Về thơ, và không chỉ về thơ

1. “Thi dĩ ngôn chí”, nhà thơ khoa bảng và thi sĩ dân gian

Năm 2007 tôi đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dự buổi giới thiệu tập thơ Chữ cái của Từ Huy và Cơn ngạt thở tình cờ của Trần Lê Sơn Ý - hai trong sáu tập được chọn vào chung khảo giải thưởng Lá trầu do Quỹ Lời vàng Eva tổ chức. Tôi đến dự sinh hoạt thơ này phần vì trân trọng nhiệt tâm với thơ của cây bút nữ Lê Ngân Hằng, phần vì tò mò, phần là do… gần nhà. Buổi giới thiệu thơ hôm ấy diễn ra trong không gian của một ngôi nhà ngói năm gian có nhiều hàng cột, điển hình cho kiến trúc nhà ở của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ (tuy nhiên, dù đã có cái sân gạch rộng thênh thang thì ở đấy vẫn thiếu cây mít, bể nước mưa và… chum tương để đầu hè!). Mấy cô gái trẻ trung với khăn vấn áo tứ thân, thướt tha qua lại mời bát nước vối nâu sánh cùng bánh đậu xanh, rồi quạt giấy, điếu cày và chõng tre nữa, ít nhiều cũng làm nên dáng vẻ của làng quê Việt; dẫu thi thoảng đó đây lại nghe tiếng nhạc chuông điện thoại, lúc xập xình, lúc ư ử, lúc lại như tiếng nhị cò cưa… Do đã rút kinh nghiệm từ một số cuộc giới thiệu thơ trước đó, nên tôi nhận hai tập thơ để về nhà đọc rồi chuồn ra sân ngồi thì thào với bạn bè. Thật tình thì tôi chuồn ra sân còn vì muốn tự mình đọc mà không bị phiền lụy bởi những lời giới thiệu thường là tiêu biểu cho loại ngôn ngữ tụng ca, có khả năng đưa tác phẩm vào hàng tuyệt tác, biến người viết thành thi nhân. Chưa nói tôi còn e ngại nếu phải tiếp xúc với những tâm sự nghề nghiệp luôn có xu hướng thiếu cá tính của một số tác giả, đại loại như: tôi làm thơ theo bản năng, không biết tại sao thơ tự nhiên trào ra ngòi bút…!

Ngồi bên chõng tre uống bát nước vối hình như cũng có cái hấp dẫn riêng, chẳng mấy chốc cử toạ quanh chiếc chõng đã tăng lên bất ngờ và thế là các câu đùa cợt của tôi cũng tăng lên theo. Một bạn trẻ hỏi: “Anh thấy buổi giới thiệu thơ hôm nay thế nào?”, tôi trả lời: “Đây là cố gắng tuyệt vọng của thơ!” rồi quên bẵng. Dè đâu ít phút sau, câu nói được đưa lên diễn đàn, rồi tôi nghe tiếng người dẫn chương trình tỏ ra không đồng tình và mời tôi đối thoại. Cực chẳng đã, tôi trở vào để nói rõ đó là chuyện tào lao, không phải phát ngôn chính thức, tôi không có thói quen nhờ người khác nói hộ điều gì, nếu thấy cần thiết, tự tôi sẽ nói ra suy nghĩ của mình. Về sau trong bài Giải Lá trầu 2007 - thành công ngoài mong đợi, nhà thơ Giáng Vân có viết rằng: “Nói theo cách nói của nhà phê bình Nguyễn Hoà trong một cuộc nói chuyện vui ngoài lề thì: “Các bạn cứ cố gắng đi, cứ ngọ nguậy đi, làm gì thì làm cũng tuyệt vọng thôi” (Xin lỗi anh Hoà nhé, nếu tôi trích dẫn không chính xác lắm, và chưa được phép anh)…”. Tôi không lấy đó làm điều, song nếu so sánh nhận xét tếu táo của tôi với trích dẫn của Giáng Vân thì đã có một khoảng cách khá xa. Ấy vậy mà sau hơn một năm đọc, quan sát, suy ngẫm, lý giải tôi lại thấy dường như nhận xét bông phèng của tôi năm ngoái cũng phần nào có lý, cho dù điều đó có thể không vừa lòng một số người làm thơ và yêu thơ.

Tôi không rõ ở nước Nam này, câu “thi dĩ ngôn chí” đã có mặt từ bao giờ, nhưng hẳn là từ thời văn học viết ra đời thì việc làm thơ để thể hiện cái chí của bản thân đã chi phối mục đích sáng tác của nhiều người. Xưa kia, văn học viết trước hết không phải là “sân chơi” của lớp bình dân, đó là văn học của giới trí thức, khoa bảng, hoặc nếu là người đèn sách tử tế song vì học tài thi phận mà không đỗ đạt thì họ cũng nổi tiếng về đức độ và tài năng. Ngay đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong danh sách các nhà thơ nổi tiếng, thứ hạng học hành bậc cao cũng là cụ Tam nguyên Yên Đổ, thứ hạng học hành bậc thấp cũng là cụ Đồ Chiểu, cụ Tú Xương. Và về sau, điều này còn được nối tiếp qua sự nghiệp của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Xét từ quan hệ giữa địa vị, uy tín xã hội với việc làm thơ thì nhiều danh sĩ Việt Nam thời trung đại trở thành người nổi tiếng không chỉ vì thơ. Thơ là phương tiện, là cách thức biểu đạt thế giới tinh thần nội tâm của mỗi người và dẫu không thể phủ nhận yếu tố tài năng thì vẫn cần lưu ý rằng, vị thế xã hội cũng ít nhiều tham gia vào việc bảo đảm cho uy tín tác phẩm họ đã viết ra. Hẳn do vậy mà trong sinh hoạt xã hội, danh tiếng của nhà thơ thường được đề cao; rồi cái danh ấy được mở rộng, không chỉ dành cho người làm thơ là đại khoa hay trí thức, mà ở các cộng đồng làng xã, mỗi nơi cũng có nhà thơ của riêng mình, trong nhiều trường hợp, họ trở thành niềm tự hào của cộng đồng.

Ngày còn nhỏ, tôi theo gia đình sơ tán đến một vùng quê. Ở được vài tháng thì tôi biết trong làng có một người làm thơ tên là bủ Liêm. Bủ Liêm già rồi nhưng rất vui tính, bủ hay làm thơ chê bai các thói hư tật xấu trong làng. Tôi còn nhớ mấy câu lục bát do bủ sáng tác như: Bộ đội thì bắn máy bay - Nhà Hồng say rượu suốt ngày nằm chơi, hay Bà Soan chẳng chịu ra đồng - Hết gạo lại cứ chổng mông lên gào! Làng của bủ Liêm ở ven sông Hồng, nửa đồi nửa bãi, đất trồng mía rất rộng. Năm sau thấy xây dựng một xí nghiệp sản xuất mật mía theo lối thủ công. Các anh chị công nhân dùng trâu kéo “máy” ép mía, rồi nước mía được nấu thành mật trong dãy chảo gang to, sớm chiều nghi ngút khói. Có trâu tất phải có người chăn và đàn trâu của xí nghiệp được giao cho một anh thanh niên tên là Tuấn Hiệp. Anh này có biệt tài vận lục bát rất giỏi, việc gì chuyện gì anh cũng có thể biến ngay thành thơ. Buổi tối không phải chăn trâu, anh hay vào chơi với các gia đình trong làng, ngồi bên bếp lửa, anh vừa nướng sắn vừa đọc thơ. Nhà nào hoàn cảnh khó khăn, từng có buồn đau trong quá khứ là anh lập tức vận thành những câu lục bát lên bổng xuống trầm rất lâm ly, có hôm buổi đọc thơ chỉ kết thúc vào lúc nửa đêm. Tôi từng chứng kiến bà chủ nhà nơi gia đình tôi ở nhờ đã khóc rưng rức khi nghe anh đọc bài thơ kể về cụ ông mới mất. Tiếng tăm anh Tuấn Hiệp vì thế nổi như cồn. Ngày giỗ chạp của nhiều gia đình trong làng, anh được mời như thượng khách, rượu vào là anh lại đọc thơ. Anh làm cho các chị trong xóm ngoài làng mê tít, một số bài thơ của anh được các chị chép lại rồi truyền tay nhau. Thế là cánh trai làng bắt đầu bức xúc, họ nhờ bủ Liêm gà cho mấy câu thơ để chơi lại anh Tuấn Hiệp, bủ Liêm không nhận lời (vì là nhà thơ với nhau nên bủ không đụng chạm?). Nhưng rồi tôi lại thấy đám trẻ trong làng, hễ gặp anh Tuấn Hiệp là réo hai câu: Ai thừa con gái ở đâu - Gả cho Tuấn Hiệp chăn trâu xưởng đường! Tôi cũng khoái chí hùa theo, thấy anh Tuấn Hiệp là rống lên: “Ai thừa…” rồi chạy tóe khói. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười!

Về sau đi đây đi đó, hầu như ở đâu tôi cũng gặp vài ba người làm thơ. Thông thường, nếu không được giới thiệu một cách trịnh trọng thì đôi khi họ cũng tự giới thiệu là nhà thơ, bằng cách nhẩn nha đọc mấy câu văn vần, hay đưa ra một vài bản thảo. Tới lúc tôi làm lý luận - phê bình thì mật độ những cuộc gặp gỡ như vậy càng dày. Ngày nọ vào công tác tại một tỉnh miền Trung, mấy anh em trong đoàn đã bảo nhau cố “mai danh ẩn tích” để có chút thời gian thảnh thơi, dè đâu lại “bị” một nhà thơ phát hiện. Anh tìm đến nơi chúng tôi tá túc, xách theo mấy làn mực khô, trứng vịt lộn, bia chai. Sau khi tự giới thiệu làm quen, anh đề nghị được đọc 5 bài thơ. Vậy là tối hôm đó chúng tôi lại được nghe thơ. Nhìn vẻ hồn nhiên của anh khi trình bày các tác phẩm, tôi hiểu đó là niềm đam mê cần được tôn trọng, không nên chê cười. Cuộc sống là vậy, đôi khi có niềm vui, niềm đam mê của người khác làm cho ta thấy khó chịu, khó đồng cảm thì vẫn cần phải biết sẻ chia. Cho đến nay số tập thơ trên giá sách của tôi đã có quãng vài mét chiều dài. Tập dày tập mỏng, tập trình bày chân phương, tập hoa hòe hoa sói, tập mới chỉ là bản photocopy, chủ yếu được tặng, theo nhiều đường khác nhau như: đem tới tận nhà, đưa đến cơ quan, gửi qua bưu điện… Và dù giá sách càng ngày càng chật ních, đầy phè thì tôi vẫn chưa bỏ đi tập nào. Đó là kết quả lao động, là niềm vui của nhiều người đã tặng cho tôi. Không tập nào tôi không đọc, dù lướt qua để biết. Nên nếu có thấy buồn cười khi đọc một bài thơ nào đó, đại loại như: Tình cảm đạo lý đều cóc tải - Có tải bia hơi thịt chó không? - Thưa vâng thứ ấy thì xin tải - Vừa uống vừa nhai chắc sẽ nôn (Bia hơi thịt chó) thì tôi vẫn không gọi chị mua sách báo cũ vào nhà để… bán!

