YESTERDAY

Bệnh nhân người Brazil Antony Dias đã phải chịu một ca phẫu thuật rất phức tạp -mổ lấy khối u ở não. Bác sỹ không được để anh thiếp đi, vì như thế sẽ không theo dõi được bệnh tình nữa, anh phải thức ! Thế nên chỉ được gây mê cục bộ, còn để làm sao thức anh phải đánh guitar và hát liên tục, và Yesterday là một trong những bài đã giúp anh không gục xuống trong mấy tiếng đồng hồ đó...

Mới bắt đầu viết về The Beatles tôi đã thấy quá nhiều “fan cuồng” của ban nhạc trên FB, toàn những người đã nghe hàng chục năm nay, hiểu chân tơ kẽ tóc về tứ quái ! Do đó tôi thấy chỉ có một cách tương đối hợp lý, đó là viết đúng về những gì mình cảm nhận, với những người bạn yêu âm nhạc có cùng sở thích, quả là khó nhưng rất hứng thú...

Nhưng tôi cũng thấy ngay trong đội ngũ fans đông đảo này có quá nhiều trường phái, ví dụ không thể thống nhất được bài hát nào là hay nhất, hoặc ít ra thì vào thời kỳ nào sẽ thích hợp thưởng thức bài hát nào của ban nhạc, vì họ có ít nhất 20 tuyệt phẩm âm nhạc. Nhưng thường thì sẽ có hai “chiến tuyến” -ai là nghệ sỹ tài năng nhất, được yêu thích nhất- tất nhiên sẽ có hai trường phái, đó là John Lennon và Paul McCartney. Theo dõi bản thân, tôi thấy khá buồn cười: hồi bé thần tượng Paul (chắc thấy anh chàng đẹp trai) -lớn lên thần tượng John (vì tính cách ngông cuồng, nổi loạn, chắc vì cả cái chết đầy bi thương của anh nữa) -ngày nay tôi lại thấy thích Paul hơn (có lẽ vì tài năng của anh, vì tính cách khá “hiền lành”, thậm chí hơi “dại gái” giống tôi chăng, nhưng trên hết cùng với năm tháng anh đã trở thành một nhân cách lớn)... Chắc cũng có nhiều fan “đào ngũ” như tôi, nhưng tất nhiên điều đó ít ảnh hưởng đến tình yêu đối với The Beatles, và những con người vĩ đại của “tứ quái” không phải vì thế mà lăn tăn một chút nào...

Đã là fan của Paul, tôi không thể không “cay cú” vì trong danh sách 500 bài hát hay nhất của nhân loại, bình chọn bởi tạp chí âm nhạc uy tín nhất Rolling Stone năm 2004 và kết quả lại lặp lại y nguyên năm 2010, 2011 thì “Imagine” của John chiếm vị trí thứ 3, còn “Hey Jude” và “Yesterday” của Paul chiếm vị trí tương ứng 8 và 13, “Let It Be” thứ 20. Nhưng không sao -tôi tự nhủ rằng có 2 điều John không bao giờ vượt qua Paul được, đó là Paul sẽ mãi mãi là “nhạc sỹ sáng tác thiên tài nhất của thế kỷ 20”, còn “Yesterday” sẽ vĩnh viễn là ca khúc được hát nhiều nhất của loài người, ít nhất là cho đến tận bây giờ... Chả thế mà theo bình chọn của BBC năm 1999 thì “Yesterday” là bài hát hay nhất thế kỷ 20 !

Phải nói là John thù ghét bài hát này nhất trên đời, bởi vì nó quá thành công, và theo lời John thì “mỗi khi tôi đi với vợ vào nhà hàng, dù ở châu Âu, Mỹ hay Nhật, thì ban nhạc lại lịch sự tự động chơi bản Yesterday, sau đó hỏi ý kiến tôi xem họ đã chơi có được không?”. Năm 1980, trước khi bị bắn chết không lâu, John đã nói về lời của Yesterday: “Lời hay, nhưng chả có một kết cục nào cả. Nếu đọc hết lời bài hát, ta sẽ thấy chẳng nói lên điều gì. Người phụ nữ đã ra đi, và anh ta muốn để cho ngày hôm qua trở lại -thế là hết ! Đẹp đấy, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn là tác giả bài hát này”. Và quan hệ của John với Paul thực sự trở nên sự hằn thù, khi ở bài hát “How Do You Sleep” năm 1971 John đã cài lời hát vào: “The only thing you done was yesterday...” (Việc duy nhất nhà ngươi đã làm đó là Yesterday).

