Vài cảm nhận đầu tiên sau khi đọc công trình THỰC THỂ VIỆT NHÌN TỪ CÁC Toạ ĐỘ CHỮ của Trần Ngọc Vương

Tuần trước đến chơi nhà anh Vương, đã không mang quà đến lại được quà - công trình mới ra lò của anh, cầm khá đậm tay: những năm trăm rưởi trang!

Lướt qua mục lục, thấy sách có vẻ như không phải một chuyên khảo liền mạch mà là tập hợp các bài viết vào những thời điểm khác nhau, về những lĩnh vực khác nhau. Tôi vốn không mạnh về lý thuyết, mà về kinh tế thì cả trên mặt lý thuyết lẫn thực hành đều yếu kém, nên bỏ qua luôn phần 1: Từ góc nhìn kinh tế - xã hội, định bụng lúc nào rảnh việc hơn sẽ ngồi “gậm” nghiêm chỉnh để tự bồi bổ kiến thức. Phần 2: Tâm thức cộng đồng, lịch sử và lịch sử tư tưởng. Lý thú đây, có những mục liên quan một số vấn đề bản thân mình từng nghiên cứu, thậm chí đọc tham luận ở các hội thảo, chẳng hạn: Lưỡng đầu chế thời Lê - Trịnh và những hệ quả lịch sử của nó; Vận mệnh của Nho giáo qua những biến thiên lịch sử nửa đầu thế kỷ XX; Nhân quả Đông du… Sẽ được thêm một góc nhìn cho mình, nhưng cũng tạm gác lại đã.

Do “méo mó nghề nghiệp”(giảng dạy ngữ văn và văn hoá mà), tôi bập ngay vào phần 3: Văn hoá - Khoa giáo. Rồi đọc một lèo cả phần 4: Một góc văn chương và phần 5 (cuối cùng): Mấy bức chân dung, trong đó tôi đặc biệt quan tâm 3 bức: Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế và Trần Đình Hượu (ân sư của anh Vương).

Cảm nhận đầu tiên là tác giả đã có một góc nhìn mới mẻ và một cái nhìn riêng, đôi khi rất sắc nhọn, phát biểu thẳng thắn, không vòng vo tránh né đối với hàng loạt đối tượng anh nghiên cứu, khảo sát. Tôi nói đôi khi, bởi có cũng có những vấn đề mới chỉ là hời hợt, lướt qua như: về cộng đồng người Việt ở nước ngoài, về kiến tạo một xã hội học tập…Điều này cũng khó tránh ở một công trình mà chủ đề dàn trải qua nhiều lĩnh vực. Nhưng nói chung, cảm nhận của tôi là như vậy: góc nhìn mới mẻ, cái nhìn sắc nhọn, phát biểu thẳng thắn.

Lấy vấn đề văn hoá họ tộc làm ví dụ. Chúng ta đều biết đây là một “bum” hiện thời. Trần Ngọc Vương phải chăng là người đầu tiên đặt vấn đề ở tầm chiến lược? Trong bài Văn hoá họ tộc - một vấn đề văn hoá có tầm chiến lược chưa được đánh giá và quan tâm ở mức cần thiết (tr. 165 - 177) tác giả đặt câu hỏi rất trúng: “Đổi mới hay phục hồi, và phục hồi như thế nào?” và nhận xét sắc sảo rằng chúng ta đang… “chứng kiến một cảnh tượng làm lấy được, thiếu những lý lẽ tối thiểu nên thành xô bồ, đầy tính hài kịch”(tr.165), “những tàn dư độc hại của một quá khứ “phong kiến đế quốc thực dân” - đã từ dần dà đến ồ ạt được phục hồi (tr.165)”.