Từ cuộc sống hàng ngày mà xét, người Việt Nam mình quả là rất yêu thơ và khoái làm thơ. Hầu như ở đâu, đến nơi nào cũng gặp thơ. Thơ chép lại hoặc thơ tự sáng tác được lưu lại trong sổ tay. Thơ viết lên tường. Thơ khắc trên mặt bàn. Thơ đọc khi uống rượu. Thơ tặng lúc chia tay. Thơ thêu trên đôi gối trắng có đôi bồ câu tung cánh. Rồi thơ mừng cô dâu chú rể vào ngày cưới, thơ viết ngày sinh nhật, thơ đọc lúc tiễn biệt người thân về chốn hoàng tuyền. Đi tham quan đây đó, người ta khắc thơ vào gốc cây, khắc thơ lên vách đá, khắc thơ vào cột đình, viết thơ lên mặt trống, treo thơ lên cành cây… thậm chí cả ở toilette cũng thấy có thơ. (Trong cuốn 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến kể rằng vào khoảng năm 1974 tại Hà Nội một cuộc “đấu thơ khốc liệt” đã diễn ra trong nhà vệ sinh ở số 8 phố Lê Thái Tổ như thế này: “Chuyện rằng: Một anh “đi xong” bước ra ngoài khoan khoái, anh ở ngoài chờ lâu nhìn anh mới ra vẻ mặt hằm hằm và vội lao vào. Thấy anh kia “ấy” lên cả bờ, sẵn bút chì trong túi liền viết lên tường hai câu (thời bao cấp, tường nhà vệ sinh này trát vữa, quét vôi trắng): Ị cho đúng lỗ mới tài - Ị chệch ra ngoài trình độ còn non. Hôm sau anh kia lại đi trước. Nhìn thấy thơ trên tường chế giễu mình bèn lấy bút chì chày cối: Còn non thì mặc còn non - Một hòn ra ngoài thì đã chết ai. Anh kia đi sau, thấy anh đi trước không tiếp thu lại còn hoạ lại, tức khí viết thêm: Chết ai thì chẳng chết ai - Một hòn ra ngoài thì mất vệ sinh. Tiếp hôm sau, anh kia vẫn giành được quyền đi trước, thấy có thơ chê mình thiếu văn hoá, cãi cùn: Vệ sinh thì mặc vệ sinh - Kỹ thuật trung bình chỉ có thế thôi. Anh kia vào thấy kẻ đi trước vẫn ngoan cố làm tiếp hai câu: Thế thôi thì hãy ra đồi - Bao giờ tiến bộ thì ngồi vào đây. Thế là hôm sau không thấy anh kia hoạ lại nữa”! Nguyễn Ngọc Tiến, 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, NXB Văn học, H.2008, tr.289). Và nếu tỷ mẩn làm một thống kê có liên quan tới những người tham gia trò chơi Chiếc nón kỳ diệu của VTV3 thì hẳn là số người thể hiện tài năng bằng đọc thơ chiếm tỷ lệ vượt trội so với người hát cải lương, hát chèo, hát quan họ… Chưa kể tới thơ hưởng ứng các phong trào xã hội, như thơ kêu gọi tiết kiệm, thơ về kế hoạch hoá gia đình, thơ về trồng rừng, thơ cổ vũ làm phân xanh, thơ an toàn giao thông, thơ phòng chống ma túy… Anh bạn tôi thời còn trẻ say đắm một cô gái ở cùng khu tập thể, nhưng cô không yêu hắn mà lại yêu người khác. Hắn quyết tâm tán bằng được và nghĩ ra một mẹo. Ngày nào cũng thế, cứ 7 giờ sáng là hắn lại đi qua để thả vào cửa sổ nhà nàng một bài thơ do hắn sáng tác. Không biết thơ của hắn hay dở ra sao nhưng sau mấy tháng thì nàng “đổ” lăn kềnh, và đó chính là bà xã nhà hắn bây giờ. Theo hắn kể thì cho đến nay, nàng vẫn lưu giữ rất cẩn thận những bài thơ này. Trong con mắt nàng, hắn là nhà thơ vào hàng “số dách”!

2. Bước ngoặt của thơ, nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”

Trở lại với vai trò của nhà thơ trong xã hội Việt Nam truyền thống, phải nói rằng đã có một thời kỳ rất dài, tiếng tăm nhà thơ luôn đi cùng với sự quý trọng của cộng đồng, dẫu đó là vị khoa bảng lừng danh hay một tác giả dân gian chuyên sử dụng các thể loại lục bát hoặc hai chữ, bốn chữ để kể tả các câu chuyện trong làng. Chẳng khác nhiều nếu so với các vị đại gia về tuổi lịch sử của tác phẩm, thường thì các câu văn vần nôm na, đậm chất hài hước của nhiều người làm thơ dân gian cũng có sức sống không kém lâu bền. (Tuy muộn hơn về lịch sử, vẫn muốn nhắc tới mấy câu lục bát được mở đầu bằng: Chưa đi chưa biết Đồ Sơn… mà hẳn là nhiều người đã biết!). Vậy là, bác học hay dân gian thì cũng là nhà thơ; mẫn tiệp, sáng suốt hay có vẻ hâm hấp, chập cheng thì cũng là nhà thơ. Mà phàm đã là nhà thơ thì bên cạnh sự nổi tiếng còn có cả sự hấp dẫn của phong thái lãng mạn. Tôi từng gặp một vài chàng trai chưa làm thơ bao giờ nhưng rất khoái tạo dáng thi sĩ bằng cách nuôi một bộ tóc dài để loã xoã trước trán, vẻ mặt đôi lúc trầm ngâm, mắt nhìn xa xăm, thỉnh thoảng lại đưa ra vài ba bình luận về thơ hay chậm rãi đọc thơ của ai đó (tương tự như không ít anh chàng ở xứ ta bây giờ, nghệ sĩ hay không thì cũng có chòm râu lơ phơ dưới cằm, hay có bộ tóc dài buộc túm ra sau gáy!)… Nhưng thời thịnh trị của thơ rồi cũng qua đi, cuộc sống đã có nhiều thú vui tinh thần - thẩm mỹ mới mà thơ không thể thay thế. Vả lại, sống trong thế giới hiện đại, con người còn có rất nhiều việc phải lo toan, rồi tiết tấu nhanh gọn của nhịp điệu cuộc sống đã làm cho lớp trẻ xem ra cần Rock n’ roll, Hip-hop hơn là những câu thơ lên bổng xuống trầm. Dần dà thơ ca không còn giữ được vị trí ưu thắng trong sinh hoạt xã hội, mặt khác, cuộc mưu sinh cũng không cho phép người ta làm thơ chỉ để ngâm ngợi tiêu dao mà còn phải kiếm sống. Miếng cơm manh áo buộc những ai còn mê mải với bầu rượu túi thơ cũng phải tính tới bát gạo túi tiền. Những câu thơ khí phách, thanh cao hay bay bổng với trăng với hoa, với tình anh tình em… dù sao cũng không thể cho vào nồi. Điều này không cần phải chờ tới hôm nay, vì trước khi Xuân Diệu thốt lên: Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt - Cơm áo không đùa với khách thơ thì Tản Đà cũng đã nói tới hai chữ “bán thơ” rồi. Lại nhớ làng thơ xứ ta lưu truyền một giai thoại rằng, nhà thơ X tối ngày quanh quẩn với thơ, kiếm được đồng nào rượu bia đồng ấy, chẳng ngó ngàng thùng gạo của gia đình. Một tối về nhà, thấy sẵn “cơm ngon canh ngọt hả hê vợ chờ” nhà thơ hý hửng mở lồng bàn thì than ôi, giữa mâm chỏng trơ một… tập thơ. Kể lại cho vui vậy thôi, chứ tôi đã gặp một số phu nhân thi sĩ, dù chưa thật đồng cảm với tình trạng đắm đuối thơ ca của đức lang quân thì vẫn trách yêu trước mặt bạn bè: “Anh nhà em đoảng lắm, thơ phú suốt ngày”, rồi… cười bẽn lẽn. Thế mới xứng đáng là vợ nhà thơ!

Suốt thời trung đại, thơ ca nước Việt hầu như đi theo những kiểu lối ít biến động. Loại hình tác giả có thay đổi, nối tiếp nhau về thế hệ thì thơ ca vẫn phải tuân thủ các hình thức nghiêm ngặt để thi nhân bày tỏ cái chí của mình, kể cả với tác giả phóng khoáng như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… Gần đây, đọc cuốn sách Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử gồm 24 chuyên luận, của nhiều tác giả, do PGS TS Trần Ngọc Vương chủ biên, tôi càng thấy rõ tính ổn định, hầu như bất biến của hình thức thể loại trong văn học viết ở Việt Nam quãng 10 thế kỷ. Những bài kệ hay nhất của các thiền sư thời Lý - Trần, những bài thơ hay nhất của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… trở thành bất hủ một phần nhờ vào tài năng, một phần nhờ vào trí tuệ, nhân cách của họ đã được cộng đồng thừa nhận, kính trọng. (Với các danh nhân này, liệu có thể nói rằng nếu thiếu đi các bài thơ thì sự nghiệp của họ cũng không vì thế mà suy suyển?). Còn về hình thức, những khuôn mẫu hầu như không biến động đã không cho phép họ sáng tạo hay bổ sung. Tới nửa đầu thế kỷ XX, một cuộc cách mạng trong thơ xuất hiện. Thơ mới đã làm nên một bước ngoặt cực kỳ quan trọng cho thơ Việt Nam qua tác phẩm của một thế hệ thi sĩ đã hoàn toàn khác trước về trạng thái tinh thần, về sự tích hợp tri thức, về năng lực sáng tạo. Đặt sang một bên chuyện thắng hay thua, bằng vào các cuộc tranh luận duy vật và duy tâm, nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, tranh luận về Truyền Kiều, về Thơ mới… thì hình như các học giả, các nhà thơ thời này đã ý thức rất cụ thể về bước ngoặt của văn học nói chung, của thơ ca nói riêng, chỉ được tiến hành sau khi đã giải quyết một cách cơ bản mối quan hệ triết học - mỹ học - văn học; và tự thân văn học khó có thể phát triển nếu chưa giải quyết rốt ráo một số hệ lụy tinh thần đã bắt rễ ăn sâu vào truyền thống, nếu không được khai sáng bởi tinh thần của triết học, mỹ học mới. Một bước ngoặt như thế đối với nghệ thuật Việt Nam, trước hết là dựa trên nền tảng một cuộc tiếp xúc văn hoá dẫn tới một quá trình tiếp biến giữa văn hoá - văn minh Việt Nam với văn hoá - văn minh phương Tây, trực tiếp là văn hoá - văn minh Pháp. Hẳn là do đã nhận diện được bản chất của tình trạng, nên Hoài Thanh mới viết: “Nhưng, nhất đán, một cơn gió mạnh đã từ xa thổi tới. Cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ… Nào dầu tây, diêm tây, nào vải tây, kim tây, đinh tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông. Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới. Trong công cuộc duy tân, ảnh hưởng của nó ít ra cũng ngang ảnh hưởng của những sách nghị luận của hiền triết Âu Mỹ, cùng những sách của Khang, Lương. Sĩ phu nước ta từ xưa vốn chỉ biết có Khổng Tử, bắt đầu dẫn Mạnh Đức Tư Cưu với Lư Thoa”. Từ đó suy ra: Phải chăng một phương pháp tư duy mới đã được du nhập, một quan niệm nghệ thuật mới đã được tiếp nhận, một thế hệ nghệ sĩ mới đã ra đời, một hiện thực mới đã nảy sinh, một quá trình nhận thức - phản ánh - sáng tạo theo lối mới đã hình thành… cùng phối kết với nhau để làm nên tiền đề cơ bản, quyết định bước tiến quan trọng của nghệ thuật Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX?

