Xông hơi giải cảm đúng cách

Nếu sử dụng đúng liều lượng các loại lá và xông hơi đúng cách, tình trạng cảm do thời tiết của bạn sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Chuẩn bị

- Lá tre khoảng 40-50 gr;
- kinh giới 40-50 gr (nếu là hoa thì dùng 10-15 gr);
- hoắc hương, tía tô, lá chanh, lá long não, cây cứt lợn mỗi loại 30-40 gr,
- tỏi 2-3 củ,
- địa liên tươi 20-30 gr.

Cho những dược liệu nói trên vào nồi, đổ nước, đun sôi cho kỹ đến khi có mùi thơm.

Cách xông

- Khi nồi dược liệu sôi, có mùi thơm thì mang vào nhà tắm, dùng vải trùm kín người hoặc đầu, mở vung nồi để hơi xông vào người. Thời gian xông 5-15 phút, khi mồ hôi ra đều toàn thân thì dừng. Lau khô người bằng khăn ấm, ẩm, rồi lau bằng khăn khô, thay quần áo sạch. Sau đó, nên ăn một bát cháo hành hoặc uống nước ấm, nghỉ ngơi, đảm bảo thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông...

Công dụng của các dược liệu

Lá tre: Tính hàn, giúp giải nhiệt, tiêu đờm, làm thuốc ra mồ hôi, sát khuẩn, chữa viêm nhiễm, phù thũng, cảm sốt.

Sả: Giúp chữa cảm cúm, sốt.

Tía tô: Tính ôn, làm ra mồ hôi, chữa cảm mạo, giảm đau, chữa ho, đầy hơi, nôn mửa, đau bụng do khó tiêu.

Hương nhu: Tính hơi ôn, giúp thanh nhiệt, trừ thấp, chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi. Thường dùng chữa cảm nắng, sốt, nhức đầu, đau bụng đi ngoài. Dùng khô hay tươi tùy theo bệnh. Dùng tươi thì vò, vắt lấy nước, khô thì sắc hay tán bột.

Nếu bệnh nhân bị sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (như viêm họng, ho, chấn thương, nhiễm trùng...) thì không nên tuỳ tiện xông hơi mà phải đi khám bệnh ở cơ sở y tế.

(Theo SK&ĐS)