Writer Truong Han Sieu

Trương Hán Siêu (?-1354)

TIỂU SỬ

Năm 1308, vua Trần Anh Tông phong Trương Hán Siêu làm Hàn Lâm học sĩ. Đời Minh Tông ông giữ chức Hành khiển. Đời Trần Dụ Tông, năm 1339, ông làm Hữu ti Lang trung ở Môn hạ. Đời Trần Dụ Tông đổi sang Tả Tư Lang kiêm chức Kinh Lược sứ ở Lạng Giang, năm 1345 ông được thăng chức Gián nghị Đại phu tham chính sự. Ông được vua Dụ Tông sai cùng với Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ "Hoàng Triều Đại Điển" và bộ "Hình Luật Thư". Năm 1351, ông được phong Tham tri Chính sự. Năm 1353, ông lãnh chiếu chỉ ra trấn nhậm Hoá Châu (Huế), sai người xây thành đắp luỹ, lập kế chống quân Chiêm.

Năm 1354, Trương Hán Siêu cáo bệnh xin nghỉ nhưng trên đường về Bắc chưa kịp đến nhà thì mất, sau được truy tặng Thái phó và cho phối thờ ở Văn Miếu, Thăng Long. Có điều lạ là tuy ông từng vinh hiển đến vậy nhưng khi chết lại không được dân làng thờ, và như Ngô Sĩ Liên đã ghi lại vào 2 thế kỷ sau trong Đại Việt Sử ký Toàn Thư, ông vẫn bị coi là "thôn cầu cước" (chân đá cầu quê mùa). Khi làm quan ở Lạng Sơn, ông có gả con gái cho một thủ lĩnh dân thiểu số ở Quang Lang (gần Chi Lăng ngày nay) và việc đó cũng bị các triều quan chê bai [1].

Trương Hán Siêu, tự Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, quê ở làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, nay là thôn Phúc Am, xã Ninh Thành, thị xã Ninh Bình. Hồi trẻ ông là môn khách của Trần Hưng Đạo và sớm được tiến cử (không qua thi cử) vào triều. Ông nổi tiếng về văn chương lại có tài chính trị, làm quan trải đến bốn đời vua, từng làm thầy hai vua Hiến Tông và Dụ Tông.

TÁC PHẨM

Trương Hán Siêu là tác giả bài văn Bạch Đằng Giang phú nổi tiếng hào hùng. Ngoài ra, tại tháp Linh Tế ở núi Non Nước, Ninh Bình còn khắc bài ký do ông soạn (Linh Tế tháp ký). Ông cũng soạn bài văn khắc ở bia chùa Vọng Nguyệt tức Khai Nghiêm tự. Hai bài đó có đề cao Nho học và phê phán Phật giáo. Cuối đời, ông bỏ làng ra sống một mình dưới chân núi Non Nước và tỏ ý hối hận vì hồi trước đã từng công kích nhà chùa. Ông còn để lại các áng thơ hay như: Cúc hoa bách vịnh, Hoá Châu tác, Quá Tống độ.

Bài "Hoá Châu tác" được ông viết trong cơn bạo bệnh lúc đương giữ chức Trấn nhậm Hóa Châu khoảng cuối năm 1353 qua đầu năm 1354. Đây là bài thơ đầu tiên của nước ta viết ở vùng này, và cũng có thể xem đây là bài thơ cổ nhất về Huế, học giả Hoa Bằng dịch như sau:

HÓA CHÂU TÁC

Ngoảnh lại năm mây phủ đế đô,
Hồn tàn bao xiết khổ bơ vơ.
Thôi đành cõi rậm vùi xương bệnh,
Cây cỏ chung sầu cũng họa thơ.

Đông Tỉnh (2007)

[1"Trong cõi", Trần Quốc Vượng, 1991

Portfolio