Xét từ tính liên tục lịch sử, một bước ngoặt của thơ không xuất hiện từ hư vô mà luôn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với quá khứ và tương lai của thơ. Nói cách khác, đó không phải là một sự kiện hay tình trạng loại biệt. Làm thơ theo “lối mới” nhưng nhiều tác giả thơ mới vẫn không đoạn tuyệt với một số loại thể thơ truyền thống. Nguyễn Bính trung thành với lục bát, Vũ Đình Liên thành công với thơ năm chữ… Điều cần nhấn mạnh là họ đã “thổi” vào thơ ca một sắc thái tinh thần - thẩm mỹ mới, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, phù hợp với trình độ cảm thụ mới của số đông công chúng. Tôi tin, trước khi “trình chánh” một lối thơ mới giữa làng, các tác giả hẳn chưa nghĩ tới việc họ sẽ làm một cuộc cách mạng trong thơ mà chỉ nghĩ tới việc cần phải làm mới thơ. Đặc biệt là tri thức và sự mẫn tiệp đã giúp họ không nặng lời phê phán hay chê bai thơ ca của người đi trước. Họ tựa lưng vào truyền thống để vượt lên, họ vẫn là nhà thơ Việt Nam, không phải là bản sao hay là đồng dạng phối cảnh của nền thơ họ đã học tập.

Tiếp xúc văn hoá đã mở ra chân trời mới cho sự tiếp nhận tri thức. Đó cũng là một thử thách đối với bản lĩnh văn hoá của con người, họ sẽ đánh mất mình một khi đã để cho các “cú sốc văn hoá” chi phối nhận thức, chi phối hành vi ứng xử với cộng đồng. Từ các thập kỷ 20 - 30 của thế kỷ trước, một kiểu loại nhà thơ mới xuất hiện trong đời sống văn học. Họ không phải là đại khoa, không phải là thi sĩ dân gian ẩn mình sau lũy tre làng. Họ cũng không có địa vị xã hội cao để thơ “dựa” vào mà nổi tiếng. Họ tự làm nên tên tuổi qua các sáng tác. Xét theo ý nghĩa nào đó, họ là thế hệ làm thơ đầu tiên đã “sống bằng thơ” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của mệnh đề này. “Sống bằng thơ” nên họ phải nghĩ tới chuyện cơm áo. “Sống bằng thơ” nên họ phải (dám) vắt kiệt mình cho thơ. Lại nghĩ Nguyễn Bính chưa hẳn đã chân quê chỉ vì ông yêu quê đến hết mình. Sự thăng trầm của cuộc đời, bước chân giang hồ của thi sĩ, lối sống xô bồ của đô thị mới manh nha đã làm ông chán nản. Vì thế hai chữ chân quê trở thành nỗi hồi nhớ da diết trong ông. Giả dụ nỗi hồi nhớ da diết ấy là sự thật thì phải kính trọng ông, bởi ông đã hết mình cho nó. Ngày nay thì khác, những người làm thơ lăng xăng nhiều nhất trên văn đàn lại hình như chưa bao giờ nghĩ tới hai chữ hết mình cho thơ, trong đó có một số cây bút mà tôi nghĩ, sẽ không bao giờ có thể biết hết mình nếu tiếp tục ký sinh vào kiểu sống hời họt. Bị mê hoặc bởi ý niệm hiện đại qua các phương tiện văn minh, họ trở thành khách thơ đeo laptop, la cà ở các quầy bar để uống rượu Tây, phì thèo thuốc Tây, bàn chuyện nghệ thuật ở tầm vĩ mô, hỉ hả kể lể bên Mỹ người ta thế này, bên Pháp người ta thế kia. Tôi liên tưởng tới tình thế sau lưng họ là một quá khứ trống rỗng, trước mắt họ là một thế giới khác, không thuần Việt, cũng chẳng thuần gì, chỉ có cái tôi như “cái rốn” của vũ trụ… mà họ không cần cân nhắc trước khi đem ra để lòe thiên hạ. Với hành trang như thế, thơ sẽ chỉ là trò chơi, chỉ là bàn đạp cho sự nổi tiếng chứ không phải mục đích để hết mình. Tuy thế, không hết mình song vẫn cần phải sống, vẫn cần phải bán thơ, mà thơ như thế thì bán cho ai. Đó nghịch lý mà họ không bao giờ có thể giải quyết.

3. Sáng tạo mới và những “múa may” màu mè

Sáng tạo mới luôn gắn liền với nhận thức mới. Nói cách khác, một sản phẩm do con người làm ra chỉ được coi là mới khi ra đời như là kết quả của nhận thức mới, đáp ứng trực tiếp, cụ thể các yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Mà muốn có nhận thức mới thì không có cách nào khác, con người dấn thân vào với thực tiễn, phải học, phải đọc, phải suy nghĩ, phải tự tạo lập khả năng nhận diện một cách bản chất về những biến động của lịch sử, của thế giới tinh thần xã hội - con người; đắm mình vào đó mà tìm ra những xác tín tư tưởng - thẩm mỹ để rồi, như diễn đạt của Nguyễn Huy Thiệp thì, “thoát thành bướm và hoa”. Những “mảnh vụn tư tưởng” hiển nhiên không có khả năng đưa tới những giá trị tư tưởng - thẩm mỹ lớn, càng không thể đẩy tới sự ra đời của tác phẩm lớn. Những triết lý nông cạn rút ra từ các cảm nhận hời hợt càng không đưa lại điều gì. Cái tôi của nhà thơ dù ghê gớm đến mức nào thì anh ta cũng không phải là “người từ trên trời rơi xuống”, anh ta không bao giờ có thể đứng ra ngoài các quan hệ đồng loại, nếu không nói các quan hệ đó còn chi phối, góp phần quyết định cái tôi của bản thân anh ta. Bởi cái tôi chỉ là cái tôi khi đặt trong các quan hệ với đồng loại, với người khác. Giống như trường hợp câu thơ “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Đây là một câu thơ hay, rất đắc địa trong cấu tứ toàn vẹn của bài thơ Tản mạn thời tôi sống, nhưng khi nhà thơ tách riêng câu thơ ấy ra, sử dụng làm đề từ cho blog cá nhân thì tôi thấy đó là câu thơ… dở. “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” thì có gì độc đáo, nên thơ, hay câu này còn ẩn chứa các triết lý, thông điệp tinh thần sâu xa đến mức chỉ tác giả mới nhận biết được?

Sau gần một thế kỷ, các chuyển dịch xã hội - con người đã làm thay đổi vô số quan niệm văn hoá - nghệ thuật vốn thịnh trị một thời. Và theo sự vận động của thời gian, các chuyển dịch ấy ngày càng diễn ra nhanh chóng, dễ gây ngỡ ngàng nếu đánh giá bằng các tiêu chí thế hệ. Như những chàng trai cô gái thời nay không còn hồi hộp chờ tới ngày hội làng, mà họ tạo ra ngày hội cho mình ở vũ trường, ở những chuyến picnic, offline hay… đi “phượt”. Trong khi đó, sự hồn nhiên nghề nghiệp và cả thói háo danh nữa, đã làm cho không ít người làm thơ vẫn bảo lưu trong tâm tưởng cái ý nghĩa ngỡ là bất di bất dịch của danh hiệu nhà thơ. Để một số người tài năng còn hạn chế nhưng thích làm thơ cũng ngộ nhận, rồi ứng xử với cộng đồng theo phong cách của… nhà thơ lớn. Họ không muốn biết (hay không biết?) người của công chúng bây giờ là hoa hậu, là ca sĩ đắt “sô”, là người mẫu, là minh tinh màn bạc… Một sự thật đã, đang và sẽ còn hiện diện trong đời sống của chúng ta là khi con người phải sống trong sự vây bủa của các phương tiện nghe - nhìn thì họ có quá nhiều “món ăn” để thưởng thức và rồi, sự lên ngôi của nền công nghiệp giải trí đã nhanh chóng đẩy vị thế của nhà thơ xuống hàng thứ yếu. Tình huống ấy đặt những người làm thơ muốn nổi danh phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là gia nhập làng giải trí, hoặc là phải thay đổi để kéo công chúng lại với thơ.

Với các nhà thơ đã hăng hái tham gia vào làng giải trí, dường như họ đã phải đổi thơ để nhận lấy một cái gì đó gần như không còn là thơ. Xuất đầu lộ diện trước công chúng, như trên truyền hình chẳng hạn, họ chỉ còn giữ được cái danh hiệu nhà thơ, còn lại là trình diễn mấy thứ “không thơ”. Nghĩa là lúc nhà thơ trở thành người của công chúng thì thơ lại mất dạng? Làng giải trí trước hết không cần tới thơ, nó cần người nổi tiếng bàn về những câu chuyện thời thượng hay các sự kiện, vấn đề nóng sốt, giật gân. Nó cần nhà thơ “diễn” chứ không nhất thiết yêu cầu nhà thơ lên vô tuyến truyền hình để trả lời câu hỏi thơ là gì, thế nào là câu thơ hay. Nó cần nhà thơ tuyên ngôn thật hào hùng, càng gây sốc càng tốt, ít khi nó cần nhà thơ tâm sự tại sao sau khi ngao du trên dãy Yên Tử hoặc bì bõm bơi lội ở Vũng Tàu lại nảy ra một… tứ thơ. Tôi tự hỏi: trong số công chúng chịu khó ngồi xem nhà thơ “diễn” trên truyền hình, hay chịu khó đọc báo Văn nghệ xem nhà thơ nói gì, thì số người thuộc vài ba câu thơ hoặc biết tới một hai bài thơ của chính nhà thơ đang thao thao bất tuyệt trên màn ảnh nhỏ là bao nhiêu người, liệu có phải là một con số chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhỏ nhoi? Chứng kiến khung cảnh một vài nhà thơ thủ vai MC trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhiều khi tôi thấy hơi bị khôi hài. Họ như phải gồng mình lên để nói những điều cao siêu hoặc… “tự nhiên như ruồi”, hoặc nữa là phải lên gân để chứng tỏ phẩm chất hơn người của nhà thơ. Rút cục thì hình ảnh của thi sĩ xem ra cũng mờ nhạt. Còn với thơ, thật khó có điều gì thật hay ho để nói thành lời. Như hai nhà thơ - MC ĐTQ và PHT. Họ đã thất bại, thất bại thảm hại, cho dù lý do rút lui của họ là có vẻ chính đáng. Với sự phát triển của hệ thống nghe nhìn và công nghệ quảng cáo, làng giải trí có ưu thế rất lớn trong sự vận hành để phục vụ nhu cầu đa dạng của văn hoá đại chúng. Tuy thế, phương tiện thông tin đại chúng ngày nay lại có phần gần gũi, ưu ái các thể loại nghệ thuật trình diễn, nó sử dụng người làm thơ để “múa may” chữ nghĩa nhiều hơn là dành cho thơ - thể loại văn học vốn gắn liền với thế giới nội tâm của mỗi con người, gắn liền với cảm xúc cùng trạng thái thăng hoa tinh thần trước sự huyền diệu của nghệ thuật ngôn từ.

