Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần (2)

Những năm chín mươi (A)

1/1990

Một chuyện đáng nhớ ở Đại hội nhà văn III: Tô Hoài mai đi Le Caire Ai Cập họp Hội nghị Á Phi rồi, hôm nay vẫn giữ tên trong danh sách bầu chủ tịch đoàn. Phan Hồng Giang tố ra giữa hội trường để còn dành chỗ cho người khác. Ai cũng nghĩ ê cả mặt. Nhưng Tô Hoài coi như không có chuyện gì xảy ra. Sau Đại Hội vẫn đến Hội Nhà văn. Nghe đâu, số Tác phẩm văn học này, lại có bài điểm sách Tô Hoài.

Sức sống của nhà văn này cho tôi hiểu thế nào là sự phong phú của con người, nhất là loại người từng trải. Có thể nói ở mỗi con người loại này có những con người khác nhau. Trước công việc, một con người khác – đôi khi là Chúa – chi phối anh ta. Trong khi đó, thì ngoài đời, anh ta vẫn tiếp tục phiêu lưu, lang thang, hưởng thụ, hư hỏng.

Phan Thị Thanh Nhàn kể: Ông Tô Hoài làm ở cơ quan báo, lại Hội nữa, ăn hai lương như Bằng Việt, mà chả bao giờ đến cơ quan cả.

Theo Nguyễn Kiên, cái vụ Đại hội thì dơ thật. Nguyễn Kiên giải thích thêm, sở dĩ lúc bấy giờ ông Tô Hoài còn nấn ná chờ có được chút gì không, theo mình biết là vì ông nghe rằng hình như trên sẽ can thiệp vào Đại hội, nhân sự sẽ do trên xếp, và như vậy, thể nào ông cũng có phần. Ấy, kinh nghiệm xưa nay vẫn là như thế, chỉ có điều lần này kinh nghiệm đó không đúng nữa.

...

Nhân chuyện gì đó (à, chuyện về tạp chí của Hội), tôi bảo:

— Hình như ông Tô Hoài sẵn sàng làm.

Nguyễn Kiên:

— Ông ấy thì cái gì chẳng nhận. Rồi cũng chẳng làm mà cũng chẳng bỏ, nghĩa là làm cứ như đùa.

Ngày thứ ba 20/2, Hội đồng văn xuôi họp. Nghe anh em kể thì Tô Hoài giở giọng ngang phè (Ma Văn Kháng gọi là “giả lão, bán lão”, cậy mình là già, lợi dụng tuổi già của mình) :

— Tôi bây giờ chả sợ gì nữa. Ông Tố Hữu còn sợ, tôi chẳng sợ.

— Đọc báo là tôi cứ tìm cái dở nhất tôi đọc. Đọc thơ. Mà lại thơ Huy Cận, thơ Nguyễn Xuân Sanh hẳn hoi. Toàn thơ in theo chiếu mà, nên muốn hiểu ai lên ai xuống ai đứng yên mình phải đọc.

— Thời buổi bây giờ hỗn loạn, bỏ cái minh hoạ hôm qua, thì lại minh hoạ cho cái đổi mới hôm nay.

— Thì những giải văn chương trên chính trường bây giờ, như giải Nobel, nó cũng đều là chính trị cả.

Có một chút gì trơ tráo trong tất cả những lời bộc bạch đó. Anh em người ta cãi lại, anh mà không minh hoạ à, anh mà không có chiếu à, chiếu lớn là đằng khác. Anh bảo giải Nobel chính trị, thế giải Bông Sen của anh (Phạm Thị Hoài: Bông Sen hay Hoa Sen tôi cũng không biết nữa), mà không chính trị à?

Nghe Đỗ Trung Lai nói lại, Bằng Việt bảo phải cho Tô Hoài về hưu thôi, Tô Hoài cũng 70 rồi (Bằng Việt vẫn là nhân vật số 1 của Văn nghệ Hà Nội).

Chắc có lẽ thế, nên Tô Hoài chạy vạy đủ các nơi.

Hoàng Cầm: Tô Hoài đúng là một con chuột ngày, khôn lắm. Khi mà Tô Hoài muốn lấy lòng mình, lão rất khéo. Để rồi sau đó, lại phản ngay được.

19/6/90

Loại như Tô Hoài — đó là sản phẩm của quá trình dân chủ hoá trên thế giới này (quá trình dân chủ hoá tất yếu mà Likhatchev đã có lần nói tới cũng là một xu thế chung của văn học mình, từ thế kỷ XX). Nhưng dân chủ mà thiếu phần quý tộc, chỉ là dân chủ trong tầm thường, nhảm, thấp.

11/7/90

Ngồi cạnh Tế Hanh nghe ông nói với ai đó rồi quay sang gật gù bảo với tôi :

— Anh Tô Hoài còn trẻ mà nhanh nhẹn lắm.

Tôi máy mồm, không kìm được, độp luôn:

— Nhanh nhẹn và tham lam nữa, nên đúng là trẻ thật.

Nguyễn Đình Nghi:

— Tô Hoài thường bảo rằng Tự lực văn đoàn không trả tiền mình. Nói thế chỉ là thấy việc nhỏ mà không thấy việc lớn. Lệ hồi ấy, ai mới gửi mà được đăng lần đầu đều không trả tiền. Còn về truyện Con gà ri (khi đăng trên Chủ nhật còn giữ cái tên là Mê gái – V.T.N.), bố tôi (Thế Lữ) là người đọc văn xuôi, có đống bản thảo, tôi biết đã định loại đi, nhưng thấy tiếc moi xem lại lần nữa. Phát hiện ra truyện của Tô Hoài, thế là ông thuê xe lên ngay nhà Thạch Lam và hai ông cho đăng ngay ở số gần nhất. Sao lại bảo là ông vô trách nhiệm được.

(Cũng Nguyễn Đình Nghi: Đừng tưởng như Nguyễn Công Hoan mà là chân thực đâu. Trong Đời viết văn của tôi cũng khối chỗ nói dối!)

Người ta kể rằng, ở Hội nghị của Hội đồng văn học thiếu nhi, Văn Linh chửi ầm lên: Tôi chán các thứ hội đồng này lắm rồi. Lúc nào cũng từng ấy mặt chẳng nhẽ không ai thay được à?

Quang Huy cũng phụ hoạ cái giọng đó. Nhưng Tô Hoài kệ.

Trong đầu óc mọi người ở Hội, Tô Hoài vẫn là một nhân vật không thể thiếu. Khi người ta có ý định lập ra tạp chí Văn học nước ngoài, thì ông Tổng biên tập mà người ta nghĩ tới lại là Tô Hoài.

Một buổi tôi ngồi nói chuyện với Hách, Khuê.

Hách: Mình còn nhớ lần đầu thằng Trần Ninh Hồ nó gặp ông Tô Hoài về, nó bảo ông ấy ghê lắm, hạch đủ thứ.

Khuê: Tôi viết cái truyện gì này này, nói về một nghệ sĩ. Ông ấy bảo đừng có viết về nghệ sĩ. Hãy viết công nông ấy.

Nhân bàn về thân phận, tôi nói đùa:

— Từ công việc của Tô Hoài đôi khi thấy toát lên cái ý văn nghệ phải được quan niệm như một công việc nhăng nhít, và người làm văn nghệ quá nhiều tay nhảm nhí. Mà người tài nhất trong cái đám nhảm nhí này trước cách mạng có Nguyễn Bính và có Tô Hoài. Nhưng mặt hàng Tô Hoài đa dạng hơn.

