Tiếng Việt, hồn Việt

Bàn về ngôn ngữ Việt Nam là một đề tài vô cùng rộng lớn, nhất là khi cái ngôn ngữ đó đã biến đổi sâu rộng suốt mấy nghìn năm lịch sử. Kẻ viết bài này không có cái tham vọng tìm hiểu bao quát tất cả các đặc tính của ngôn ngữ Việt để rồi dựa vào đó luận ra các nét lớn của tâm hồn dân tộc. Muốn làm như vậy ắt hẳn không thể thu hẹp trong khuôn khổ bài này.

Ðiều chúng tôi muốn đưa ra ở đây là một đặc tính rất thông thường – thông thường đến nỗi ít có ai đã thấy cần phải bàn rộng – của tiếng nói Việt Nam (chứ không phải của chữ VN, vì tiếng nói VN, tức là tiếng Nôm, mới là tinh túy của ngôn ngữ dân tộc). Chúng tôi muốn nói đến cách KẾT CẤU CỦA TIẾNG VIỆT BẰNG TƯỢNG THANH VÀ TƯỢNG HÌNH.

Khi nói đến tượng hình tượng thanh, người ta liên tưởng ngay đến những tiếng như LENG KENG, ÐÌ ÐÙNG, SỘT SOẠT, TÍ TÁCH, HÌ HÀ HÌ HỤC, v.v. Trong ngôn ngữ bất cứ dân tộc nào, cũng đều có một số ít tượng thanh tượng hình như vậy, hẳn đó chẳng phải là một đặc thù của nước ta. Cái đặc biệt của ngôn ngữ ta chính là ở chỗ ÐA SỐ các tiếng đều phát xuất từ tượng thanh, tượng hình. Ðây mới là điều lạ lùng. Hàng ngày, hàng giờ chúng ta vẫn dùng, vẫn nói những tiếng này, thế mà không ý thức rằng đó là tượng thanh, tượng hình, y như ông Jourdain nọ từ sớm đến khuya cứ dùng văn xuôi, thế mà không biết mình đang làm chuyện đó!

Bạn đọc hãy làm thí nghiệm sau đây: bạn hãy thử nói “tôi HÁ miệng”! Bạn có nhận thấy điều gì: bạn đã vừa nói HÁ và vừa làm động tác há miệng. Bây giờ bạn thử nói: “j’OUVRE la bouche”, hay “I OPEN my mouth”, bạn có há được miệng khi nói hay không? Không, trong Pháp và Anh ngữ, bạn đã khép miệng để diễn tả một động tác mở miệng. Hai tiếng OUVRE và OPEN không đi đôi với ý nghĩa của chúng nên không thể là tượng hình; tiếng HÁ chính là một tượng hình vậy.

Thí dụ kể trên hoàn toàn không đơn độc; hãy lấy tất cả các động từ chỉ động tác của khuôn mặt, chúng ta nhận thấy rằng đều có thể vừa nói tiếng vừa làm động tác. Xin đơn cử vài thí dụ để bạn đọc suy nghiệm:

(TT: tượng thanh; TH: tượng hình)

TH-TT:tôi HỈ mũi (hãy thở ra thật mạnh)

TH:tôi NHE răng (không làm được nếu sún hết răng cửa)

TH-TT:tôi HÀ hơi

TH-TT:tôi HẮT hơi (chữ T làm cho động tác ngắn lại)

TH-TT:tôi HÍT hơi (chỉ đổi chữ Ă thành I, mà thở ra thành thở vào)

TH:tôi PHỒNG má

TH:tôi TRU miệng

TH:tôi CƯỜI (đố bạn vừa cười vừa nói “I LAUGH”)

TH:tôi MẾU (cái vần ÊU này nó xuất sắc làm sao!)

TH:tôi NHĂN mặt

TH:tôi NHAI

TT:tôi LA

TH:tôi NHÁY mắt (mắt phải hay mắt trái đều được, chỉ cần nhếch môi về phía đó)

TH:tôi BĨU môi (nhờ chữ U ở chót)

TH:tôi CẮN (bạn hãy thử vừa cắn vừa nói “je MORDS”)

TH:tôi HÚT thuốc

TH-TT:tôi HÚP cháo

TH-TT:tôi HUÝT sáo

TH:tôi MỈM cười (cũng là cười đó, nhưng khép miệng)

TH:tôi NHOẺN miệng cười

TH-TT:tôi KHẠC

TH:tôi ăn NHỒM NHOÀM (làm như đang có đồ ăn trong miệng!)

Tất cả các tiếng ở trên không phải tượng thanh tượng hình thì là gì? Chúng tôi để bạn đọc tìm kiếm tiếp, thế nào chẳng tìm ra những tiếng hay ho, ngộ nghĩnh hơn nữa.