Với các nhà thơ đã và đang thay đổi, đã và đang vật lộn cách tân nhằm kéo công chúng về với thơ, từ góc nhìn của tôi, đây là một câu chuyện dài, trong đó có cả những bi hài kịch mà người trong cuộc chưa hẳn lúc nào cũng tỉnh táo nhận ra. Tôi sẽ bàn thêm về điều này ở những phần sau, riêng về trình diễn thơ, xin dẫn lại điều đã viết trong bài 2007 và cuộc “bể dâu” của một năm văn học: dường như nhiều người vẫn chưa lưu tâm làm thế nào để có thơ hay mà chỉ loay hoay tìm cách đem thơ đến với công chúng. Giống như người làm ra sản phẩm chưa cần biết chất lượng ra sao đã vội nghĩ đến việc làm thế nào để bán được thật nhiều. Trong bối cảnh ấy, trình diễn thơ đang như là một thứ mode. Nhớ năm trước, thấy có nhà thơ nằm nhoài trên ghế hay cạo đầu trọc lóc rồi mượn pantomin để “diễn thơ”, tôi chưa hết buồn cười. Đến năm nay, nhìn mấy nhà thơ lăn lộn quay cuồng, đầu tóc rũ rượi, áo xống hớ hênh, mặt mũi ngơ ngác... vừa “hét thơ” vừa “gào thơ” thì tôi kinh ngạc. Trân trọng cố gắng của các nhà thơ, song tôi vẫn muốn hỏi nếu “xem - nghe” xong rồi, lúc ra về người ta chỉ còn nhớ tiếng bước chân huỳnh huỵch, tiếng lốc cốc gõ lên sàn gỗ, tiếng “la thơ” thất thanh, mớ tua rua xanh đỏ, mấy chiếc mặt nạ rơi xuống và cái áo rộng cổ... và không nhớ đó là bài thơ gì, bài thơ ấy hay ra sao, thì nàng Thơ liệu có tự hào? Khi điều quan trọng nhất là bài thơ khó có thể đọng lại như nốt “chủ âm” của một màn trình diễn thì thiết nghĩ rút cuộc, màn trình diễn chỉ còn là một phái sinh của sân khấu chứ đâu có thuộc về thơ. Còn nếu xét từ lịch sử sân khấu thì trình diễn như vậy đâu có gì lạ. Vào lúc thơ phải vay mượn hình thức thể hiện của một loại hình nghệ thuật khác để tìm cách đến với công chúng, liệu có nên coi đó là sáng tạo mới mẻ?

Trên báo Tiền phong Cuối tuần số 26 (ngày 23.6.2008), trong bài "Hải Phòng có núi bài thơ đây rồi", Dư Thị Hoàn kể mới đây đến đảo Cát Bà, chị “vô cùng ngạc nhiên thấy rất nhiều bài thơ bằng sơn trắng sơn đỏ sơn đen viết rải rác trên vách đá. Chữ viết trung bình to bằng hai bàn tay. Có bài thơ viết nắn nót thẳng hàng, có bài lem nhem chữ chen chúc xiêu vẹo, diện tích rộng bằng mảnh chiều đôi…”. Rồi đọc đến mấy câu thơ: Em trút bỏ xiêm y lộng lẫy - Phố len chân hào nhoáng bề ngoài - Chiều bãi biển làm mắt anh tê dại - Đường cong em như một lâu đài mà người ta muốn lưu danh thiên cổ trên vách đá thì tôi phì cười. Đến thế này thì kinh thật, chắc người ta ngỡ mình là… Lê Thánh Tông, nếu họ nghĩ vậy thì đã nhầm, vì bài thơ của Lê Thánh Tông trên vách đá đâu phải tự tay ông khắc lên. Đọc đến đoạn sau thì biết đó là thi phẩm của mấy cây bút thơ ở Hải Phòng, bằng cách nào đó đã sơn thơ lên vách núi... Đầu tháng 6.2008, tôi được mục kích tác phẩm nghệ thuật của một nhà văn tham gia dự án nghệ thuật trình diễn có tên là "Nghệ sĩ với đường phố: cuộc đối thoại bất tận"… Đem nghệ thuật ra đường, nhà văn mặc bộ quần áo bảo hộ lao động đứng trên vỉa hè phố Lê Văn Lương, biến mình thành… cột điện. Trên cái “cột điện” ấy, bạn bè của anh bôi sơn xanh đỏ lem luốc, dán lên mấy mẩu giấy ghi “khoan cắt bê tông”, “rơi giấy tờ”, thậm chí người ta “tè” cả vào cột điện. Tôi không biết anh nghĩ gì khi đứng phơi mặt triển lãm bên đường, tôi cũng không biết anh nghĩ gì khi mấy cô gái vừa nhìn anh vừa khúc khích cười, còn nhiều người qua đường trố mắt như nhìn ai đó lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường? Còn tôi thì nghĩ, là nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa, chỉ còn là một trò vè lố lăng trong con mắt người đời. Thật là tội nghiệp cho một kiểu học mót không đến độ.

Trong cuộc hội nhập văn hoá được coi là xu thế của thời đại, sự phóng chiếu của một số hoạt động nghệ thuật có nguồn gốc từ phương Tây đang đẩy tới sự đồng hoá các nhu cầu và thị hiếu trên phạm vi toàn cầu. Nhưng văn hoá, trước hết là sự khác nhau và chính sự khác nhau ấy là tiêu chí cơ bản đầu tiên xác định một cá nhân thuộc về cộng đồng dân tộc nào, một sản phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của cộng đồng tinh thần nào. Không phải bất cứ cái gì “tây” làm thì “ta” cũng phải làm theo. Sự khác nhau về văn hoá thường đẩy tới tình huống có các “gu” thẩm mỹ được định vị khác nhau. Nắm bắt được đặc trưng quan trọng ấy, người ta sẽ tỉnh táo hơn trước khi thực hiện một hành vi nhân danh nghệ thuật.

4. Nhà thơ: danh và thực…

Khoảng mười năm trước, khi Nguyễn Duy lần đầu tiên tổ chức triển lãm thơ trên phố Hàng Bài có rất nhiều người đến xem. Xem rồi, người thì thích thú, người thì lắc đầu và tủm tỉm cười. Thậm chí có người nói với tôi rằng Nguyễn Duy triển lãm là để bán thơ. Tôi không biết Nguyễn Duy có bán được nhiều hay không, song bằng vào quan sát của tôi tại triển lãm, thì anh lại tặng nhiều hơn bán. Nằm trong số những người thích thú, tôi tỉ mẩn đọc hết mọi câu thơ, ngó nghiêng tất cả thúng mủng dần sàng, và tôi nhận ra Nguyễn Duy chơi thơ hơn là… làm kinh tế. Ý tưởng độc đáo cộng với đặc sản lục bát Nguyễn Duy kết hợp với nhau đã làm nên điều không thể lặp lại ở người khác, nếu có, thì chỉ lặp lại ở chính Nguyễn Duy mà thôi. (Nói đến đặc sản của Nguyễn Duy, tôi nghĩ chắc nhiều người không biết anh còn một đặc sản khác, không kém độc đáo. Chẳng là một lần đi cùng vào Thanh hoá, anh đưa chúng tôi đến nhà hàng của em gái anh. Tính vốn háu đói và hay tò mò, tôi không ngồi uống nước cùng mọi người mà lỉnh vào bếp. Vào trong bếp, tôi trố mắt nhìn một chiếc thớt gỗ nghiến đường kính cỡ một mét, dày quãng gang tay đứng bệ vệ trên chiếc giá sắt to tướng, lại có bốn anh chị đang đứng bốn góc chiếc thớt và băm chặt thoải mái. Sau hỏi mới biết chính Nguyễn Duy đã sắm chiếc thớt này cho nhà hàng. Lại nghĩ, nếu trên đời có một “giấc mơ hình chiếc thớt” thì có lẽ đó mới là chiếc thớt xứng đáng với một giấc mơ!).

Thành công của triển lãm thơ Nguyễn Duy, ngoài ý tưởng độc đáo, còn được bảo đảm bởi tiếng tăm của một nhà thơ thành danh. Ai đó có suy nghĩ như thế nào thì vẫn không thể phủ nhận Nguyễn Duy là nhà thơ tài năng, và mấy chục năm qua anh đã có công chúng của mình, họ thuộc thơ anh và chờ đợi ở anh những sáng tạo mới. Ngày còn học cấp III ở nơi sơ tán, tôi biết Nguyễn Duy qua Bầu trời vuông. Sau năm 1975 từ đơn vị về nhà, qua trường Đại học Tổng hợp, anh bạn cùng đi chỉ cho tôi mấy anh bộ đội đang đứng phì phèo thuốc lá cạnh cổng và bảo: “Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm đấy!”. Tôi kính trọng nhìn các anh rồi quay sang nể ông bạn, không hiểu tại sao hắn có thể nhận ra. Hỏi thì hắn nói là đã xem ảnh trên báo, thế thì thua hắn thật. Còn bây giờ thì hắn lại nể tôi, vì thấy tôi quen Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Duy. Cuộc đời oái oăm thế đấy!

Thời tôi lớn lên, thơ văn là món ăn tinh thần hàng ngày. Tôi cũng hí hoáy làm thơ, nhưng bị anh trai chê dở nên không làm nữa. Nhưng, nhất là từ thời vào quân đội, tên tuổi của nhiều nhà thơ đã in dấu rất sâu đậm vào tâm trí tôi, cùng vui cùng buồn. Ngày ấy sổ tay của anh lính nào cũng chép thơ, trang nhất thường được bắt đầu bằng hai câu “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - Mặt trời chân lý chiếu qua tim”. Nhiều bài thơ được chủ nhân tỷ mẩn trang trí hoa văn xanh đỏ tím vàng tùy theo sở thích và hoa tay của mỗi người. Anh nào chép được bài thơ “tiền chiến” thì dấm dúi đọc, chỉ sợ bị phát hiện. Nhưng thơ của các anh chị đã và đang mặc áo lính là chúng tôi hâm mộ nhất. Tôi nghĩ, có được điều đó vì nỗi niềm trong thơ của các anh chị đã không còn là nỗi niềm riêng tư, nó gặp gỡ với nỗi niềm của nhiều người. Trưởng thành từ nơi chiến trận và làm thơ, các anh chị không chiều theo thị hiếu của người đọc nào, cũng chẳng làm thơ để chứng tỏ bản thân là ai. Từ giây phút chờ súng nổ, từ tháng những ngày đói rét giữa đại ngàn Trường Sơn, từ những đêm khắc khoải nhớ thương người mẹ già ở nơi quê nhà,… các anh chị đã làm thơ vì đồng đội, vì những người thân yêu trong ngày xa cách. Và bạn đọc đã tìm thấy từ thơ của các anh chị sự cộng cảm tinh thần. Những vần thơ của một thời đã có vị trí của nó, đã trở thành tài sản tinh thần của nhiều thế hệ, đó là sự thật không thể phủ nhận, dù hôm nay có người cho rằng nền thơ ấy đã cũ, đã hết thời. Tại Đại hội thi đua Quyết thắng của Tổng cục xây dựng kinh tế tổ chức vào mùa thu năm 1977 tại Thậm Thình (Phú Thọ), tôi gặp anh Phạm Tiến Duật khi cùng tắm bên cái giếng nước đá ong dưới chân đồi. Lúc ấy tôi đâu biết anh là Phạm Tiến Duật, dù đã thuộc lòng Tiểu đội xe không kính của anh. Mấy anh em đùa nghịch, nói cười ầm ĩ. Tắm xong lại tới ngồi cạnh mấy bụi sim, vừa cuốn thuốc lá sợi vừa nói đủ chuyện dưới biển trên trời. Đến tối anh Phạm Tiến Duật lên sân khấu đọc thơ, tôi mới biết đó là ông anh đã tào lao với mình suốt buổi chiều. Sáng hôm sau tôi đến nhà khách tìm Phạm Tiến Duật, đề nghị anh chép tặng cho một bài thơ. Anh Duật chép ngay. Bài thơ này tôi giữ suốt mấy năm trời, tới khi lên biên giới Lạng Sơn thì không biết tại sao lại mất. Ấy là trong những ngày tôi và đồng đội nằm hầm, đi giày vải há mõm, hai đứa chung nhau một chiếc áo bông, đứa mặc buổi sáng đứa mặc buổi chiều, ăn cơm độn sắn khô chan với canh nấu bằng sắn tươi. Rồi đêm đêm lại rì rầm kể với nhau về các ước mơ, mà ước mơ khi đó thường chỉ là được ăn một bữa thịt no nê và mong sớm có ngày trở về Hà Nội để tiếp tục học hành…

