Teen Millionaire

Triệu phú nhí

Nước Mỹ quen suy tôn bất cứ ai thành đạt, dù người đó còn bé tẹo. Bởi vậy dân Mỹ ai cũng biết chuyện chú bé da đen Farrah Gray lên 6 tuổi đã mang hàng đến gõ cửa từng nhà gạ bán hệt như một người chào hàng thực thụ, lên 8 tuổi đã lập công ty đầu tư và ở tuổi 14 cậu bé trở thành triệu phú trẻ nhất từ tay trắng làm nên !

Triệu phú nhí ấy sinh ra trong một gia đình thuộc lớp người tận cùng của xã hội Mỹ – da đen, thất nghiệp, một mẹ nuôi 5 con không có bố đỡ đần. Vậy bí quyết nào đã giúp cậu bé tưởng chừng mãi mãi nghèo hèn này trở nên thành đạt như vây ? Câu trả lời được Farrah Gray trình bầy trong cuốn sách đầu tay của cậu “Chín bước từ tay trắng trở thành giàu có” (Reallionaire: Nine Steps to Becoming Rich from the Inside Out, xuất bản năm 1994 khi Farrah 20 tuổi). Sách này được đề cử tặng giải thưởng Quill cho thể loại sách tu thân và là sách bán chạy năm ấy. “Reallionaire” nghĩa là nhà triệu phú tự tay làm nên.

Tôi phải chạy để sống. Tại sao người giàu không phải là tôi ?

Tạp chí People đánh giá Farrah là thanh niên da đen duy nhất ở Mỹ xuất thân hàn vi hoàn toàn nhờ sự phấn đấu của mình mà trở thành một doanh nhân tiếng tăm trong lĩnh vực thương mại, chứ không thuộc lĩnh vực giải trí, thể thao (là những ngành dựa vào tài năng bẩm sinh) hay có quan hệ gia đình thuận lợi. Còn Farrah thì lý giải thành công của mình bằng câu chuyện ngụ ngôn của Êdốp: “Con cáo đuổi theo con thỏ nhưng không thể bắt được nó. Cuối cùng thỏ chạy thoát. Có hai người theo dõi cuộc rượt đuổi ấy. Một người ngạc nhiên: Tại sao cáo lại không bắt được thỏ nhỉ ? Người kia đáp: Cáo chỉ đuổi theo và đùa nghịch cho vui thôi, nhưng con thỏ thì phải chạy để sống sót. – Tôi chính là con thỏ trong câu chuyện này. Tôi phải lo cho gia đình từ khi tôi còn nhỏ. Tôi phải chạy để sống.”

Farrah tâm sự: “Trước khi bước vào kinh doanh, bạn nên tìm xem đâu là mặt mạnh của mình và đặt ra 3 câu hỏi: Điều gì ta có thể làm dễ dàng, nhưng với người khác sẽ khó khăn hơn? Ta có thể làm việc gì hàng năm trời mà không chán cho dù không nhận được một đô-la nào cho điều đó? Và ta có thể giúp ích cho người khác như thế nào? Khi bạn đã tìm được điểm mạnh của mình thì thị trường và thế giới sẽ mở cửa cho tài năng của bạn”.

Farrah kể: “Hồi 6 tuổi, tôi đã hỏi bà tôi: Tại sao nhà mình lại phải nghèo khổ thế này hở bà ? Bà tôi hỏi lại: Cháu muốn trở thành triệu phú chứ gì? Tôi đáp: Vâng. Bà bảo: Vậy cháu hãy dậy sớm mỗi sáng và nói Tại sao không phải là tôi ? Giờ đây, mỗi sáng thức dậy, tôi luôn hỏi: Tại sao người giàu không phải là tôi ?” Sức mạnh tinh thần của Farrah đã được khơi dậy như thế đấy. Không chỉ khai thác tiềm năng của mình, cậu còn có biệt tài kích thích lòng cầu tiến của các bạn trẻ khác. Vì thế những buổi thuyết trình của Farrah thu hút nhiều thanh thiếu niên cả nước Mỹ. Cậu là một MC nổi tiếng về tài kích động người nghe tự giải phóng sức mạnh tiềm ẩn bên trong họ để tiến trên con đường làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Farrah hiện vẫn đang tiếp tục gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực, từ thực phẩm cho tới phát thanh truyền hình, trình diễn, nhà đất, v.v… Nhiều lần cậu được Tổng thống Mỹ mời đến phát biểu tại Nhà Trắng. Farrah có công ty đặt văn phòng tại phố U-uôn (Wall street), phố tài chính lớn nhất nước Mỹ và thế giới. Cậu có nhà riêng ở Las Vegas và New York, tay đeo đồng hồ giá 16 nghìn đô-la … Tiểu sử Farrah Gray được ghi trong sách Who’s Who in America 2005, tức danh sách những người nổi tiếng và thành đạt của nước Mỹ năm 2005 ...

