Vài quy tắc sống và làm việc của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfeld

Donald H. Rumsfeld là một chính khách "diều hâu" cỡ bự. Hiện nay ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn được nhiều người Mỹ nhắc đến bởi lập trường kiên định và tác phong thẳng thắn trong công việc, không giao động chùn bước trước hiểm nguy

Sau khi đa số dân Mỹ chán ghét cuộc chiến tranh ở Iraq không bỏ phiếu cho đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm 2006, đảng này trở thành thiểu số trong Quốc hội. Do không được sự ủng hộ của Quốc hội mới nên cuối năm 2006 Rumsfeld đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Đã từng có dư luận ông sẽ ra tranh cử TT Mỹ nhiệm kỳ 2008, nhưng cuối cùng điều đó không xảy ra; cho nên người ta càng để ý đến ông và đặt câu hỏi vì sao con người tài năng có tính cách, phẩm chất rất đặc biệt này lại xa lánh chính trường ?

"Hãy tin vào bản thân, thành công hay thất bại quyết định ở năng lực vượt khó của bạn"

Câu này chính là quy tắc sống và phấn đấu của Donald H. Rumsfeld, người duy nhất hai lần làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống (TT) G. R.Ford và G. W. Bush.

Trên thực tế, ông đã thành công chứng minh quy tắc đó. Thời kỳ đầu cuộc chíến tranh Afghanistan, chỉ sau một đêm, viên bộ trưởng quốc phòng Mỹ này trở nên nổi tiếng khắp thế giới, khiến cho đài phát thanh quốc gia Mỹ gọi ông là “Con long mã của nước Mỹ”. Phó TT Mỹ Dick Cheney, bạn của Rumsfeld, khen ông hết lời. Lời lẽ cử chỉ của Rumsfeld thậm chí còn được các nghệ sĩ hài bắt chước trong buổi “Sinh hoạt đêm tối cuối tuần”, một tiết mục văn hoá vui chơi hấp dẫn nhất trên truyền hình Mỹ.

Rumsfeld rất chú ý giữ gìn hình ảnh mình. Nhớ lại quá khứ, ông nói một cách cảm khái: “Con khỉ leo càng cao thì mông nó hở ra càng nhiều”. Nói cách khác, khi anh leo lên chức vụ càng cao thì các nhược điểm của anh càng dễ lộ ra và dễ bị thiên hạ khám phá, nhất là trong một xã hội mà giới truyền thông rất khoái vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, như xã hội Mỹ. Đây lại là một mặt khác trong các quy tắc sống của Rumsfeld.

Bản thân ông sưu tầm được một bộ các câu cách ngôn tài trí hài hước, hiểu đúng biết sâu về mặt nghệ thuật sống của con người, trong đó bao gồm quan điểm của đủ loại nhân vật như Mark Twain, Charles De Gaule, tay đua xe Mario Andretti … thậm chí có cả quan điểm của cô bé 7 tuổi con gái ông – “Muốn sống vui vẻ, cần tới mỗi người”. Câu này mới nghe có vẻ nông cạn nhưng ý nghĩa khá là sâu sắc. Bạn sao có thể sống vui vẻ khi có hiềm khích với người khác ?

Rumsfeld phân loại các tư tưởng thành từng nhóm, tương tự người ta sưu tập các loại hộp kẹo. Là một người ham đọc sách tới điên cuồng và say mê kiến thức, có lần trong một tuần Rumsfeld ngốn hết 4 cuốn sách. Một số tác phẩm ông mới đọc gần đây như: “Những bài diễn thuyết hay nhất của Lincoln”, “Chuyện thật về một lính bộ binh trong chíến tranh tình báo chống khủng bố”, “Tâm hồn đẹp”, …Có lần ông mang cả sách vào rạp chiếu bóng, để phòng khi phim dở thì ... đọc sách.

