Bản tin xã hội 14-4-2024

Có cần thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh?

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, viện có giường bệnh thuộc Bộ Y tế; các cơ sở khám chữa bệnh thuộc các bộ, ngành và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam về việc tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chip, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNelD và triển khai ký số file XML.

Bộ Y tế cho biết nhận được công văn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội phản ánh người bệnh khi đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tại một số bệnh viện, có xuất trình căn cước công dân gắn chip hoặc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc trên ứng dụng VNelD nhưng bệnh viện không giải quyết hưởng chế độ BHYT, yêu cầu người bệnh phải về mang thẻ BHYT giấy để làm thủ tục KCB BHYT.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và thuận tiện cho người bệnh khi đi KCB BHYT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06/CP, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chấn chỉnh các khoa, phòng liên quan, nhân viên y tế để xảy ra tình trạng nêu trên, thực hiện giải quyết hưởng chế độ BHYT trong trường hợp người bệnh khi đi KCB BHYT xuất trình căn cước công dân gắn chip hoặc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc trên ứng dụng VNelD theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4316/BYT-BH ngày 27/5/2021 và Công văn số 931/BYT-BH ngày 28/02/2022.

Cùng đó chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh kịp thời các cơ sở KCB, cá nhân thuộc quyền quản lý để xảy ra tình trạng chậm gửi dữ liệu, hạn chế thấp nhất việc phải gửi đề nghị thay thế, làm ảnh hưởng đến công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT của cơ quan BHXH; tuân thủ việc gửi dữ liệu điện tử chi phí KCB BHYT theo đúng quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 48/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực (phần cứng, phần mềm) để thực hiện triển khai ký số file XML xác thực dữ liệu điện tử chi phí KCB BHYT theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 48/2017/TT-BYT trước khi gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.

Cơ sở KCB sử dụng chứng thư số đã được cấp của cơ quan, đơn vị để ký số, xác thực dữ liệu XML theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Source

Liên thông Sổ sức khỏe điện tử với VNEID

Triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06), Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và C06-Bộ Công an đã phối hợp để tích hợp hồ sơ y tế vào Sổ sức khỏe điện tử cá nhân và liên thông dữ liệu với ứng dụng VNEID. Liên thông dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia là một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình chuyển đổi số ngành Y tế. Tuy nhiên quá trình này vẫn đang trong giai đoạn thí điểm với nút thắt là thiếu quy chế phối hợp triển khai giữa các bên liên quan.

Để triển khai được Sổ sức khỏe điện tử cần tiến hành 3 lộ trình cơ bản, gồm: Số hóa dữ liệu y tế của người dân, quản lý dữ liệu và tích hợp, liên thông dữ liệu y tế với các đơn vị liên quan. Sổ sức khỏe điện tử cá nhân được hình thành từ các cơ sở khám, chữa bệnh. Khi người bệnh đến khám, chữa bệnh, các thông tin sẽ được lưu trong trong hệ thống thông tin quản lý bệnh viện và hình thành sổ khám bệnh điện tử. Như vậy, người dân không cần sử dụng sổ khám bệnh giấy nữa mà dùng sổ khám bệnh điện tử thống nhất tại mọi cơ sở y tế.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) diễn giải: Theo quy trình, khi người dân đi khám, các cơ sở y tế phải trả dữ liệu khám bệnh của người dân vào Sổ sức khỏe điện tử (còn gọi là Sổ khám bệnh điện tử/ Hồ sơ sức khỏe điện tử ) và lưu trên hệ thống dữ liệu của Bộ Y tế. Căn cứ theo dữ liệu khám bệnh, hệ thống liên thông dữ liệu sẽ đẩy hồ sơ khám bệnh đã xong về Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục xử lý dữ liệu và trả thông tin hồ sơ về C06–Bộ Công an để xác thực định danh cá nhân. Hồ sơ sau khi được C06-Bộ Công an xác thực sẽ được trả lại cho Bộ Y tế - đơn vị quản lý Sổ sức khỏe điện tử. Bộ Y tế sẽ chia sẻ dữ liệu này với các cơ sở, đơn vị y tế tại các địa phương.