6 tuổi: vì thương mẹ nên quyết tâm kiếm tiền.

Sáu mẹ con bà Paula Gray sống nheo nhóc trong một căn hộ chung cư nhà nước xây cho người nghèo ở phía Đông TP Chicago. Ngoài khoản trợ cấp xã hội chỉ đủ ăn, gia đình này không có nguồn tài chính nào hết. Farrah là út, cha mẹ cậu li dị ngay khi cậu vừa ra đời và ông bố bất tài không hề góp tiền nuôi đàn con. Năm chú bé lên 6 tuổi, bà mẹ mắc bệnh tim rất nặng.

Farrah nhớ lại: “Buổi tối khi tôi lên giường thì mẹ vẫn đang làm việc. Sáng ra khi tôi ngủ dậy cũng thấy mẹ đang làm việc. Chẳng hiểu đêm mẹ có ngủ hay không.” Thấy mẹ ốm đau mà làm việc quần quật như thế, cậu luôn tự nhủ: “Mình nhất định phải làm gì đấy để kiếm tiền giúp mẹ !” Nhưng một thằng nhóc mới 6 tuổi thì biết làm gì ? Ai dám thuê nó làm các việc nhỏ nhặt, vì họ sợ mắc tội bóc lột sức lao động trẻ em ? Sau nhiều ngày suy nghĩ, đầu óc thơ ngây của Farrah nảy ra một dự định: “Mình sẽ bán … đá !” Cậu nhặt những hòn đá đủ mọi hình thù ngoài đường đem về rửa sạch, sơn màu rồi vẽ lên đấy các hình tự nghĩ ra. Vì mẹ không có tiền mua ca-táp, cậu dùng hộp cơm bằng nhựa màu đỏ thay thế. Xong đâu đấy Farrah thắt chiếc cà-vạt của người anh, xách túi đá và “ca-tap” đi gõ cửa từng nhà để chào bán món “hàng” của cậu.

“Khi chủ nhà mở cửa, tôi mỉm cười bắt tay họ và nói: ‘Hello ! My name is Farrah Gray. Would you like to buy this rock ? It can be used as paper weights, bookends and doorstopers (Xin chào ông bà ! Cháu là Farrah Gray. Ông bà có thể vui lòng mua giúp cháu viên đá này được không ạ ? Nó có thể dùng làm cái chặn giấy, chặn sách và chặn cửa được đấy ạ.) Ai nấy ngớ ra: ‘Ô hay, thứ đá này đầy ngoài đường, cần thì nhặt về dùng, cớ sao phải mua của này nhỉ ?’ Tôi bèn nói: ‘Nhưng bây giờ chúng đã khác trước nhiều rồi ạ, mời ông bà xem đây…’ ” – Farrah kể.

Một số người tốt bụng đã mua những hòn đá ấy với giá 1,5 đô-la một hòn, hoàn toàn chỉ vì thương hại thằng nhóc. Có tiền, chú bé nảy ra sáng kiến mua các loại sữa tắm khác nhau đem về đổ tất cả vào chậu, hòa thành một loại mỹ phẩm hổ lốn có mùi vị mới lạ rồi đóng chai mang tới gõ cửa từng nhà bán với giá 1,5 đô-la một chai. Làm hai lần như thế Farrah kiếm được 50 đô-la. Nhân thành công ấy, chú nhóc mời mẹ đi ăn tối ở nhà hàng.

