Việt Nam trước thềm các mô thức thương mại mới

Từ năm nay, Việt Nam tham dự cả hai khối mậu dịch toàn cầu là RCEP và TPP. Ý nghĩa sâu xa của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế này là gì?

Một hội nghị thượng đỉnh TPP (năm 2010) gồm các nguyên thủ nước thành viên. Từ trái sang: Naoto Kan (Nhật), Nguyễn Minh Triết (Việt Nam), Julia Gillard (Úc), Sebastián Piñera (Chile), Lý Hiển Long (Singapore), Barack Obama (Mỹ), John Key (New Zealand), Hassanal Bolkiah (Brunei), Alan García (Peru), và Muhyiddin Yassin (Malaysia). Ảnh: TL

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được coi là hai khối mậu dịch tự do đầy tiềm năng. Các thương lượng RCEP giữa 16 thành viên, gồm mười nước ASEAN với sáu đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand bắt đầu 2013 và sẽ hoàn tất vào cuối 2015. 16 quốc gia RCEP chiếm khoảng 30% thương mại và GDP thế giới.

TPP hiện gồm 11 thành viên, có nước trong ASEAN, có nước tận Bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh. Bờ Tây Thái Bình Dương là Úc, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam, bờ Ðông là Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile. Nhưng Tổng thống Obama đã tảng lờ không mời Trung Quốc tham dự khi gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào tháng 11 năm ngoái. Từ 2010, TPP đã qua 15 vòng đàm phán chính thức và nhiều đợt bổ sung. Vòng 16 sẽ được tổ chức tại Singapore từ 4 đến 13.3 tới. Nếu tính cả Nhật, Hàn Quốc tham gia, 13 thành viên tương lai TPP sẽ là khu vực tự do thương mại lớn nhất, chiếm hơn 40% tổng sản lượng toàn cầu và 30% thương mại thế giới.

Với RCEP, việc đạt được thoả thuận có chất lượng cao nhằm tự do hoá hàng hoá, dịch vụ và đầu tư giữa 16 nước với các nền tảng đa dạng là một thách thức lớn. Ngoài ra, ASEAN vẫn gặp nhiều trở ngại trong duy trì vai trò trung tâm đối với tiến trình hội nhập, cả cấp độ nội khối lẫn với các đối tác bên ngoài. Các nhà phân tích còn chỉ ra trở ngại không nhỏ đối với RCEP chính là ở sự hiện diện của TPP.

Theo ý kiến chuyên gia, TPP liên kết theo chiều ngang (coi như thế liên hoành do Mỹ chèo lái) là một thách đố đối với Ðông Nam Á. Mười nước Ðông Nam Á đang tham gia khối ASEAN+6, liên kết theo chiều dọc (coi như thế hợp tung do Trung Quốc chủ đạo). Nhưng các nước ASEAN cũng sẵn sàng có mặt trong TPP (như Việt Nam, Malaysia). Các nước sẽ thấy có hai mô thức kinh tế khác nhau. Mô hình thị trường tự do Mỹ vẫn theo đuổi và phương pháp chỉ huy tập trung Trung Quốc đang áp dụng. Các nước sẽ chọn giữa hai mô thức này để phát triển kinh tế. Khi nhìn thấy lợi ích của thị trường tự do, một số nước sẽ hành động quả quyết và nhanh chóng, gặt hái những thành quả cụ thể. Những nước chậm lụt thấy mình bị bỏ rơi, sẽ phải quyết định thay đổi nhanh hơn. Cho tới khi chính bản thân Trung Quốc cũng buộc phải thay đổi.

“Hợp tung/liên hoành” thời toàn cầu hoá

Tuy nhiên, thế “hợp tung liên hoành” trong hoàn cảnh hậu chiến tranh lạnh khác xa với kế sách của Tô Tần/Trương Nghi. Ngày nay, hợp tung và liên hoành không ưu tiên cho quân sự như thời Tề – Sở mà trước hết tập trung vào liên kết kinh tế, trên cơ sở cạnh tranh giữa các quốc gia, với sự bảo đảm của luật pháp quốc tế. Với sự kết nối mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam có thể có chân cùng một lúc trong nhiều tổ chức của các khối khác nhau. Miễn là sự tham gia đó góp phần củng cố, nâng cấp và thể chế hoá các quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam với các đối tác theo hướng sâu sắc và hiệu quả hơn như phó Thủ tướng, chủ tịch uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC) Vũ Văn Ninh đã khẳng định trong dịp tết vừa qua.

Theo tổng thư ký NCIEC Nguyễn Cẩm Tú, trong khi vòng đàm phán Doha vẫn đang bế tắc và các hiệp định thương mại tự do song phương đã phát huy những lợi thế nhất định đối với khu vực tư nhân, các hiệp định “tiểu đa phương” như RCEP và TPP hứa hẹn trở thành thế hệ tiếp theo của tiến trình hội nhập kinh tế và tự do hoá thương mại. Nguyên Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan từng nhận định một RCEP thành công sẽ củng cố sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu từ phương Tây sang châu Á và giới phân tích còn cho rằng RCEP sẽ là đối trọng với TPP đang trong quá trình đàm phán giữa Mỹ và mười quốc gia khác.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia sáu hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế (FTA). Giới chuyên gia nhắc đến các “vòng tròn đồng tâm” để diễn tả hợp tác thương mại tự do mở rộng từ khu vực này sang khu vực khác. Dĩ nhiên, khi càng tham gia vào nhiều khu vực thương mại thì càng đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi luật lệ cho phù hợp với cuộc chơi chung, nhất là giải quyết mối lo ngại sẽ có sự “xung đột” lợi ích khi cùng một lúc có chân trong nhiều tổ chức khác nhau.

Các cam kết sâu rộng trong TPP và RCEP đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là sức ép mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, vốn khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, đây là con đường Việt Nam phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng. Tham gia các FTA nói chung và RCEP, TPP nói riêng, Việt Nam phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hoá, dịch vụ từ các nước đối tác. Tỏ ra quan ngại về tính khả thi cũng như những thách thức còn nhiều ở phía trước, TS Lê Đăng Doanh nhận xét: “Việt Nam trong thời gian gia nhập WTO đã sửa đổi 30 luật khác nhau và đã cải thiện đáng kể khung pháp luật đối với doanh nghiệp. Nhưng sau đó Việt Nam tham gia ký kết đến sáu hiệp định thương mại tự do khác nữa, nhưng không có cải tiến gì thêm về khung pháp luật cả và đó là một điều cần rút kinh nghiệm trong thời gian sắp tới”.

Hoàng Dũng Nhân (SGTT)