Say mê sưu tầm cách ngôn, danh ngôn

Rumsfeld luôn sưu tầm và ghi nhớ các quy tắc sống nói trên và rút ra các tinh hoa từ chúng. Trong gần 50 năm ông từng làm nhiều chức vụ từ thấp đến cao, trên chính trường cũng như trên thương trường ... Rumsfeld nói: “Tôi luôn luôn để tâm sưu tầm các câu cách ngôn.” Ông luôn chú ý truyền bá những điều ông mới phát hiện, trong đó có một câu thích hợp với trường hợp hội đồng quản trị công ty bàn về một quyết sách gì đấy: “Tuyệt đối chớ có khinh xuất kết luận rằng việc mình không làm được thì người khác cũng không thể làm được.” Bạn biết đấy, đã có bao nhiêu người thất bại cay đắng vì bệnh chủ quan này.

Câu sau đây có thể được những người có tính nóng vội đồng cảm: “Sai lầm lớn nhất là có cái thang rất tốt nhưng lại không có bức tường thích hợp để dựa thang vào.” Quả thế, lúc ấy cái thang trở nên vô dụng. Làm thế nào để tìm ra bức tường ấy – đó là cả một nghệ thuật ứng xử, nó đòi hỏi ta phải kiên nhẫn.

Bạn đã bao giờ cảm thấy sức ép trong quá trình muốn công việc thành công chưa ? Hãy thư giãn một chút ! “Mỗi ngày đều có vô số cơ may, có thể nó dẫn ta đến các sai lầm lớn. Hãy hưởng thụ cuộc sống đi !” Bạn muốn tìm một cương vị mới ư ? Rumsfeld kiến nghị bạn hãy trao đổi với người tiền nhiệm: “Họ thông thuộc đường đi lối lại, có thể giúp bạn sớm tìm hiểu từng khâu. Hãy cố gắng thử tự khai phá đường đi, tuyệt đối chớ có lặp lại sai lầm của kẻ khác.” Câu này rất quan trọng với các bạn trẻ đang muốn tiến lên trên bậc thang xã hội.

Một số danh ngôn rất có tác dụng gợi ý, chẳng hạn như một câu của Churchill: “Xưa nay chưa bao giờ thắng lợi có thể quyết định trước mọi sự việc; thất bại cũng không thế đánh đổ tất cả; cái ta cần dựa vào là lòng dũng cảm.” Một số câu có chút màu sắc khinh bạc thói đời: “Rất có thể bất kỳ một người bạn nào đó ở đặc khu Washington DC sẽ là đao phủ của bạn.” Nghĩa là đừng có cả tin vào các chính khách, xưa nay chính khách rất hay “bán” thậm chí “giết” bạn bè; chính trị là trò chơi khó lường nhất. “Làm việc càng vất vả mệt nhọc thì tôi càng cảm thấy may mắn.” Đúng quá rồi, càng làm việc nhiều thì bạn càng có bản lĩnh.

Biến quy tắc sống thành hiện thực

Một trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld trong lần nhậm chức đầu tiên nói: “Không chỉ sưu tầm các quy tắc sống mà Rumsfeld còn ứng dụng chúng vào đời sống và công việc.”

“Cấp trên giỏi thì tuyển dụng cấp dưới giỏi; cấp trên của tầng nấc thấp thì dùng cấp dưới tầng nấc thấp.” – đây là một câu nói Rumsfeld ưa thích. Năm 1969, khi là người phụ trách chính của một cơ quan hợp tác kinh tế, Rumsfeld chủ yếu dành mấy tháng đầu tiên vào việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ cấp dưới. Ông nhớ lại: “Tôi tránh giải quyết những công việc cụ thể mà chỉ lo chọn cán bộ.” Nói khác đi, ông hiểu rõ chân lý “cán bộ quyết định tất cả” – như cách ta thường nói (một danh ngôn của Xtalin). Cán bộ cấp dưới càng giỏi thì cấp trên càng đỡ mất thời gian và tâm trí lo nghĩ về cấp dưới. Người xưa nói không gì khổ bằng làm thầy thằng ngu là thế. Giờ đây cả thế giới đang theo dõi tân TT đắc cử Obama lựa chọn bộ sậu cho mình. Dư luận đã khen Obama nhiều, nhưng các cận thần của ông lại càng quan trọng.

