Tổng hợp thông tin mới về vụ đắm tàu Cheonan

Ảnh: Bộ trưởng quốc phòng Kim Tae-young (người chỉ tay lên bản đồ) tại cuộc họp ngày 29/3

I) Bản tin cập nhật lúc 3h08 và 4h47 sáng 31/3 của Nhật báo Đông Á (Dong a ilbo, Hàn quốc):

Hôm 30, tức 5 ngày sau khi xảy ra vụ tàu Cheonan gặp nạn, Tổng thống Lee Myung-bak đã đến thị sát vùng biển nơi tàu Cheonan chìm ở gần đảo Baengnyeong. Tổng thống đáp máy bay lên thẳng cất cánh từ Phủ Tổng thống tại Seoul, sau 1 giờ 20 phút hạ cánh xuống chiến hạm Dokdo, nơi chỉ huy cuộc cứu nạn. Sau khi nghe báo cáo tình hình, ông đi xuống cao su tới chiến hạm Gwangyang hỏi thăm thân nhân các binh sĩ tàu Cheonan bị mất tích trong vụ chìm tàu hiện đang ở trên tàu Gwangyang và động viên các binh sĩ đang làm nhiệm vụ cứu nạn.

Sau khi thị sát xong, Tổng thống đã lên căn cứ của lữ đoàn 6 hải quân Hàn quốc đóng trên đảo Baengnyeong nghe báo cáo tình hình động tĩnh của phía Bắc Triều Tiên. Ông Kim Seong-chan Tham mưu trưởng Hải quân báo cáo Tổng thống: “Cho tới nay chưa xác nhận tình hình nổ kho đạn bên trong tàu, hơn nữa không có tình hình nổ kho đạn. Chỉ sau khi vớt được tàu lên thì mới xác định được nguyên nhân chính xác tàu bị chìm. Không loại trừ khả năng một vụ tấn công bằng ngư lôi (của Bắc Triều Tiên).”

Đảo Baengnyeong cách cảng Changsan của Bắc Triều Tiên 13,1 km, tại đây Bắc Triều Tiên có bố trí tên lửa đất đối biển và pháo binh. Ở khoảng cách gần như vậy, Bắc Triều Tiên có thể quan sát thấy toàn bộ hành trình chuyến thị sát của Tổng thống Lee Myung-bak. Chuyến đi của Tổng thống như thế là tương đối nguy hiểm. Lee Myung-bak là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn quốc tới thăm đảo Baengnyeong.

II) Bản tin cập nhật lúc 7h43 sáng 31/3 của phóng viên quân sự Nhật báo Triều Tiên (Chosun ilbo, Hàn quốc):

Giới thạo tin cho biết: trước và sau khi tàu chiến Cheonan của hải quân Hàn quốc bị chìm, đã phát hiện thấy sự di chuyển của tàu ngầm Bắc Triều Tiên.

Một nhân vật thạo tin của Chính phủ Hàn quốc hôm 30 cho biết: “Sau khi tàu Cheonan chìm, đã phân tích kỹ các tư liệu như ảnh do vệ tinh trinh sát của Mỹ chụp được; kết quả phát hiện trước và sau khi tàu Cheonan bị nổ và chìm (vào ngày 26/3), tàu ngầm (hoặc tàu nửa ngầm) của Bắc Triều Tiên đã biến mất khỏi căn cứ quân sự Sa Giác (của Bắc Triều Tiên), căn cứ này ở cách đảo Baengnyeong (của Hàn quốc) 50 km, mấy hôm sau lại trở về căn cứ.” Nhưng hiện nay chưa chứng thực được số lượng và kiểu loại của các tàu ngầm này.