Như vậy, theo chu trình khép kín, thông tin từ các cơ sở y tế sau khi qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam, C06-Bộ Công an sẽ chuyển về Bộ Y tế và từ Bộ Y tế sẽ chia sẻ với các cơ sở y tế. Người dân sau khi đi khám, chữa bệnh, các địa phương sẽ có kho dữ liệu y tế cá nhân của người dân để quản lý. Đồng thời, người dân cũng tự nắm được thông tin y tế của bản thân thông qua Sổ sức khỏe điện tử.

Khi dữ liệu của Sổ sức khỏe điện tử được liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia hiển thị trên ứng dụng VNEID, người dân, cơ sở khám chữa bệnh đều được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số y tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Nam cho biết, đến ngày 10/4/2024, việc liên thông vẫn chưa hoàn thành, đang trong giai đoạn thí điểm tại thành phố Hà Nội. Hiện, các giải pháp kỹ thuật để kết nối, lưu chuyển dữ liệu giữa các bên đã hoàn thành. Dữ liệu hồ sơ cá nhân từ các cơ sở y tế đã đổ về C06-Bộ Công An được 18 triệu bản ghi. Hiện tại C06-Bộ Công an vẫn đang trong quá trình xử lý dữ liệu, chưa đổ trả dữ liệu hồ sơ về kho dữ liệu của Bộ Y tế. Nguyên nhân là do 3 bên gồm Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và C06-Bộ Công an chưa ký kết được quy chế phối hợp để triển khai. Thời gian tới, khi quy chế phối hợp được thống nhất ban hành, mưc độ chặt chẽ về pháp lý sẽ được đảm bảo để 3 bên thực hiện chia sẻ dữ liệu.

Ông Nguyễn Trường Nam cho biết thêm, hiện tại, các đơn vị liên quan đang xem xét kết quả, hiệu quả của việc triển khai thí điểm sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNEID tại Hà Nội. Về vấn đề phối hợp liên thông giữa 3 bên, Bộ Y tế là đơn vị soạn thảo quy chế phối hợp nên đã sẵn sàng thực hiện. C06-Bộ Công an đã đồng ý với quy chế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn đang cân nhắc.

Để thực hiện kết nối, hiển thị thông tin sức khỏe của mọi người người dân trên ứng dụng VNEID, Hà Nội là địa phương thí điểm triển khai sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNEID từ tháng 11/2023 với lộ trình 3 giai đoạn.

Cụ thể, hết giai đoạn 1 (ngày 31/12/2023), các đơn vị tạo lập Sổ sức khỏe điện tử cho người dân từ cơ sở dữ liệu đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; dữ liệu dân cư của người dân trên địa bàn thành phố và chuẩn hóa thông tin.

Hết giai đoạn 2 (ngày 31/3/2024), các đơn vị hoàn thành cập nhật kết quả khám, chữa bệnh, dữ liệu tiêm chủng người dân trên địa bàn thành phố đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn lên kho dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử của thành phố Hà Nội, tiến tới kết nối, chia sẻ thông tin sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố lên ứng dụng VNEID của Bộ Công an.

Giai đoạn 3 từ ngày 1/4/2024, công an thành phố phối hợp với các tổ chức đoàn thể thường xuyên rà soát thông tin hành chính của người dân biến động (còn thiếu, đã chuyển khỏi địa bàn, tử vong...) lên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử.

Mục tiêu đặt ra là toàn thành phố Hà Nội phấn đấu 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn Hà Nội được cấp Sổ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội; 100% thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn thành phố được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số, đồng thời được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Về kết quả liên thông, chuyển dữ liệu của Sổ sức khỏe điện tử hiển thị trên ứng dụng VNEID, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục C06-Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 9/4/2024 đã có 378/673 đơn vị của Hà Nội tương đương với gần 2 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử được tiếp nhận truyền lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đồng bộ đầy đủ 48 trường thông tin cho mỗi cá nhân.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, để liên thông dữ liệu, các đơn vị thống nhất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chủ động hướng dẫn cho người dân trên địa bàn thành phố thực hiện. Bộ Y tế là đơn vị xây dựng hướng dẫn chung về các bước trong quy trình liên thông dữ liệu trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến hướng dẫn sẽ được Bộ Y tế ban hành trong tháng 6/2024. Để đẩy nhanh tiến độ liên thông dữ liệu trong thời gian tới, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn các văn bản để triển khai đồng bộ Sổ sức khỏe điện tử trên toàn quốc; tiếp tục đôn đốc các bệnh viện tiếp tục đồng bộ dữ liệu về hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hiển thị trên ứng dụng VNEID.

