Trung Quốc và Mỹ: một liên minh kinh tế mới?

Tuy Bắc Kinh là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm châu Á của bà Hillary Clinton nhưng dư luận Trung Quốc nói Bắc Kinh mới là địa điểm quan trọng nhất bà Ngoại trưởng Mỹ cần đến.

Mạng Kinh tế Trung Quốc ngày 21-2 đăng một bài dài chạy tít “Trung Quốc nên cứng rắn nêu ra các yêu cầu đối với Mỹ”, trong có những câu như: “Quốc vụ khanh Hillary nên biết rằng không những bà cần mang đến Bắc Kinh một trang giấy viết đầy các yêu cầu (của Mỹ), mà bà nên mang theo một cuốn sổ nhỏ để ghi chép các yêu cầu của Trung Quốc.”; “Bao năm nay Mỹ đã quen nêu yêu cầu với Trung Quốc, nay thì ngược lại, Mỹ cần nhờ Trung Quốc nhiều hơn.” ... Có vẻ như Trung Quốc lần này sẽ tiếp bà Hillary ở vị thế ngẩng cao đầu và Hillary sẽ xúc tiến việc lập liên minh kinh tế với Trung Quốc. Vì sao vậy?

Hillary Clinton - Hồ Cẩm Đào

Mối quan hệ phụ thuộc giữa chủ nợ với con nợ

Theo báo Anh Financial Times, từ tháng 9-2008 Trung Quốc đã thay thế Nhật trở thành nước chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ. Cụ thể, lúc đó họ sở hữu 585 tỷ USD (Nhật: 573,2 tỷ) công trái các loại kỳ hạn 1 năm, 1 10 năm và trên 10 năm (Treasury bills, notes and bonds) do Bộ Tài chính Mỹ phát hành.

Một báo cáo mới công bố của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations) cũng nói Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Cụ thể từ quý IV năm 2007 đến quý III năm 2008, Trung Quốc đã cho Mỹ vay dưới các hình thức khác nhau tổng cộng 475 tỷ USD, tức bình quân mỗi tháng 40 tỷ USD. Xưa nay Mỹ chưa bao giờ phụ thuộc tài chính đến mức như vậy vào chính phủ một nước ngoài.

Theo báo cáo trên, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tính đến cuối năm 2008 lên tới 1950 tỷ USD, tổng tài sản đô-la Mỹ của Trung Quốc cao tới 1700 tỷ USD, tài sản ngoại tệ do Cục Quản lý Ngoại tệ Quốc gia Trung Quốc quản lý cuối năm 2008 gần bằng 2100 tỷ USD, các ngân hàng nhà nước và Công ty Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corp., CIC) giữ 250 tỷ USD. Tài sản ngoại tệ tổng trị giá 2350 tỷ USD này tương đương 50% GDP của Trung Quốc, bình quân mỗi đầu người nước này có khoảng 2000 USD ngoại tệ “tiết kiệm”. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hơn gấp đôi của Nhật, hơn gấp 4 Nga.

Tính đến cuối năm 2008, Trung Quốc đã đầu tư gần 900 tỷ USD vào việc mua công trái chính phủ Mỹ; từ 550 đến 600 tỷ USD vào việc mua trái khoán của các thiết chế tài chính liên quan chính phủ Mỹ như Fannie Mae và Freddie Mac; ngoài ra còn đầu tư khoảng 150 tỷ USD vào trái khoán của các doanh nghiệp; 40 tỷ USD vào cổ phiếu Mỹ; tồn khoản ngắn hạn của Trung Quốc hiện có 40 tỷ USD.

Theo các báo Trung Quốc ngày 19-2, nước này hiện sở hữu 696,2 tỷ USD công trái Mỹ; nghĩa là gần một phần ba dự trữ ngoại tệ của họ nằm trong kho bạc Mỹ.