Nhắc tới đến các nhà thơ mặc áo lính, tôi nhớ một lần nhà thơ Vương Trọng kể với tôi là sau ngày anh công bố bài thơ Hai chị em, có đôi vợ chồng dắt theo cậu con trai đến tận nhà để cảm ơn anh. Anh chị đã định chia tay, nhưng vì đọc bài thơ của Vương Trọng, họ thấy không thể để đứa con bị rơi vào tình cảnh của “hai chị em”, nên quyết định không ly hôn nữa. Nhà thơ cảm động lắm, vì thấy thơ mình có ý nghĩa cho đời. Còn cảm động hơn là hơn 20 năm sau, đứa trẻ ngày ấy đã thành một anh phóng viên, hôm mới rồi vừa đến phỏng vấn Vương Trọng. Chuyện chỉ có thế thì chẳng sao, đằng này tôi lại tò mò hỏi bố mẹ anh phóng viên, dè đâu đó lại là người tôi biết, tôi ngứa mồm nói luôn: “Mấy năm sau họ lại chia tay nhau rồi bác ạ!”. Vương Trọng buồn, còn tôi thì ân hận vì đã làm suy giảm niềm vui của anh. Kể chuyện này để biết, chứ Vương Trọng là người tôi rất kính trọng. Anh là người có tài thơ, nhân cách đàng hoàng, lại hóm hỉnh, trí nhớ tuyệt vời. Say mê Truyện Kiều, Vương Trọng là một người hiếm hoi thuộc lòng cả Truyền Kiều, hỏi câu nào trả lời câu ấy, thậm chí anh có thể đọc Truyện Kiều ngược từ dưới lên trên! Nếu cần ví dụ về ý nghĩa xã hội của thơ, thì tôi xin nói rằng chỉ với hai bài Bên mộ cụ Nguyễn DuLời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc, Vương Trọng đã làm được hai việc hữu ích cho văn hoá nước nhà. Ngày nay, đến chân núi Trọ Voi viếng mộ các chị liệt sĩ thanh niên xung phong, mọi người đều đem theo gương, lược, cặp tóc, chùm bồ kết để thắp hương các chị. Liệu có mấy ai biết mỹ tục ấy đã ra đời từ những câu thơ: “Ngày bom vùi tóc tai bết đất - Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được - Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang - Cho mọc dậy vài cây bồ kết - Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...” của Vương Trọng. Năm nọ, bài thơ Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc đã được khắc trên bia đá dựng ở nghĩa trang liệt sĩ nơi Ngã ba Đồng Lộc, thử hỏi mấy thi sĩ nước Nam có được vinh dự như nhà thơ Vương Trọng, và người làm thơ còn mong điều gì hơn?

Còn bây giờ thì nhiều khi tôi rất ngại gặp một số nhà thơ. Vì gặp ở đâu là họ khoe thơ ở đấy, rồi chứng minh thơ mình hay thế này, thơ mình sáng tạo thế kia. Nếu không khoe thì họ quay sang chê thơ người khác, hoặc lèm bèm tay này không đáng nhận giải, tay kia “chạy” để được trao. Trong các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ làm thơ, theo tôi Trương Đăng Dung là người có tài thơ hơn cả, đọc chùm thơ của anh trên Tạp chí Thơ mới đây, tôi tin nhiều nhà thơ sẽ phải giật mình. Còn thì tôi gặp một số vị được (tự) giới thiệu là nhà thơ, song trên cạc-vi-dít lại thấy danh hiệu nhà thơ đứng dưới, học vị, chức danh, chức vụ đứng cả dãy phía trên, nhìn mà hãi. Riêng thơ của họ thì quả là… không dám bình luận! Lại có nhà thơ hễ đăng tiểu sử ở đâu là liệt kê cả dãy giải thưởng, cả giải hạng bét lẫn các cuộc thi thơ không nằm trong bộ nhớ của người đời. Có vị lại lập lờ theo tinh thần chủ nghĩa bình quân, nhận giải khuyến khích (vẫn được gọi là “giải an ủi”) cũng nống lên dưới hình thức khá trừu tượng là Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm…, Giải thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm… Mới đây Văn nghệ Trẻ tổ chức cuộc thi thơ tình. Trong khi ai chẳng biết báo Văn nghệ là báo Văn nghệ, báo Văn nghệ Trẻ là báo Văn nghệ Trẻ thì có người đoạt giải lại lố đến mức… cố đấm ăn xôi, xông lên internet cãi nhau với độc giả, gân cổ để chứng minh giải của mình là giải của báo Văn nghệ hẳn hoi! Các giải thưởng rồi sẽ qua đi, nhất là giải thưởng văn chương thời nay, mỗi lần trao là một lần ồn ĩ. Nhưng với một số tác giả thì đó lại là dấu son để đời, là biểu hiện của tài năng. Quan hệ xã hội hết chỗ khoe, có người tự khoe trên blog. Một lần, đọc blog của một nhà thơ có bài tường thuật hội thơ ở một trường đại học. Tác giả liệt kê tên tuổi các nhà thơ gọi là “nổi tiếng” tham dự hội thơ, trong danh sách đó, loanh quanh thế nào lại có cả tên của… chính người tường thuật. Tự thấy bản thân xứng đáng là nhà thơ nổi tiếng thì chắc là phải tự tin lắm lắm. “Hữu xạ tự nhiên hương”, lĩnh hội được ý nghĩa của câu thành ngữ ấy, đối với một số người có lẽ là điều khó lòng “tiêu hoá” nổi. Sự vơi mỏng niềm tin của bạn đọc đối với thơ, ngoài chất lượng của thơ, phải chăng còn do một số người làm thơ đã và đang tự làm suy giảm hình ảnh của mình trước công chúng, trước xã hội? Về phần mình, nhiều lần tôi được nghe câu hỏi của người quen, tỷ như: ông X có phải là nhà thơ không mà văng tục khiếp thế? Hoặc: thơ anh A chị B có hay hay không mà nói năng vênh váo nhỉ?... Gặp trường hợp như vậy, tôi đành chọn giải pháp ậm ờ, hoặc nói theo lối cần thông cảm rằng nhà thơ thì phải như thế mới có thơ hay. Chứ chẳng lẽ lại… nói xấu nhà thơ!

5. Tân hình thức, hậu hiện đại,… chiếc áo rộng cho một cơ thể còm

Cách đây không lâu, bàn tới hậu hiện đại trong thơ, tôi đề xuất ý tưởng rằng các nhà thơ hãy đi hết con đường hiện đại rồi hãy tính đến hậu hiện đại. Đó là suy nghĩ nghiêm túc khi nhìn nhận hiện đại như một khái niệm có nội hàm là chỉnh thể thống nhất của nhiều yếu tố. Tôi tin đối với thơ, không có chuyện “đi tắt đón đầu” một khi nhà thơ chưa chuẩn bị những hành trang tinh thần thiết yếu. Một trào lưu nghệ thuật thật sự mang ý nghĩa xã hội - con người bao giờ cũng mang chứa nguồn gốc tinh thần sâu xa, không phải là trò chơi hình thức, thuần túy cá nhân. Tại hội thảo Lý luận văn học Việt Nam thế kỷ XX tổ chức ngày 7.6.2008 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, TS Hoàng Ngọc Hiến trình bày tóm tắt bản tham luận nhan đề Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Nghe Tiến sĩ trình bày, tôi nghĩ nên tham khảo ý kiến của ông, rằng: chúng ta nhắc nhiều tới hậu hiện đại nhưng lại bỏ qua hiện đại, cần nhìn nhận hiện đại không chỉ như một trào lưu nghệ thuật, cần nhìn nhận nó trên bình diện rộng hơn là lối sống, là tư duy, là trình độ phát triển… Vâng, tôi vẫn nghĩ, hiện đại không phải là khái niệm chỉ dành riêng cho nghệ thuật. Đó là một khái niệm có nội hàm rất rộng, bao quát trạng thái cùng sự phát triển văn hoá - văn minh, bao quát mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội - con người. Vì thế, thơ hiện đại không phải là cái gì khu biệt, nó liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như năng lực tư duy, trình độ nhận thức, và điều quan thiết trước hết là trình độ phát triển của nhà thơ. Một ngày còn có người còn lầm lẫn giữa phương tiện sống hiện đại với tư duy hiện đại, một ngày lối ham hố bằng mọi cách kiếm được chỗ ngồi trên chiếu thơ và lối tư duy tiểu nông hẹp hòi còn chi phối cảm thức của người làm thơ qua hành vi thơ manh mún, cảm tính, học đòi, a dua… thì ngày ấy tác phẩm của họ chưa thể hiện đại một cách triệt để.

Hơn 70 năm trước, bằng sự ra đời của Thơ mới, thơ Việt Nam đã có bước đi đầu tiên của thời hiện đại. Nhưng thiển nghĩ, có thể coi đó mới chỉ là hiện đại được đặt trong quan hệ với tiến trình lịch sử, chưa phải là hiện đại như một trào lưu nghệ thuật? Nhầm lẫn các tính chất ấy, người ta dễ ngộ nhận làm thơ trong thời hiện đại thì sẽ (phải) là thơ hiện đại. Còn từ quan hệ nội dung - hình thức, có nên nói như ai đó rằng, đến hôm nay hình thức của thơ Việt Nam vẫn là vệt kéo dài của Thơ mới? Nhận xét thật sòng phẳng, những cách tân mà một số nhà nghiên cứu - phê bình đã phát hiện từ sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền… chỉ là hiện tượng đơn lẻ, có ý nghĩa tác giả, thiếu tính phổ quát; hầu như chưa thấy người làm thơ nào học hỏi, vận dụng để từ đó hình thành một đội ngũ, một thế hệ người làm thơ cùng chung xu hướng tư tưởng - thẩm mỹ, đủ sức tiến hành một cuộc cách mạng trong thơ, như các tác giả Thơ mới đã làm. Đọc Trần Dần - thơ, tôi khâm phục ông khi đọc một số bài vốn có mặt trong Cổng tỉnh, hơn là các bài ở nửa sau của tập. Một số người coi Trần Dần là nhà thơ có nhiều cách tân, tôi tôn trọng điều đó, song thành tựu của ông liệu có ý nghĩa lớn lao hay không nếu dừng lại ở một số trò chơi chữ nghĩa, ở một số bài nghiên cứu - phê bình? Tôi nghĩ người ta cứ tán dương vậy thôi, chứ người ta không muốn học tập (không có khả năng học tập?). Tán thưởng một văn bản lạ mắt không đồng nghĩa với việc thẩm định một bài thơ hay. Tương tự như mấy năm trước, có nhà thơ xuất bản một tập thơ - hoạ. Tôi xoay ngược xoay xuôi mấy bức tranh có kèm theo mấy câu thơ rồi đành bất lực, không biết làm thế nào để khám phá cái đẹp cái hay. Tranh thì chán mà thơ thì dở. Báo chí cũng rùm beng cả lên, nhưng cái sản phẩm nhất bản, nhất kỳ, nhất lạ, nhất non tay kia cũng trở nên vô tăm tích sau vài tuần sinh nở.

