“Trung Quốc xâm lược Triều Tiên, xin mời”

Korea

Nữ binh Triều Tiên

Mạng lastampa.it ngày 15/7 đăng bài viết tiếng Anh của báo Tin tức Italia dưới đầu đề: "Please, China invade North Korea" (Trung Quốc xâm lược Triều Tiên, xin mời) của Francesco Sisci. Mạng Tinh đảo hoàn cầu đã dịch bài đó sang tiếng Hoa. Chúng tôi xin tóm lược như sau:

Sự khiêu khích của Triều Tiên chỉ cung cấp thêm công cụ cần thiết để tăng cường mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-Mỹ — đó là một cuộc chiến tranh chống Kim Jong-Il. Mục tiêu của sự kiện Triều Tiên bắn tên lửa liên tục vào ngày quốc khánh Mỹ là nhằm vào Mỹ và Hội nghị G8.

Vụ khiêu khích đó chứng tỏ nỗ lực hoà giải của Trung Quốc đã thất bại.

Việc Trung Quốc không phủ nhận tin (do báo chí Nhật đăng tải) Kim Jong-un thăm Bắc Kinh tháng 6 vừa rồi cho thấy vì để lấy lòng Kim Jong-il, Trung Quốc đã chấp nhận “Tiểu Kim” kế vị Kim Jong-il nhằm đổi lấy việc Triều Tiên quay trở lại đàm phán 6 bên.

Trong mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung Quốc thì Triều Tiên là một cái bàn đạp. Nếu Trung Quốc không thể không tăng sức ép với Triều Tiên thì Mỹ phải bảo đảm Hàn Quốc (vốn giàu tinh thần dân tộc) không chống lại (hành động ấy của Trung Quốc). Và Nhật cũng phải nghe theo. Tiếp sau đó tất nhiên là (hai nước này) sẽ đạt được một thoả thuận chính trị và chiến lược rộng rãi với Mỹ. Tất cả những sự ủng hộ đó sẽ biến thành sức ép đối với Trung Quốc, thậm chí có thể nâng cao lên thành sự đối đầu quân sự với Triều Tiên.

Tại Trung Quốc, những ý tưởng như vậy không phải là điều gì mới mẻ. Mấy năm trước, tạp chí chính trị Chiến lược và Quản lý (Strategy and Management) từng bị (chính quyền Trung Quốc) cấm xuất bản vì báo này đề xuất chủ trương Trung Quốc xâm lược Triều Tiên. Nghe nói Kim Jong-il đích thân yêu cầu Trung Quốc ra lệnh cấm ấy. Giờ đây do Mỹ sẽ cam kết có bước nhảy vọt lớn về quan hệ chính trị (với Trung Quốc) trong 30 năm tới — hệt như thái độ của Mỹ năm xưa đối với việc Trung Quốc xâm lăng Việt Nam — sự lựa chọn này có thể đáng (để Trung Quốc) cân nhắc xem xét. Trên mặt quân sự, Trung Quốc không cần xét một cuộc xâm lăng chính thức mà có thể tăng sức ép kinh tế làm cho Kim Jong-il trở lại đàm phán 6 bên.

Từ năm 1979 tới nay, sau khi Trung Quốc phát động chiến tranh chống Việt Nam, tuy thời thế đã có nhiều biến đổi, song có một điều không đổi — đó là Trung Quốc và Mỹ tăng cường hợp tác với nhau.

Trong tình hình này, Kim Jong-il buộc phải cân nhắc sự việc ông ta có muốn trở thành con dê tế thần hay không, dùng máu của mình để hiến tế mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc? Thực ra (ông ta) hạ vũ khí thì sẽ được lợi nhiều hơn. Nhưng để hiểu ra điều đó, trước tiên Kim phải bỏ thói cố chấp của mình, song có lẽ ông ta không làm được như thế. Do sự hiểu lầm của Kim Jong-il mà Mỹ và Trung Quốc có thể sát lại gần nhau hơn dự kiến.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Xem thêm: Hậu chuyến đi Bình Nhưỡng của ông Clinton