Rumsfeld đạt được kết quả ra sao ? Dĩ nhiên là rất tốt. Cấp dưới của Rumsfeld ngày ấy gồm: - Christine T. Wheatman, cựu thống đốc bang New Jersey, nay là Vụ trưởng Vụ Bảo vệ môi trường; - Bill Bradley, cựu ngôi sao bóng rổ nhà nghề NBA, sau là sinh viên nhận học bổng Roosevelt trường đại học Princeton, cuối cùng được bầu làm thượng nghị sĩ bang New Jersey; - chàng trai Dick Cheney người bang Wyoming, nay là phó TT Mỹ, từng được TT Bush chỉ định thay thế mình khi Bush đi phẫu thuật. Cả ba vị này đều rất được việc và nhanh chóng thăng tiến.

Các nhà báo nói Rumsfeld có lúc hình như thích được trở về thỏa sức phi ngựa tại trang trại chăn nuôi của mình ở bang New Mexico hơn là thắng thế trong khẩu chiến với các nhà báo hoặc các chính khách thích bới lông tìm vết xung khắc với ông.

Tuy rằng thủ đô Washington có một số người để lại cho ông ấn tượng sâu sắc, song người ta vẫn thấy Rumsfeld chỉ khâm phục cá biệt một vài nhân vật. Từ lâu, không ít người làm việc trong Quốc hội nhận thấy ông quá thẳng tính, khó có thể hoà hợp: “Ông ấy làm chúng tôi ai nấy đều khó chịu.” “Ông ấy bao giờ cũng lắng nghe bạn báo cáo, nhưng lại không bàn bạc với bạn.” – một cán bộ nhận xét. Báo chí gần đây đưa tin bà Rice đương kim Quốc vụ khanh chính phủ Mỹ từng có lần nhỏ nước mắt trước thái độ ngang tàng của Rumsfeld.

“Phê bình chỉ trích là chuyện giằng co vô nghĩa” “Hãy miệt mài gian khổ làm việc, mặc cho kẻ khác gièm pha nói xấu, cứ gắng sức làm việc tiến thẳng tới mục tiêu đã chọn của mình” là những câu cách ngôn được Rumsfeld sưu tầm. Rất ít khi ông ngồi trong phòng làm việc rộng thênh thang của mình mà thường đứng bên cạnh mô hình, sa bàn gì đó. Khi nghe hoặc bàn công việc, ông thường đi đi lại lại. Bao giờ ông cũng mặc đồng phục, đi giầy du lịch.

Một số phẩm chất tốt

Bạn bè tin rằng khiêm tốn là bí quyết thành công của Rumsfeld. “Hãy học cách nói tôi không biết”. Xưa nay ông không bao giờ giả vờ hiểu, không bao giờ xấu hổ vì việc học hỏi người khác, vì nói câu Tôi không biết. "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe" – phương Đông cũng có câu tương tự. Một cựu trợ lý của ông nhớ lại: “Ngài bộ trưởng thích truy hỏi tận gốc gác mọi vấn đề mới.” Rumsfeld nói: “Tôi nhờ người khác chỉ bảo nhiều vấn đề và cảm thấy việc học hỏi ấy là một sự hưởng thụ.” Đây cũng là một quy tắc sống của ông. Tài giỏi hơn người mà vẫn chăm lo học hỏi người khác và lấy điều đó làm niềm vui, coi đó là sự hưởng thụ – thử hỏi mấy người ở cương vị cao như Rumsfeld có thể làm được như vậy ? Chính là nhờ phẩm chất này mà ông luôn tiến lên trên con đường trau dồi cho mình những khả năng tốt hơn.
Hai quy tắc sau đây có thể trình bày tốt nhất phẩm chất của Rumsfeld. Quy tắc thứ nhất lấy từ lời của Abraham Lincoln, người được gọi là “Chúa Jesu của nước Mỹ” – “Phần tốt đẹp nhất của cuộc đời là do tình bạn làm nên.” Đúng thế, phương Đông có câu rất hay Học thầy không tày học bạn. Có ai thành đạt mà không nhờ sự giúp đỡ hữu ý hoặc vô tình của bè bạn ? Tấm gương thành công hoặc thất bại của bạn luôn là bài học quý giá nhất đối với mỗi người chúng ta. Vì thế hãy luôn lấy bạn làm gương soi mình ! Đừng lừa thầy phản bạn !

