Tình thầy lòng mãi nặng

...Những dòng chữ, những câu chuyện, những đoạn hồi ức, những trang viết về tình nghĩa thầy trò đã góp phần làm phong phú hoá những vẻ đẹp của đời sống văn hoá – tinh thần trong đời sống hàng ngày đất nước.

Và cũng giống như rất nhiều người, giống như tất cả mọi người lao động chân chính ở các ngành hoạt động khác nhau, các nhà văn hoá – khoa học thường tỏ lòng biết ơn và thổ lộ những suy nghĩ của mình về thầy giáo cũ, những thầy – cô ở bậc đại học, những thầy cô ở trung học và ở tiểu học.

Nguyễn Quang Sáng - người Nam Bộ - sau hàng chục năm đi kháng chiến và khi đã trở thành nhà văn danh tiếng, vẫn không thể nào quên cô giáo Oanh tại một trường tiểu học ở một làng quê trên bờ sông Tiền luôn có đôi mắt trìu mến nhìn lớp học trò nhỏ, chăm chút từng nét chữ của học trò.

Ban Biên tập Báo Tiền phong số 2639 ngày 16/10/1978 kể lại thái độ kính trọng của Trường Chinh – nguyên Tổng Bí thư của Đảng - đối với thầy học cũ.

“Một lần về thăm thầy Nguyễn Hữu Tảo, anh học trò cũ Đặng Xuân Khu (tên thật của Trường Chinh) nhắc lại công lao của thầy đã dạy bảo mình. Cụ Tảo xúc động nói:

- Thưa đồng chí, nếu trước kia tôi có được vinh dự giúp đồng chí học đôi ba chữ, thì ngày nay, đồng chí đã gấp mấy lần làm thầy học tôi.

Đồng chí Trường Chinh vội đáp lại:

- Thưa thầy, thầy đừng dạy thế !Tôi đâu dám vậy. Nếu không có những bài học về tấm lòng yêu nước, thương nòi mà thầy đã tha thiết và dũng cảm nhen lên trong lòng tôi thuở trước, thì làm sao tôi có được như ngày nay”.

Nhớ về những thầy cô giáo của mình ở trường Quốc học Huế, thi sĩ Cù Huy Cận viết:

...Mỗi thầy để lại ở trong tôi
Cái vốn yêu thương
       cái vốn người
Nghĩa bạn, tình thầy
       lòng mãi nặng
.

Không ít cựu học sinh Huế ghi sâu trong tim mình lòng kính trọng đối với thầy Võ Liêm Sơn, bạn học của anh học sinh Nguyễn Tất Thành (tên gọi Bác Hồ thời thanh niên) ở Quốc học Huế.

Trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, giáo sư Đào Duy Anh hồi tưởng: “Ở trường Quốc học, thầy Võ Liêm Sơn - dạy quốc văn - thỉnh thoảng chọn đọc cho chúng tôi nghe và thưởng thức những truyện ngắn của Nguyễn Bá Học và Phạm Duy Tốn đăng ở tạp chí Nam Phong, do đó khêu gợi hứng thú cho chúng tôi đối với quốc văn. Cũng nhờ thầy, tôi được tiếp xúc với nhóm Trần Đình Nam, là một nhóm thanh niên trí thức và nhân sĩ tiến bộ bắt đầu thành lập sau khi nghe tin cụ Phan Châu Trinh về nước và cụ Phan Bội Châu bị bắt”.

Trong “Hồi ức về trường Quốc học”, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Tại trường Quốc học, một tuần có một giờ quốc văn, thầy giáo là cụ Võ Liêm Sơn. Thầy rất thương học sinh. Với giọng nói Hà Tĩnh vừa dí dỏm, vừa châm biếm, thầy giảng những áng văn tiến bộ chế diễu bọn quan trường. Như bài “Sống chết mặc bay” hoặc bài “Đèn trời soi xét” và một số bài trong cuốn “Hài văn” do thầy soạn. Ít lâu sau, Cụ Võ bị bãi chức. Cụ Võ là người đầu tiên giới thiệu với tôi một quyển sách trình bày khái lược chủ nghĩa Mác...”

