Trí thức bị coi thường hay tự coi thường?

Những năm gần đây, đặc biệt là thời gian gần đây, các vấn nạn xã hội ở Việt Nam tăng với mức độ chóng mặt, sự xói mòn văn hóa, suy đồi đạo đức, sự kiệt quệ trên phương diện kinh tế, sự yếu kém của khoa học kỹ thuật, sự xuống cấp của giáo dục, nguy cơ mất nước… đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu. Trước thực tế đó, con người Việt Nam đương đại bộc lộ toàn bộ sự yếu kém của mình, các giải pháp đưa ra không những không khắc phục được triệt để vấn đề mà nhiều khi còn làm trầm trọng thêm. Trước thực tế đó, xuất hiện nhiều bài viết bàn về về vai trò của trí thức đối với xã hội. Bài viết này chỉ đề cấp đến một khía cạnh nhỏ của vấn đề trí thức.

Sự yếu kém của đội ngũ trí thức (nếu có thể dùng từ này) ở Việt Nam thường được nhìn nhận là bắt nguồn từ chỗ họ không được coi trọng, họ bị coi thường. Bằng chứng được dẫn là: họ phải nhận đồng lương èo uột, không được lên tiếng, khi lên tiếng thì tiếng nói của họ cũng không được coi trọng, ý kiến của họ không được sử dụng. Bao nhiêu người dù không được phép cũng đã tự lãnh trách nhiệm cất tiếng nói bàn về các vấn đề của đất nước, nhưng thông thường chẳng ai trả lời họ, ý kiến của họ chẳng được dùng vào việc gì cả. Chuyện trí thức bị coi thường, bị khinh rẻ thường là như thế.

Nhưng chuyện trí tự coi thường mình, tự khinh bỉ mình, thiếu tôn trọng chính mình, thì lại không dễ thấy. Dĩ nhiên không thể bàn thấu đáo chuyện này chỉ trong một văn bản ngắn, ở đây tôi chỉ nêu một ví dụ về một khía cạnh của sự tự coi thường bản thân mình ở giới trí thức.

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, còn gọi là Quỹ Nafosted là một Quỹ quốc gia và các hoạt động của Quỹ từ mấy năm nay được đánh giá là nhằm tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Việc thành lập các Hội Đồng Khoa Học (HĐKH) của Quỹ dựa trên các tiêu chí được nêu rõ ở trên website của Quỹ. Điều này cho thấy những người được chọn vào HĐKH được nhà nước tôn trọng, được giao trọng trách trong việc xét duyệt những đề tài có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học quốc gia.

Như vậy trong trường hợp này, không thể nói là nhà nước thiếu tôn trọng trí thức hay coi thường trí thức.

Nhưng những Giáo Sư được xem là GS đầu ngành của đất nước có tôn trọng mình hay không, có tự coi thường mình hay không ? Tôi nhường câu trả lời cho công luận, và mời tất cả chúng ta tự xem xét đánh giá sự việc sau đây, liên quan tới HĐKH ngành Văn học và Ngôn ngữ.

HĐKH ngành VH-NN có 9 thành viên, danh sách ở đây :

http://www.nafosted.gov.vn/index.php/vi/gioi-thieu/Chuyen-gia-danh-gia-va-Hoi-dong-khoa-hoc/HDKH2009VII-20/

Có tổng cộng 6/9 thành viên của HĐKH có đề tài được chính HĐKH xét duyệt cấp kinh phí của quỹ Nafosted.

Phó Chủ tịch HĐKH, GS.TSKH. Lý Toàn Thắng được HĐKH xét duyệt tài trợ năm 2011. Xem đường link sau đây, mục VII. Văn học – Ngôn ngữ:

http://www.nafosted.gov.vn/vi/danh-sach-tai-tro/NCCB-thuong-nien/DANH-SACH-DE-TAI-KHOA-HOC-XA-HOI-VA-NHAN-VAN-NAM-2011-6/

Chủ tịch HĐKH là PGS.TS. Phan Trọng Thưởng cùng một thành viên khác của HĐKH là PGS.TS. Hồ Thế Hà có đề tài được HĐKH xét duyệt tài trợ năm 2012. Xem đường link sau đây, mục VII. Văn học – Ngôn ngữ:

http://www.nafosted.gov.vn/vi/danh-sach-tai-tro/NCCB-thuong-nien/DANH-SACH-DE-TAI-KHOA-HOC-XA-HOI-VA-NHAN-VAN-2012-33/

PGS.TS. Trần Nho Thìn (Thư ký khoa học của HĐKH), GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp (thành viên HĐKH) và GS.TS. Nguyễn Đức Ninh (thành viên HĐKH) có đề tài được HĐKH xét duyệt tài trợ năm 2013. Xem đường link sau đây (mục « Danh sách các đề tài được tài trợ »):

http://www.nafosted.gov.vn/vi/news/Tin-ket-qua-tai-tro/Thong-bao-ve-viec-phe-duyet-danh-muc-de-tai-NCCB-trong-KHXHNV-duoc-Quy-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-quoc-gia-tai-tro-thuc-hien-tu-nam-2013-74/

Hội Đồng Khoa Học tự duyệt đề tài của các thành viên của mình, tự thẩm định chất lượng các nghiên cứu của các thành viên của mình. Các thành viên HĐKH lần lượt được duyệt kinh phí của quỹ Nafosted từ năm này qua năm khác. Vậy việc lập ra Hội Đồng còn có ý nghĩa gì ? Cách làm việc như thế thể hiện sự tôn trọng bản thân hay là sự coi thường bản thân của các thành viên HĐKH ? Trong trường hợp này liệu có cách gì để đổ tội cho nhà nước là không tôn trọng các nhà khoa học ? Thực sự là tôi không rõ trên thế giới có nơi nào, thời đại nào cho phép các Hội đồng thẩm định và xét duyệt làm việc theo cách đó. Nêu vấn đề ra đây để có dịp học hỏi quý độc giả.

Tôi thuộc nhóm tác giả của một đề tài ứng cử năm nay đã bị HĐKH ngành Văn học Ngôn ngữ xếp vào loại không đáng được nhận tài trợ. Nhóm chúng tôi đã gửi thư cho HĐ quản lý Quỹ và HĐKH ngành Văn học và Ngôn ngữ để hỏi về một số vấn đề, trong đó có vấn đề về cách làm việc đã nêu trên đây. Hiện chúng tôi đang chờ thư trả lời. Chúng tôi sẽ công bố các văn bản này, chấp nhận đưa ra trước công luận sự yếu kém của chúng tôi, những hạn chế trong hồ sơ của chúng tôi, nhằm góp phần cùng với Quỹ Nafosted thực hiện tiêu chí minh bạch hóa và công khai hóa trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của nước nhà.

Nguyễn Thị Từ Huy