Tự tử tăng tại Hong Kong

Chan Wing-yun cùng hai người bạn cẩn thận khóa cửa sổ căn phòng mình thuê và đốt bếp than. Khí độc tỏa ra và cướp đi cuộc sống của 3 đứa trẻ 14 tuổi. Nguyên nhân chúng tự sát vẫn còn là một ẩn số, nhưng bi kịch này phản ánh xu thế tự tử đang gia tăng trong những năm gần đây ở Hong Kong.

Theo Cơ quan Ngăn chặn Tự tử, số vụ tự tử trong năm 2001 đã lên tới 988, so với 915 trong năm 2000 và 882 trong năm 1999.

Các nhà xã hội học cho rằng đa phần nạn nhân làm như vậy vì thất vọng trước nạn thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Còn một nguyên nhân khác là xu thế con cái được chiều chuộng trong các gia đình. Hệ quả là trẻ em không có đủ kỹ năng sống khi lớn lên. Dennis Wong, giảng viên đại học, cho biết: “Nếu bạn nghiên cứu tâm lý những người dưới 20 tuổi, bạn sẽ thấy họ sinh ra và lớn lên trong thời điểm nền kinh tế đang bùng nổ. Thanh niên không được dạy cách giải quyết khó khăn. Do đó, khi gặp phải khúc mắc, họ lựa chọn giải pháp cuối cùng là cái chết”.

Trong tất cả những cách tự sát, đốt than đang ngày một phổ biến. Vụ đầu tiên dùng phương pháp này là cuối năm 1998. Năm 2001, tự sát bằng cách đốt than chỉ đứng sau nhảy lầu. Dominic Lee, trợ giảng môn tâm lý học tại đại học Hong Kong, nói: “Một số người cho rằng chết bằng hơi than thật thuận lợi và không gây đau đớn”. Ông cho biết trong năm 2001, có tới 20% số nạn nhân chọn cách này để tự sát, so với 17% năm 2000.

Đốt than đang tìm thấy "chỗ dung thân" khác bên ngoài Hong Kong, chẳng hạn như Trung Quốc đại lục, Macau và Đài Loan.Một người Trung Quốc ở New Zealand đã tự sát bằng cách đốt than năm ngoái sau khi đọc bài viết về nó trên một tờ báo của Hong Kong. Bi kịch mới đây nhất là hôm 21/4, một phụ nữ đã tự kết liễu đời mình cùng hai con nhỏ tại nhà riêng ở đặc khu kinh tế này.

Khi cháy, than tỏa ra khí carbon làm không khí xung quanh mất dần ôxy. Chết kiểu này không phải là không gây đau đớn như người ta tưởng. Ông Lee nói: “Thiếu ôxy gây ra tức thở và trong một số trường hợp, tay nạn nhân bị cháy đen”.

Số lượng các vụ tự tử tăng lên ở Hong Kong không chỉ là tiếng chuông cảnh báo với các nhân viên xã hội cũng như giới học giả. Một số cư dân đã tham gia các tổ chức ngăn chặn tự sát. Các đường dây nóng và nhiều chương trình truyền hình giải quyết rắc rối của những người bị stress được thiết lập.

Những công ty bán lẻ cũng tiến hành chiến dịch an ủi các khách hàng gặp khó khăn. Hãng quần áo Giordano International đã bán ra hàng nghìn áo phông in dòng chữ “Cuộc sống quý báu” và cam kết sẽ quyên góp một phần lợi nhuận cho các quỹ ngăn chặn tự sát. Hệ thống siêu thị Park n Shop and Wellcome cho biết sẽ sớm đưa thông điệp tương tự lên sản phẩm túi đựng than trong các cửa hàng của mình.

Hạnh Dung, VE (theo Reuters)