Thực vậy, lòng thành kính không phải một nén nhang trước ban thờ tổ tiên mà phải mâm cao cỗ đầy, vàng mã đốt vô tội vạ, cả ô tô, nhà lầu, hình nhân vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu. Lòng hiếu thảo không phải là quạt nồng sưởi lạnh, hầu hạ dưới gối lúc sinh thời mà là lăng mộ to tát, từ đường ngênh ngang hàng chục tỷ đồng theo lối trưởng giả học làm sang để vênh vang với đời. Và Trần Ngọc Vương đã dũng cảm cảnh báo trước nguy cơ tái sinh cái sự “tạo huyết thống giả”, tức là người ta đang tùy tiện vơ vào, vẽ vời tộc phả ba-bốn chục đời bất chấp sự thực huyết thống, để họ mình to, họ mình cổ lai hy, nhằm gây áp lực, biến “những thực thể cách mạng hàng đầu ở nông thôn sau gần nửa thế kỷ nông dân đi theo Đảng như ủy ban xã, đảng ủy, ban chủ nhiệm hợp tác xã, chi bộ… trở thành đại lý của các dòng họ, nơi thực thi những kế hoạch tranh quyền đoạt lợi và chèn ép lẫn nhau của các vị tôn trưởng”(tr.166). Những Mảnh đất lắm người nhiều ma kiểu đó, đúng như Vương viết, “hiển hiện khắp mọi làng xóm Việt Nam, ở bất cứ nơi nào những mặt trái của quan hệ họ tộc chưa được ý thức tự giác cao độ để không chỉ bài trừ mà còn phòng chống sự tái sinh, như lời cảnh báo sáng suốt thể hiện tầm viễn kiến của cố học giả Trần Đình Hượu”(tr. 166). Xin nói thêm, một số dòng họ sau Đại hội X đã “kiểm kê” xẹm họ mình có bao nhiêu người vào TW!

Cuối cùng, thẳng thắn theo tinh thần của Đại hội Đổi mới, Vương viết toẹt ra (tức không vòng vo tránh né, rào trước đón sau!), điều mọi người tâm huyết thực sự với văn hoá họ tộc đều nghĩ về cái gọi là “ngày giỗ quốc tổ”: “Điều mà suốt hàng ngàn năm lịch sử, các triều đai đế vương xưa, những chủ thể quyền lực về nguyên tắc dựa trên những nguyên lý của tinh thần huyết thống và là nhà nước thần quyền (tôi nhấn mạnh - TNV) không đủ can đảm hoặc không đủ trơ trẽn để đẩy quy mô huyết thống hoá giả lên tới đó, thì bây giờ, dưới thời của những người quốc tế chủ nghĩa, vô thần chủ nghĩa đã đạt tới đỉnh điểm”(tr.167). Từ cái “đỉnh điểm” ấy soi vào toạ độ chữ, Trần Ngọc Vương giải mã cái câu cửa miệng “lấy dân làm gốc của nước”(dĩ dân vi bang bản) “không phải là tư tưởng dân chủ” mà là “một sự hiểu lầm tai hại” (TNV nhấn mạnh), bởi với cái đà “huyết thống hoá giả” lên tới đỉnh điểm ấy các quan đều là cha mẹ của dân (“dân chi phụ mẫu”), dân là con đỏ (“xích tử”), mà… “con cái trước khi bàn đến quyền lợi, cần thực hiện nghĩa vụ, trước mọi sai lầm có thể có của cha mẹ, quyền con cái chỉ có thể cao nhất là quyền can ngăn, nhược bằng không thể can ngăn, thì chỉ còn cách làm theo lời chỉ dạy của của Đức Thánh “khóc mà vâng lời” (Luận ngữ) chứ không được chống đối mãi…” (VTK nhấn mạnh - tr.174).

Tôi đọc mà thấy ớn xương sống điều băn khăn bất an của Vương: “Cái ao nước lã cấu thành nên cái ao nhà ấy liệu có lúc nào bị nguy cơ biến thành ao tiết canh của những dòng tộc không chịu hoà huyết?” (tr.168).

Lúc mới đọc đề mục của vấn đề văn hoá họ tộc, bắt gặp chữ “chiến lược” tôi thầm nghĩ “cha này ngoa ngôn rồi”. Đọc đi đọc lại bài này thì hoàn toàn nhất trí cách đặt vấn đề của Trần Ngọc Vương ở tầm đó. Bởi vì tác giả đã đào sâu đến căn nguyên của việc ngụy tạo huyết thống: “phương thức sản xuất châu Á” (mode de la production asiatique) mà Các Mác đã chỉ ra, dẫu mới dựa trên trực giác và một cách tạm thời (tr.170), cùng thiết chế trên cơ sở phương thức đó là chế độ chuyên chế phương Đông (absolutisme orientale) mà cái huyết thống giả đẩy đến tầm quốc gia - vua quan là “phụ mẫu”, dân là tôi con (“thần tử”), “dĩ dân vi bang bản” thực chất là bố thí lòng thương con đỏ, chứ không phải cho dân quyền dân chủ.

Thế là tôi hiểu ra tại sao Trần Ngọc Vương bố cục phần 1 của sách THỰC THỂ VIỆT… là Từ góc nhìn kinh tế - xã hội. Chắc chắn tôi sẽ phải “gậm” kỹ cái của khó nhằn này đối với tôi đây.

NGƯT Vũ Thế Khôi