Hay là sau bài hát kinh khủng này tôi đã không còn thần tượng John -“nhà cách mạng”- như trước nữa? (Cũng phải nói cho công bằng, là Paul cũng đã viết những bài hát ẩn ý chọc tức John, tuy chưa đến mức “thô” như thế này -ai muốn nghiên cứ lịch sử The Beatles và học tiếng Anh chỉ cần nghiền ngẫm kỹ bài hát này sẽ hiểu biết được khá nhiều... John và cô vợ Yoko cùng với manager Clain viết lời (sau này Paul nói “chỉ muốn đánh nhau duy nhất với Clain thôi”), Harrison tham gia thu nhạc, còn Ringo có đến nhưng bỏ về, với lời nhắn bạn: “That’s enough, John !”)

Nhưng quay lại năm 1964 khi tình bạn của họ đang còn rất đẹp, hãy nghe Martin (producer) của họ nhận xét rất đúng: "Lennon was the soul of the Beatles, Harrison was the spirit, Paul was the heart, and Ringo was the drummer’’. Chính bởi vì ở cùng ban nhạc, họ đã cạnh tranh với nhau, cùng nhau sáng tạo, và đạt được những kết quả phi thường !

Paul đã không nghĩ ra giai điệu này, anh sau này thú nhận là đã nghe được nó, trong một giấc ngủ ! Đó là khi anh ngủ lại tại nhà bố mẹ cô bạn gái, anh ngủ ở phòng nhỏ tầng trên, cạnh giường có chiếc piano. Buổi sáng thức dậy anh thấy trong đầu một giai điệu rất có vẻ jazz như bố anh thường chơi, thế là ngồi xuống đàn thử xem giai điệu đó có quen không !? Anh chơi để nhớ được giai điệu đó, rồi sau đó làm khổ khá nhiều bạn bè với câu hỏi: cậu/cô đã nghe giai điệu này chưa, có quen không ?

Đã hòm hòm về nhạc, thì với lời còn khó khăn hơn nhiều. Các bạn toàn trêu Paul với lời đầu tiên của bài hát là "Scrambled eggs, oh, my baby, how I love your legs... I believe in scrambled eggs" (“Trứng tráng” -và Paul nhớ lời này cho đến năm 2010 sẽ hát trong một chương trình truyền hình). Paul thử hết lời này đến lời khác, còn tên bài thì muốn chỉ có một từ thôi, anh nhờ Lennon nghĩ cùng mà cũng chả ra... Chỉ đến 5-1965 khi đi sang Bỉ bất chợt anh nghĩ ra câu đầu tiên của bài hát, với đuôi “ay” rất dễ gieo vần, và thế là “Yesterday” ra đời ! (Lời viết trên phong bì thư vẫn được giữ đến bây giờ như một kỷ vật...)

Bài hát được thử thu bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phương án cuối cùng của Paul thực hiện khác mọi bài hát của the Beatles khác -nó chỉ được hát và chơi guitar bằng một thành viên duy nhất là Paul, cùng với một tứ tấu đàn dây ! Và chàng trai trẻ Paul chả có mấy kỹ năng hòa thanh âm nhạc mất khá nhiều công sức để diễn tả phải chơi thế nào cho các nhạc công thực sự của tứ tấu đàn dây, vì theo họ thì “người ta không viết nhạc như thế này” -kinh khủng hơn, cậu còn cấm họ sử dụng kỹ năng rung là thứ thường thấy nhất của đàn dây ! Lập tức Yesterday trở thành bài hát đứng đầu các bảng xếp hạng, từ Mỹ cho đến châu Âu, Úc, Nhật... Ở Anh nó là bài hát mới kỷ lục đứng đầu bảng xếp hạng 9 tuần lễ !

Mặc dù các thành viên the Beatles chả ưa gì ca khúc này, nhưng vì thành công quá vang dội của nó, thế là họ buộc phải hát live trong mọi trường hợp kể từ 1966 (những lúc thế này thì không có tứ tấu đàn dây như trong đĩa, hoặc phải dùng tới phonogramma).

Đây là bài hát rock ballad thành công đầu tiên, mở đầu cho cả một trào lưu. Sự trả lời của The Rolling Stone với manager chung cùng với the Beatles -kẻ “rất đáng ghét” Allain Clain- bằng một bài ballad khác, theo tôi thì còn thua xa: “As Tears Go By”.

Khi bài hát đã vang lên khắp thế giới, thật kỳ lạ là chính những danh ca dùng tới bài hát này vẫn chê nó, chủ yếu bởi tính sến xẩm, lời nhàm chán, giai điệu đơn sơ, không có mấy chỗ để khoe giọng hát. Tuy vậy họ vẫn hát nó rất thành công, ví dụ: Michael Bolton chuyên hát tình ca, rất sến nhưng hay.