Trong bài Chữ và tiếng nói, sách Sổ tay viết văn trang 119, bản in 1960, Tô Hoài nói về nghề: Người viết văn như cái cửa hàng bách hoá, càng nhiều mặt hàng càng dễ chạy.

14/4/1991

Vũ Quần Phương kể: Ông ấy khôn lắm, không có cái gì bỏ qua, nhưng không dính vào việc gì cụ thể cả. “Lúc nào cần vắng thì tôi vào viện. Ở tuổi tôi thiếu gì bệnh để nằm viện”. Chính ông ấy nhận như thế.

(Bùi Bình Thi có lần nói: Tô Hoài như một con rán, đặc biệt nhạy cảm với mọi tình thế.)

Cơ quan có cô N. làm văn phòng. Ông Tô Hoài dùng nó, nể nó. Đùng một cái, nó xin vào Hội. Anh em thấy chuế, ông Tô Hoài cũng thấy chuế. Cho nó vào thì ra làm sao nữa.

Có người như Bằng Việt nói thẳng, thôi N. ơi chờ chút đã, để bọn này viết cho N. mấy cái truyện hoặc mấy bài thơ rồi ký tên N. đã, N. hãy vào. Nhưng N. nó không chịu.

Đến ngày Ban chấp hành bỏ phiếu thì ông Tô Hoài vắng một cách cố ý.

Ấy, ông cứ sợ một đứa khùng dại như vậy để rồi có lúc ông coi thường cả một đại hội.

Người khác tham lộ mặt. Ông ấy thì lẩn khuất kín đáo. Khi có hai bên tranh nhau thì ông ấy nhường ngay. Chỉ khi nào, ở chỗ nào không ai để ý, ông ấy mới bổ nhào, và người ta phải chịu.

Cái mà tuổi tác mới dạy cho ông ấy chăng? Không, từ trẻ ông đã thế.

Là cái mà văn hoá Việt Nam nó thấm vào ông nữa.

19/7/1991

Con người trong Tô Hoài

Đọc lại Dế mèn. Đúng là có một tính cách, sự khao khát, ý tưởng hành động. Nhu cầu muốn làm việc lương thiện. Sự sòng phẳng, chấp nhận những lầm lỡ của con người mình.

Tính cách kiểu Dế mèn là tính cách thông thường của con người lập nghiệp, tuy không có cái sắc cạnh, cái quá đáng, cái gần như không thể bộc lộ được. Lại cũng đã bắt đầu thích chức vụ xã hội.

Nhưng ngoài Dế mèn, thì các nhân vật khác đều lặt vặt không có con người nào như Dế mèn. Trong truyện Tô Hoài trước cách mạng, loại con người hiện ra vớ va vớ vẩn đông hơn nhiều.

Trong một phiếm luận, tôi đã từng chứng minh những variant khác nhau mở ra trước nhân vật Tô Hoài trong việc mưu cầu hạnh phúc. Có vẻ như Tô Hoài muốn đưa ra cả loạt, một cụm mà lại không có một phương án nào là rõ rệt.

Tô Hoài không thật yêu một con người nào, một kiểu tính cách nào. Các loại nhân vật chỉ để vẽ phác, và đều nham nhở. Nhân vật không có những khao khát lớn. Nhân vật không có cái đắm đuối như các nhân vật của Nguyên Hồng. Bước đi loạng choạng, ý định thú tội – nhớ có một nhân vật Nguyên Hồng được tả như vậy. Gắn liền với ý thức về tội lỗi, khao khát chuộc tội. Sự thông cảm kỳ diệu với thiên nhiên, thấy ở đó một biểu hiện của Chúa, những cái ấy có ở những trang đặc sắc nhất của Nguyên Hồng.

Cuộc đời trong Tô Hoài thì lẩn mẩn rất nhiều chi tiết mà người bình thường quen thuộc nhưng lại hay bỏ qua. Đọc Tô Hoài người ta có thích thú nhưng không sửng sốt. Nhân vật trong Tô Hoài thiếu hẳn bản sắc riêng, cái thật nổi trội kỳ lạ. Có vẻ như họ sát ngay mặt đất, họ dễ lẫn đi giữa những người khác.

Nguyễn Kiên:

— Tôi và Tô Hoài cũng là một thứ bạn vong niên. Hồi tôi còn ở chỗ 65 Nguyễn Du, ông Tô Hoài cũng hay đến chơi, thủ thỉ đủ các chuyện vẩn vơ. Gần đây tôi chỉ nghĩ sao mà bố mày liều thế, viết bừa viết phứa, có mỗi cái Hà Nội cũ mà viết mãi thôi.

Vào những ngày này (10/1991) Tô Hoài đang khoe là có một cuốn hồi ký mang tên Cát bụi chân ai kể lại chuyện Hội Nhà văn 1957-1987.

Báo Tiền Phong Chủ Nhật đã trích đăng hai kỳ về Nguyễn Bính, bài viết cho thấy hình ảnh một Nguyễn Bính rạc rài rất đáng thương mà cũng đáng giận.

Lạ thật, một mặt thì Tô Hoài rất tiêu biểu cho lối làm việc của nghệ sĩ Việt Nam, loanh quanh tả cái cây cái lá với những chuyện vặt vãnh. Mặt khác, ông lại là người có lối làm việc của nhà văn hiện đại. Ông sớm viết hồi ký, viết ngay từ hồi 22-23 tuổi - tập Cỏ dại. Hình như ông hoàn toàn hiểu rằng nhà văn còn biết viết về những gì khác ngoài chính mình nữa!

Bên cạnh cái phần đôn hậu, sự ma mãnh là một thứ bản chất thứ hai Tô Hoài, nó giúp cho ông tồn tại nhưng cũng kéo thấp ông xuống.

— ma mãnh nghĩa là sẵn sàng làm bậy, nói dối, viết ẩu, len lỏi để sống.

— ma mãnh nghĩa là cứ tự nhiên mà thành, mưu mô lặt vặt xoay xở tầm thường cũng là tự nhiên, và không đủ sức vươn lên thành trí thức, vươn lên trong kiến thức, sách vở, phiêu lưu vào những khu vực thiêng liêng của đời sống tinh thần.

1/1/1992

Về quyển hồi ký Cát bụi chân ai

Từ hồi gặp nhau ở Moskva, Tô Hoài đã nói với tôi về ông Tuân, phải viết về ông ấy, viết chứ, nhưng không phải là kính viết mà viết một cách như là vẫn sống với ông ấy
vậy. Lại Nguyên Ân thì lại còn được Tô Hoài rót vào tai đại ý là sẽ viết về một thế hệ các ông ấy gặp chủ nghĩa Mác như gặp một cái quán, tiện chân là vào, thế thôi.

