Về việc phòng, chống mại dâm

Năm 2012, đã thanh tra, kiểm tra hơn 26.300 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện và xử lý hơn 8.300 cơ sở vi phạm. Cả nước hiện có 30.000 người bán dâm. Hoạt động mại dâm đã lan rộng ra các khu vực nông thôn, miền núi với phương thức ngày càng đa dạng và tinh vi.

Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)

Ngày 29/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức “Hội nghị Sơ kết triển khai Chương trình hành động phòng, chống mại dâm năm 2012 và triển khai Đề án tiếp nhận hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán”

Năm 2012, các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức đoàn thể và địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống tệ nạn mại dâm và hoàn thành 95% chỉ tiêu đề ra.

Nội dung tuyên truyền giáo dục về phòng chống tệ nạn mại dâm được các cơ quan, đoàn thể lồng ghép vào các chương trình biểu diễn văn hoá, văn nghệ, các cuộc thi, sinh hoạt câu lạc bộ…

Ngành chức năng các địa phương cũng đã thanh tra, kiểm tra hơn 26.300 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện và xử lý hơn 8.300 cơ sở vi phạm.

Ngành Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 15.000 lượt tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mại dâm, thu hút sự tham gia của hàng triệu người.

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng tuyên truyền, giáo dục vẫn là nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu. Đồng thời phải đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, về việc làm, dạy nghề. Riêng đối với những người đang hoạt động mại dâm thì phải có những chương trình giảm hại, vận động, giúp họ nhận ra sai lầm để từ bỏ con đường mại dâm.

Tại hội nghị, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2012-2015”.

Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đồng thời, tạo điều kiện cho các nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hoà nhập với cộng đồng.

Thời gian qua, việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm vẫn chưa đến được với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm nguy cơ cao. Đó là nhận định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tại hội nghị.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 30.000 người bán dâm. Hoạt động mại dâm đã lan rộng ra các khu vực nông thôn, miền núi với phương thức ngày càng đa dạng và tinh vi. Trước thực trạng này, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống tệ nạn mại dâm, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm mại dâm.

Ông Võ Bình Tân, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hoà cho biết: “Chúng tôi cũng đang từng bước triển khai theo những mô hình và giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là quản lý được số gái bán dâm và các đối tượng có nguy cơ cao hoạt động mại dâm. Trên lĩnh vực chống, chúng tôi cũng kiên quyết cùng với các cơ quan chức năng triệt phá các tụ điểm mại dâm. Phải từng bước nâng cao nhận thức cho đối tượng bán dâm, để họ có thể bỏ nghề và hoàn lương hoà nhập cộng đồng.”

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm vẫn chưa quyết liệt, các hoạt động hỗ trợ giảm hại chưa được quan tâm đúng mức…

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Quốc hội vừa thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định, người bán dâm không buộc phải tập trung giáo dục, chữa bệnh tại các Trung tâm nữa. Vì vậy, các địa phương cần có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để phòng chống tệ nạn mại dâm.

“Không đưa người bán dâm vào trung tâm không có nghĩa là chúng ta buông xuôi, thả nổi mà chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, ngăn chặn bằng nhiều giải pháp hơn” - Thứ trưởng nói. “Trong đó, kiểm tra gắt gao hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Thứ 2 là xử lý những vi phạm này thật nghiêm túc, nhất là đối với các chủ chứa, người môi giới..”.

Kim Thu (VOV)

Mại dâm nam, mại dâm đồng tính đang gia tăng

ông Lê Văn Quý, Phó chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, cho biết tại thành phố ngoài việc xuất hiện một số đường dây gái gọi cao cấp có sự tham gia của diễn viên điện ảnh, người mẫu thì tình trạng mại dâm nam, mại dâm đồng tính đang phát triển và ngày càng tinh vi.

"Gần đây xuất hiện các cơ sở spa chăm sóc sắc đẹp, foot massage sử dụng kỹ thuật viên là đồng tính nam phục vụ cho khách đồng tính có dấu hiệu phát sinh tệ nạn. Đặc biệt có sự phát triển và biến tướng tinh vi của mại dâm đồng tính, mại dâm nam, người nước ngoài bán dâm, xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm dưới dạng du lịch", ông Quý nói.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về tình trạng mại dâm nam, mại dâm đồng tính, nhưng theo ông Quý số nam giới làm nghề này ngày một gia tăng, trong đó có cả sinh viên. Do kỳ thị của xã hội, đa số người đồng tính nam không đi xét nghiệm hay đến các cơ sở y tế để được tư vấn khiến tình trạng lây nhiễm HIV gia tăng và có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng.

"Cách đây 5 năm, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM bắt giữ và đưa vào cơ sở chữa bệnh 22 người nam bán dâm, bán dâm đồng tính, nhưng sau đó phải thả ra vì luật hiện hành chưa quy định xử phạt", ông Quý cho biết thêm.

Không chỉ TP HCM và Cần Thơ, gần đây ở Đà Nẵng cũng xuất hiện "chợ tình" người đồng tính. Không chỉ là tụ điểm hẹn hò của những người trong "giới thứ ba", đây còn là nơi tội phạm cướp giật hoành hành, gây án. Nhiều người đồng tính đến "chợ tình" đã bị cướp ví tiền, xe máy…

Dịch vụ mại dâm nở rộ ở các khu nghỉ mát như Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Quất Lâm (Nam Định), Cửa Lò (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh)… vào dịp hè, mà chủ yếu là gái bán dâm từ miền Tây đến hành nghề. Theo ông Phạm Đức Chính, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nam Định, tình trạng này rất khó xử lý do gái bán dâm giả làm khách du lịch, hay nhiều người lấy cớ đi du lịch để mua dâm.

Về vấn đề này, thiếu tá Vũ Thế Huân cho biết cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm, không để tình trạng chính quyền địa phương làm ngơ cho các điểm mại dâm ở khu du lịch hoạt động. "Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành viễn thông không cho gái mại dâm đăng hình ảnh kích dục nhằm quảng cáo và giao dịch trên Internet. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần phối hợp để quản lý chặt việc người bán dâm sử dụng mạng và điện thoại di động để giao dịch", ông Huân nói.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị nên sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết số 24/2012 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 2/7/2012 vì lý do chưa sát với thực tế. Sở Lao động TP HCM dự đoán, gái bán dâm ở tụ điểm công cộng sẽ gia tăng vì khi bị bắt quả tang họ sẵn sàng nộp phạt và sau đó lại hành nghề. Mức xử phạt quá thấp so với "thu nhập" của người bán dâm nên không đủ sức răn đe, bắt rồi lại thả không khác gì "bắt cóc bỏ đĩa".

Đại biểu Phạm Đức Chính (Nam Định) nêu ý kiến nên bỏ hình thức phạt tiền đối với người bán dâm mà thay vào đó là áp dụng biện pháp bắt buộc phải đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV.

Nguyễn Đông (VE)