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng với biên độ lớn phản ánh nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào Trung Quốc mấy năm nay tăng mạnh. Từ năm 2003 trở đi, do đồng đô-la Mỹ sụt giá, trên thị trường tài chính xuất hiện dự đoán đồng Nhân Dân Tệ (CNY, Chinese Yuan) có thể không móc nối với đồng USD nữa, vì thế trong thời gian 2007 2008 nhiều khoản tiền nóng đã từ nước ngoài chảy vào Trung Quốc. Trước sức ép lạm phát, Trung Quốc cho phép tăng giá đồng CNY, nhưng biên độ tăng giá vẫn thấp so với biên độ hạ lãi suất ở Mỹ sau khi nước này nổ ra cơn bão vay nợ dưới chuẩn hồi tháng 8-2008. Chỉ cần lãi suất ở Trung Quốc cao hơn lãi suất ở Mỹ thì các nhà đầu tư có tâm trạng chờ đợi sẽ cho rằng giữ đồng CNY là có lợi hơn, vì có thể kiếm lời.

Cuối năm ngoái, báo chí đã mấy lần đưa tin Trung Quốc “doạ” ngừng mua công trái Mỹ. Thực ra các nhà kinh tế Trung Quốc chưa nhất trí về cách sử dụng ngoại tệ dự trữ. Có người cho rằng công trái Mỹ là “cảng tránh bão” tốt nhất đối với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc. Có người lại e ngại dựa quá nhiều vào USD sẽ gặp rủi ro, nhất là khi khủng hoảng tài chính đang ngày một ác liệt, và Thủ tướng Nga Putin đang kêu gọi tìm một đồng tiền dự trữ khác thay cho đồng USD.

Gần đây khi Mỹ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau về việc ai gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, vấn đề Trung Quốc sở hữu công trái Mỹ lại trở thành điểm nóng. Một số nhà kinh tế và chính khách phương Tây, điển hình là nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho rằng tích lũy cao của Trung Quốc đã góp phần làm tăng tình trạng tiêu dùng quá mức và hình thành bong bóng giá cả tài sản ở Mỹ, xuất siêu cao của Trung Quốc là nguồn gốc gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng nói tại phiên điều trần trước Quốc Hội hôm 22-1 là “Trung Quốc thao túng hối suất đồng CNY”, có ý trách Trung Quốc cố tình hạ giá đồng CNY nhằm để tăng xuất khẩu, tăng xuất siêu quá nhiều.

Các nhà kinh tế Trung Quốc đã phản ứng mạnh với cái họ gọi là “chính phủ Obama gây sức ép đối với hối suất đồng CNY”. Hãng Reuters ngày 31-1 đưa tin sức ép nói trên có thể chỉ là hữu hạn, bởi lẽ hiện nay Mỹ nợ Trung Quốc quá nhiều. Phía Trung Quốc cho rằng tích lũy cao, xuất siêu cao của họ không phải là nguyên nhân làm cho Mỹ tích lũy thấp, nhập siêu cao mà đó là hậu quả sự lựa chọn chính sách và thói quen tiêu dùng của Mỹ. Xem ra chính phủ Obama không muốn làm ầm ĩ cuộc tranh cãi này, có lẽ vì Mỹ ở vào thế yếu của kẻ đi vay.

Giới phân tích lo ngại rằng nếu cuộc tranh chấp hối suất giữa hai nước nóng lên thì Trung Quốc sẽ có thể giảm mua công trái Mỹ. Hôm 1-2, khi trả lời câu hỏi của Financial Times là liệu Trung Quốc có tiếp tục mua công trái Mỹ nữa hay không, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang ở thăm London nói đại ý: ngoại tệ dự trữ cần được đưa vào kinh doanh, mua công trái là một hình thức kinh doanh như vậy; nhưng có nên tiếp tục mua và mua bao nhiêu, điều này sẽ tùy theo nhu cầu của Trung Quốc và theo yêu cầu của việc giữ gìn an toàn ngoại tệ; chúng tôi mong muốn kinh tế Mỹ có chuyển biến tốt; chúng tôi cũng cho rằng việc ổn định thị trường tiền tệ quốc tế, giải quyết khủng hoảng tài chính, nâng cao niềm tin của thị trường sẽ có lợi cho việc nhanh chóng phục hồi nền kinh tế quốc tế.