Quy tắc thứ hai là con đường thành công của chính Rumsfeld: “Cần để cho người thân và bạn bè biết rằng dù có bị bao trùm bởi vinh quang và nhục nhã do địa vị của mình đem lại, thì anh vẫn là con người anh thủa ban đầu.” Trên đường đời, ta từng gặp không ít người khi đã thành danh thì biến thành con người khác hẳn ban đầu, thành kẻ “mất gốc”. Không ít kẻ từ nghèo hèn leo lên địa vị cao vì không hiểu quy tắc đó nên thường sinh ra thói quan dạng, hống hách, ngạo mạn khiến thiên hạ cười
chê.

Nhưng Rumsfeld thường xuyên cải tiến các quy tắc chứ không câu nệ. Một quy tắc của ông ngày trước là: “Nếu bạn định ra các quy tắc thì chớ bao giờ có quá 10 cái.” Thế nhưng ngày nay bộ quy tắc của ông đã có đến 150. Gần đây ông lại sửa đổi một quy tắc của nhà báo Dan Rash ở công ty phát thanh Columbia: “Có 3 cách trả lời câu hỏi của nhà báo: 1. Tôi biết và đồng ý nói; 2. Tôi biết nhưng sẽ không nói; 3. Tôi không biết.” Nhưng Rumsfeld tích cực kêu gọi mọi người nên từ chối nói ra bất cứ thông tin nào cho các nhà báo có thể giúp bọn khủng bố. Vì thế, ông tăng thêm một quy tắc: “Tôi có thể trả lời bạn, nhưng tôi không muốn.”

Vài nét tiểu sử Donald H. Rumsfeld

Rumsfeld sinh năm 1932 trong một gia đình người Mỹ gốc Đức. Sau khi tốt nghiệp đại học Princeton, ông đi lính hai năm, lái máy bay Hải quân Mỹ, sau đó chuyển thành lính trừ bị. Thời gian 1960-1962 ông làm việc cho một ngân hàng đầu tư.

30 tuổi, Rumsfeld được bầu là nghị sĩ Quốc hội; sau đó được tái cử vào các năm 1964, 1966 và 1968. Ông là người đề ra ý tưởng quân đội Mỹ chỉ tuyển lính tình nguyện chứ không lấy lính nghĩa vụ. Năm 1969, Rumsfeld từ nhiệm nghị sĩ Quốc hội để làm trợ lý cho TT Nixon (1967-1970) rồi tham gia chính phủ Nixon với cương vị Cố vấn TT. Năm 1973 ông được cử làm Đại sứ Mỹ tại NATO.

Sau hai năm (1974-1975) làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng thời TT Gerald Ford, Rumsfeld được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng (1975-1977).

Năm 1977, Rumsfeld được tặng phần thưởng dân sự cao quý nhất là Huân chương Tự do của Tổng thống. Nhân dịp đó, Henry Kissinger ca ngợi Rumsfeld là “một hiện tượng đặc biệt của Washington: một quan chức-chính trị gia chuyên nghiệp tài giỏi, hoà trộn ham muốn, tài năng và thực chất trong một con người.”