Cách tân vốn là một động thái sáng tạo bắt nguồn từ sự nhận thức một cách bản chất, sâu sắc về sự vật - hiện tượng từ đó làm mới những gì đã có. Cái được gọi là cách tân không bao hàm ý nghĩa loại biệt, và mọi người liên quan có thể học hỏi, kế thừa, phát triển. Tiếc rằng, vào lúc năng lực sáng tạo của đa số nhà thơ Việt Nam chưa đạt tới một tầm mức tư tưởng - thẩm mỹ mới thì các cách tân về hình thức thường vẫn được cổ xúy rình rang nhưng ảnh hưởng mờ nhạt, nếu không nói là “cách tân” sớm yểu mệnh. Không được trang bị hiểu biết cơ bản về quan hệ biện chứng giữa nội dung với hình thức, một nhà văn kiêm nhà thơ trẻ quả quyết: “Đã đến lúc, viết như thế nào quan trọng hơn viết về cái gì! Đang có một làn sóng cách tân cả nội dung lẫn hình thức, nhưng cách tân hình thức đi xa hơn và cách tân hình thức đã có độc giả của nó”. Và tôi nghĩ, nhà thơ Inrasara đã không sai khi trả lời phỏng vấn nói rằng: “Riêng lí thuyết thì có đến 95% nhà văn ta mờ mờ nhân ảnh”. Mới đọc vài cuốn sách đã vội khuyên mọi người phải đọc sách này sách kia thì khó mà thành tài. Cách tân ư, có ai phản đối đâu, song cách tân như thế nào mới là điều đáng bàn, xin dẫn lại ý kiến của một cây bút trẻ về vấn đề này: “có lúc mình cảm thấy hoang mang với cái gọi là cách tân. Đọc báo, thấy người ta khen nghi ngút tác giả này, tác phẩm kia mới mẻ, hay ho. Mình đọc đi đọc lại, nghĩ ngược nghĩ xuôi, chỉ thấy mới thì mới thật, còn lại là... chẳng hiểu tác giả viết gì. Rồi lại nghĩ: Hay là mình chưa đủ trình độ để cảm thấy cái hay ấy. Nhưng những người phê bình lại thường chẳng chỉ ra cái hay, mà chỉ khen thôi. Mình nghĩ, cách tân là điều văn học mọi thời đại đều đòi hỏi, vấn đề còn lại là cách tân như thế nào cho khỏi sa vào chuyện thuần tuý hình thức, chuyện cách tân lấy được”. Xin dẫn thêm ý kiến của Nguyễn Thanh Sơn trên Thể thao & Văn hoá ngày 27.6.2008, anh nhận định: “Nếu không có trụ cột là tình yêu với cuộc sống thì đi tìm những thể nghiệm cách tân, hiện đại… chỉ là những mỹ từ che đậy cái anh đánh mất. Những thể nghiệm đó không đi đến đâu cả, chừng nào họ chưa tìm được tình yêu cuộc sống”.

Chưa vượt khỏi giới hạn của năng lực sáng tạo, nhưng không ít nhà thơ xứ ta lại như bị ám ảnh bởi danh tiếng của nhà thơ ở thời vàng son trước đây, nên vẫn cố gắng “tô son” cho nghề nghiệp của mình bằng cách vơ quáng vơ quàng mấy cái áo xem ra quá rộng với một cơ thể còm. Từ hậu hiện đại đến trình diễn thơ… theo tôi, chỉ là cố gắng vô vọng của một số người làm thơ. Chưa mang tâm thế hiện đại thì đừng vội nghĩ đến hậu hiện đại. Cũng đừng coi việc sử dụng một cách ngọng nghịu một vài thủ pháp của hậu hiện đại là nghiễm nhiên có sáng tác hậu hiện đại. Tỷ như cái món được định danh là “thơ giễu nhại” chẳng hạn. Khi người làm thơ phải dựa theo tác phẩm của người khác để giễu nhại thì dẫu anh ta có tài hoa đến đâu, tư tưởng của anh ta có lớn đến mức nào thì xét đến cùng, anh ta chỉ là người sáng tạo hạng hai. Bởi, nếu không có thơ của người khác thì anh ta bó tay ư? Mặt khác, xưa nay giễu nhại vốn vẫn được coi là một thủ pháp nghệ thuật, không chờ đến khi hậu hiện đại xuất hiện thì thủ pháp này mới ra đời. Còn khi giễu nhại lại kết hợp với việc ném bừa bãi ngôn từ tục tĩu vào thơ thì xin lỗi, thơ ấy chỉ có thể đọc lên trong lúc thù tạc của mấy vị cùng hội cùng thuyền. Người biết đỏ mặt vì xấu hổ sẽ không đọc hoặc không muốn nghe xướng lên cái món thơ mất vệ sinh ấy. Thêm nữa, nếu lấy giễu nhại để ám chỉ, chửi bới các vấn đề xã hội - con người mà người làm thơ không vừa ý, muốn phản kháng thì đó chỉ là thơ hạng bét. Chửi, đó là điều chưa và không bao giờ có thể trở thành nguồn cội sinh ra tuyệt tác, dù thế nào thì “tính văn hoá” vẫn là một trong các tiêu chí cơ bản đo lường phẩm chất con người, đo lường phẩm chất các sản phẩm do con người làm ra. Còn hậu hiện đại ư, hãy trang bị một hành trang tinh thần, một tư duy, một cảm thức của con người ở thời hiện đại rồi hãy đi tiếp con đường muốn đi. Đừng bắt trí tuệ phải gồng mình mang tải những ý nghĩa mà nó không có khả năng mang tải.

Tôi luôn nhìn nhận ngôn ngữ là một giá trị tiêu biểu của văn hoá. Và cũng luôn nghĩ, phải phát triển đến một trình độ nào đó con người mới có khả năng làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng rồi sử dụng như là một biểu thị của phẩm chất văn hoá, thể hiện trong ứng xử với xã hội - con người. Từ đó, ngôn ngữ ngày thường sẽ thăng hoa, trở thành ngôn ngữ văn chương. Chúng ta coi văn chương là một trong các thành tố làm nên văn hoá là vì vậy. Qua văn chương, có thể nhận diện một nền văn hoá, nhận diện phẩm chất văn hoá của một cá nhân cũng là vì vậy. Phải chăng do thế mà tôi dị ứng với từ ngữ bẩn thỉu trong thơ? Gần đây tôi đọc trên internet mấy bài thơ của NĐC và tôi nghĩ công bố thơ là quyền của NĐC, song giá như trước khi bày thơ ra trước thiên hạ, NĐC nghĩ tới việc “trần qua nước sôi văn hoá” thì có hơn không? Với một vài người trẻ làm thơ bây giờ, họ thản nhiên văng tục trong thơ, coi đó như chuyện bình thường. Họ làm tôi nghĩ phải chăng họ tìm thấy khoái cảm khi cố tình làm nhem nhuốc “nàng thơ”? Như đã nói, tôi luôn dị ứng với loại ngôn ngữ bẩn thỉu trong thơ cũng như trong mọi hành xử có liên quan tới xã hội - con người. Cho dù tôi vẫn biết đôi khi việc văng tục cũng giúp người ta “xả” sự bực bội, tức tối, ấm ức mà các hành vi khác không giúp thoả mãn được). Phải chăng do gu thẩm thơ của tôi đã cũ kỹ nên không ngửi thấy mùi vị bốc ra từ các bài “thơ dơ”? Nếu ai đó quan tâm tới vấn đề, hãy phản biện điều mà sinh thời, học giả Đoàn Văn Chúc đã định nghĩa với đám học trò chúng tôi rằng: “Nói tục là ngôn ngữ nguyên thủy của loài người khi chưa được văn hoá hoá”.

6. “Vẽ rắn thêm chân”…!

Thời buổi đã khác trước, nó không dung nạp tình trạng thế giới tinh thần của nhà thơ chỉ là kết quả của suy tư tư biện. Suy tư tư biện luôn chứa đựng khả năng biến người làm thơ trở thành chủ nhân của thế giới thơ đơn chiếc, xa lạ, lạc lõng. Thật đáng tiếc, trong khi lẽ ra cần giúp người viết trẻ chuẩn bị thật nhiều “bột” để “gột nên hồ” thì trong sinh hoạt văn học lại có một số nhà lý luận - phê bình hành nghề theo lối “vẽ rắn thêm chân” để phát hiện bài thơ này bài thơ kia lóe ra các giá trị phi thường. Vài người trong số đó vốn là nhà lý luận nhưng lúc họ sờ vào thơ thì tôi ái ngại. Như tiến sĩ X khẳng định Cát đợi của NVC là bài thơ “sau 1945, có lẽ là bài thơ duy nhất ngang hàng với ba bài thơ tiền chiến (Đây thôn Vĩ Dạ, Tống biệt hành, Nguyệt cầm - N.H)… tuyệt vời, hiếm thấy trong thơ Việt… tứ thơ này chưa từng có trong thơ ca thế giới”. Tiến sĩ Y thì bảo hai câu thơ Chỉ có thuyền mới hiểu - Biển mênh mông nhường nào (Xuân Quỳnh) là phi lý vì con chim, con cá cũng hiểu biển rộng, đâu chỉ có con thuyền! Tôn trọng hai ông nên tôi không nêu quý danh, song qua đây muốn nhắn đến họ rằng, không phải nhà lý luận nào cũng có khả năng lĩnh hội bài thơ ra món ra miếng, nên hãy thận trọng. Đến các tuyên ngôn, thì càng đọc tôi càng thấy như là chỉ dành cho người có thần kinh thép. Nhà thơ lớn tuổi nói: “Bản chất của thơ ca là đi từ vô thức, rượu đánh thức mọi tiềm năng bị kìm nén của con người, thơ ca là sự bùng nổ từ vô thức, anh càng hướng tới tâm linh”. Nhà thơ nửa già nửa trẻ bào: “Những tay súng thơ với những khoảng ngắm lạ bắn vào đường biên hình thức, những giá trị hạn hẹp mà thơ mới vô hình đặt ra, nghiễm nhiên ngự trị gần thế kỷ”. Nhà thơ trẻ khẳng định: “Nếu những người trẻ tuổi làm thơ hôm nay có thất bại, vẫn còn đáng trân trọng rất nhiều, so với cái việc tiếp nối một dòng thơ của thế hệ đàn anh, cho dù là thành công”. Nhà thơ trẻ khác quả quyết: “thông tin văn học qua mạng internet, sách báo ngoại ngữ, kỹ thuật tin học như những cơn bão lớn thổi vào nền thi ca tiểu nông. Nơi ẩn nấp cuối cùng của những thi sĩ không đổi thay chính mình để lên đường, vẫn can tâm mơ tưởng một “chỗ ngồi” yên ổn trên chiếu văn (dù nó đã cũ mèm, mục ruỗng), đặt mông rung đùi vênh váo kênh kiệu kiểu ông hương ông xã. “Ta về ta tắm ao ta” là một thiện chí nhưng chậm trễ thông tin, giả mù, “ngủ quên” trước các trào lưu mới của văn học, thi ca thế giới (tiêu biểu như Văn học trên mạng, Hậu hiện đại, Văn học Hypertext, Hypertiction…). Can tâm bơi lội trong cái “ao nhà” “dù trong dù đục” là phản trí thức, phản sáng tạo”… Một cây bút nhân danh thế hệ quả quyết: “Chúng tôi ít dùng cấp so sánh ngang, ví von, vần vè hoa hòe hoa sói. Chẳng hạn, bông hoa đẹp thì trực tiếp tả cái đẹp của bông hoa, không cần ví nó giống cái gì khác, như cái nọ như cái kia… Chúng tôi ít dùng số hoá: chẳng hạn, hàng cây là hàng cây, những hàng cây thì lại quá nhiều, quá dài rộng không quan sát được… Chúng tôi ít dùng biện pháp nhân cách hoá bởi vì, chúng tôi muốn đặt sự vật và con người bình đẳng, không cần phải biến cái cây, con bọ thành người… Chúng tôi ít dùng các thể thơ có sẵn như: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, xonnê… không phải các thể thơ đó không hay, không có giá trị, nhưng đôi khi nó làm cho người viết bị cảm giác tù túng, mất tự do theo đuổi những ý nghĩ, cảm xúc và trí tưởng tưởng, thi ảnh của mình bằng những nhạc điệu buồn tẻ”. Nghe những gì họ tuyên ngôn thì cũng thấy “ghê răng”, nhưng đọc những Chất trụ, Nằm nghiêng thì lại thấy… chán!