Ðến đây, một số bạn đọc sẽ nêu thắc mắc. Ðại đa số các động từ liệt kê ở trên đều chỉ động tác của miệng mà thôi; nếu ta lấy các bộ phận khác như mắt, tai, đầu, tay, chân, lưng, bụng thì cái tính chất “vừa nói, vừa làm” đâu có gì là đặc biệt. Trong bất cứ ngôn ngữ nào, người ta chẳng có thể vừa nói NHẮM MẮT, QUAY ÐẦU, hay NGỬNG MẶT, mà vừa làm động tác?

Chúng tôi mạn phép đi xa hơn chút nữa. Hãy lấy mắt làm ví dụ:

- NHẮM (mắt): khi nói, ta đóng miệng lại (hai tiếng ÐÓNG, KHÉP cũng vậy). Cái động tác đóng miệng đi đôi với động tác đóng (nhắm) mắt. Có thể nói, qua tiếng NHẮM, cái miệng của ta hình như cố nhại lại động tác của con mắt!

- MỞ (mắt): khi nói, miệng ta mở ra. Cũng giải thích như trên đây.

- TRỐ (mắt): khi nói, ta đưa hai môi ra phía trước, giống như động tác của hai mí mắt mở rộng ra, đẩy con ngươi ra ngoài.

- TRỢN (mắt): khi nói, ta bó buộc phải lên gân cổ, diễn tả trạng thái căng thẳng của gân mặt khi phải trợn mắt.

- NHÍU (mắt): khi nói, hai môi ta co lại, khép lại nhưng không đóng hẳn, đúng theo nghĩa tiếng NHÍU.

- LIẾC (mắt): là một vần kép dài, chúng tôi sẽ đề cập đến tiếng này ở phần sau.

Tựu chung, hình như cái miệng của ta khi phát âm luôn luôn cố bắt chước theo động tác của con mắt, cùng đóng vào, cùng mở ra, cùng đưa tới, hay cùng rụt lại, chẳng khác chi một màn song vũ nhịp nhàng! Chẳng qua, cứ nhìn động tác của cái miệng là đã hình dung được phần nào ý nghĩa của tiếng nói!

Tuy không phải là nhà ngôn ngữ học chúng tôi cũng cứ đánh bạo phân tích tiếp về cái đặc tính lạ lùng vừa kể của tiếng nước ta, mong sẽ góp được chút ý nào cho các bậc học giả lão thành.

Nói đến vần, chúng tôi tạm chia ra hai loại gọi là: vần đơn tỷ dụ như A, AN, ĂNG, Ư, Ê, ÔN, ÔNG, ANH, v.v. chỉ gồm vỏn vẹn có một nguyên âm; và vần kép, tỷ dụ như AO, OAN, OANG, EO, OI, UONG, OAY, v.v. gồm hai nguyên âm hoặc nhiều hơn nữa. Trong số các vần kép, có vần kép ngắn (AO, ÔI, AI, …) và vần kép dài (OAI, UÊ, UÔN, UÔI, IẾC, …)

Cách đọc vần đơn khá giản dị: ta có thể đọc một cách cộc lốc hay thẳng thừng. Trái lại, đọc vần kép luôn luôn khiến chúng ta phải uốn lưỡi, phải kéo cho tiếng dài ra như cho thêm cái đuôi, có khi miệng phải méo xệch đi mới đọc đủ hết vần kép. Do cách đọc khác nhau này mà chúng ta đã có thể đoán trước được rằng ý nghĩa của âm phải cách biệt: vần đơn sẽ chỉ ý nghĩa giản dị, thẳng thắn, rõ ràng; vần kép sẽ chỉ ý nghĩa lôi thôi, rắc rối, vần kép càng dài thì ý nghĩa sẽ càng lắt léo, vặn vẹo (chữ LIẾC nói ở trên là vần kép dài nên diễn tả rất rõ động tác nhìn xéo): QUẸO, OÁI OĂM, UỐN ÉO, ÕNG ẸO, ƯỠN, LUÝNH QUÝNH, LỎNG LẺO, v.v. Chữ MẮNG NHIẾC thật là điển hình. Ðể nguyên chữ MẮNG, vần đơn, ý nghĩa thẳng thắn, đẹp đẽ như: cha MẮNG con, thầy MẮNG trò. Thêm chữ NHIẾC vào (vần kép dài), ý nghĩa trở nên thâm độc, châm chọc, bêu xấu. Chúng tôi xin đơn cử một số vần để phân tích cụ thể hơn.

- Vần AY, ÂY: đây là một trong những vần mạnh nhất của tiếng Việt; khi đọc, miệng ta phải lên gân, các gân cổ, gân má, môi lưỡi, đều căng ra. Tiếng đọc ra thường được nhấn mạnh rồi dứt ngay, nghe rất là cả quyết. Cũng do cách đọc đó mà đa số các chữ vần AY, ÂY đều chỉ các việc làm nhanh nhẹn, cứng rắn hay vất vả: LAY, MAY, XAY, NHÁY, CHẠY, CHÁY, CAY, GAY, MÁY, CÀY, ÐẨY, GẪY, LẤY, NẨY, RAY (rứt), XẢY, TẨY, VẪY, TÁY MÁY, v.v.