Sau hai năm lăn lộn trong nghề kinh doanh, Farrah kiếm được 1500 đô-la. Từ năm lên 7 tuổi, mỗi khi đi giao dịch, chú nhóc này đều bạo gan dùng tấm danh thiếp có in chữ “21 century CEO” (Tổng Giám đốc thế kỷ 21).

“Bé tý thế mà khi đi làm việc, cháu nó trông người lớn lắm cơ ! Mỗi lần được mời đi diễn thuyết, nó cứ như một diễn giả chính cống, yêu cầu mọi người phải im lặng nghe nó nói, thế có ghê không !” – bà của Farrah kể.

8 tuổi lập công ty đầu tư

Năm 1992, Farrah cùng các bạn nhí của mình lập công ty đầu tư đầu tiên của bọn chúng, lấy tên rất kêu là Câu Lạc Bộ (CLB) kinh tế doanh nghiệp ngoại thành, (Urban Neighborhood Enterprise Economic Club, UNEEC). Farrah đề nghị các chủ hiệu buôn trong khu phố giúp CLB này bằng cách góp tiền, cho mượn ô tô đi lại và nơi họp. Cậu bé kể: “Lúc đầu tôi luôn bị người ta từ chối, cứ thấy tôi là họ đóng cửa không tiếp. Tôi bèn áp dụng Chính sách 5 người (Five-person Policy) và nhờ thế lũ nhóc chúng tôi góp được 15 nghìn đô-la. Chính sách ấy là thế này: nếu ông bà từ chối thì xin ông bà giới thiệu cho cháu 5 người khác có thể giúp cháu.”

Farrah dùng số tiến ấy đầu tư vào việc tiêu thụ bánh quy và tặng phẩm. UNEEC trở thành tiền thân của công ty NE2W (New Early Entrepreneur Wonders) do Farrah lãnh đạo, có văn phòng tại phố Wall với ông chủ văn phòng trẻ nhất phố.

Diễn giả nhí tài ba lỗi lạc

Năm Farrah lên 9 tuổi, mẹ cậu bốc cả nhà tới Las Vegas. Chuyện kinh doanh của chú nhóc Farrah được đài phát thanh thành phố này quan tâm, họ phỏng vấn chú bé trên đài. Thấy Farrah nói hay quá, họ mời cậu đồng chủ trì chương trình “Đời sống phía sau sân khấu” (Backstage Live) phát sóng tối Thứ Bảy hàng tuần, thu hút 12 triệu thính giả. Về sau nó trở thành chương trình phát thanh-truyền hình của Las Vegas rồi của toàn nước Mỹ. Sau cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình KVBC kênh 3, Farrah 11 tuổi trở thành chủ đề của hàng trăm tờ báo, đài phát thanh và truyền hình như ABC, NBC, FOX, CBS, Wall Street Journal, Montreal Gazetta… Nhiều đài truyền hình, phát thanh và báo chí tranh nhau mời cậu đi nói chuyện hoặc chủ trì các show. Farrah dẫn chương trình rất năng nổ và có cá tính. Mỗi buổi diễn thuyết cậu bé được thù lao từ 5000 đến 10.000 đô-la. Từ nay cậu đã có thể tự nuôi mình.

Ngoài ra, cậu còn tham gia kinh doanh thẻ điện thoại trả trước KIDZTEL, vận chuyển thư tín One Stop Mail Boxes & More, phụ trách chương trình phát thanh Youth AM/FM …

“Điện thoại của tôi suốt ngày đổ chuông. Người ta phỏng vấn tôi lắm vấn đề, nào là lập CLB đầu tư đầu tiên ra sao, nào là nhờ đâu mà trở thành MC giỏi thế. Họ đề nghị: ‘Cháu đến kể lại cho mọi người nghe về thành công của cháu đi. Có một tấm séc đang chờ cháu đây !’ ” – Farrah nhớ lại.