Đầu năm 1977, Rumsfeld giảng dạy một thời gian ngắn tại ĐH Princeton. Sau đó ông làm chủ tịch kiêm CEO (Tổng Giám đốc) G.D. Searle & Company, một công ty dược toàn cầu. Do có thành tích xuất sắc trong kinh doanh, năm 1980 và 1981 ông được tặng danh hiệu CEO xuất sắc ngành dược. Khi bán công ty này (1985), ông kiếm được 12 triệu USD. Thời kỳ 1990-1993 ông làm CEO General Instrument Corporation, một công ty kinh doanh thiết bị viễn thông qua cáp, vệ tinh... Từ 1997 Rumsfeld làm Chủ tịch Gilead Sciences, Inc. Gilead Sciences chuyên nghiên cứu dược phẩm chống dịch bệnh cúm gà. Ở cương vị nào ông cũng tỏ ra là một nhà kinh doanh xuất sắc, thành công.

Năm 2001 Rumsfeld được TT Bush cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông cũng là người trẻ nhất (43 tuổi) và già nhất (68 tuổi) khi hai lần được cử giữ trọng trách này. Thời gian giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng của ông (lần thứ hai) lâu chỉ kém ông Robert McNamara. Dư luận cho rằng Rumsfeld là Bộ trưởng Quốc phòng gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ.

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, Rumsfeld đã đi đầu trong kế hoạch phát động cuộc chiến tranh tại Afghanistan và đặc biệt là cuộc chiến Iraq hai năm sau đó. Tuy nhiên, người Mỹ ngày càng không hài lòng với cuộc chiến Iraq và thái độ bất mãn đó đã chuyển thành kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ khiến Rumsfeld phải từ chức. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Rockefeller thuộc Uỷ ban Tình báo Thượng viện khẳng định: "Kế hoạch chiến tranh của Bộ trưởng Rumsfeld tại Iraq đã thất bại và chính quyền cũng nhận ra cần thiết phải có sự thay đổi quyết liệt và tức thời".

Trong phần trả lời phỏng vấn sau khi đọc bài tuyên bố từ chức hôm 9-11-2006, Rumsfeld nói ngày tồi tệ nhất của ông trong thời gian tại nhiệm là khi biết tin về vụ lính Mỹ đầu năm 2004 ngược đãi tù nhân Iraq ở nhà tù Abu Ghraib, ngoại ô Baghdad. “Tôi cảm thấy cực kỳ hối tiếc là đã xảy ra những điều như vậy" – ông nói. Khi được hỏi về ngày tuyệt vời nhất ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Rumsfeld nói đó có thể là ngày 18/12 khi ông nhường chức vụ này cho Robert M. Gates.

Không chỉ là một doanh nhân và chính khách Mỹ mà theo trang web slate.com, Rumsfeld còn là một nhà thơ ! Donald H. Rumsfeld năm nay 75 tuổi mới đây cho hãng AP biết ông đang chuẩn bị viết hồi ký. Theo ông, cuốn hồi ký này sẽ cho mọi người thấy ông đã vất vả như thế nào để giữ được cho mình sự công bằng, thành thật và hữu ích. “Tôi hy vọng nó sẽ giúp thêm cho người đọc biết các thông tin về các thời điểm (lịch sử)”.

Cuốn sách chắc chắn sẽ hé lộ nhiều điều thú vị, bởi theo lời một bạn thân lâu năm của Phó TT Mỹ Dick Cheney thì Donald H. Rumsfeld được đánh giá là một trong hai Bộ trưởng Quốc phòng có ảnh hưởng lớn nhất đối với nước Mỹ (sau Robert McNamara thập niên 1960).

Nguyễn Hải Hoành

Tổng hợp (từ các nguồn báo, website nước ngoài) và bình luận