Tục thờ Mẫu

Dưới triều Lê, ở miền Bắc có một hệ thống tín ngưỡng mới phát triển, đó là tín ngưỡng thờ Mẫu. Truyền thống tôn thờ các vị nữ thần Việt đã có từ rất xa xưa, với việc thờ các nữ thần mưa Tứ Pháp, các nữ thần núi non như Quốc mẫu Tây Thiên, Hậu thổ phu nhân, Tổ mẫu Âu Cơ,... tuy nhiên đến đầu thời Lê mới chính thức thành điện thờ Mẫu.

Bắt đầu từ Nam Định, với huyền thoại Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu nhanh chóng lan rộng khắp đất nước, hệ thống hoá thành Tam toà Tứ phủ. Mẫu Liễu Hạnh thay thế các sư ông Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không trong Tứ Bất tử, và có nhiều huyền thoại ở khắp nơi.

Tại Thăng Long, phố Hàng Trống trở thành nơi tạo tác một dòng tranh thờ tín ngưỡng Mẫu. Tranh thờ Hàng Trống khác với tranh dân gian Đông Hồ, vì chuyên về các nhân vật thần thánh trong Đạo giáo và thờ Mẫu, màu sắc cũng sặc sỡ hơn, nhiều chi tiết cầu kì hơn.

Một bức tranh thờ Hàng Trống, theo trật tự từ trên xuống:

  • Trên cùng là Phật bà Quan Âm, với Kim đồng, Ngọc nữ hầu hai bên
  • Tứ Đế của Đạo giáo, bốn vị Đế ở bốn phương
  • Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải
  • Năm vị Quan lớn
  • Bốn vị Chầu Bà
  • Mười hai chầu

Mẫu Liễu Hạnh được thờ tại Đền Bà Kiệu ở ngay Hồ Gươm, trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên nơi thờ Bà tít tận mạn bờ bắc Hồ Tây còn nổi tiếng hơn và gắn chặt với một giai thoại văn chương thi vị.

Phủ Tây Hồ

Khi nhà Lê Trung Hưng cùng họ Trịnh giành lại được Thăng Long từ nhà Mạc, triều Lê phái trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613) sang sứ Trung Quốc.

Giai thoại kể rằng khi trở về từ Trung Quốc, vào khoảng những năm 1598, Phùng Khắc Khoan đã gặp tiên tại Lạng Sơn, mà vị tiên đó chính là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Ông bèn cho xây ngôi đền thờ Mẫu tại Lạng Sơn, nay là chùa Tiên.

Sau đó, khi về Thăng Long rồi, trong một chuyến du hành chơi vòng quanh hồ Tây, tại một quán nước bên bờ hồ, ông đã gặp lại Tiên chúa Liễu Hạnh, dưới hình dáng người con gái bán nước xinh đẹp. Hai bên làm thơ xướng hoạ rất tương đắc. Mấy hôm sau trạng Bùng quay lại thì không còn gặp ai nữa, nên lập một am nhỏ để tưởng nhớ.

Nơi trạng Bùng gặp Mẫu Liễu Hạnh, người đời sau đã dựng lên thành một ngôi đền thờ lớn, gọi là Phủ Tây Hồ, đền thờ Mẫu sớm nhất ở Thăng Long. Ngày nay đây cũng là đền thờ Mẫu lớn nhất của Hà Nội, được coi là một nơi linh thiêng bậc nhất.

(Source: Chitto@Phuot.com)