Thùng rỗng kêu to, đó là ấn tượng của tôi khi tiếp xúc với phát biểu của một số người làm thơ trẻ. Ai làm thơ lại không mong đứa con tinh thần của mình được mến mộ, song khi đứa con chưa hoàn chỉnh thì dù ông bà thân sinh và bạn hữu có quảng bá rầm rộ đến đâu thì vẫn chẳng thể giúp nó trở thành… thiên thần! Đối với nhà thơ, điều quan trọng nhất là làm thơ chứ không phải tuyên ngôn. Lịch sử thơ ca có nhiều ví dụ giúp cảnh tỉnh bất cứ thi sĩ hay người nào muốn thành thi sĩ rằng, các tuyên bố đại ngôn, các trò chơi ngôn ngữ, các thách thức bất cần dư luận… chỉ có thể sinh ra “quái tứ, kì ngôn dị ngữ” thường được nhắc đến như những giai thoại bi hài. Và là nhà thơ trứ danh, thì người ta vẫn không thể đứng ngoài vai trò là con người, là công dân, là chồng vợ, là cha mẹ,… Người đọc còn đánh giá họ qua việc thực hiện các vai trò, và thử hỏi ai đó có dám mang thứ “thơ dơ” mà họ viết cho con cái họ đọc hay không? Nếu không dám, tức là họ cũng đánh lừa người đọc.

Một thế hệ tác giả có khả năng làm nên bước tiến cho thơ, thiết nghĩ phải là kết quả của một quá trình tự ý thức, tự đào tạo rất công phu của các nhà thơ - với ý nghĩa là nhà thơ chân chính, thật sự tài năng và thiện chí với thơ, chứ không phải là người lấy thơ làm bàn đạp cho sự nổi tiếng, như xưa kia Viên Mai viết: “Người đời nay muốn mượn điều làm thơ để tỏ học rộng và đua đòi thanh danh là nhầm vậy” (Té ra thời Viên Mai, các nhà thơ như thế đã xuất hiện rồi!). Tuy còn trẻ, nhưng đa số nhà thơ làm nên Thơ mới đã được trang bị nền tảng văn hoá rất cơ bản, giúp họ tích tụ nội lực tư tưởng, cảm xúc để sáng tạo. Với Nguyễn Đình Thi, cứ cho rằng vào năm 1942 ông xuất bản các tác phẩm chỉ là ghi chép triết học vậy thử hỏi trong các nhà thơ đương đại cỡ tuổi ông ngày đó, có ai đã ghi chép được Triết học nhập môn, Siêu hình học, Triết học Căng, Triết học Nitsơ, Triết học Anhxtanh tương tự như Nguyễn Đình Thi? Tất nhiên để làm thơ, chưa hẳn trực tiếp cần tới kiến thức triết học, mỹ học,… nhưng ở thời hiện đại, thiếu sự hỗ trợ của các kiến thức này, người làm thơ sẽ khó vượt qua giới hạn hạn hẹp của tầm nhìn cá nhân. Nếu xưa kia, các thi nhân Không Lộ, Mãn Giác, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… đều là bậc thầy về Phật học, Nho học, thì gần hơn, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… cũng không là người làm thơ “tự nhiên như nhiên”. Bàn điều này, vì tôi muốn nhấn mạnh rằng dăm ba chữ nghĩa ở trường đại học, vài ba cuốn sách Tây - Tầu đọc không có hệ thống… chưa phải là tất cả, đó chỉ là vài “hạt cát” trong “bể học” của loài người. Thế nhưng, hình như để lảng tránh sự nghèo nàn tri thức, lý giải sáng tác qua các bài phỏng vấn hay qua tuyên ngôn, tôi thấy người ta đi tìm lối thoát ở bản năng, hoặc mang kiến thức ra múa và họ càng múa càng cho thấy trí tuệ cũng mỏng mảnh. Tình trạng trên không những thể hiện qua một số cây bút thơ trẻ, đôi khi một số nhà thơ cao niên cũng làm thơ như vung bút vẫy vùng trong ảo ảnh. Họ tự tin, họ hoang tưởng không kém mấy người con cháu. Có vị tự sắm con mắt xanh, đặng phát hiện cái mới trong thơ của một vài người trẻ tuổi. Họ ca ngợi, cổ súy cho cách tân trong khi họ vẫn làm thơ theo kiểu lối véo von cũ mèm. Rồi để chứng tỏ cũng là người đọc rộng, thỉnh thoảng lại thấy họ hé lộ từng đọc Uytman, Aragông với Tago. Quanh đi quẩn lại từng ấy thi hào, xem ra thơ thế giới đối với họ cũng không được phong phú cho lắm!

Hôm mới rồi, đọc bài phỏng vấn GS TS Nguyễn Ngọc Thạch - chuyên gia về tim mạch, có tiêu đề Không có ý tưởng mới, thì mãi theo sau người khác và tôi nghĩ ngợi. Bởi điều ông nói là hiển nhiên, không dành riêng cho y khoa, mà là mẫu số chung cho mọi hoạt động sáng tạo của con người và lạ thay, không phải bất cứ người nào ở nước Nam này cũng ý thức đầy đủ. Ý tưởng mới không phải là xa xỉ phẩm mà “thượng đế” ban phát vô tư. Nếu tài năng là yếu tố quan trọng trong hoạt động sáng tạo thì nỗ lực của bản thân mỗi người cũng giữ vai trò quan trọng không kém. Trong nghiên cứu khoa học, “đứng trên vai người khác” là việc bình thường, điều quan thiết là kế thừa để phát triển, chứ không phải kế thừa theo lối… ăn theo. Mấy năm trước, tôi thất vọng khi đọc cuốn Nguyễn Bính thi sĩ đồng quê của một vị Giáo sư. Không có ý tưởng mới mẻ, cuốn sách là một điển hình của thể văn chứng minh một định đề có sẵn vẫn được truyền dạy trong trường phổ thông. Hơn nửa thế kỷ trước, hai chữ chân quê được Hoài Thanh sử dụng để định tính sáng tác của Nguyễn Bính. Hơn nửa thế kỷ sau, vị Giáo sư tiếp tục công việc và phát triển chân quê thành đồng quê, ngoài ra thì… nói lại theo cách của mình! Nếu đó được coi là nghiên cứu, sáng tạo thì đã đến lúc các tác giả soạn từ điển tiếng Việt nên xem lại nội dung hai động từ này. Không chỉ công trình nghiên cứu của vị Giáo sư khả kính trên đây, tôi còn đọc nhiều công trình mà gọi là “vô thưởng vô phạt” thì dễ bị coi là quá lời. Năm 2007, tôi nghe một ông thầy là Phó giáo sư Tiến sĩ giảng bài. Thấy thầy thao thao bất tuyệt về đóng góp của môn khoa học do thầy phụ trách, tôi rất ngạc nhiên, vì biết chuyên ngành đó ở Việt Nam còn khá mới mẻ, thành tựu hầu như chưa có gì. Thầy bảo: chúng tôi không đi theo con đường của khoa học này ở Anh, Pháp, Nga… chúng tôi đi con đường của chúng tôi và đã đạt nhiều thành tựu. Thầy đề nghị sau khi học xong, học viên photocopy 20 bài viết của thầy làm tài liệu tham khảo, sẽ rất bổ ích. Nghe vậy, tôi bỏ luôn chiếc điện thoại di động (vốn là công cụ nhắn tin tán gẫu với bạn bè mỗi khi chán nghe giảng bài) vào túi và chăm chú lắng nghe. Tới khi thầy trình bày một khái niệm chuyên ngành thì cực chẳng đành, tôi phải xin phát biểu. Chắc là bị tôi làm mất hứng nên thầy nhìn tôi rất ngạc nhiên, rồi hỏi có ý kiến gì. Tôi trả lời: “Thưa thầy, khái niệm thầy viết lên bảng có ba nội dung, trong đó có một nội dung tôi tạm chấp nhận, hai nội dung còn lại thì sai hoàn toàn!”. Thầy liền yêu cầu chứng minh, tôi chứng minh luôn. Cuối cùng thầy bảo với cả lớp: “Các anh chị ghi theo anh gì”. Tôi không biết thầy đã truyền bá khái niệm sai sót ấy với bao nhiêu khoá học viên và sau khi tôi chứng minh nó sai thì thầy còn tiếp tục truyền bá nữa hay không? Đọc và học các ông thầy như thế quả là một trở ngại mà tôi phải cố gắng lắm mới vượt qua được.

