Vệ tinh Nhật chứng minh Apollo 15 đã đổ bộ lên Mặt Trăng

Luận điệu “Mỹ bịa ra chuyện tàu Apollo đổ bộ Mặt Trăng”

Ngày 16-7-1969, Cơ quan Không gian Mỹ NASA dùng tên lửa Saturn 5 phóng tàu vũ trụ Apollo 11 đưa ba nhà du hành vũ trụ (DHVT) lên bay vòng xung quanh Mặt Trăng, và ngày 20-7 hai nhà DHVT Armstrong và Aldrin đổ bộ xuống Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất an toàn sau một hành trình dài hơn 195 giờ. Toàn bộ quá trình đổ bộ được truyền hình trực tiếp và phát ra trên toàn thế giới. Tên lửa Saturn 5 là tên lửa mạnh nhất thế giới hồi đó : chứa 1 triệu gallon (1 gallon = 3,7853 lít) nhiên liệu, khi động cơ khởi động tương đương nổ 220 tấn TNT, tạo ra lực đẩy 220 triệu sức ngựa.

Ảnh 3: Trái Đất chụp từ Mặt Trăng

Ảnh 3: Trái Đất chụp từ Mặt Trăng

Sau đó trong thời gian từ 11-1969 tới 12-1972, Mỹ tiếp tục phóng thành công 5 tàu (Apollo 12,14 17, mỗi tàu 3 người) đưa 10 nhà DHVT đổ bộ lên Mặt Trăng. Tổng cộng 6 chuyến Apollo mang về được 845,2 pound (1 pound = 0,4536 kg) mẫu đất đá của thiên thể này. Sau đấy Chính phủ Mỹ có gửi các mẫu đất đá đó cho Liên Xô để trao đổi vì 3 tàu vũ trụ không người lái của Liên Xô cũng từng đổ bộ lên Mặt Trăng và lấy về được khoảng 300 gam đất Mặt Trăng. Mỹ cũng gửi đất Mặt Trăng làm quà tặng một số nước khác, thí dụ Tổng thống Nixon khi thăm Trung Quốc đã tặng Chủ tịch Hoa Quốc Phong đúng một gam, sau đó nhà khoa học địa chất Trung Quốc Âu Dương Tự Viễn đã phân tích mẫu đất này. Tuy vậy, do hồi đó giữa hai phe XHCN và phe tư bản đang diễn ra cuộc chiến tranh lạnh rất gay gắt; báo đài phe XHCN đều không đưa tin về sự việc Mỹ đưa được người lên Mặt Trăng và trở về an toàn; do đó quá nửa dân chúng thế giới không biết gì về chuyện này.

Trong điều kiện đó một số người đã tung ra luận điệu cho rằng các chuyến đổ bộ Mặt Trăng của người Mỹ chỉ là một màn kịch do NASA đạo diễn để lừa bịp thiên hạ nhằm chứng tỏ Mỹ đã vượt Liên Xô trong việc chinh phục vũ trụ trong khi thực ra Liên Xô đang đi tiên phong. Luận điệu đó phù hợp với trình độ dân trí thấp của không ít người dân và hợp với nhu cầu tư tưởng chống Mỹ của nhiều nước, do đó được tuyên truyền rộng rãi và được khá nhiều người tin theo.

Những kẻ cổ súy hăng hái nhất cho luận điệu xằng bậy phản khoa học nói trên gồm Bill Kaysing, tác giả sách “Chúng ta chưa bao giờ lên Mặt Trăng” (We never went to the moon); Ralph Rene, tác giả cuốn “NASA mooned America “, David Dercy và Mary Bennett đồng tác giả cuốn “Dark Moon: Apollo and the whistle blowers” ... Tháng 7 năm 2000, một tạp chí đăng bài báo “Vụ bịa đặt lớn nhất thế kỷ này” do một nhà khoa học Nga viết, cho rằng các nhà DHVT Mỹ chưa bao giờ đổ bộ lên Mặt Trăng…