Đọc trích đoạn Cát bụi chân ai trên báo Tiền Phong, cứ tưởng Tô Hoài viết theo kiểu Erenbourg, viết cho mỗi người một chương. Nhưng không phải. Cả quyển viết về Nguyễn Tuân. Mở đầu bằng câu tôi kém Nguyễn Tuân 10 tuổi. Và đến cuối là đoạn có người đến báo Nguyễn Tuân chết. Theo cách trình bày của Tô Hoài, thấy ông không định viết Nguyễn Tuân cho sang mà kéo Nguyễn Tuân gần với mình, để rồi, cũng vẫn không quên cái điều căn bản, thực ra Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân mà mình vẫn là mình. Cái hiện tượng Nguyễn Tuân với Tô Hoài không gì khác, là chính văn học, là chính đời sống, chúng ta không lựa chọn cuộc đời này, ta sống với nó, vừa hăng hái thiết tha, vừa uể oải chán chường. Chưa bao giờ, chưa ở chỗ nào, tôi thấy Nguyễn Tuân như ở đây, nghe giọng toàn là thứ thiệt cả. Mặc dù luôn luôn nghi ngờ Tô Hoài, cho Tô Hoài là khôn, ranh, giấu mặt, song Nguyễn Tuân vẫn không bỏ được Tô Hoài, vẫn thấy đấy là một phần của cuộc đời mình. Theo cách nhìn của Tô Hoài, ở con người khinh bạc ấy, vẫn có biết bao tha thiết. Nguyễn Tuân hiện ra không như người ta nghĩ - hoặc có ác, thì cũng là ác một cách rất hiền lành, giời sinh ra bởi lẽ cá nhân thì phải làm cách vậy, chứ đâu có vô lương tâm. Khỉ thật, cái việc mà Tô Hoài từ Tây Bắc về Hà Nội, Nguyễn Tuân phải đi tiễn mãi, rồi thư từ cho Tô Hoài nữa, đọc đầy lý thú. Hoặc cảnh họ lang thang ở phố xá Hà Nội. Chiều chiều gặp nhau ở một cái quán, trong chốc lát mà thấy cả đời. Suốt bao năm tháng, ý tứ mà sống với nhau, anh nào lo niêu cơm anh ấy, nhưng cũng nên sống cho người khác một tí nữa. Nhớ chi tiết Nguyễn Tuân cho Tô Hoài uống rượu, rót xong là cất chai đi. Lại nhớ cái cảnh Tô Hoài đến Nguyễn Tuân đi vắng, lúc chủ về, thấy khách ngồi đấy, hỏi một hai câu, tỏ ý khó chịu rồi lăn ra ngủ. Cái tài của Tô Hoài là tả, tả kỹ, khiến cho mình tin một con người như vậy, và nhất là tin rằng cuộc sống chỉ là một cái gì bình bình, xoàng xoàng, không nên cao giọng mà nói, mà quát (gần đây, gặp tôi, nhân nói chuyện về Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử cũng không quên nói rằng ông Mạnh nhiều khi cao giọng đấy, chả vừa đâu). Đoạn cuối, tả Nguyễn Tuân già yếu, bất lực, tiếc đời, lụn bại, đúng với tình thế một người hết thời, nhưng cũng cho thấy một cuộc đời qua đi, chớp mắt một cái, thế là đã xong hết cả. Nhưng mấy hôm nay, người trong giới bảo nhau (tôi nghe Nguyên Ngọc bảo) là sách không in được đâu, trên chưa định thanh toán cái hoá đơn này đâu.

Tô Hoài: Nhưng ở tuổi tôi, tôi phải viết thế chứ còn gì nữa!

12/1/92

Tô Hoài là người thế nào? Tôi nói đùa, là người ngồi cùng mâm với mình ông ấy nhã nhặn, lịch thiệp lắm. Nhưng mình quay đi là ông ấy gắp tuốt.

Ông ấy dám làm cả những việc không ai dám làm.

Ở Hà Nội, có việc Trần Quốc Vượng đi Mỹ nói bậy, bị trên ghét. Có chỉ thị bảo là phải đến vận động để Trần Quốc Vượng rút ra khỏi Chủ tịch, hay Phó Chủ tịch gì đó, Hội sử học Hà Nội. Ai cũng sợ phải đi làm việc đó, chỉ có Tô Hoài là không sợ, cứ đi như thường.

Lại nhớ cái chuyện Nguyễn Khải kể từ hồi chống Mỹ. Nhà văn N. T. được một cái giải của bên Tổng công đoàn, nhưng giăng giện với ai đó bị người ta kêu, nên phải cắt giải. Nhưng đã trót gửi giấy mời đi rồi. Ngày phát giải, ban tổ chức lo, không biết làm thế nào. Tô Hoài bảo để tôi làm cho. Tô Hoài đứng đón ở cổng. Khi N.T. đến, Tô Hoài ra nói hai ba câu, thế là bà này giắt xe về. Hỏi nói gì mà tài thế thì Tô Hoài cười, tôi chỉ nói là cô về đi, họ nhầm đấy, thế là về thôi chứ sao nữa !

31/1/1992

Nói chuyện với Phấn Đấu về Tô Hoài:

— Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp ăn uống với Tô Hoài, nhiều người đâu đâu rủ, Tô Hoài cũng đi. Phải nhận là ông ấy giỏi né tránh thật. Cứ có chuyện gì quan trọng là tránh hết. Rất hay cáo giữa buổi, đang chuyện dở thì bỏ về, bỏ một cách đột ngột.

— Anh em nó kêu là cô Thanh Nhàn hay quên bài lắm, Tô Hoài bảo ngay, chính cô ấy, cô ấy cũng quên nữa là bài với vở.

Tô Hoài cho in bài Sám hối bị anh em kêu. Cô Nhàn thích lắm, nói toang toác lên, ra cái điều mình làm cũng sai, mà Tô Hoài cũng sai, lão có hơn gì mình.

Tô Hoài cao tay hơn hẳn. Ông cũng lớn tiếng nói trong cơ quan, rằng đúng là có người kêu nhưng phải xem người kêu là ai đã, chứ cứ doạ tuyên huấn, tuyên huấn, thì không được đâu.

Cả công văn của Thành uỷ gọi ông lên, ông cũng không lên. Chỉ nhắn miệng: Bài Sám hối ấy là quan niệm của chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm.

Có ai làm gì được ông ấy đâu.

Nguyễn Quang Thân kể: Lần ấy trong một chuyến xe lên Đại Lãi, ai đó nói rằng Tô Hoài đã có một trăm cuốn, Tô Hoài cãi lại là không, tôi đã có hơn một trăm. Dương Thu Hương ngồi cạnh, như một kẻ tâm thần, lấy tay xoa đầu lão.

— Con ơi, càng viết nhiều càng khốn nạn đấy, con ạ.

Kim Lân kể là vừa rồi, tôi cũng có viết thư cho Tô Hoài, tôi bảo rằng thôi tôi với ông, cũng đã bảy mươi rồi, mọi việc có gì không phải, thì ông bỏ qua cho tôi. Và Kim Lân không đọc Cát bụi chân ai.

Nhàn: Tại sao Tô Hoài thân Nguyễn Văn Bổng vậy?

Kim Lân: Vì có một hồi Nguyễn Văn Bổng từ B ra, bị ghẻ lạnh. Tất cả những Thu Bồn, Liên Nam đều được đón tiếp rất linh đình, chỉ có Nguyễn Văn Bổng là không. Chính lúc đó Tô Hoài đến với Bổng, và được Bổng tri ân mãi.

