Tủi phận sách khoa học ở Việt Nam

Bản quyền đắt, viết công phu, in ấn chọn lọc nhưng sách khoa học lại bị xếp trong những góc khuất nhất (thậm chí vắng bóng) trong các nhà sách. Người mua lèo tèo, các NXB vẫn nghiến răng chịu lỗ...

Cuối tuần cũng như các ngày thường, dạo qua các nhà sách TP.HCM, thường thấy hiếm khi vắng người. Tại gần chục nhà sách tư nhân trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), các loại sách khoa học đều được xếp ở những góc khuất. Khu “mặt tiền” các nhà sách luôn được dành bày các loại sách “hot”, đang được bạn đọc chuộng và tìm đến mua nhiều như: quản lý, quản trị kinh tế, văn học…

Nhà sách Nguyễn Huệ (đường Nguyễn Huệ, quận 1), một trong những nơi có nhiều đầu sách nhất TP.HCM hiện nay, khu để sách khoa học khá lớn nhưng ít người qua. Còn tại một số nhà sách trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), nơi sách giảm từ 20-30% so với giá bìa, hỏi mua sách khoa học sẽ… hơi bị khó!

Với chủ trương không ưu tiên các loại sách khoa học, có được cuốn nào bán cuốn đó, anh H.Long, chủ nhà sách K.D cho biết: “Sách khoa học chỉ chiếm khoảng từ 3-4 triệu đồng/tháng trong tổng doanh thu 80-100 triệu/tháng của nhà sách”.

Chị Nga, chủ nhà sách H.N - nơi có gần 100 đầu sách khoa học thì chép miệng: “Có tháng chúng tôi bán chỉ được vài cuốn mà thôi!”

Trầy trật bán

Thị trường sách khoa học hiện khá đa dạng, từ cao cấp đến bình dân: kiến thức thế hệ mới, kiến thức bách khoa, các loại truyện khoa học, khoa học chuyên sâu từng ngành như thiên văn học, khoa học xã hội… Dòng sách khoa học hiện nay thường được chọn xuất bản theo tiêu chí "phổ thông" (cả về cách viết lẫn trình bày), tùy đối tượng độc giả.

NXB Kim Đồng, do đặc trưng là sách dành cho thanh thiếu nhi nên hình thức thể hiện của mảng sách này rất đa dạng, dành cho đối tượng từ những em bé cần người lớn đọc, cho đến những bạn tuổi mới lớn, với khoảng 400 đầu sách.

Theo bà Võ Hằng Nga, biên tập viên Ban biên tập Khoa học, NXB này đang phát triển mạnh những mảng sách: tri thức bách khoa (về tự nhiên và xã hội), danh nhân, sách giúp các em học tốt các môn khoa học tự nhiên (như những thí nghiệm đơn giản bạn có thể làm ở nhà), sách rèn luyện trí thông minh, kĩ năng sống…

Tương tự, NXB Trẻ cũng đang đưa ra thị trường nhiều bộ sách khoa học với những kiến thức dễ hiểu và hấp dẫn cho nhiều đối tượng khác nhau. Gần đây nhất, có thể kể đến tủ sách Khoa học và Khám phá.

Nhưng tiêu thụ sách khoa học lại khá trầy trật. Ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban Khai thác đề tài và giao dịch tác quyền NXB Trẻ, đưa ra ví dụ: bộ sách Horrible Historries (những kiến thức cơ bản phổ thông được chuyển tải bằng câu chuyện và tranh vẽ - đang được bạn đọc nước ngoài hào hứng tìm mua vì tính hấp dẫn của nó) khi ra mắt nhận được sự quan tâm đáng kể của bạn đọc nhỏ tuổi, nhưng dù đã hai lần làm động tác PR ra thị trường mà sức mua vẫn chậm. Hay đơn cử cùng một tựa sách của nhà khoa học vật lý nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận nếu xuất bản ở nước ngoài thì một lần với chục ngàn bản là bình thường, nhưng khi đem về nước, in chỉ 2000 bản là đã lo lỗ.