Vừa qua Công ty CIC bị thua lỗ thảm hại (mất 6 tỷ USD) trong việc dùng ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc để đầu tư mua cổ phiếu các công ty nước ngoài. Trong tình hình đó có lẽ Trung Quốc không thể không tiếp tục mua công trái Mỹ; dư luận quốc tế đã bàn chuyện Trung Quốc “sa lầy” với công trái Mỹ.

Có thể hai nước đã hình thành một liên minh kinh tế?

Việc Mỹ dựa quá nhiều vào túi tiền của Trung Quốc và chủ nợ này vẫn “nhiệt tình” cho con nợ chúa chổm ấy vay tiếp những khoản tiền khổng lồ đang là chủ đề tranh luận nóng hổi. Một số chính khách và học giả phương Tây cho rằng đúng là Trung Quốc và Mỹ thời gian qua đã thực sự dựa vào nhau, hai nước đã hình thành một liên minh kinh tế.

Trong hội thảo kỷ niệm 30 năm lập lại quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung Quốc (1-1-1979) tại Bắc Kinh hôm vừa rồi [1], Brzezinski cựu Trợ lý An ninh quốc gia Tổng thống Mỹ gọi liên minh đó là “(khối) G2 ”; ông còn sử dụng từ “Chimerica” (khối cộng sinh Trung Quốc-Mỹ) để thể hiện bức tranh tương lai của sự liên kết ấy. Bài nói của Brzezinski đã gây ra chấn động lớn trong dư luận.

Từ Chimerica là tác phẩm của giáo sư sử học kinh tế nổi tiếng Niall Ferguson ở Đại học Harvard, nó thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa nước tiêu dùng lớn nhất thế giới là Mỹ, với nước tích lũy lớn nhất thế giới là Trung Quốc, và tác động của mối quan hệ đó đối với kinh tế toàn cầu. Đây là mối quan hệ hợp tác chưa từng có trong lịch sử loài người, chứng tỏ hai quốc gia này đã tiến sang thời đại cộng sinh với nhau. Chimerica chiếm 13% diện tích lục địa toàn cầu, 25% số dân và 1/3 tổng GDP toàn thế giới; sự hợp tác Trung Quốc-Mỹ là động lực phát triển kinh tế thế giới trong 10 năm qua.

Tuy dư luận bàn tán nhiều về Chimerica, song ông Châu Phong chuyên gia vấn đề Mỹ của Đại học Bắc Kinh hôm 20-2 nói Trung Quốc và Mỹ hiện nay chưa tới lúc lập quan hệ “chiến lược” với nhau, tuy Trung Quốc đã lập quan hệ bạn bè hợp tác “chiến lược” với Nga và quan hệ bạn bè “chiến lược” với Pháp.

Phải chăng sắp đến lúc chuyển đổi thời đại?

Ferguson nhận định: “Khi thời đại Khối cộng sinh kinh tế Trung Quốc-Mỹ chấm dứt, trong vòng 20 năm Trung Quốc sẽ vượt Mỹ”.

Ông còn nói, sau đấy thời đại Pax Americana (tạm dịch: nền hoà bình thế giới dưới sự bá chủ của Mỹ) sẽ kết thúc, thế giới sẽ sống trong nền hoà bình dưới sự thống trị của Trung Quốc – ông gọi là Pax Sinica – tức sẽ xuất hiện thời đại bá quyền kinh tế của Trung Quốc.

Ferguson viết, Pax Sinica không phải là sự lựa chọn mà là vấn đề thời gian và số mệnh (not a matter of choice, but a matter of time and destiny) – có thể hiểu đó là điều không thể tránh được. Cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ đang đẩy nhanh quá trình chuyển sang thời đại Pax Sinica. Ferguson nhận định: “Nếu trong 5 năm tới kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 1% và Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng trên 6% thì không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ sớm hơn thời hạn Goldman Sachs từng dự đoán.”

Năm 2001 công ty tư vấn Goldman Sachs dự đoán GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2040, nhưng tháng 7 năm ngoái họ lại dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2027.

Ai lo ngại chuyện Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng nhau phân chia thế giới?