18/2/1992

Cái ý nghĩ chi phối một người như Tô Hoài - ý nghĩ rằng cuộc đời là một thứ trò chơi. Cốt chơi, cốt được, chẳng nhẽ mình lại thua, chứ thật ra, chẳng coi việc gì là nghiêm chỉnh, kể cả việc viết văn, kể cả làm cán bộ cách mạng.

Một mặt, có một chút gì đó như là sự tự lo liệu rất tài tình, mà không phải ai cũng biết lo cho mình như vậy. Tô Hoài kể có sáu con, ba trai ba gái. Một người bà con với tôi (VTN) kể là con của Tô Hoài, cậu Vũ, thuộc loại nhà giàu, đến nhà nó, từ lâu rồi đã uống bia thoải mái.

Mặt khác, trước mặt mọi người, Tô Hoài tạo cho người ta một cảm giác biết buông, biết bỏ, không cần gì, không việc gì làm ông tha thiết cả, tiền cũng vậy, chức tước cũng vậy.

Người có nghệ thuật sống bậc thầy này trước tiên lại là cũng có triết lý sống riêng, một thứ triết lý kiểu Việt Nam, chả tuyên ngôn tuyên bố, nhưng thật sự là có một cách đi cách dò dẫm của mình. Triết lý của Tô Hoài là một thứ triết lý dân gian, cuộc đời là vớ vẩn, là chả đâu vào đâu, nhưng cứ phải sống, được làm vua thua làm giặc, tức cuối cùng ai nhiều tiền hơn, ai có tiếng hơn, người đó vẫn hơn.

Vẫn lời Tô Hoài kể, ông là người hoạt động từ trước 1945. Ông có 8 năm hoạt động trong bóng tối. Bao gồm 4 năm ở Hội ái hữu và 4 năm ở Văn hoá cứu quốc. Ấy vậy, ông vẫn chơi bời đi lại với cánh Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, vẫn viết như điên, vừa viết cho mình, vừa viết hộ mọi người. Lại còn lang chạ chơi bời với chị em nữa. Một câu cuối cùng mà tôi nhớ khi nói chuyện với Tô Hoài buổi chiều 17-2, đó là câu “Tôi cũng có duyên với chị em nhưng lại không có nợ” - quả là đúng thế thật, Tô Hoài chạy làng rất giỏi.

22/3/1992

Tự nhiên có việc phải làm với Tô Hoài, việc ông Hồng Phong, đề tài Đề cương văn hoá Việt Nam. Được nói chuyện riêng với ông khá suồng sã.

Hồi ở Văn Nghệ quân đội, tôi đã nhiễm phải cái tính hay nói vỗ mặt. Bây giờ vẫn còn giữ thói nhà binh ấy. Trong một cơn điên, tôi nói mấy câu liều thế này:

— Anh cứ chê Xuân Diệu chứ anh mắc đúng những cái như thế.
— Anh nên làm một ít thứ để mà chết chứ. Cứ viết làng nhàng thế này, dơ lắm.

Tô Hoài không nói gì (không chấp?), sau chỉ thẽ thọt:

— Tôi viết không mất thì giờ lắm, có khi ngày bốn bài. Này, những ông như ông Tuân ông ấy không viết được nhiều đâu. Cụ ấy chỉ nghe kể, toàn Vang bóng một thời các cụ xưa cả, chứ thời Tây cụ Tuân lại chưa viết.

Nhàn: Theo tôi hiểu, cụ Tuân không kiếm chác như anh, cũng không hư vô như anh, nên khó viết hồi ký.

Tô Hoài lảng, không nói gì. Không chấp?

Nhân thể nói chuyện các vụ việc trong văn nghệ, Ngọc Trai nêu ra nhận xét: Ông Tô Hoài có đánh ai thì đánh giả vờ mà trên lại cứ tưởng đánh thật. Chứ cứ như Chế Lan Viên thì đánh người ta sặc máu mồm đấy nhá.

Một cách hình ảnh, Tô Hoài có phải quỳ gối trước cấp trên, mắt vẫn liếc xéo, miệng vẫn cười tủm, thầm nói với anh em trông tớ quỳ có vui không?

Nguyễn Tuân: Hai đồng chí Tổng Thư ký và Phó Tổng thư ký Hội (Thi và Tô Hoài) đều có võ cả.

Nhưng võ Tô Hoài kín hơn – ông Tuân khái quát.

Tô Hoài tự khoe:

— Này, tôi vẫn phải viết báo cáo cho Phạm Thế Duyệt luôn đấy. Có lần lão bảo mình thôi, trong văn nghệ, anh cũng là loại Bộ chính trị rồi, anh viết là được - Tô Hoài thú lắm.

Tô Hoài nhận xét về người khác

Về Nguyễn Xuân Sanh:

— Ấy, cái ông này, mình có hứng lên mời ông ấy đi ăn phở, thì độ nửa tháng, một tháng sau, thể nào ông ấy cũng mời lại mình bằng được. Nhất nhất với ai cũng vậy.

Về Tế Hanh:

— Gặp ông ấy lên ông Tố Hữu, ông ấy bảo chẳng qua ông ấy nhân tiện rẽ vào. Nhưng sự thật là bố ấy đi từ ở nhà.

Tôi kể Vũ Quần Phương có bài hưởng ứng vụ đánh Trần Quốc Vượng trên báo Giáo dục và thời đại. Phương viết là nhờ báo lên tiếng, mới được biết.

Tô Hoài lật ngay :

— Chắc thằng ấy nó định kiếm chác nên mới viết thế. Chứ có tài liệu gì mình chả đưa nó đọc.

Về Nguyễn Đình Thi:

— Trong cả cuốn sách của tôi, tôi có thèm nói về Thi một câu nào đâu? Một lão loại ở đâu vào văn nghệ chứ có phải đâu là văn nghệ gốc. Này, giá kể có bảo lão ta viết một bài báo có khi cả tuần loay hoay không xong, còn mình, mình có thể viết ngày bốn bài.

Ghi chú: đây là Tô Hoài nói về Nguyễn Đình Thi trong cuốn Tự truyện, phần Một quãng đường. Nhưng đó là khi đã thành sách. Còn bản in ở tạp chí Tác phẩm mới, 1971, viết về ông Thi đầy đủ. Số tạp chí này phần minh hoạ của Sĩ Ngọc vẫn có ông Thi.

Vào những ngày này, Tô Hoài lại
trở lại cái giọng của những sáng tác ông đã viết từ trước cách mạng. Cô đào thương - Một cô đào xinh đẹp lắm, chuyên môn đóng những vai như Hạnh Nguyên cống Hồ. Nhưng sống hàng ngày thì nhếch nhác vô kể, chồng sai đi kiếm cái nhắm, bảo là tuột mất một con cá, thì là chồng đánh cho một trận.

Diễn viên mà như thợ cấy thợ cày.

Nghe nói ở cơ quan, Tô Hoài đang phải làm trưởng ban giảm biên chế.

Lý luận của ông: Khối thằng sợ mình, tội gì không làm.

Tôi chợt phát hiện:

— Anh Tô Hoài có cái tài là biết thông cảm với sự tầm thường của con người.

Tô Hoài không nói gì. Trước đó, ông bảo rằng bài của tôi về Nam Cao (chất nghịch dị) là được, sự lạc quan phải đọc qua tác phẩm chứ đâu qua lời tuyên bố của ông giáo Thứ.