Theo ông Sáu, lượng sách khoa học chiếm chưa tới 10% lượng sách chung của NXB. Thường số lượng xuất bản ở mức 2000 bản/đầu sách, phải sau hơn 1,5 năm mới có thể in lại. Ví dụ bộ sách “Hỏi gì đáp nấy” của tác giả Nguyễn Lân Dũng, được xem là bán chạy trong dòng sách khoa học, phải trên hai năm mới phát hành được 3000 - 5000 bản! Trong khi đó, so với các loại sách quản trị, kinh tế, phát hành 5000 bản/3 tháng, có thể tái bản ngay say 3-6 tháng là chuyện rất bình thường. Ở những nơi khác như NXB KĐ, Fahasa…, lượng sách khoa học xuất bản thường cũng chỉ ở mức trung bình 2000 bản/trên một năm.

Chấp nhận lỗ để tìm bạn đọc

Trong tinh thần là cập nhật và phổ biến kiến thức khoa học đương đại, cơ bản, phổ thông, gợi mở lòng say mê nghiên cứu khoa học nơi giới trẻ, thông qua những tác phẩm vừa giàu tính khoa học, vừa đậm chất văn học, khi bắt đầu thực hiện làm sách khoa học từ nhiều năm trước, nhiều NXB đã ý thức rằng mình đang nhắm tới một dòng sản phẩm chưa có thị trường sẵn, nhưng nhu cầu xã hội cần và sẽ cần có.

Các NXB cho rằng, dòng sách này không làm nhanh, bán nhanh được như sách nhiều mảng khác, nhưng giá trị và hiệu quả thì bền vững với xã hội.

Thực tế, phần lớn việc bù lỗ ban đầu cho sách khoa học gần như khó tránh khỏi vì đây không phải mảng sách mang tính giải trí. Chi phí đầu tư cho một cuốn sách (tác quyền, dịch sách, in ấn, truyền thông…) không nhỏ. Tủ sách kiến thức thế hệ mới được Kim Đồng mua bản quyền của NXB Dorling Kindersley nổi tiếng của Anh với phí bản quyền 390 triệu đồng (vào năm 2005). Đầu tư cho tủ sách nghệ thuật (NXB KĐ) hiện lên tới hơn 1 tỉ đồng. Hay bộ Horrible Historries chỉ riêng tiền ứng trước mua tác quyền là gần 20.000 USD, tính chi phí ban đầu cho một cuốn ra được thị trường (chưa kể giấy) là 600 USD. “Như vậy, một tập truyện phải xuất bản được 5000 quyển mới thu hồi vốn về được, trong khi bây giờ nó chỉ mới dừng ở hơn 2000 bản” - ông Sáu cho biết.

Làm sách lỗ như vậy, nên các NXB càng phải nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu độc giả, tìm những bộ sách hay, với nhiều cách thức thể hiện để "hút" độc giả.

Bà Ngọc Thảo, NXB Trẻ cho biết: “Nhu cầu và thị trường sách khoa học cũng đang dần mở. Nhiều sách khoa học hay thì NXB đã làm, đều bán được; tựa sách đã xuất bản hầu như đều đã tái bản. Nhiều cuốn được in tái bản từ 5-6 lần/tựa, in lần đầu tiên chỉ khoảng 1000-2000 bản”.

Để có một quyển sách khoa học, quá trình chọn lựa đề tài và dịch thuật (hay viết, biên soạn) khá công phu. Nhưng sản phẩm làm ra lại không thể bán với giá cao đúng tầm giá trị sách và hàm lượng lao động đã bỏ ra. Bà Ngọc Thảo chia sẻ: "Thị trường chưa mạnh, nên muốn đưa sách đến rộng rãi bạn đọc, các NXB cố gắng bán giá phải chăng, vừa túi tiền đối tượng SV-HS, trí thức trẻ. NXB và các nhà dịch thuật đầu tư thực hiện dòng sách này, trước hết là vì tâm huyết, và vì mục tiêu tương lai!”.

Theo Lê Quỳnh, VNN