Để đẩy nhanh tiến độ liên thông dữ liệu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chỉ đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẩn trương hoàn thiện quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị trên ứng dụng VNEID thí điểm trên địa bàn Hà Nội làm cơ sở triển khai toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) phối hợp Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, các Vụ, Cục, đơn vị liên quan để hoàn thành Quy chế phối hợp chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa Bộ Y tế, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thúc đẩy việc kết nối Sổ sức khỏe điện tử lên ứng dụng VNEID, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành Y tế.

Sourrce

Không cấm tiền số, tài sản ảo

Chiều 12/4, ông Cao Đăng Vinh, Vụ phó Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) cho hay trên thế giới vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa. Các nước có cách tiếp cận cũng khác nhau. Đơn cử, Mỹ không ban hành khung pháp lý riêng cho tiền ảo, tài sản ảo mà dùng các luật chuyên ngành điều chỉnh.

Ông Vinh đánh giá, tài sản ảo, tiền ảo "tiềm ẩn nhiều rủi ro dễ bị lợi dụng chiếm đoạt", nhưng Việt Nam chưa có quy định cụ thể và chưa coi tiền mã hóa là một loại tài sản.

Vì vậy, thời gian tới, ông Vinh cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản ảo, tiền ảo. "Cần có quy định cấm các hành vi mang tính rủi ro hoặc lợi dụng chiếm đoạt tiền ảo, tài sản ảo", ông Vinh nói và cho hay, khi Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ có quan điểm rõ ràng hơn.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.

Chính phủ từng nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.

Song, thực tế mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, có nhiều cá nhân tham gia. Do đó, cách đây hai năm, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.

Tháng 2/2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Source

Ô tô bán chạy hiếm thấy

Báo cáo kết quả kinh doanh do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố chiều 12-4, cho thấy, toàn thị trường trong tháng vừa qua đã tiêu thụ 27.289 ô tô các loại. Con số trên tăng 135% so với tháng 2-2024 nhưng vẫn thấp hơn 9% so với tháng 3-2023.

Trong đó, lượng xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ là 14.474 xe, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc bán ra là 12.815 xe, tương ứng tăng 117% và tăng 158% so với tháng trước đó. Như vậy, kết thúc quý I, các thành viên VAMA đã giao tới tay khách hàng ở thị trường Việt Nam tổng cộng 50.847 xe ô tô, ít hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023 (60.800 xe).

Sự bùng nổ của thị trường khiến kết quả kinh doanh các nhà sản xuất đều tăng trưởng rất tích cực. Toyota Việt Nam ghi nhận 3.973 xe bán ra trong tháng qua, tăng gấp 3 lần so với tháng 2-2024 (1.304 xe). Thành tích này đóng góp đáng kể vào tổng số 7.485 xe mà thương hiệu Nhật Bản đã bán ra tại Việt Nam.

Là một đại diện cho nhóm nhà sản xuất không thuộc VAMA, TC Motor cho biết, lượng xe Hyundai bán ra thị trường trong tháng vừa qua đạt 4.542 xe, tăng mạnh so với con số 2.033 xe của tháng trước đó. Cộng dồn quý đầu năm, lượng xe Hyundai bán ra thị trường là 10.114 xe, bao gồm cả xe thương mại (2.204 xe).

Như vậy, xét theo từng thương hiệu, Hyundai bán ra thị trường trong nước nhiều xe du lịch nhất trong quý đầu năm 2024, với 7.910 xe, tạm dẫn trước đối thủ chính là Toyota.

Như vậy, những nỗ lực kích cầu đã thúc đẩy thị trường ô tô chính thức "thoát đáy", bước vào giai đoạn kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên, việc doanh số quý đầu năm chưa vượt được mốc cùng kỳ năm ngoái cho thấy các nhà sản xuất còn rất nhiều việc phải làm trong chặng đường phía trước.