Tô Hoài khoe là tác phẩm nào cũng sửa, sửa rất kỹ. Nhưng lần này, cầm quyển Cát bụi chân ai mới thấy ông chỉ sửa lại vài câu, vài đoạn. Song vẫn có lúc sự tỉ mỉ đi tới quá quắt. Cần gì mà phải sửa đến thành tới nhỉ? Nhưng Lại Nguyên Ân phát hiện ra điều này khi cầm mấy trang Đề cương văn hoá của Tô Hoài.

Tô Hoài kể về Nguyễn Huy Tưởng. Hồi kháng chiến đến khổ vì ông ấy. Mỗi lần đi họp ở trên về là mấy ngày kể về anh Năm (Trường Chinh) trước anh em cơ quan. Mệt mà không ai dám kêu.

— Nhưng sau hoà bình, tự nhiên tư tưởng của ông ấy chuyển. Có nhiều điều Nguyễn Huy Tưởng không dám ghi vào nhật ký nữa kia. ví dụ, Tưởng không thể chấp nhận việc Liên Xô vào Hungari, hoặc khai trừ Nam Tư khỏi Cục thông tin quốc tế.

Sau 1954, Nguyễn Huy Tưởng bật bãi, không được phụ trách văn nghệ nữa. Mà bị thay bằng Nguyễn Đình Thi. Lúc này Tưởng rất nể Nguyễn Hữu Đang và Phạm Ngọc Khuê (N.H.Đang là tay ăn nói giỏi nhưng bị ông Trường Chinh ghét, trong kháng chiến gần như không được làm gì).

Tô Hoài bảo hồi ấy chúng tôi thường bảo Nguyễn Huy Tưởng là anh cộng sản annamít. Lại kể Boudarel vẫn có gửi sách tặng mình. Lão Tây này ghét nhất hai người, ông Trường Chinh và ông Tố Hữu.

Nghe nói là vào những ngày này, Tô Hoài còn bốn năm bản thảo kẹt ở các nhà in mà không ai in cho.

Rồi Tô Hoài kể, hôm nọ báo Văn Nghệ đăng mấy cái thư Nguyễn Tuân đi thực tế gửi cho Tô Hoài và đếm chữ mà trả, Tô Hoài chỉ nhận được có hai mươi ngàn. Đành mang biếu cụ bà.

Cũng thời gian này, ông gửi truyện ngắn Cô đào thương, báo đăng và ghi rõ “Hưởng ứng cuộc thi truyện ngắn”. Vậy mà, vẫn lời Tô Hoài: Khi cuộc thi kết thúc chả thấy có lời ơ hờ cảm ơn lấy một câu.

Nhàn (tự nghĩ): Nghĩa là cái gì lão cũng nhớ, chân giò sỏ lợn hưởng rồi, nhưng con tôm con nhộng cũng không quên, ranh thế chứ.

Tô Hoài kể về Nguyễn Tuân: Chính vì Phùng Bảo Thạch mà Nguyễn Tuân bị bắt (trong Cát bụi chân ai, gọi là anh Phùng). Sở dĩ Nguyễn Tuân tức vì thật ra chẳng theo ai, chẳng qua chơi bậy mà bị bắt, và cũng không đáng bị bắt nữa.

Vì Phùng chỉ cần không phun ra là có Nguyễn Tuân ở đây là xong chứ gì.

Sau này, Phùng Bảo Thạch chết, Nguyễn Tuân nhất định không đi đưa.

Lại như trường hợp Vũ Ngọc Phan, ở tù ra Nguyễn Tuân túng tiền cho người đến hỏi Vũ Ngọc Phan. Vũ Ngọc Phan không những không cho vay, mà còn không trả lời nữa. Khi Vũ Ngọc Phan chết, Ngọc Trai đến bảo ông đi đưa.

— Thôi bác đi một tí, nghĩa tử là nghĩa tận.

— Tôi với thằng ấy có nghĩa gì nữa mà tử với tận.

Nhưng rồi nói mãi, Nguyễn Tuân cũng đi. Đến nơi, không chào ai, cũng không vàng hương, chỉ trân trân ngó vào mặt Vũ Ngọc Phan một lúc rồi bỏ về. Vậy mà gia đình Vũ Ngọc Phan đã cảm động lắm.

Tô Hoài khái quát: Ông này phải cái cổ, cái gì cũng suy tính ngẫm nghĩ mãi mới làm.

Cũng liên quan đến chuyện Nguyễn Hữu Đang, chuyện tiền nong và chuyện cách mạng, Tô Hoài kể: Nguyễn Hữu Đang tốt lắm, thấy Nam Cao và Tô Hoài khổ, vận động anh em Văn hoá cứu quốc cho ít tiền.

Chỉ có Như Phong và Nguyễn Đình Thi là không cho. Tại sao? Để nếu có bị bắt, sẽ khai là có ủng hộ Việt Minh, nhưng không đóng tiền. Đối với Pháp, năm đó có cái rộng về tư tưởng, chỉ không tham gia tổ chức là được. Mà đóng tiền tức là tham gia tổ chức.

Năm đó, gần cách mạng, cụ (Đặng Thai) Mai cũng không đóng tiền, không gặp bất cứ ai, chỉ ở nhà, và gặp mỗi Vũ Quốc Uy. Tô Hoài kể thêm, và cũng nhếch mép cười nhạt đầy ngụ ý.

Chuyến đi Hoà Bình 1 - 6/6/1992

Khi nào Tô Hoài nói không biết, thì mới thấy ở ông một cái gì ráo hoảnh đi, không cần, không quan tâm đến ai, cái miệng hơi dẩu lên, ích kỷ thượng hạng.

Nhưng hàng ngày, Tô Hoài là một người dễ chịu, dễ hoà nhập với mọi người biết đùa bỡn, sống được. Chỉ làm phiền ông là hơi khó.

Ngày trước Xuân Quỳnh hay kể Nguyễn Tuân toàn chuyện lặp đi lặp lại. Thì Tô Hoài cũng vậy, nhiều chuyện của Tô Hoài bao giờ cũng từng ấy chi tiết (chi tiết về Bùi Hiển cười chậm hơn anh em chẳng hạn). Đi mấy ngày mà nhiều lần Tô Hoài tự tái bản, nào chuyện Nguyễn Tuân, nào chuyện cuốn tiểu thuyết mới viết, nào chuyện tên Huỳnh Cự trong cải cách ruộng đất.

Về sáng tác của người khác, Tô Hoài bảo là có đọc, nhưng hình như chỉ đọc để biết. Không thấy phục ai, không thấy có gì xót xa với ai cả. Cái mong mỏi của một nhà văn rằng có người kế nghiệp, cái mong ước đó không có.

Những lời tự kể

— Loại người như tôi, độ khoảng 2-3 giờ sáng là dậy rồi, lúc ấy rất tĩnh tha hồ mà viết.
— (Về gia đình). Bà vợ tôi chả hiểu gì về nghề của tôi, bà ấy chỉ biết tôi đưa tiền về nhà thì là được. Ở nhà, tôi sống một mình trên cái gác xép, đến quần áo cũng phải giặt lấy vá lấy. Cả đời tôi chả xem Ti vi bao giờ cả, chỉ nghe đài, với đọc báo.
— (Nhân bàn về sự đoảng của con người bây giờ). Ấy, vợ tôi cũng thế, toàn cho ăn mồng tơi rau đay. Tôi mà đi vắng thì ở nhà mâm dọn ra toàn xoong cả, để khỏi phải rửa bát mà.