III) Tin ngày 29/3 của Thông tấn xã Hàn quốc:

Bộ Tổng Tham mưu quân đội Hàn quốc cho biết hôm nay thợ lặn của đội cứu nạn SSU hải quân nước này đã tới được phần sau thân tàu Cheonan chìm và gõ vào thân tàu nhưng không thấy có phản ứng nào, chứng tỏ rất ít có khả năng thuỷ thủ tàu còn sống. Thông thường thuỷ thủ trong khoang tàu chỉ tồn tại được nhiều nhất 69 giờ sau khi tàu đắm. Các thợ lặn sẽ chuẩn bị lặn vào bên trong thân tàu. Tin tức sẽ cập nhật tiếp. Thân tàu nghiêng 90 độ nằm trên lớp bùn đáy biển, cho nên sẽ thuận tiện cho việc dùng tay sờ thấy chỗ rách của thân tàu do vụ nổ gây ra, từ đó có căn cứ trực tiếp để đoán ra nguyên nhân tàu chìm. Nếu chỗ rách là ở đáy tàu thì là do tàu chạm thuỷ lôi. Nếu chỗ rách là ở mạn tàu thì là do ngư lôi hoặc nguyên nhân khác.

IV) Tin cập nhật 11h49 ngày 30/3 của Chosun Ilbo:

Ngày 29, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn quốc ông Kim Tae-young phát biểu: “Chính phủ và Bộ Quốc phòng chưa hề nói không có khả năng Bắc Triều Tiên liên quan (tới vụ chìm tàu Cheonan). Trước hết cần xem xét mọi khả năng, sau đó mới đưa ra kết luận.”

Bộ trưởng Kim Tae-young nói như trên tại cuộc họp toàn thể Uỷ ban Quốc phòng của Quốc hội Hàn quốc, khi một nghị sĩ của đảng Đại Quốc gia hỏi: “Vì sao nhà chức trách quân đội nhấn mạnh đây không phải là hành vi khiêu khích của Bắc Triều Tiên?” Bộ trưởng trả lời: “Không phải như vậy.”

Ông Kim Tae-young nói: “Xem tình trạng thương tích của những thuỷ thủ bị thương là có thể đoán vụ này có phải là do sự tấn công từ bên ngoài hay không.” Ông cho rằng khả năng bị tấn công từ bên ngoài lớn hơn khả năng vụ nổ bên trong tàu.

Ông nói: “Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên, Bắc Triều Tiên mua của Liên Xô cũ hơn 4000 thuỷ lôi và đã thả 3000 quả ở vùng biển phía đông và tây (bán đảo Triều Tiên). Năm 1959 và 1984 (Hàn quốc) đã phát hiện một số thuỷ lôi đó và đã dọn dẹp nhưng không thể nào dọn sạch toàn bộ.”

Ông nói thêm: không thể ngăn chặn đối phương dùng cách nào đó bố trí thuỷ lôi. Có thể ngầm hiểu ý của câu nói này là khả năng Bắc Triều Tiên cố ý thả thuỷ lôi lớn hơn khả năng thuỷ lôi trôi từ Bắc Triều Tiên xuống phía nam.

Ông nói: “Trên tàu có thiết bị dò ngư lôi nhưng người thao tác thiết bị này nói không phát hiện bất cứ dấu vết nào. Tàu nửa ngầm của Bắc Triều Tiên mang 2 ngư lôi nên có thể tấn công.” Ông phủ định khả năng tàu chạm phải đá ngầm: “Tàu Cheonan từng 15 lần đi vào vùng biển này, nước sâu hơn 20 mét, tàu di chuyển không có vấn đề gì.”

Theo các nguồn tin Hàn quốc, việc trục vớt tàu Cheonan ít nhất cần 20 ngày. Từ hôm xảy ra vụ tàu Cheonan bị nổ chìm cho tới nay, chính quyền và giới truyền thông Bắc Triều Tiên hoàn toàn không đưa bất cứ thông tin nào về tai nạn này.

Báo Nhân dân điện tử (Việt Nam) đưa tin: ngày 30 Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đặt quân đội nước này vào tình trạng báo động với bất kỳ động thái nào từ phía CHDCND Triều Tiên sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng có khả năng tàu Cheonan phát nổ và chìm hôm thứ sáu trên biển Hoàng Hải là do mìn của Triều Tiên.

Nguyên Hải tổng hợp

Nguồn:
- http://chn.chosun.com/site/data/html_dir/2010/03/31/20100331000000.html
- http://china.donga.com/gb/srv/service.php3?biid=2010033165008
- http://english.donga.com/srv/service.php3?biid=2010033165008
- http://chn.chosun.com/site/data/html_dir/2010/03/30/20100330000000.html
- http://china.donga.com/gb/srv/service.php3?biid=2010033043178