- Vần OAY, UAY: vì là vần kép dài, lại có chữ O hay U ở đầu, nên thường chỉ một động tác theo hình tròn. Ví dụ: XOAY, QUAY, LOAY HOAY, NGOÁY. Ðiển hình là sự khác nghĩa giữa ba tiếng sau đây:

Tôi XÊ cái bàn (đẩy thẳng, Ê là vần đơn)

Tôi XÔ cái bàn (đẩy thẳng và mạnh, xem vần Ô ở dưới)

Tôi XOAY cái bàn (đẩy tròn)

- Vần Ô, U: là những vần đơn thô kệch nhất của tiếng Việt vì cái miệng khi đọc ở một trạng thái rất khó coi, thường nêu ý thô lỗ (cũng vần Ô), mạnh bạo, vô trật tự. Ví dụ: CỒ, BỒ, LỐ, XÔ, ÐỔ, NHỔ, HỐ, NGỐ, HỒ ÐỒ, HỔ, LỖ, RỒ, SỒ, XỪNG XỘ, VỒ, HÔ, LÙ LÙ, LÚ, CÙ, XÙ, HÚ, TU, NGU, MỤ, v.v.

- Vần OA, OE, OANG, OAC, OAT: khi đọc, miệng ta từ trạng thái đóng, mở rộng ra. Do đó, vần này thường chỉ một động tác từ nhỏ rồi lớn dần, từ khép sẽ mở ra, như: LOANG, LOA, TỎA, TOẠC, THOÁT, TOÁT, LOÁC, TOÉ, XOÈ, LOÉ, HOA. Ngoài ra, vì là một vần kép gồm hai nguyên âm “rộng” (khi đọc O hay A, miệng ta mở rộng, ngược lại với các nguyên âm khác như I, U, Ư, Ê, E…), nên các chữ vần này còn có nghĩa mù mờ, không rõ ràng. Ví dụ: NHÒA, NHÒE, LÒA, THOÁNG, THOẢNG, XÓA, LÓA, HOANG.

Ngoài vần, tiếng nước ta còn có giọng. Trong số các dấu của tiếng Việt, dấu hỏi có một vai trò đặc sắc hơn cả. Ðó là cái dấu duy nhất có tính chất lơ lửng, không thể nói là đi lên, cũng không thể nói là đi xuống (dấu sắc, dấu ngã đi lên; dấu huyền, dấu nặng đi xuống). Do đó, nó thường diễn tả những trạng thái ở giữa, chuyển tiếp, tạm thời, những động tác đang diễn ra nhưng không thấy kết cuộc, những tình cảm khó tả, không đường đường chính chính, không minh bạch. Ví dụ: LƠ LỬNG, ÐỂU GIẢ, UỂ OẢI, BẢI HOẢI, CHỂNH MẢNG, LẢM NHẢM, CHƯNG HỬNG, SỬNG SỐT (chữ SỐT riêng có nghĩa khác), NGỬNG, LẨN, THƠ THẨN, HOẢNG, MÊ MẨN, LỦI THỦI, THAY ÐỔI, CHUYỂN, TRỞ NÊN, v.v.

Chúng tôi xin tạm ngưng phần liệt kê ở đây. Nếu dốc công sưu tầm thêm, bạn đọc thế nào cũng tìm ra được nhiều sự trùng hợp lý thú khác nữa.

Sự cấu tạo của ngôn ngữ nước ta từ những tiếng tượng thanh tượng hình là một cá tính đặc thù của ta, khác hẳn với các ngôn ngữ Tây phương hay ngay cả chữ Hán Việt, là những ngôn ngữ “trí thức”. Tiếng nước ta không phát xuất từ trí thức mà từ cảm xúc, không tự khối óc mà tự con tim. Nhìn một đồ vật, một sự việc, người Việt Nam chúng ta phát ngôn ra một cách trực tiếp, không suy tính, không đặt luật, không gò bó, thế mà vẫn không thiếu phần thanh tao, nhẹ nhàng. Tiếng của nước ta chính là sự phát biểu chân thật nhất, hồn nhiên nhất của những cảm nhận của cả một dân tộc. Có thể nói, chỉ bằng trực giác, chúng ta đã đạt đến trình độ văn hóa chẳng thua kém gì các nền văn hiến duy lý.

Ngôn ngữ VN là sao, thì con người Việt Nam là vậy, đa cảm, hồn nhiên, không lý luận, không lý tưởng hóa, không lý thuyết hoá.

Riêng kẻ viết bài chợt nhớ giới vỉa hè Sàigòn khi trước đã có một thành ngữ để chỉ sự vui thú: SƯỚNG RÊN MÉ ÐÌU HIU. Hoàn toàn không có nghĩa gì cả, nhưng gợi cảm làm sao, chân thật làm sao, Việt Nam làm sao.

(Tác giả: ???)