(Sau này nghe tôi hỏi lại, cô Sông Thao nói với tôi là bố cô tố lên, chứ nhà đâu đến nỗi thế.)
— Này, nhà tôi xưa nghèo lắm. Chính ông nội tôi tên là gì tôi cũng không biết cơ mà.

Người và việc ở Hội Nhà văn

— Tôi làm việc với lão Thi, lão ấy lười, cái gì mình cũng làm thế là lão ấy thích. Còn tôi đi nước ngoài nhiều là do chỗ Ban đối ngoại nhân dân họ cho đi chứ đâu phải Hội.
— Lão này (N.Đ.T.) có cái lạ là ngay cả với mình, người quen lâu rồi mà lão ấy cũng giở trò lập trường tư tưởng ra. Ai mà chịu được.
— Ấy là người luôn luôn ở đâu rồi về, làm Tổng kết. Vụ Nhân văn Giai phẩm, lão ấy chả có một cái báo cáo rất dài là gì?
— Vỡ bờ, đúng là một thứ hậu Tự lực văn đoàn, như thằng Trương Chính nó nói.
— (Về Chế Lan Viên): Năm 74, ông Hà Huy Giáp có cái giấy cho tôi và Chế Lan Viên thôi làm Tạp chí Tác phẩm mới, lão Chế còn không nhận, lão ấy bảo không đứng chung danh sách với tôi cơ mà.
— (Về Hoàng Trung Thông và Nguyễn Tuân): Cái vụ Nguyễn Tuân đuổi Hoàng Trung Thông là có thực, chả là năm đó Hoàng Trung Thông có viết cái chân dung cụ Tuân, lại nói là cụ gặp một bà cô đầu cũ, hỏi rồi khóc. “Nó làm như mình nhân tình nhân bánh với bà ấy, mà đâu có chuyện gì. Bà ấy chết vì bà ấy tự tử trong cải cách ruộng đất. Nó biết, nhưng nó cố tình im, để cho cải cách ruộng đất thắng lợi.” Ông Nguyễn Tuân đuổi Hoàng Trung Thông lý do là như thế. Nhưng làm xong thì lại hối hận.
— (Về Nguyễn Tuân): Những lúc ăn uống, cụ Tuân hay nói là phải viết cái nọ phải viết cái kia. Nhưng cụ ấy chả viết. Vang bóng một thời cũng là chuyện nghe kể lại. Có vẻ như Nguyễn Tuân thích ngẫm nghĩ để viết, thích nung nấu muốn viết hơn là viết thực sự. Số Nguyễn Tuân sướng ở chỗ này. Không bao giờ đi ăn phải trả tiền cả. Mà lại cứ như là chủ đám ấy. Mình bỏ tiền ra, nhưng bọn chủ hiệu nó lại hầu hạ cụ ấy mặn mà hơn mình. Chỉ được một việc ngồi vào bàn hút thuốc chờ rượu là ông ấy đứng lên. Đi mời thuốc lá chủ hiệu, xuống cả bếp mời đầu bếp, họ đang bận, thì tự tay cắm thuốc vào mồm họ, làm cho người nào người ấy ai cũng lâng lâng cả lên, thế là bảo nhau mà phục vụ cho tận tình. Hết việc. Từ đấy trở đi mình chỉ có sung sướng mà hưởng cái giá trị là được ăn bên một con người sang trọng. Khổ một nỗi dù có bỏ tiền ra, nhưng mình cũng không thể làm những việc ấy giỏi bằng, thôi thì chịu vậy.
— (Về Anh Thơ): Bà này luôn luôn có cái mặc cảm rằng mình quá đẹp người ta mê mình, thế mới chết chứ. Mỗi lần Marian Tkachev sang, bà ấy vẫn viết thư cho Hội Nhà văn nói rằng đừng để đồng chí Marian gặp tôi, vì đồng chí ấy rất mê tôi. Thôi thì mình càng phải bố trí để tránh tai vạ cho bà ấy chứ còn biết làm thế nào?!
— (Về Kim Lân): Đây vẫn là một người hóm, nói chuyện với Kim Lân bao giờ cũng rất thích. Nhưng sau này ông ấy ngại gặp tôi. Hình như có một chút mặc cảm, cùng dân tự học như nhau, thế mà mình lại hơn ông ấy, thế là ông ấy không thích rồi.
— (Về Nguyễn Văn Bổng): Thì ông tính ở Hội Nhà văn còn biết nói chuyện với ai nữa? Những ông như ông Đào Vũ, Phạm Hổ bao giờ cũng chỉ cười, không biết lúc nào các ông ấy thật, lúc nào ông ấy giả nữa. Nguyễn Văn Bổng là người mà tôi có thể nói được mọi thứ chuyện, mà không có gì phải ân hận, phải lo lắng, phải giữ gìn. Bây giờ mà được một người như thế cũng khó lắm.

Sáng tác mới

Tôi mới viết xong một tiểu thuyết về cải cách ruộng đất. Chuyện ba người khác nhau, trong đó lại kể tôi đi cải cách ruộng đất, làm cán bộ đội mấy lượt và tôi đã làm bậy ra sao. Mà sự làm bậy của tôi cũng chẳng thấm gì với những người chung quanh. Người ta đã viết nhiều về cải cách ruộng đất. Như Ngô Ngọc Bội, ông ấy viết về gia đình ông ấy. Như cô Dương Thu Hương, cô ấy viết do nghe người khác kể lại. Còn tôi, tôi viết do tôi chứng kiến, tôi đã đi cải cách ruộng đất, đã sống, đã là một vai kịch.

Ý của tôi là, tôi đồng ý phải có cải cách, nhưng không thể cải cách theo kiểu ấy.

(Ở chỗ Tô Hoài nhấn mạnh “đây là chuyện của tôi, tôi có chứng kiến” thì lại có chút gì đó như là cổ lỗ. Với tôi - VTN -, thực ra sự chứng kiến chả có gì là quan trọng, nhấn mạnh sự có mặt, tức là lại rơi vào lý thuyết của mấy ông Tố Hữu, Hà Xuân Trường.)

6/7/1992

3-7,
kỷ niệm 35 năm thành lập Hội nhà văn, Tô Hoài không đi, ông nói với Ngọc Trai rằng cái thông báo của Hội nói khá dài đến Xuân Sách là thối quá, không ra cái gì cả, không thể chịu được.

Trước đó, Tô Hoài cũng đã được mọi người cho xem lá đơn của mấy chục nhà văn ký, phản đối cuốn chân dung của Xuân Sách. Nhưng không để người ta rủ, Tô Hoài đã tỏ thái độ thế nào đó, một cách ý nhị, nhưng cũng là một cách không thể hiểu khác được, thế là họ không rủ Tô Hoài nữa.

Tô Hoài giải thích: Tôi cho rằng người ta không nên làm khủng bố với nhau nữa. Tất cả đã đủ.

