Viết từ tâm “bão tài chính” Washington DC

Dân ta muốn có xe hơi phải chắt bóp, khi nào đủ thì mang bao tải tiền đi mua. Muốn xây nhà phải đợi đến lúc về hưu nếu thật sự may mắn. Bên Tây khác hẳn, xe hơi chạy đầy đường. Vào nhà người Mỹ thấy to đẹp, sang trọng, đủ các tiện nghi đắt tiền. Giấc mơ Mỹ ư? Đúng thế, nhưng "American Dream" được xây nên bởi tiền vay… trả lãi.

Mấy tuần nay, nước Mỹ liên tục bị nhiều cơn bão đổ từ phía Đại Tây dương. Trận cuồng phong Ike làm chết 143 người ở Haiti, Cuba và Hoa Kỳ. Thuỷ thần Hà Bá trước khi quay về biển đã cuỗm theo 27 tỷ đô la của dân chúng Mỹ.

Cơn bão Ike vừa lặng gió, người Hoa Kỳ thức dậy mới biết, đêm trước, cơn bão cổ phiếu Phố Wall đã cuốn đi vài trăm tỷ đô la, gấp nhiều lần bão Ike. Nếu so sánh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam khoảng 20 tỷ đô la với một đêm thị trường chứng khoán New York mất giá sẽ thấy cơn thịnh nộ của thế giới tài chính tai hại như thế nào.

Những tập đoàn tài chính giãy giụa (ảnh BBC)

Những con khủng long thời băng hà

Từ 10/2007 đến nay, 4 nghìn tỷ đô la cổ phiếu của Hoa Kỳ đã biến mất. Nhiều con khủng long tài chính Mỹ đã hết gầm. Trong khoảng thời gian 9/10/2007 đến 12/9/2008, Citigroup từ vốn $236.7 tỷ chỉ còn $97.8 tỷ, Bank of America: $236.5 tỷ còn lại $150.2 tỷ, AIG: $179.8 tỷ còn $32.3 tỷ, Fannie Mae: $64.8 tỷ còn $700 triệu, Freddie Mac: $41.5 tỷ còn $300 triệu, Merrill Lynch: $63.9 tỷ còn $24.2 tỷ, Lehman Brothers: $34.4 tỷ còn $2.5 tỷ và Washington Mutual: $31.1 tỷ còn $2.9 tỷ đã đóng cửa mấy hôm nay.

Số tiền hàng nghìn tỷ bị mất đi đồng nghĩa với hàng trăm ngàn người mất việc trong các ngân hàng hay trung tâm tài chính cao cấp. Nhiều ngân hàng bị phát mại hoặc đang trong cơn hấp hối, đợi khủng long khác đến ăn thịt. Ảnh hưởng khủng hoảng tài chính đã lan ra khắp thế giới.

Ông Bush đã thừa nhận đây là thời điểm nguy kịch, đề nghị Quốc hội phê duyệt 700 tỷ đô la để cứu trợ thị trường tài chính. Tuy nhiên, Quốc hội không phê chuẩn và trong nháy mắt, chỉ số Dow Jones mất trắng 778 điểm, tương đương với 1.2 nghìn tỷ đô la giá trị cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với 700 tỷ kia.

Lãnh đạo hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đã bỏ công vận động hành lang đảng viên hãy ủng hộ đề nghị của Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhiều dân biểu đã phản thùng vào phút chót vì lý do cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 đến gần. Họ lo ghế ngồi của mình hơn là ghế của đám tài chính Phố Wall.

Nếu như số tỷ đô la kia dành cho dân mua nhà trả góp nhưng không đủ khả năng chi trả thì có thể tình thế đã khác. Nhưng cử tri Mỹ hiểu mục đích 700 tỷ để cứu Phố Wall mà dân Mỹ thì chán ngấy tính hãnh tiến nhưng kém cỏi lại tham lam vô đáy của đám complê sang trọng để đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Cử tri đã "ra lệnh" cho dân biểu của mình không được đồng ý. Tiền thuế của dân không thể dùng để trả học phí cho sự ngu dốt hay tham lam của đám người "đầu tư phong trào". Những ngân hàng cho vay vô trách nhiệm "đóng góp" không nhỏ vào việc đổ vỡ thị trường vốn vay và bong bóng bất động sản nên họ mong đám này chết quách đi.

Sức ép của cuộc bầu cử vào quyết định của các dân biểu rất lớn vì quyền sinh sát của cử tri. Nếu không đại diện cho số đông, dân biểu cũng có thể phải ra đường vì họ cũng mua nhà trả góp (!).