Những quan điểm nói trên đang được dư luận bàn thảo sôi nổi. Xem ra người Nga quan tâm nhiều hơn cả đến chuyện này; thực ra từ lâu họ đã tỏ ra lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc (Xem thêm: “Người Nga nghĩ gì trước sự trỗi dậy của Trung Quốc”).

Báo “Độc lập” của Nga số ra ngày 30-1 có bài bình luận viết: khối Chimerica có thể sẽ phân chia phạm vi ảnh hưởng trên
thế giới; vùng Viễn Đông của Nga giàu tài nguyên thiên nhiên là hướng bành trướng rất tự nhiên của Trung Quốc. Nếu Chimerica thực sự bắt đầu phân chia thế giới thì vùng này sẽ rơi vào phạm vi thế lực của Trung Quốc. Mỹ sẽ rất vui lòng tặng cho Trung Quốc thứ Trung Quốc cần mà lại không thuộc về Mỹ; qua đó việc “tiêu hoá” vùng Viễn Đông Nga sẽ tự nhiên làm giảm sức sống của Trung Quốc tại các vùng khác trên thế giới, nhờ thế Mỹ có dịp nghỉ xả hơi.

Bài báo còn viết: có thể Washington đang phát tín hiệu ngầm cho Bắc Kinh biết là nếu Trung Quốc thôn tính Triều Tiên thì Mỹ sẽ không có ý kiến gì. Như vậy Mỹ sẽ mãi mãi không còn đau đầu vì vấn đề Triều Tiên nữa. Ngoài ra, đa phần lục địa Đông Nam Á cũng sẽ thuộc vào phạm vi thế lực của Bắc Kinh – sự hy sinh này Mỹ hoàn toàn có thể chấp nhận.

Hiện nay chính quyền Trung Quốc và Mỹ đều chưa có phản ứng về bài báo nói trên. Một số học giả Trung Quốc phản đối quan điểm đó và nói rằng xưa nay Trung Quốc luôn chủ trương một trật tự thế giới hoà bình, công bằng, trong bất cứ trường hợp nào cũng không liên minh với nước khác để nhằm vào một nước thứ ba; không thể có chuyện Trung Quốc thôn tính lãnh thổ Nga; mối quan hệ Trung Quốc-Nga hiện nay ở vào mức tốt nhất trong lịch sử.

Tuy vậy, vụ tàu biên phòng Nga bắn chìm một tàu chở hàng 5000 T của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế ngoài cảng Nakhodka hôm 15-2 vừa rồi (với lý do tàu này vượt hải phận Nga bất hợp pháp) làm 7 thủy thủ Trung Quốc mất tích đang gây rắc rối cho quan hệ hai nước.

Không phải tình cờ trên báo Trung Quốc hôm 20-2 xuất hiện bài viết dài có đầu đề “Nga: một đất nước chim đại bàng hai đầu, một dân tộc chim đại bàng hai đầu”. Nhân nói về quốc huy Nga có hình chim đại bàng hai đầu, tác giả kết luận Nga giao động lúc ngả sang phương Tây lúc thì ngả sang phương Đông, người Nga có tính cách hai mặt vừa thích đánh nhau lại vừa yêu nghệ thuật, dễ đi tới cực đoan, đối với bạn bè lúc thì vô cùng rộng rãi, vô tư nhưng nếu không vừa ý thì trở mặt ngay .... Qua bài này có thể thấy dư luận Trung Quốc trong khi bàn nhiều về sự liên kết với Mỹ lại tỏ ra chưa thật tin người Nga mặc dù nước này đã lập quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược với Nga.

Mặt khác, xem ra chuyến đi Bắc Kinh của bà Hillary cũng không bàn gì tới “G2” Trung Quốc-Mỹ. Mới đây một nhà lãnh đạo công ty Morgan Stanley nói Chimerica sẽ không tồn tại lâu; sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự cọ xát kinh tế Trung Quốc-Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện và sẽ đẻ ra sức ép về chính trị.

Nguyễn Hải Hoành

[1Trưởng đoàn phía Mỹ là cựu Tổng thống Carter