Trong số báo Nhân Dân Chủ Nhật ra 5/7/1992 sau Vũ Tú Nam, Tô Hoài được người ta phỏng vấn. Ông nói đại ý từng ấy năm, Hội nhà văn cũng y như xã hội là cũng có tất cả những cái sai, những cái đúng. Hội nhà văn mấy chục năm không đại hội, không tạo nên một thứ giải thưởng ra trò...., thế mà cũng cứ là thành tích.

Về phần mình, ông bảo tôi công tác Hội, cũng viết báo viết văn, nay vẫn viết báo viết văn. Không cần họ - ý ông là thế - tôi vẫn tồn tại. Tự tôi là một thứ Hội Nhà văn.

Hình như công việc này, Tô Hoài mang vào nhiều giận dỗi cá nhân, người ta lại coi ông như mọi Hội viên khác, thế là không được.

Con người xưa nay vốn nhũn nhặn, phen này công khai tỏ thái độ. Và không thấy mình có lỗi gì cả.

Nhưng khi tôi nói chuyện này ra, thì mấy người như Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách nói ngay chính ông Tô Hoài quan liêu. Ông Tô Hoài không làm gì cả, nhưng sự hỏng của Hội có phần tội của ông. Không rũ tay đứng lên vô can được.

23/7/1992

Tô Hoài có cái tài là nói về những người khác bằng một hai chi tiết thôi. Mà đã giết người đó hoặc nếu không, cũng bắt đúng tính cách người ấy.

Nhân nói về chuyện ông Tế Hanh đã biết có nhóm làm cái chương trình nghiên cứu văn hoá KX-06.

— Ở nhà này có ba người rất hiền, hình như chả đi đâu, mà cái gì cũng biết là Tế Hanh, Nguyễn Thành Long và Phan Hồng Giang. Ông Tế Hanh này lại còn có cái tật hay mò mẫm, xà xẩm nữa, buồn cười lắm.

Nhưng một lúc sau, Tô Hoài lại ra ngồi cạnh Tế Hanh, làm ly bia chia tay để mai Tế Hanh đi Đà Nẵng. Lúc ngồi đấy, lại than thở các việc.

Nhàn: Đọc Cát bụi chân ai thấy anh cũng thương ông Tuân, thấy trong cuộc đời ông Tuân có cuộc đời mình, khổ cho nhà văn mình thật.

Tô Hoài: Tôi đọc số Người đưa tin UNESCO, một nhà văn nào đó còn than thở rằng văn học A rập không ai biết, thì còn nói chi đến văn học mình.

Tế Hanh: Các nhà văn Liên Xô cũng cực lắm, một người như Paustovski chết có được gì đâu.

Tô Hoài: Đọc tự truyện của Pau, thấy ông bảo là có lần ông suýt bị mang bắn rồi, đó là hồi Cách mạng. Rét quá, ông vào chố đám sinh viên, xin cái áo bọn nó mặc. Ta đến, tưởng là sinh viên, mang bắn tuốt. Sắp ăn đạn thì cậu đội trưởng người quen nó đến, nó bảo cậu này không phải sinh viên, thế mới thoát.

Tế Hanh: Thì mình cũng bắn Nhượng Tống, bắn Khái Hưng chứ đâu có riêng ai?

Nhân tôi nói chuyện về Nam Cao, Tô Hoài nói ngay:
— Nam Cao đâu có được đi kháng chiến. Phải về làng. Sau ở trên kia tôi mới đề nghị anh Xuân Thuỷ viết thư về đưa lên đấy chứ.

Hồi ký của Tô Hoài gây ra xáo động ở nhiều người. Ai cũng cảm thấy tiếc đời mình bao chuyện mà giá kể mình viết được một ít chuyện đó. Nguyễn Kiên nhớ có lần đi với Nguyễn Công Hoan, hầu hạ Nguyễn Công Hoan vừa lố, vừa hài. Giá làm như Tô Hoài viết cả ra thì khối người đọc.

Nhưng rồi Nguyễn Kiên bảo:
— Ông Tô Hoài có cái lối là ông ấy cứ vân vi với kỷ niệm, rồi ông ta tạo nên cả một thế giới kỷ niệm, và ông ta viết dần, nào chân dung, nào lời tựa... Mình không làm thế được.

14/9/1992

Hoàng Cầm cũng công nhận là về khoản gái, Tô Hoài ghê lắm, hơn bất cứ ai, chỉ có điều tâm ngẩm tầm ngầm như thế, nên chết voi, mà chả làm sao cả. Đến vợ cũng không ghen thì thôi chứ gì?

— Tô Hoài ăn ở, trên không ghét, dưới không ghét, bạn bè không ghét được, như thế kể cũng đã là khôn lắm — Vẫn lời Hoàng Cầm.

Và Tô Hoài “đá” nữa. Tô Hoài vay Nguyễn Hữu Đang tiền, còn giấy tờ hẳn hoi, mà Nguyễn Hữu Đang nhờ Phùng Quán đi đòi, Tô Hoài đếch giả, ai làm gì được.

— Thế còn cái chuyện Tô Hoài hay đi lại với Đặng Đình Hưng lúc bị nạn?

— À, cái đó thì có, Tô Hoài có cái thế để làm việc đó.

Sài Gòn cuối tháng 11 đầu 12/1992

Cùng đi công tác mấy lần, có một chuyện kể lại tôi không chán là chuyện bà Phượng. Bao giờ Tô Hoài cũng kể về nó với một chút cảm động khiến tôi phải nhận là chân tình. Đó là một trong những trang đẹp nhất trong đời Tô Hoài.

Trong một lần say rượu trở về phòng, trên khách sạn Dâu tằm tơ trên Đà Lạt, Tô Hoài kể với tôi những chuyện linh tinh về đời tình ái của mình rồi kết luận:
— Thế thôi, cho qua ngày, cho đời có cái vẻ đáng sống mà nó phải có. Với tôi, đời đẹp và buồn.

Nhàn: Còn bao nhiều điều anh chưa viết hết về Nguyễn Tuân. Nhiều người bảo rằng có những điều, anh có thể viết khá hơn Cát bụi chân ai.

Tô Hoài: Cái đó có chứ. Ví dụ Nguyễn Tuân là một người rất tính toán và đã có lúc khổ về sự tính toán của mình. Tại sao Nguyễn Tuân trả lời với người ta rằng chỉ thân với Trần Hữu Tước? Vì nói thân tôi chẳng hạn, người ta ghét, không cho mượn xe nữa. Một lần Nguyễn Tuân vào thăm Tố Hữu nằm viện. Thằng Phạm Văn Khoa nó nằm ngay dưới, không vào thăm. Nó biết, nó chửi cho. Sau phải xin lỗi mãi.

Nguyễn Tuân là thế. Những ngày trước khi chết, ông ấy buồn lắm.

Nhàn: Không phải là buồn vì chưa phục vụ được nhân dân, đất nước chứ?

Tô Hoài: Tất nhiên là không rồi. Chỉ tiếc là chưa được hưởng mọi thứ.

Thấy nói là có thể có Hội Dâu tằm tơ, Tô Hoài khều ngay, cho mình vào Hội với, mình cũng là dân thợ cửi cũ mà!

Ý thức về mình

Một lần Tô Hoài đi dự chiêu đãi. Có người nói đùa: Hôm nay trông ông giống Võ Chí Công quá.

— Nói thế làm mình buồn chứ hay ho gì! Thực ra phải nói là lão ấy giống mình mới đúng.