7. Nhà thơ ơi, đừng “diễn” nữa!

Trở lại với thơ, theo những gì một số nhà thơ lớn kể lại và tôi đã đọc, thì ý tưởng giữ vai trò là điểm xuất phát cho bài thơ và có khả năng đọng lại trong người đọc thường nảy sinh một cách tự nhiên, thậm chí bất chợt. Điều tưởng chừng ngẫu nhiên ấy là sự tích tụ, thăng hoa của rất nhiều yếu tố mà ngay bản thân người làm thơ cũng khó lường hết. Diễn biến phức tạp trong sự ra đời của những bài thơ như vậy là hoàn toàn đối lập với sự sáng tác của một số người làm thơ hôm nay, thiếu ý tưởng, họ chạy gằn theo người khác. Thiên hạ làm thơ tân hình thức thì cũng đua nhau làm thơ tân hình thức. Thiên hạ viết hậu hiện đại thì cũng đua nhau viết hậu hiện đại. Thiên hạ ném rác rưởi vào thơ thì cũng đua nhau ném theo. Thiên hạ trình diễn thơ thì cũng đua nhau trình diễn,… nghĩa là cái riêng của họ rất mờ nhạt. Cho nên, dù là người dành nhiều ưu ái đối với thơ trẻ, gần đây Inrasara vẫn phải viết bài để lưu ý một số cây bút thơ đang lặp lại của nhau. Và tôi lại buồn cười khi thấy anh nhà văn kiêm nhà thơ đã nhắc tới ở trên nói như đinh đóng cột nhưng không mảy may chứng minh việc: “Tinh thần hậu hiện đại, khi vào với cộng đồng người viết tiếng Việt, đã và đang được Việt hoá” như thế nào. Đọc tới chỗ anh tự quảng bá về sáng tác của mình, tôi nhận ra anh cũng chẳng hậu hiện đại gì: “Với tiểu thuyết, tôi quan tâm đến giọng điệu. Thường thì trong đầu tôi có một số thứ, như nhân vật, câu chuyện, một không khí nào đó, thậm chí là vấn đề nọ kia… nhưng tôi chỉ có thể viết khi giọng điệu đó cất lên chắc chắn”. Tôi nghĩ anh nói cho oai thế thôi chứ mấy chữ hậu hiện đại trong quan niệm của anh xem ra cũng lỏng lẻo, đơn cử: “tôi đặc biệt muốn nhắc tới Bút Tre. Hình như sinh thời ông không tự nhận mình sáng tác theo phong cách gì, và nếu giờ vẫn sống tôi tin ông cũng chẳng nhận mình là “hậu hiện đại”, nhưng tinh thần giải thiêng và thủ pháp giễu nhại của ông thật tuyệt vời. Đó chính là một nhà thơ hậu hiện đại rất tiêu biểu, hơn nữa lại đi tiên phong, ít ra là ở phía Bắc”. Nếu chỉ bằng vào tinh thần giải thiêng và sử dụng thủ pháp giễu nhại trong sáng tác để đánh giá một tác giả là hậu hiện đại hay không thì xem ra hậu hiện đại đã có mặt ở nước Nam ta từ lâu rồi đấy nhỉ. Như thế thì khác gì ngày trước, có người mau mắn phát hiện sân khấu tự sự biện chứng từng có mặt ở Việt Nam từ thời xa xưa, bằng chứng là câu “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ” trong sân khấu chèo! (Viết ra điều này, tôi đồ rằng anh nhà văn kiêm nhà thơ nọ sẽ dễ lại phản ứng bằng cách đưa tôi lên blog của anh. Không sao cả, là người đàng hoàng, tôi chấp nhận, và không bận lòng với kiểu phản ứng ấu trĩ như thế!).

Thêm nữa, cũng nên nhắc tới sự khác nhau giữa chín chắn với hiếu thắng, tự thị trong khi đón nhận sự đánh giá của dư luận đối với tác phẩm được gọi là cách tân. Tác giả chín chắn sẽ giữ thái độ im lặng, tiếp tục sáng tạo để chứng minh họ đã lựa chọn đúng. Người hiếu thắng, tự thị sẽ phản ứng theo những kiểu lối đại loại như: coi bạn đọc dốt nên không biết đọc thơ mình, bảo nhà phê bình kém cỏi nên không hiểu, hoặc lấy nước ngoài ra làm tiêu chuẩn để đo lường năng lực cảm thụ thơ ca của… nước ta. Cổ nhân bảo “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, song người ta lại cố đi tìm các lý do ngoài mình chứ không xem xét lại chính bản thân mình. Như thế thì làm sao mà “lớn” lên được. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, bàn tới tình huống hậu hiện đại có mặt trong thơ Việt Nam muộn và chậm, nhà thơ Inrasara viết: “Với người viết, mang cảm thức hậu hiện đại thôi không đủ, nhà văn hậu hiện đại là kẻ biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại vào sáng tác. Một, một vài hay tất cả mọi thủ pháp thích hợp”. Tôi lại nghĩ khác với Inrasara, nếu người làm thơ thật sự có cảm thức hậu hiện đại, cảm thức ấy sẽ chi phối việc anh ta tìm ra hình thức biểu đạt, sáng tạo thủ pháp nghệ thuật cho riêng mình, không nhất thiết phải biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại. Và nhà thơ có tài năng hay không cũng từ đó mà ra.

Lâu nay, chúng ta đã nói quá nhiều về vai trò của tri thức, song trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại hành xử theo thói quen coi thường tri thức. Nghĩ mà buồn cười, một thời ở Hà Nội, đến nhà một số vị, tôi thấy có giá sách rất to bày ở phòng khách, như là muốn đưa ra thông điệp rằng chủ nhân là người hay chữ. Nhìn những cái gáy sách phẳng lỳ, chưa có nếp nhăn, tôi biết tỏng là chủ nhân chưa đọc. Để kiểm tra, có lần tôi giả vờ hỏi về một cuốn sách trên giá, và chủ nhân nói về nó rất say sưa, nhưng đó lại là nội dung cuốn sách khác chứ không phải cuốn tôi muốn hỏi. Có lần tôi vừa mua được một cuốn sách, một ông nì nèo mượn bằng được để đọc trước, hai ngày sẽ trả ngay. Nể quá tôi đưa ông. Sau hai ngày, chưa thấy tin tức gì, tôi gọi điện hỏi. Ông bảo cuốn ấy phải đọc kỹ, và đề nghị mượn thêm vài ngày. Đến khi ông trả thì tôi phát hiện ông chưa đọc vì cuốn sách còn mới tinh và có vài trang vẫn dính liền, chưa rọc! Còn bây giờ, với một số người, tri thức lại là tập hợp một mớ hổ lốn các bài báo đọc trên internet. Người ta khoe tri thức bằng cách thi thoảng trịnh trọng thông báo nghe nói trên mạng thế này, nghe nói trên mạng thế kia. Internet đang trở thành “mốt” trí tuệ của một số vị khoa bảng nước nhà. Tôi đã từng gặp mấy vị, mùa đông cho chí mùa hè, lúc nào cũng thấy đeo USB lủng liểng cạnh ca-ra-vat. Tôi nghĩ là người ta diễn, vì ngồi họp cạnh mấy vị đeo USB, nhưng cả ngày chẳng thấy dùng máy tính, vậy đeo USB để làm gì nhỉ? Bên cạnh việc tỏ ra là người tiên tiến, theo kịp công nghệ thông tin, lâu nay lại thấy một số vị có xu hướng trở về với minh triết phương Đông, bằng cách trang bị khả năng vẽ vài ba chữ Hán, thuộc dăm ba lời Khổng Tử, Mạnh Tử… để đôi lúc diễn tiểu phẩm thâm thúy, trầm ngâm. Chỉ ngồi bàn trà với nhau, nhưng tôi vinh dự được một vị là tiến sĩ - nhà phê bình văn học kiêm nhà thơ “dạy” cho không dưới 10 lần cái mệnh đề “phương Tây là phân tích, phương Đông là tổng hợp”. Còn một ông là Phó giáo sư Tiến sĩ thì bảo: “chữ lý trong tiếng Hán có nghĩa là sửa chữa, tu bổ. Các anh chị đi trên đường, thấy tấm biển đề lý trình thì đoạn đường ấy đang sửa chữa”. Nghe thầy nói, tôi hỏi luôn: “Thưa thầy, theo thầy thì thiên lý có nghĩa là sửa trời phải không ạ?” và ông thầy… mần thinh! Lười đọc nhưng thích diễn, đó là một trong nhiều nguyên nhân đẩy tới sự trì trệ tri thức, trong đó có sự trì trệ của tri thức văn học.

Tình trạng mạnh ai nấy nói và đã nói là tự coi mình thủ đắc chân lý đã làm cho văn đàn đôi khi trở thành “sân chơi” của não trạng hoang tưởng, nông hẹp tri thức, trở thành “sàn diễn” của thói tự đắc. Đưa ra ý kiến về một (nhiều) vấn đề văn học là quyền của mọi người, nhưng điều đó liệu có đồng nghĩa với việc muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, kể cả nói và viết những điều hợm hĩnh, lố lăng? Tôi ngại nhất là chuyện quảng bá tác phẩm, hình như người ta không lăn tăn trước khi đưa ra các thông tin đại loại như tác phẩm đang được săn lùng, tác phẩm được hồ hởi đón nhận… bất chấp sự thật là cuốn sách chẳng mấy người đọc, cũng chẳng mấy người mua. Tôi coi đó là đánh lừa, là thiếu tôn trọng công chúng. Buổi sáng ngày báo X có bài kể về sự tấp nập, rộn ràng của bạn đọc kéo nhau tới phố Đinh Lễ để mua cuốn Trần Dần - Thơ, tôi liền mò đến xem sao. Hơn hai tiếng đồng hồ, mắt không rời các giá sách có bày Trần Dần - Thơ ở vỉa hè, tuyệt nhiên không thấy ai cầm sách lên xem chứ chưa nói là mua. Cuối cùng, tôi là người duy nhất sáng hôm ấy đã mua 2 cuốn, một cho mình, một cho bạn. Tới hôm nay, tôi vẫn băn khoăn: Hay là hôm đó đúng phải ngày bạn đọc đã cạn sạch tiền, hay là người ta quảng bá ba xạo, hay là ở Hà Nội còn một phố Đinh Lễ nào khác mà tôi chưa biết? Kể với một anh bạn, hoá ra cũng thế. Anh đến ngõ Tràng Tiền, gặp chị “đầu nậu” là người quen, chị bảo mua ngay kẻo sắp cấm rồi, bạn tôi dùng dằng. Ra phố Đinh Lễ thì thấy sách bán la liệt, mua quá dễ. Người ta cố biến tập thơ thành một vụ sự chính trị - xã hội, rút cục cố gắng ấy đã biến thành trò cười với sự “khép lại” bẽ bàng của một bức Thư ngỏ. “Khép lại” rồi song người ta còn cố vớt vát theo tinh thần AQ: “bảo vệ được tập sách Trần Dần - Thơ, ít nhất khỏi bị thu hồi hay tiêu hủy”! Tôi lấy làm tiếc là trong những người ký tên vào bức thư, lại thấy có tác giả mà tôi vẫn ngỡ là chín chắn hơn nhiều.

Định viết chơi chơi vài dòng, đâu ngờ tôi lại hăng hái đến mức đã biến một bài báo nhỏ thành một tiểu luận (mà gọi là tiểu luận có khi lại không đúng, vì xem chừng bài viết gần với một ghi chép tản mạn!). Nhìn đời sống tinh thần như một hệ thống, thơ sẽ không phải là một lĩnh vực loại biệt. Tương tự như cuộc khủng hoảng của văn xuôi Việt Nam đương đại, muốn đi tìm nguyên nhân khủng hoảng của thơ, cần coi nó là một bộ phận trong tổng thể các yếu tố mà đôi khi một số nhà nghiên cứu - phê bình hình như chưa quan tâm (hay không muốn quan tâm?). Với nhà thơ cũng vậy, đừng tự coi mình thuộc về “lớp người đặc tuyển”, đừng tự nghĩ bản thân đứng cao hơn, hay đứng ngoài các quan hệ xã hội. Là chủ thể sáng tạo, họ có phần trách nhiệm khi thơ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nếu nhiệt tâm muốn giúp thơ vượt qua tình trạng trì trệ, xin đừng “diễn”, a dua hay đánh lừa người đọc. Hãy khảo chứng chính mình để cùng tìm ra phương cách đổi mới thơ ca. Không có điều gì khác, “sức khỏe của thơ” phụ thuộc vào “sức khỏe tinh thần” của nhà thơ, chứ không phụ thuộc vào bạn đọc, không phụ thuộc vào giới nghiên cứu - phê bình. Vì thế, hãy trang bị một nội lực tinh thần thật sung mãn, dồi dào và hãy sáng suốt để đi trên lộ trình của thơ, cho dù lộ trình ấy có thể còn nhiều gian nan, trắc trở!

NH – viết xong 7.2008, bổ sung và hoàn chỉnh 9.2008.