Việc làm, nhà cửa, xe hơi và giấc mơ Mỹ

Dân ta muốn có xe hơi phải chắt bóp, khi nào đủ thì mang bao tải tiền đi mua. Xây nhà phải đợi đến lúc về hưu nếu thật sự may mắn. Bên Tây khác hẳn. Bạn đi ngoài đường thấy xe hơi chạy đầy đường. Vào nhà Mỹ thấy to đẹp, sang trọng, đủ các tiện nghi đắt tiền. Giấc mơ Mỹ ư? Đúng thế, nhưng American Dream được xây nên bởi tiền vay… trả lãi.

Không hiểu ai nghĩ ra mẹo "ăn trước trả sau" làm động lực cho kinh tế tư bản. Đi làm được vài tháng, hãng ôtô gửi quảng cáo đến tận nơi, mời chào xe xịn. Ngân hàng sẵn sàng cho vay vì biết bạn có…lương trong tài khoản. Thôi thì đủ loại mua trả góp: ôtô, nhà cửa, tivi, tủ lạnh, điều hoà, chó mèo, kể cả cây cảnh trong nhà.

Bên Mỹ, lương khoảng 100.000$/năm có thể vay mua nhà tầm tầm giá 450.000$ đến 500.000$, trả trước 10-20%, tương đương với 50.000$ đến 100.000$. Khoản còn lại trả trong vòng 30 năm, cả vốn lãi khoảng gần 1 triệu đô la để sở hữu ngôi nhà lúc cuối đời.

Tiền nhà hàng tháng được trừ vào lương thông qua tài khoản ngân hàng, khoảng 1/3 lương tháng. Lương cao ở nhà đẹp, lương thấp ở nhà nhỏ hơn. Ở đây cấm kỵ hỏi lương nhưng nhìn ngôi nhà, kiểm tra giá bất động sản trên internet, có thể đoán ra thu nhập.

Có công ăn việc làm tương đương với cuộc sống đầy đủ. Muốn thế bạn phải là người giỏi, hết lòng cho công việc để giữ những “tiện nghi vay mượn”. Đó chính là động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.

Credit score – thước đo “đạo đức” của người Mỹ

Tôi đến công ty môi giới xin mua nhà vì nghe nói ở Mỹ rất dễ, không xu dính túi cũng được. Kiểm tra một chút trên mạng, họ báo credit score (điểm tín nhiệm) của tôi rất xấu, không đủ tiêu chuẩn. Hỏi ra mới biết, tôi dùng loại thẻ tín dụng không vay tiền Mỹ bao giờ. Nhà đang thuê trả tiền mặt, chủ nhà bao hết các loại dịch vụ. Tóm lại, trong mắt ngân hàng Mỹ, tôi là loại công dân không… ra gì.

Người Việt ta phải có quyển sổ tiết kiệm mới cảm thấy yên tâm. Nhưng người Mỹ đàng hoàng lại phải biết vay tiền để tiêu pha và chỉ cần nhớ trả lãi đúng hạn. Vay để kinh doanh càng tuyệt, càng nhiều càng tốt. Bạn giầu có, ngân hàng lãi, nhà nước thu thuế, lợi đủ đường. Nếu không vay mượn, bạn chỉ là dân… ngáng chân phát triển.

Thông thường, mất vài năm để xây dựng "tín nhiệm" với Ngân hàng. Thuê nhà, dùng điện thoại, tivi cáp, điện, nước hay mua xe hơi trả góp, thẻ tín dụng “xoẹt xoẹt”, chẳng nhớ tiêu bao nhiêu. Sau vài năm, nhìn vào chi phí và sự trả tiền đúng hẹn cũng sàng lọc ra những công dân “ngoan”.

Các công ty dịch vụ báo cáo về thanh toán của khách hàng cho trung tâm quản lý credit score. Nếu sai hẹn, bị phạt tiền lãi, cắt dịch vụ và quan trọng hơn là lý lịch "chây ì" trong trả nợ sẽ bị ghi lại. Credit score được ghi vào thẻ an sinh xã hội của từng người.

Ngân hàng cho vay tiền dựa trên credit score. Điểm thấp (trả nợ kém) thì lãi xuất cao, người có thói quen trả đúng hạn (credit score cao) lại hưởng lãi xuất ưu đãi. Người “ngoan” mua nhà khá dễ vì ngân hàng rất thích các ông khách này. Mục đích của họ là nuôi con “vịt béo” này trong 30 năm, không mất việc sẽ đóng góp cho ngân hàng một khoản tiền lãi khổng lồ, mỗi ngày vài chục đô.