Quan niệm về thời buổi này: Tôi cho không có gì là văn học lớn cả. Không thể có. Tốt hơn hết là viết cho nhiều vào, may ra có tài liệu để đời sau viết tiếp.

Khả năng phát hiện tính cách: Vợ sau Nguyễn Bính ở Nam Hà có cho tôi xem một tờ giấy Nguyễn Bính để lại. Ra tờ giấy đó là giấy ly dị với vợ cũ ở miền Nam. Cái thằng lạ thế, tất cả mọi thứ giấy tờ vứt đi, nhưng giấy ly dị thì còn giữ lại.

Có biết tại sao Nguyễn Bính đi tập kết không? Vì hồi đó, anh em tính thằng này mà ở lại thì hàng địch mất, cho nên phải cho ra ngoài này thôi.

Một số suy nghĩ của tôi về Tô Hoài

Luôn luôn, tôi khâm phục cái ngổn ngang nhiều vẻ mà tầng tầng lớp lớp của Tô Hoài. Hình như con người đó vào đâu có cái “tủ” ở đấy để đối phó. Và thật lắm mặt hàng!

Ông là nhân vật tiêu biểu của sự tha hoá với các nhà văn và cũng tiêu biểu cho khả năng của con người đối phó với sự tha hoá đó, khả năng vẫn là chính mình, không chịu hỏng, không chịu chết.

Sức sống, là tài năng; trong sức sống bao gồm khả năng thích ứng, và khả năng vẫn là mình. Đại khái nó cũng giống như cái cây, nắng gió mấy vẫn sống được, và vẫn cho quả. Chứ không phải là khả năng làm ra thứ quả ngọt hơn ngon hơn quả những cây khác.

(Trong các bản tin thời sự hàng ngày tôi vẫn được nghe người ta nói là đơn vị nọ, đơn vị kia, không đủ điểu kiện làm việc, thiếu tiền... song vẫn hoàn thành nhiệm vụ).

Luôn luôn trước mặt chúng tôi, là cái công thức của Pavel Korsaghin, hãy biết sống khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa.

Tô Hoài giỏi sống kiểu này nhất.

Bảo con người Việt Nam làm được cái gì to lớn, họ không làm nổi. Nhưng bảo họ làm một việc gì vui vui, lại cần cho cuộc sống của họ nữa, họ làm ngay và thường là làm được.

Tô Hoài là người Việt Nam theo kiểu ấy. Có cái duyên dáng thân thuộc riêng, nó là cái phúc cái phận mà người nào cũng có, mà ông có đẹp hơn người khác.

Một hôm tôi hỏi Tô Hoài:

— Có phải ông Tuân không chơi với Nguyễn Công Hoan?

— Phải. Vì cụ Tuân thích trưng mình ra, mà cụ Hoan thì lại sống lẩn, chỉ bằng lòng làm một kẻ đạo mạo.

Tôi chợt nhận ra một điều, hoá ra Tô Hoài là một gạch nối giữa Nguyễn Tuân và Nguyễn Công Hoan. Mà có vẻ nghiêng về Nguyễn Công Hoan nhiều hơn. Cũng bông lông ba la, bất cần đời, nhặt được cái gì thì nhặt. Chỉ có khác ở chỗ Tô Hoài có phần chơi rộng hơn, biết cái gì rộng hơn ở người mình. Đằm hơn, kín hơn, đỡ thô hơn. Cũng còn biết nhiều kiểu làm dáng nữa, chứ không độc một kiểu làm dáng trâng tráo như Nguyễn Công Hoan.

16/2/93

Ngày 5/2, hội thảo Tô Hoài văn và đời, tôi bận không đi được. (Lại Nguyên) Ân kể là Vũ Quần Phương rất biết nói phải chăng về Tô Hoài - Tìm hiểu Tô Hoài là niềm say mê của thế hệ chúng tôi.

Hân ở dưới ngồi kể với Ân rằng bao nhiêu lần, Tô Hoài qua Liên Xô, bọn ở đấy được tổ chức mời ông nói chuyện, Tô Hoài đều từ chối.

Ngô Văn Phú đang ngồi trong cơ quan ông giữa ông lái xe với chai rượu. Thấy Tô Hoài vào, Phú cũng mời.

— Có uống thì uống loại nào cơ chứ loại này uống làm quái gì - Tô Hoài trả lời, thật là hách.

Ông Tế Hanh kể:

— Hôm mừng sinh nhật Tô Hoài, mình nói rất ngắn. Tô Hoài có chút gì đó như Picasso. Picasso có cái bút trong tay là vẽ. Tô Hoài là viết. Ông viết như một bản năng bẩm sinh.

Trong Truyện Tây Bắc, nhiều người thích Vợ chồng A Phủ, tôi lại thích Mường Giơn. Vì Mường Giơn buồn. Cuộc đời đẹp mà cứ thế lặng đi.

Tô Hoài bảo ông chỉ thích viết chuyện buồn. Và Tô Hoài còn thích viết những chuyện xa mình nữa cho nó đỡ phô ra vẻ nhếch nhác. Theo mình (Tế Hanh) trong O chuột, bên cạnh các giống vật, tác giả có ý khi đặt thêm một truyện về người, cu Lặc. Nhiều nhà phê bình chê, nhưng tôi (Tế Hanh) bảo đấy là hiện đại, là phương Tây thế kỷ XX, nhìn con người như một thực thể gần con vật. (Nhà phê bình nói ở đây là Nguyễn Đăng Mạnh.)

Phải Tế Hanh thấm văn học phương Tây mới nói được như vậy.

Trần Độ: Đọc Bố mìn mẹ
mìn của ông, mình chỉ phục có nhiều chuyện, ông rất nhớ.

Tô Hoài: Cái cảm tưởng ấy có ở anh, là do truyện của tôi dùng được nhiều chữ của hồi ấy. Nếu không có chữ, không tạo được không khí.

Lê Đạt kể hồi kháng chiến, ông Tưởng là người phụ trách cơ quan văn nghệ, Tưởng thì tốt thôi, nhưng hách lắm. Tô Hoài phê bình.

— Tôi chỉ thấy khi nào cậu X (công vụ cơ quan) đi giặt quần áo cho anh Tưởng, trông có vẻ vênh vang lắm, như là được làm một việc rất oách.

Tưởng cười gượng.

— Nó chửi mình, nhưng không chửi thẳng, lại mang chuyện công vụ ra, thế mới xỏ lá.

Vẫn lời kể của Lê Đạt: Mình hỏi Tô Hoài đọc mấy bài thơ mới của Văn Cao chưa.

— Chưa. Nhưng mình nghĩ những bài hay của Văn Cao mình đọc cả rồi. Với lại mình không có thói quen đọc thơ nghiệp dư.

Nói về Hoàng Cầm: thơ chăng kim hàng mã.

Một nhận xét của Lê Đạt: Đúng Tô Hoài, cùng với Nguyễn Khải, là những cây bút chuyên nghiệp. Những cây bút bao giờ cũng nghĩ ra việc để làm, ra cách viết để viết, chứ không đầu hàng bao giờ. Sự gia công chữ nghĩa của Tô Hoài cũng đã ghê đây chứ. Chỉ lạ một nỗi là viết xuôi viết ngược thế, nhưng vẫn không đạt tới những cái đỉnh như Nam Cao.

(còn tiếp)