GEOFFREY YORK

Trung Quốc mở màn cuộc vận động tranh quyền lực mềm

Sổ tay tuyên truyền “Giới thiệu tóm tắt về Trung Quốc” phát cho hơn 21 nghìn nhà báo tham dự Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 không hề nhắc tới tên của bất kỳ lãnh tụ nào của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tập tài liệu do Nhà nước biên soạn này không nhắc đến các lãnh tụ cách mạng như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình; ngược lại triết gia cổ đại Khổng Tử được ca ngợi nhiều, ông đang trở thành biểu trưng của Trung Quốc (TQ).

Trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hôm 8-8, Khổng Tử lại được ca tụng, trong khi không nhắc đến Mao hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo nào của đảng CSTQ; xuất hiện nhiều bản thư hoạ, tranh vẽ, tranh cuốn lớn và lời Khổng Tử hoan nghênh khách năm châu bốn biển “Có bạn từ phương xa tới sao lại chẳng vui ?”

Là một trong các sự kiện lớn nhất của lịch sử chính trị TQ cận kỳ, Olympic Bắc Kinh sẽ giúp TQ xác lập hình ảnh của mình trên sân khấu thế giới thời đại mới. Việc đi sâu khai thác lịch sử trước cách mạng sẽ khơi dậy mạnh hơn tinh thần yêu nước của nhân dân; tinh thần đó không xây dựng trên cơ sở hình thái ý thức mà dựa vào nền văn hoá xán lạn của TQ cổ đại, đồng thời được sự nâng đỡ của công nghệ và thực lực quân sự của một siêu cường kinh tế. Trong lễ khai mạc, người TQ sẽ nhấn mạnh Tứ đại phát minh họ từng cống hiến cho thế giới. Sẽ không dựa vào lịch sử cách mạng mà dựa vào sự ôn lại lịch sử huy hoàng cổ đại để khơi dậy lòng tự hào của người TQ.

Tư tưởng Nho gia bị cấm dưới thời đại Mao nay được phục hưng, tư tưởng xã hội hài hoà do lãnh tụ mới của TQ nhấn mạnh hình thành quan hệ hô ứng rõ rệt với tư tưởng Nho gia.

Một số nhà quan sát lạc quan cho rằng Thế vận hội sẽ truyền đi tín hiệu TQ đã phát sinh chuyển biến từ truyền thống tư tưởng Mao. Truyền thống đó hấp thu bổ dưỡng từ các hoàng đế đầu tiên của TQ và luật pháp tàn khốc phú quốc cường binh và tư tưởng Pháp gia mù quáng phục tùng kẻ thống trị.

Giáo sư Daniel Bell học giả Canada hiện dạy chính trị triết học ở ĐH Thanh Hoa, nói: “Olympic và lễ khai mạc là dịp cho thấy hình ảnh TQ có chuyển biến quan trọng.” Trong cuốn “Nhà Nho mới của TQ”, tiến sĩ Daniel Bell viết: “Trong phần lớn thời gian của thế kỷ XX, TQ luôn tự coi họ là một quốc gia bần cùng, hèn yếu bị các cường quốc khác bắt nạt và họ đánh mất địa vị lãnh tụ trong lịch sử; bởi vậy, hấp thu truyền thống Pháp gia thì phải phú quốc cường binh, chấn hưng dân tộc. Bây giờ quốc gia mạnh rồi, bắt đầu giành lại địa vị “xứng đáng được” trên thế giới, TQ có thể xả hơi một chút, do đó “quyền lực mềm” của Nho gia truyền thống bắt đầu được phục hưng.”

Hoạt động lớn nhất trong việc triển khai cuộc tranh giành quyền lực mềm là tài trợ mạng lưới Học viện Khổng Tử. Hiện nay TQ đã thành lập hơn 140 Học viện Khổng Tử tại ít nhất 50 quốc gia và vùng trên thế giới.

Daniel Bell cho biết, trường đảng trung ương ở Bắc kinh đang giảng dạy các kinh điển Nho gia; ông tả lại cuộc thảo luận giữa các cán bộ TQ cấp cao với các học giả Nho gia muốn dùng sách kinh điển Nho gia thay cho giáo trình chủ nghĩa Mác trong trường đảng. Ông viết “Dự đoán trong vài chục năm tới đảng CSTQ có thể được dán nhãn mác Đảng Nho giáo Trung Quốc không phải là chuyện hão huyền.”

Nếu trong tương lai xuất hiện một TQ ôn hoà hơn, chịu ảnh hưởng của Nho gia nhiều hơn, thì điều đó có thể bắt nguồn từ lòng tự tin lớn hơn của người dân nước này. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của 3200 người TQ do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) có trụ sở ở Washington mới đây thực hiện đã cho thấy lòng tự tin và mức độ hài lòng của người TQ đã tăng nhanh. Thí dụ, 58% tin rằng TQ sẽ vượt hoặc đã vượt Mỹ và trở thành siêu cường chúa tể thế giới; tại các nước khác, số người có quan điểm như vậy chỉ chiếm 43%. Điều tra cho thấy 86% người TQ hài lòng với phương hướng tiến lên của nước họ, tăng rõ rệt so với 48% năm 2002. Mức độ hài lòng như thế là cao nhất, so với nước xếp hạng cao thứ hai là Australia chỉ có 25%. Phỏng vấn trên hè phố Bắc Kinh cho thấy có nhiều người chịu thiệt thậm chí đau khổ do Thế vận hội tổ chức tại đây, song phần lớn họ ủng hộ Thế vận hội.

Điều đáng lo là chưa rõ trong thời gian Olympic Bắc Kinh, tinh thần yêu nước liệu có biến thành tinh thần dân tộc có tính tiến công hay không. Bốn năm trước, các cổ động viên TQ khi xem đấu bóng đá Á vận hội ở Bắc Kinh đã trút nỗi tức giận của họ lên đội Nhật - họ đốt cờ Nhật, ném chai lọ và va chạm với cảnh sát. Sau đó chính quyền đã triển khai hoạt động chú ý giữ văn minh, nếp sống mới trong quần chúng, khuyến khích các cổ động viên tự kiềm chế, không tỏ ra quá nhiệt tình với các tuyển thủ TQ, thậm chí nên cổ vũ đối thủ hoặc đội thua.

Daniel Bell cho rằng có thể coi đó là dấu hiệu phục hưng triết học Nho gia TQ.

Nguồn:
“China unveils its ’soft-power’ campaign: Canonize Confucius, no mention of Mao” by GEOFFREY YORK, “Globe and Mail” 6-8-2008

Nguyễn Hải Hoành lược dịch

Xem thêm:

Chính sách quyền lực mềm của Trung Quốc