Các thông tin nói trên rất giật gân, có tính kích động mạnh. Nhất là cuốn sách của Kaysing – người tự nhận từng làm việc cho một công ty nghiên cứu vũ trụ Mỹ – rất có sức thu hút những người kém hiểu biết về KHKT. Có thể vì mục đích câu khách là chính, không ít báo đài khắp thế giới đã ra sức tuyên truyền không công cho luận điệu này. Thí dụ mạng truyền hình FOX ngày 15-2-2001 chiếu bộ phim “Chúng ta đã hạ cánh trên Mặt Trăng chưa ?” đưa ra các “chứng cớ” chứng minh NASA bịa ra chuyện đưa người lên Mặt Trăng. Đây là lần đầu tiên trên thế giới một cuốn phim như vậy được chiếu trên truyền hình. Gần đây nhất, cuối năm 2007, đài truyền hình trung ương Trung Quốc cũng chiếu phim về “Thuyết bịa đặt lên Mặt Trăng (Moon Hoax) của Mỹ”, khiến khán giả có cảm giác dường như có thâm ý gây dư luận cho rằng NASA đã lừa gạt thế giới. Mạng chinadaily.com.cn ngày 26-10-2007 post bài “Loài người chưa hề lên Mặt Trăng ? Châu Âu muốn điều tra sự thật” đưa tin ông Bernard Foing nhà khoa học chính trong dự án SMART-1 nói Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có ý định dùng vệ tinh Mặt Trăng SMART-1 để chụp ảnh các địa điểm đổ bộ lên Mặt Trăng của các tàu Apollo; vì theo ông, nếu đã có đổ bộ thì không thể không để lại dấu vết. SMART-1 do ESA phóng hồi tháng 9-2003, đến quỹ đạo Mặt Trăng tháng 11-2004, sau gần hai năm làm việc cực kỳ có hiệu quả đã được điều khiển cho đâm xuống Mặt Trăng (9-2006).

Cho tới nay vẫn chưa thấy ESA công bố các tư liệu điều tra về vấn đề này; phải chăng vì SMART-1 không chụp được ảnh đủ rõ (vì nó bay ở quỹ đạo cách Mặt Trăng 470 2900 km) ?

Nghe nói cho tới nay ngay ở Mỹ vẫn có ngót 25 triệu người tin rằng NASA đã dàn dựng cảnh đổ bộ lên Mặt Trăng ngay tại sa mạc trên đất Mỹ hoặc trong Disneyland.

Trước dư luận nói trên, NASA chưa hề ra tuyên bố chính thức nào; một số nhà khoa học nói chẳng cần bác bỏ thuyết Moon Hoax làm gì, vì tự nó chính là sự bịa đặt. Rất nhiều người đã đưa ra các lý lẽ bác bỏ thuyết Moon Hoax. Nhà khoa học Trung Quốc Phương Châu Tử giải thích : nếu chính phủ Mỹ làm giả vụ Apollo thì khi sự thật bị phanh phui sẽ làm mất lòng tin của toàn dân Mỹ và thế giới, cái giá phải trả về chính trị là vô cùng lớn; hơn nữa chương trình Apollo có hàng chục nghìn cán bộ KHKT tham gia, muốn bịt miệng họ trong một đất nước tự do ngôn luận đâu phải chuyện dễ, ngần ấy nhà khoa học sao có thể đem nhân cách của mình ra làm trò đùa. Ngoài ra, truyền thông Mỹ rất trọng danh dự, dư luận Mỹ có thể tạo ra sức ép cực mạnh, không bao giờ cho phép diễn một trò đại bịp như vậy.

"Nữ thần Mặt Trăng" đã chụp được ảnh địa điểm hạ cánh của Apollo 15

Theo báo cáo của Cơ quan Khai thác không gian Nhật JAXA, tháng 5 vừa rồi vệ tinh Nữ thần Mặt Trăng tức Hằng Nga (tiếng Nhật là Kaguya, tiếng Anh viết tắt là SELENE) của họ dựa theo toạ độ do NASA thông báo hồi xưa, đã chụp được một lô ảnh địa điểm Apollo 15 đổ bộ, trong đó có bức ảnh vết loang (“halo”) do động cơ ở khoang đổ bộ của tàu xả khí khi cất cánh tạo nên. Đây là báo cáo đầu tiên trên thế giới về việc tìm thấy vết loang này.

SELENE do JAXA phóng lên ngày 14-9-2007, nặng 1,6 T, trang bị 15 loại thiết bị khoa học tiên tiến nhất, trong đó có máy chụp ảnh địa hình (Terrain camera, TC). Hiện nay nó đang làm việc trên quỹ đạo cách 100 km vòng quanh Mặt Trăng và đã gửi về Trái Đất hàng trăm nghìn bức ảnh quý giá.