Năm 1922 khi Đào Duy Anh đỗ đầu thành chung và ra trường thì cũng là lúc Tạ Quang Bửu sau khi tốt nghiệp tiểu học nộp đơn thi vào trường Quốc học Huế. Giáo sư Tạ Quang Bửu kể lại với nhà báo Hàm Châu: “Tôi ham học vật lý. Thầy Surrugue làm cho tôi thích thú cái đèn pin. Đây là loại máy phát điện rất dễ làm. Đồng tiền Khải Định đúc bằng kẽm hoặc bằng đồng. Đồng bạc lúc bấy giờ đúc bằng bạc thật. Dây đồng thì dễ tìm thôi. Bóng đèn 2,5 vôn cũng chẳng khó kiếm. Thế là có pin và có điện, có bóng đèn sáng lóe. Tôi thích điện, vì nó có thể “đi” xa, đi rất xa. Đó là cái lãng mạn của tuổi trẻ”.

Không chỉ yêu mến thầy dạy khoa học tự nhiên, Tạ Quang Bửu cũng rất yêu mến thầy dạy văn học. Ông kể: “Trong các thầy dạy chúng tôi có một người thầy Việt. Đó là thầy Hoàng Gia Đức, đọc tiếng Pháp rất hay, hay hơn cả thầy Tây! Ông chọn những bài văn Pháp đẹp tuyệt vời để đọc cho chúng tôi nghe. Chúng tôi nín thở lắng nghe, cứ như là bị bỏ bùa mê, và riêng tôi, mãi đến tận bây giờ, vẫn như còn nghe vang vọng giọng thầy ngân nga những bài thơ êm ái của Hugo, Lamartine hay những đoạn văn xuôi trong suốt của Flaubert, Maupassant, Daudet...”.

Giáo sư Hoàng Như Mai cho biết trước Cách mạng tháng Tám 1945, “Cụ Trần Văn Khang là thầy dạy tôi khi tôi học ở trường Bưởi” (trường Chu Văn An – Hà Nội bây giờ). Giáo sư viết trong “Hồi ức và suy nghĩ” (Nxb Giáo dục, 1998) khi được tin thầy giáo Trần Văn Khang qua đời: “”Ba Khang” đã mất rồi! Vị giáo sư già, người thầy, người cha yêu mến của mấy thế hệ học trò đã yên nghỉ vĩnh viễn! Khi còn sống, hầu như lúc nào Ba cũng cần cù trước bàn làm việc, nắn nót trên trang giấy này sang trang giấy khác...suốt một đời. Ba thương yêu học sinh rất mực và tất cả các học trò đều một lòng kính mến ba. Chúng tôi quen dùng tiếng “Ba” để xưng hô là vì thế và đã thành một thói quen tự nhiên. Tất cả các tiếng xưng hô khác đều không nói hết được tấm lòng Ba đối với học trò và tấm lòng học trò đối với Ba”.

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh – nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, khi về hưu, nhớ lại những ngày học tại trường Trung học kháng chiến Phan Châu Trinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam) vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp, thầy đã viết trong bài hồi ký “Trường Phan Châu Trinh - nhớ lại và suy nghĩ” (Đặc san Kỷ yếu của cựu học sinh Phan Châu Trinh 1998):

“Ở trường Phan Châu Trinh, tôi đã được học với những thầy giáo mà tôi hết sức quý trọng và mang ơn rất nhiều. Nhiều thầy lúc bấy giờ còn trẻ lắm, có người mới hai mươi, nhưng tôi cảm thấy tất cả đều chững chạc, mẫu mực, thương yêu học trò, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Các thầy không chỉ cung cấp cho tôi những tri thức khoa học mới mẻ, mà quan trọng hơn đã giúp tôi nhìn rộng ra được cả nước và thế giới, có ý thức về thời đại mình đang sống và mong muốn trở thành người hữu ích cho xã hội”.

Sau khi kể tên và vẻ đẹp của nhiều thầy giáo trường Phan Châu Trinh thuở ấy, Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh viết:

“Trên nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi không thể nhớ hết mọi điều. Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả các thầy mà tôi đã được học trong những năm ở trường Phan Châu Trinh đều để lại nơi tôi những ấn tượng tốt đẹp. Tôi rất hối hận là khi sống trên Miền Bắc cũng như khi về Nam, sau năm 1975, tôi chưa có dịp gặp lại nhiều thầy. Phần vì công tác bận bịu, phần vì khác chuyên môn, nhưng có lẽ chính vì thiếu chu đáo. Đã đến lúc muốn sửa chữa những khuyết điểm của mình cũng không dễ gì làm được. Nhiều thầy đã từ giã cõi đời này. Mà cậu học trò nhỏ năm xưa cũng sắp bước vào tuổi “cổ lai hy”."

Nhớ về các giáo sư từng giảng dạy mình ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo sư Hà Minh Đức viết trong bài “Kỷ niệm về một người thầy” trên báo Văn nghệ số 47 (1767): “Thầy Đặng Thái Mai trầm ngâm với đôi mắt sắc lạnh mà đầm ấm. Khi giảng bài thầy thường giơ một ngón tay làm điệu như để cân nhắc từng suy nghĩ và lời nói. Thầy Trần Văn Giàu như một nhà hùng bịên, giọng ấm và vang, thường bảo sinh viên lớn tuổi: “Các chú ngày nay có điều kiện học hành. Phải hết sức cố gắng”. Thầy Trần Đức Thảo bước lên bục giảng cầm micrô và nói một hơi đến giờ nghỉ. Thầy Cao Xuân Huy với vẻ đẹp của một tiên ông, lúc trầm sâu, lúc sôi nổi và giảng bài như truyền đạo lý”. Và Giáo sư Hà Minh Đức dành nhiều dòng trong bài báo của mình để kể về Giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Thầy “Dạy chúng tôi cách làm phích để nghiên cứu. Thầy nói: “Trí nhớ con người có hạn, các đồng chí phải biết lưu trữ kiến thức cho khoa học”. Thầy nhắc chúng tôi kiên trì học ngoại ngữ. Đi sơ tán, phải dùng đèn dầu hỏa để làm việc. Dầu hỏa lúc này hiếm, thầy chỉ chúng tôi kinh nghiệm tiết kiệm dầu: “Khi nào suy nghĩ các đồng chí nên vặn nhỏ đèn lại, và khi nào ý ra thì lại vặn to đèn lên và ghi lại”.

Thương tiếc khi Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc qua đời, Giáo sư Nguyễn Đình Chú viết trên Báo Nhân dân (10/11/1994):

“Trong lịch sử lâu đời của Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng với những tên tuổi vẻ vang như Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, có tên tuổi của Nguyễn Lương Ngọc. Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc đã để lại cho đời một sự nghiệp nhiều mặt, trong đó lớn nhất là sự nghiệp giáo dục, mà cái cốt lõi chung chính là tinh thần lập đức. Ở đây vấn đề là có một chữ tâm, một tấm lòng yêu thương, trân trọng con người và mong muốn con người cũng yêu thương, trân trọng nhau”.

Nhiều nhà văn hoá – khoa học ở nước ta – mà người viết bài này mới chỉ biết được phần nhỏ - khi nhớ lại và suy nghĩ về thầy cũ của mình thường biểu lộ lòng biết ơn và kính trọng, biết ơn và kính trọng về “tài” và về “đức”, nhưng trước hết thường là về “đức”, về một tinh thần nhân văn - vốn là bản chất của giáo dục.

Thầy Nguyễn Thúc Hào – giáo sư dạy Toán của nhiều thế hệ, từng nhiều năm giảng dạy ở Huế cùng với thầy Tạ Quang Bửu... Trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, thầy tự đặt cho mình cái tên là “Nguyễn Tứ Đức”. “Tứ Đức” ở đây là bốn điểm sáng mà Bác Hồ đã dạy: “Cần - Kiệm – Liêm – Chính”. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Phạm Đình Diệu đã mừng thầy Nguyễn Thúc Hào của mình những vần thơ đẹp vào dịp thầy 70 tuổi.

Một tấm gương trong giữ vẹn tròn
Sá bao công lặn suối trèo non
Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng
Lòng vẫn son, bền chí sắt son.

Những vần thơ trên đúng với Giáo sư Nguyễn Thúc Hào nhưng cũng đúng với nhiều thầy – cô giáo trên đất nước ta, trong sáng, thanh bạch cho đến cuối đời.

PHV - 20/11/2008