Ứng xử ra sao với ngôn ngữ thời @?

Buổi toạ đàm diễn ra tối 29.3 tại trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp Hà Nội: “Ngôn ngữ giới trẻ sau thời @” qua tranh của hoạ sĩ Nguyễn Thành Phong có sự tham gia của bốn diễn giả: PGS Văn Như Cương, PGS Phạm Văn Tình, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và hoạ sĩ Nguyễn Thành Phong, tác giả cuốn sách gây xôn xao dư luận Sát thủ đầu mưng mủ. Các nhà chuyên môn có mặt ở đây, không phải nhằm đưa ra những đánh giá theo kiểu đúng hay sai, mà để bàn luận một vấn đề khác: nên ứng xử thế nào với hiện tượng ngôn ngữ mới?

Đóng cửa từ điển để giữ tiếng Việt?

Trong vai trò chủ toạ, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đưa ra nhận định chung về những câu “thành ngữ” mới được tập hợp trong Sát thủ đầu mưng mủ (tác phẩm có thể xem là tuyển tập đầu tiên về những lối nói mới của giới trẻ): tạm gác vấn đề ngữ nghĩa, các câu thành ngữ mới, mang tính chất khẩu ngữ do giới trẻ sáng tạo nên, thực chất vẫn “bắt rễ” vào một đặc điểm nổi trội của tiếng Việt, đó là có vần, kiểu như: chảnh như con cá cảnh, dở hơi như con dơi… Đây cũng là một lối nói, một cách chơi chữ thú vị, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần áp dụng trong những lời góp ý nhẹ nhàng mà sâu sắc, chẳng hạn: “Cán bộ gì mà công văn đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Những từ ngữ mới, nói thẳng ra là tiếng lóng, trong chiến tranh cũng được bộ đội ta sử dụng như một cách giữ bí mật quân sự. Đưa ra những ví dụ như thế để thấy rằng, thời nào cũng vậy, từ điển ngôn ngữ luôn được nới rộng biên độ. Những từ mới, những lối nói mới liên tục xuất hiện, được chấp nhận ngay hoặc gây dư luận trái chiều, chúng có thể tồn tại lâu dài, có thể tự đào thải. Chẳng hạn, những từ cửa miệng của giới trẻ như “hết sẩy”, “hơi bị” giờ không còn phổ biến nữa. Trong khi đó, từ “@”, vốn không tồn tại trong từ điển ngôn ngữ của bất cứ quốc gia nào, nay lại trở thành ký tự kết nối cả thế giới. Đưa ra hai bằng chứng xác đáng đó, PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình cho rằng, mỗi kiểu ngôn ngữ, dù là chính thống hay ngoài luồng, luôn có giá trị giao tiếp riêng của nó. PGS Văn Như Cương thì nhấn mạnh, ông từng chứng kiến, không ít từ lóng rốt cuộc, lại trở thành “thương hiệu”, như đặc sản kẹo cu đơ của Hà Tĩnh. Cũng theo PGS Văn Như Cương, trong cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ, có những thành ngữ được “cải biên” rất thông minh. Chẳng hạn, nếu đặt ba thành ngữ: cái khó bó cái khôn, cái khó ló cái khôn (cũ) và cái khó ló cái ngu (mới) cạnh nhau, có thể thấy tính tiếp nối uyển chuyển tương ứng với từng giai đoạn của cuộc sống.

Cầm trên tay cuốn từ điển tiếng Việt mới ấn hành do viện Ngôn ngữ học thực hiện, PGS Phạm Văn Tình kết luận: “Đây là cuốn từ điển bao gồm 3.000 từ vựng mới, được thu thập và chọn lựa dựa trên sự biến đổi của ngôn ngữ mười năm qua. Những từ mới ấy có đời sống lâu dài hay không, lại là chuyện khác”.

Nên bình tĩnh đón nhận

PGS Phạm Văn Tình thẳng thắn bày tỏ, chính ông thời gian đầu đã hết sức phẫn nộ khi đọc Sát thủ đầu mưng mủ. Nhưng rồi, chính ông nhận ra, thay cho thái độ phản bác, nên nhìn nhận hiện tượng ngôn ngữ thời @ một cách bình tĩnh. Vì rõ ràng, sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là đóng cửa kho từ vựng. Những thành ngữ mới được tập hợp trong Sát thủ đầu mưng mủ, không phải tất cả đều hay, đều đẹp, nhưng rõ ràng, đó là kho dữ liệu mới, có thể xem như một dạng ngôn ngữ dân gian mới do giới trẻ sáng tạo và sử dụng phổ biến, rất cần được xem xét nghiên cứu bình tĩnh, không bài bác, cũng không tung hô quá đà. Cũng đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương thậm chí còn cho rằng, xét về khía cạnh văn bản, những câu chảnh như con cá cảnh, ngốc như con ốc hoàn toàn thuần Việt và “trong sáng” hơn rất nhiều khẩu hiệu đậm đà chất “Tây” chẳng hạn như: Nói “không” với học sinh ngồi nhầm lớp, Nói “không” với tiêu cực!

Song Thao (SGTT)