Apollo 15 là tàu vũ trụ thứ 4 hạ cánh xuống Mặt Trăng trong chương trình Apollo của NASA. Tàu chở 3 nhà DHVT, phóng lên ngày 26-7-1971, hạ cánh xuống Mặt Trăng ngày 30-7, trở về Trái Đất ngày 8-8, tổng hành trình dài hơn 295 giờ. Hai nhà DHVT Scott và Irwin ở lại trên Mặt Trăng 67 giờ, lâu nhất so với các chuyến bay trước đó; họ đi bộ một số quãng đường và lấy được 170 pound đất Mặt Trăng đem về.

Trước khi cho khoang đổ bộ của Apollo 15 đỗ xuống Mặt Trăng, các nhà DHVT Mỹ đã chụp ảnh địa điểm sẽ đỗ xuống (4a: ảnh nhỏ trên cùng, bên trái). Lúc trở về, sau khi cất cánh họ lại chụp lần nữa địa điểm đó, phát hiện thấy chỗ vừa đỗ xuất hiện một vết loang (4b: ảnh trên cùng, bên phải). Vết này được tạo ra bởi khí xả của động cơ lắp trên khoang đổ bộ khi nó cất cánh bay lên để lắp ghép với khoang chính của Apollo 15 do nhà DHVT Worden lái đang bay vòng quanh Mặt Trăng. (Chú ý: hai ảnh 4a và 4b do NASA cung cấp). Vì trên Mặt Trăng không có không khí nên mọi cảnh vật hầu như giữ nguyên như cũ không thay đổi. 27 năm sau, giờ đây SELENE lại chụp được vết loang đó, đúng với toạ độ NASA thông báo hồi xưa.

Ảnh 1

Ảnh 1 (trên) và 6 (dưới): địa điểm hạ cánh của khoang đổ bộ tàu Apollo 15. Nhờ công nghệ chụp ảnh tuyệt vời của Nhật Bản, vệ tinh SELENE đã chụp được các bức ảnh nói trên với độ nét cực cao.

Ảnh 6

Trên ảnh 6, mũi tên chỉ rõ vị trí hạ cánh ở chân mỏm đồi Montes Apenninus, Hadley Rille, từ ảnh này cũng thấy rõ hố vành khuyên (crater) Archimedes (ở chính giữa).

Ảnh 2

Hình 2: bản đồ vẽ địa điểm hạ cánh của khoang đổ bộ tàu Apollo 15 (có ngôi sao); mũi tên đỏ chỉ hướng quan sát.

Ảnh 5a

Ảnh 5a (bên trái) do camera TC của SELENE tự động chụp. Còn ảnh 5b (bên dưới) do các nhà DHVT tàu Apollo 15 chụp, trên ảnh này có thể nhìn thấy khoang đổ bộ của Apollo 15 và anten thông tin. So sánh hai ảnh, ta thấy chúng giống nhau như hệt, tuy ảnh bên trái không thể hiện rõ sự nhấp nhô lổn nhổn của mặt đất, vì SELENE chụp từ khoảng cách 100 km, xa rất nhiều so với ảnh do các nhà DHVT Mỹ chụp tại chỗ. Chú ý là bầu trời của Mặt Trăng bao giờ cũng đen kịt vì trên ấy không có khí quyển để phản xạ ánh sáng Mặt Trời. Ảnh do SELENE chụp và ảnh do các nhà DHVT Mỹ chụp đều thống nhất với nhau ở điểm đó.

Ảnh 5b

Các ảnh chụp nói trên của SELENE đã khẳng định Apollo 15 đổ bộ xuống Mặt Trăng là sự thật 100%. Hiển nhiên điều đó đã cung cấp chứng cớ hoàn toàn đập tan thuyết Moon Hoax, cho rằng chương trình tàu Apollo đưa người lên Mặt Trăng chỉ là màn kịch điện ảnh do NASA dàn dựng để đánh lừa thiên hạ. Giờ đây loài người có thể hoàn toàn tự tin nói “Đúng thế, chúng ta đã từng hạ cánh xuống Mặt Trăng !”, và các luận điệu của Bill Kaysing và đồng bọn không còn có thể bôi nhọ, xuyên tạc việc thực hiện sứ mạng đưa người lên Mặt Trăng của chương trình Apollo thập niên 60-70 thế kỷ XX, một thành tựu khoa học kỹ thuật to lớn của người Mỹ và cũng là của nhân loại.

Nguyên Hải

Tham khảo: