũng mắc phải sai lầm kể cả những nhà văn đã thành danh và các nhà văn vào bậc thầy. Có một điều là nếu ta cẩn trọng trong khi viết văn và sửa đi sửa lại bài sau khi viết thì bài viết của ta sẽ có ít sai sót chứ chưa hẳn đã hoàn hảo được. Muốn hoàn hảo, ta phải nhờ người khác góp ý và sửa bài cho ta.

5. Liệt Kê Tài Liệu Tham Khảo

Sau khi hoàn thành bài viết hay một tác phẩm, ta phải liệt kê các tài liệu tham khảo ở ngay cuối mỗi bài hay cuối mỗi tác phẩm. Nếu tham khảo bao nhiêu tác phẩm thì phải liệt kê bấy nhiêu tác phẩm. Ðây là điều bắt buộc phải làm đối với các loại bài hay tác phẩm có tính cách nghiên cứu và sưu tầm.

Tài liệu tham khảo giúp ta rất nhiều trong khi viết văn. Tác phẩm của ta có giá trị hay không là do ta co đủ tài liệu chính xác hỗ trợ những lập luận của ta hay không.

Việc liệt kê tài liệu tham khảo phải theo một tiêu chuẩn như sau:

1- Tên tác giả

2- Tên sách hay tên tờ báo

Mỗi chữ của tên sách hay tên tờ báo đều phải được viết hoa. Nếu viết tay, ta phải gạch dưới tên sách hay tên tờ báo; nếu đánh máy hay in, ta phải dùng loại chữ nghiêng.

Nhan đề của một bài văn hay bài thơ được trích trong một quyển sách hay tờ báo. Có thể viết chữ hoa cho mỗi chữ của nhan đề bài văn hay bài thơ và phải để nhan đề bài này trong dấu ngoặc kép. Tiếp theo đó là tên sách hay tên tờ báo (trình bày giống như đã nói ở trên) mà bài văn hay bài thơ được trích dẫn.

3- Tên nhà xuất bản, nơi xuất bản, và năm xuất bản. Nếu là tờ báo, ta phải biên thêm số báo, ngày, và nơi phát hành.

Ngoài ra, cuối mỗi bài văn, bài thơ, hay mỗi tác phẩm, ta cần ghi ngày tháng năm đã hoàn tất bài hay tác phẩm. Ðiều này rất quan trọng cho việc nghiên cứu văn học.

Khải Chính Phạm Kim Thư, Canada, 2001