14 tuổi thành triệu phú

Do từ nhỏ hay vào bếp xem bà làm các món ăn nên Farrah học được cách làm nhiều món ngon. Từ đó cậu nảy ra ý nghĩ lập công ty thực phẩm chuyên bán các thức ăn khoái khẩu cho lũ trẻ cùng lứa. Đó là công ty Farr-Out Foods (Thực phẩm do Farrah mà có) lập ra năm cậu 13 tuổi. Công việc rất bận. Farrah kể: “Tôi phải vừa đọc sách hướng dẫn kinh doanh vừa mày mò điều hành công ty.” Do có nhiều món ăn ngon nên đơn đặt hàng tới tấp gửi đến, nhất là khi công ty tung ra món xi-rô thơm ngon làm từ dâu tây pha va-ni, do Farrah pha chế theo công thức học của bà. Kinh doanh thực phẩm được hai năm thì Farrah bán công ty nói trên, thu về 1,5 triệu đô-la. Farr-Out Foods cùng các công việc làm ăn khác đã mang lại khoản thu nhập 1 triệu đô-la cho Farrah khi cậu 14 tuổi. Có tiền, nhà triệu phú nhí tậu cho bà Paula một tòa nhà khang trang tại TP Las Vegas.

Tuy đã giàu có nhưng Farrah vẫn tìm mọi cách học hỏi kiến thức kinh doanh. Năm 15 tuổi, cậu bỏ ra ba năm tham gia ban Giám đốc công ty United Way miền Nam bang Nevada. Cậu trở thành người trẻ nhất trong lịch sử bang này tham dự Ban Cố vấn Phòng Thương mại Las Vegas. Farrah còn đầu tư vào tập đoàn truyền thông InnerCity – doanh nghiệp lớn nhất do người da đen chỉ huy ở Mỹ và phụ trách tờ tạp chí InnerCity của doanh nghiệp này.

20 tuổi – mong muốn mọi người cùng thành đạt

Farrah ít tuổi mà đã thành đạt và giành được lắm vinh dự cao quý, đó là vì cậu luôn hăng hái vươn lên và có những thói quen rất tốt. Hiểu rõ nghĩa vụ đối với xã hội của một doanh nhân thành đạt, năm 20 tuổi Farrah viết sách Chín bước từ tay trắng trở thành giàu có để trao đổi với bạn đọc các kinh nghiệm trên con đường làm giàu. Đó là: - yêu quý thanh danh của mình; - không bao giờ sợ người khác từ chối; - xây dựng nhóm tư vấn; - nắm bắt mọi dịp làm ăn, chớ bỏ qua; - theo trào lưu chung nhưng phải có mục tiêu riêng; - chuẩn bị sẵn tâm lý chờ đón thất bại; - chịu khó dành thời gian học tập, đọc sách báo; - yêu quý khách hàng ...

Farrah tin vào hai thời điểm quan trọng nhất trong đời người, một là giờ sinh của mình và một là khi nào hiểu được “vì sao mình lại sinh ra”.

Anh lập Quỹ Farrah Gray tạo ra chương trình kinh doanh cho các học sinh phổ thông toàn quốc và quyên góp vào đấy tiền nhuận bút cuốn sách của mình. Anh góp ý cho Bộ Thương mại Mỹ lập trường đào tạo doanh nhân trẻ. Farrah còn nhận viết cho thể loại sách Chicken Soup for the African-American Soul, một ấn phẩm giáo dục thiếu niên rất được giới trẻ ưa chuộng. Anh cũng là thành viên trẻ nhất của Hội nghị Bàn tròn các giám đốc người Mỹ gốc Phi do Tổng thống G. Bush lập ra và mời dự. Farrah còn là Chủ nhiệm Văn phòng Nhà Trắng của tổ chức Sáng kiến tập thể niềm tin, là phát ngôn viên của Liên minh toàn quốc người vô gia cư và Chương trình hiến tủy toàn quốc và tham gia nhiều hoạt động xã hội khác.

Do có ý thức cộng đồng cao như vậy nên Farrah được báo chí gọi là “Một trong những doanh nhân đáng kính và hiếm thấy”.

Nước Mỹ có vô số người thành đạt và giầu có hơn Farrah Gray. Song sự thành đạt của Farrah Gray có ý nghĩa đặc biệt ở chỗ nó đã làm thay đổi cách nghĩ của cộng đồng người Mỹ da đen, nhất là các thanh thiếu niên da đen, xưa nay cam chịu cuộc sống nghèo hèn. Từ tấm gương của anh, họ thấy chỉ cần quyết chí phấn đấu không sợ gì hết thì bất cứ người Mỹ nào cũng có thể có đời sống họ hằng mong ước.

Nguyên Hải