Năm 1970 Elvis Presley hát lại, rất hợp với giọng và tình cảm của anh.

Placido Domingo và The 3 tenors cũng hay hát bài này (tuy rằng theo tôi có khi họ hát những bài khác hợp hơn ?!).

Boyz 2 men hát acapella bài này khá độc đáo. Đơn ca thì dễ, chứ tốp ca acapella sẽ rất khó, để so sánh xin cùng nghe ca sỹ Việt cũng hát acapella bài này, tôi nghe kỳ kỳ không hợp lắm.

Yesterday rất hay được các ca sỹ jazz biểu diễn, nhưng nổi bật nhất chắc là Ray Charles.

Với bài hát có vẻ “người lớn” này ban nhạc rock the Beatles bắt đầu có được sự chú ý của lứa thính giả lớn tuổi, và nó được hát kể cả ở các nước XHCN thời trước: Muslim Magomaev hát nếu được dự chắc là Paul cũng phải ngả mũ chào.

Hay là bài này rất ít nữ hát, nhưng nữ hát song ca hay như Larisa Dolina hát với Gradskiy thế này tuyệt vời (với dàn nhạc giao hưởng tại Phòng hòa nhạc Traikovskiy, Moscow-chả hiểu sao cần cả dàn nhạc, rối tinh hết cả... hay là mình dốt ?!).

Từ sau 1976 thì buổi diễn nào của Paul cũng đều có bài Yesterday. Sau này một trong những điểm đến thường xuyên của Sir Paul McCartney là Moscow, nơi có Putin và cả hệ thống lãnh đạo Nga lớn lên với những ca khúc của bộ tứ huyền thoại. Paul hát ở Quảng trường Đỏ. Phải nói là Paul có một uy tín đặc biệt đối với Putin

Với hơn 3000 cover, hàng chục triệu lần được phát trên đài và TV thì riêng ca khúc này cũng đủ biến Paul thành tỷ phú rồi, và có thể chỉ cần đến Moscow thường xuyên thôi thì ông sẽ mãi là nhạc sỹ kiếm được nhiều tiền nhất mọi thời đại. Nhưng Paul ngày nay đã 70 tuổi, “I am not half the man I was to be”, lại một lần nữa ông thể hiện tính cách của mình, chẳng khác gì khi xưa một cậu thanh niên mặt búng ra sữa kiện manager Clain và 3 ông bạn thân ra tòa. Đó là khi có vụ Putin bỏ tù ban nhạc nữ chống đối Pussy Riot thì một làn sóng ủng hộ 3 cô gái này được các nhà hoạt động nghệ thuật và chính trị quốc tế gây nên, và người tích cực nhất phải nói là Paul McCartney. Ông chấm dứt mọi cuộc lưu diễn đến quảng trường Đỏ quen thuộc, viết thư cho các cô gái trong tù, viết thư ngỏ cho Putin yêu cầu xử lại (bà góa Yoko Lennon cũng thể hiện quan điểm đồng nhất với Paul). Và cuối cùng Putin đã phải nhượng bộ...

Đến năm 2013 Paul mới thổ lộ, ông sáng tác và biểu diễn bài hát buồn Yesterday mãi rồi mới hiểu rằng bài này ông viết dành tặng chính cho người mẹ yêu dấu mà ông đã mất đi khi 14 tuổi, “She” ở đây chính là bà. Còn trước kia ông không hiểu vì sao đã vừa hát vừa khóc.

Bài hát của the Beatles này cũng như một lời tiên tri, mọi cái rồi sẽ qua đi, những cái đẹp nhất đã qua rồi. Người ta cũng bàn tán nhiều về lý do tan rã của ban nhạc, thường đổ tại Yoko, nhưng chính Paul sau này đã cải chính, lý do không phải ở nàng, mà vì cái “tôi” quá lớn nên John đã sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào rồi, Yoko chỉ là cái cớ...

Toni Sheringdan, rocker già, người đã thuê 4 cậu bé từ Anh sang đánh nhạc tại Hamburg thủa còn mới lớn, hiểu hết tính cách của họ, và theo tôi câu trả lời của ông ổn thỏa hơn cả: “Họ chưa bao giờ là những người bạn thực sự. Paul lợi dụng John, John lợi dụng George, George lợi dụng Ringo... Nếu không tập trung lại một chỗ, thì từng người họ khó mà đạt đỉnh cao như vậy ! Kết quả là 4 kẻ ích kỷ đã không trụ được cùng nhau lâu dài gì cả. Tuy vậy phải công nhận rằng chỉ trong một thời gian quá ngắn họ đã đảo lộn cả thế giới này !”.

Rất cám ơn, những kẻ ích kỷ đã đảo lộn thế giới của chúng ta.

Nam Nguyen