Ngân hàng tham lãi mua cả “vịt gầy”

Những năm 1990, bùng nổ về nhà cửa bên Mỹ. Cánh thầu xây dựng, kẻ môi giới BĐS hay ngân hàng đưa ra các chiêu dụ khách mua nhà. Chẳng hạn, “tuần trăng mật” 5 năm đầu chỉ cần trả lãi 4%-5%, năm thứ sáu tuỳ theo giá thị trường, lãi có thể lên hoặc xuống. “Không có credit score? Không thành vấn đề. Bạn cứ mua, chúng tôi sẽ lo hết”.

Nhiều ngân hàng đã nổi máu tham lam. Có người không đủ khả năng chi trả (credit score yếu), “bóc ngắn cắn dài” vẫn được vay tiền mua xe hơi, nhà cửa, vượt khả năng tài chính. Người khác thấy dễ ăn cũng vay thật nhiều để kinh doanh nhà ở.

Giá bất động sản được đẩy lên. Cánh thầu xây dựng thấy trúng, tiếp tục xây đến khi bong bóng BĐS nổ bụp. Trăng mật 5 năm với 5% lãi đi qua, thị trường vốn vay khi đó đã thay đổi có thể đấy lãi xuất lên 7% hay 10%, rất nhiều khách hàng không đủ khả năng thanh toán, đành phải bán tống bán tháo hoặc bị tịch thu.

Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ thi nhau cho khách hàng vay bừa bãi, sau đó bán luôn những “con vịt” này cho các ngân hàng Phố Wall và hãng bảo hiểm. Đánh nhanh thắng nhanh, họ kiếm đủ, để lại hậu quả cho kẻ đi “chợ chiều” và những con “vịt” đủ loại.

Người hết khả năng thanh toán phải ra đường, ngân hàng phát mãi trên một ngôi nhà đã xuống cấp với giá thảm hại. Khách “chết” tiền nhà kéo theo cánh cho vay ra nghĩa địa.

Người Mỹ bình dân căm ghét cách cho vay tiền và kinh doanh bất động sản vô trách nhiệm trên. Chính họ bị vạ lây vì giá cả tăng, cuộc sống bị đảo lộn, nguy cơ mất việc làm, đôi khi thành vô gia cư vì sự dốt nát hay tham lam của kẻ khác.

Giấc mơ Mỹ trong tâm bão

Lái xe hơi trên đường, thấy những quán xăng, liếc mắt nhìn giá để so sánh đắt rẻ, đó là tín hiệu không vui của nền kinh tế. Các cửa hàng mua sắm giảm giá hàng loạt nhưng khách hàng thưa thớt. Người ta đã mất việc làm, không có nhu cầu mua sắm. Vào khu dân cư, quảng cáo bán nhà nhan nhản đồng nghĩa mai đây có vài người xách va li ra đường.

Những ngày qua, đi trong tầu điện ngầm, đôi lúc thấy nét mặt đăm chiêu của người đọc báo. Thông tin về Dow Jones, Freddie, Fannie hay Bank of America được lật đi lật lại. Chiến tranh Iraq hay đụng độ Gruzia với Nga không còn ai liếc mắt.

Tuy nhiên, chẳng ai thất thần vì thị trường tài chính chao đảo. Họ tin Phố Wall sẽ không bao giờ phải đóng cửa như bên Nga. Ở nước giàu thì người nghèo bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng nước nghèo để thất thoát lớn thì tai hoạ khôn lường.

Trận cuồng phong Ike đã đi qua, nhưng cơn bão tài chính đang làm rung chuyển nước Mỹ. Tổng thống Bush bắt đầu nhiệm kỳ bằng đối mặt với khủng bố 11-9. Ông sắp kết thúc nhiệm kỳ thì trận “khủng bố” tài chính đang treo lơ lửng trên đầu. Sự tín nhiệm của ông Bush xuống 26%, thấp nhất trong 8 năm qua.

Thời trẻ xem phim Hollywood, tôi mơ làm cao bồi cưỡi ngựa, chăn bò vùng miền Tây hoang dã. Năm ngoái, tôi trót tham mua nhà trả góp 30 năm ở Virginia nên đang khấn vái cho nước Mỹ vượt qua cơn sóng gió tài chính.

Nếu không, một ngày nào đó, bạn sẽ gặp tôi đội "nồi cơm điện" (mũ bảo hiểm theo cách nói vui) đi babetta trên đường Hà Nội mở rộng phía Hà Tây. Lúc ấy, nước Mỹ với tôi chỉ là giấc mơ theo đúng nghĩa đen của anh chàng chăn bò xứ Ba Vì.

Hiệu Minh (từ Washington D.C)