Toạ đàm khoa học kỷ niệm 100 năm Đông kinh Nghĩa thục

Ý chí dũng cảm hy sinh của các tiền bối ĐKNT cùng chủ trương mở cửa, dân chủ, dân tộc và các biện pháp cứu nước lâu bền thông qua cách mạng văn hóa khoa học của họ đã sống mãi trong lòng dân ta, kỳ diệu hơn nữa là 100 năm sau những tinh hoa đó càng tỏ rõ tầm nhìn xa và tính đúng đắn khi được tiếp tục áp dụng kể cả trong thế kỷ thông tin và toàn cầu hóa.

Vào 8 giờ 30 ngày thứ năm 17-5-2007, tại 47 Hàng Quạt, Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh cùng Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố đã khai mạc buổi Toạ đàm khoa học kỷ niệm 100 năm Đông kinh Nghĩa thục (ĐKNT), một phong trào cứu nước có ý nghĩa to lớn trong lịch sử hiện đại của nước ta và để lại nhiều bài học với nguyên vẹn giá trị quý báu cho đến tận hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN, cháu ngoại của Phan Châu Trinh) và một số hậu duệ của các nhân vật ĐKNT (như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Nguyễn Hữu Cầu, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Văn Vĩnh v.v.) cùng các nhà văn, nhà khoa học, nhà giáo... đã đến dự và tham gia phát biểu hoặc đóng góp, bổ sung tư liệu lịch sử thú vị, thí dụ như bài báo của cố Trưởng ban thường trực Quốc hội khóa I VNDCCH Nguyễn Văn Tố viết về Nguyễn Hữu Cầu.

Không kể một số vị tuổi cao sức yếu đành chịu vắng mặt, hàng trăm các đại biểu được mời đã ngồi kín hết hội trường của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Chính tại nơi đây đúng một thế kỷ trước, những nhà trí thức canh tân đã liên tục diễn thuyết và tranh luận sôi nổi với già trẻ nam nữ tụ hội ở chốn cố đô, vạch rõ nguyên nhân lạc hậu về giáo dục, xã hội và nô dịch về văn hóa, kinh tế của dân tộc, cũng như tìm các con đường giải thoát và hội nhập thế giới cho Việt Nam. Các lý luận và hành động thực tiễn của ĐKNT đã soi sáng và mở đường cho quá trình đổi mới nhưng đầy chông gai, nhanh chóng gặp phải sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Bọn thực dân đã nhận ra ngay bản chất cách mạng của ĐKNT và vội vàng đóng cửa trường, bắt giam lãnh đạo và tìm mọi cách thủ tiêu những thành quả tiến bộ.

Tuy hầu hết các tài liệu đã được phân phối đến mọi người nhưng đáng tiếc một số vị đã không thể đăng đàn do thời gian có hạn. Nhiều diễn giả đăng ký trước đã tự rút gọn ý kiến hoặc thậm chí còn nhường chỗ cho những vị đến sau chưa chuẩn bị kịp văn bản. Cử tọa đặc biệt hài lòng với những ý kiến của các GS Vũ Ngọc Khánh, Phạm Duy Hiển, Phong Lê, Chương Thâu, TS Nguyễn Hải Hoành, ông Nguyễn Khắc Mai ... và tổng kết của GS sử học Đinh Xuân Lâm. Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc cũng bổ sung thông tin quanh sự "vô cảm" của một số lãnh đạo TP Hà Nội về việc tiếp nhận các đóng góp hoặc ghi nhớ, tôn tạo các di tích và phát huy giá trị tinh thần của ĐKNT v.v.. (quả là không có quan chức nào dự mặt hôm nay).

Sự nghiêm túc của cử tọa và nhiệt tình của Ban tổ chức đã giúp cho cuộc Tọa đàm thành công tốt đẹp.

Đông Tỉnh