Sourrce

Xuất khẩu sắt thép Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt gần 1,1 triệu tấn với kim ngạch hơn 834,8 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 11,4% về trị giá so với tháng 2/2024.

Trong quý I/2024, xuất khẩu sắt thép của nước ta thu về gần 2,4 tỷ USD với hơn 3,23 triệu tấn, tăng 42% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu sắt thép các loại trung bình trong 8 tháng đầu năm đạt 739 USD/tấn, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm, cho thấy tín hiệu khả quan về ngành thép trong năm 2024.

Về thị trường, trong 3 tháng đầu năm, Italy vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu sắt thép các loại của Việt Nam, thu về gần 299 triệu USD với 483 nghìn tấn, tăng 80,4% về lượng và tăng 64,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đứng sau Italy là thị trường Mỹ và Campuchia, với tổng giá trị xuất khẩu trong quý I lần lượt là 399,6 và 182,8 triệu USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép sang nhiều thị trường chứng kiến mức tăng trưởng đột biến, trong đó có Singapore.

Cụ thể, trong tháng 3/2024, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Singapore đạt 42.190 tấn với kim ngạch hơn 23 triệu USD. Trong khi đó, tháng 3/2023, Singapore chỉ nhập khẩu 175 tấn sắt thép với kim ngạch chỉ hơn 305 nghìn USD. Như vậy, mức tăng trưởng lên tới 24.000% về lượng và 7.456% về giá trị.

Lũy kế 3 tháng, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường này đạt 81.227 tấn, trị giá hơn 44,6 triệu USD, gấp hơn 18.790% về lượng và 6.457% về giá trị.
Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân đạt 549 USD/tấn, giảm sốc hơn 68% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong số đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm dự báo tăng 12% lên gần 13 triệu tấn.

Ngành sắt thép của Việt Nam được dự báo là sẽ phục hồi có những tăng trưởng, kéo dài sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,7%, đạt 1,79 tỷ tấn trong năm 2024, và tăng 1,2% vào năm 2025 lên 1,82 tỷ tấn.

Vì vậy, sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 - 30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 - 23 triệu tấn.

Source

Giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD trong một năm

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Source

Công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, đang có “làn sóng” đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam, với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết. Đây là nỗi lo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam “chậm lớn” và mãi cứ loay hoay hướng đi, giờ đây còn phải đối mặt với doanh nghiệp hỗ trợ Trung Quốc đang lớn mạnh tại Việt Nam.

Source

Trung Quốc là nhà đầu tư tiềm lực lớn

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn nhận định: Trung Quốc nổi lên trở thành quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ và các nước phát triển trong nhiều lĩnh vực then chốt của kinh tế và công nghệ tương lai. Việc thu hút các dự án công nghệ cao từ Trung Quốc đang thực sự là cơ hội để Việt Nam cải thiện chất lượng hiệu quả thu hút FDI, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia vùng lãnh thổ.

Từ trước đến nay, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhiều, nhưng giờ quan tâm đến Việt Nam hơn. Mỗi năm Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài 150 - 180 tỷ USD. Đối với Việt Nam, luồng vốn FDI từ Trung Quốc còn khá khiêm tốn so với quan hệ giữa hai nước về thương mại và những thuận lợi về điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý… Tuy vậy những năm gần đây, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ.

Nếu như năm 2014 vốn lũy kế FDI từ Trung Quốc đứng thứ 10 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thì sang năm 2023, Trung Quốc vươn lên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xếp thứ 4. Nhưng nếu cộng cả Hồng Kông (Trung Quốc) thì Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 8,8 tỷ USD, vượt cả Singapore (6,08 tỷ USD), cao nhất năm 2023.

Ưu thế của Việt Nam là hệ thống chính trị, an ninh ổn định, tỷ lệ dân số vàng, có độ mở nền kinh tế lớn, ký kết các hợp tác thương mại rộng khắp và tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa miễn thuế đến nhiều thị trường... là những lợi thế để Việt Nam thu hút FDI nói chung và từ Trung Quốc nói riêng.

Về chất lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc, trước đây, đa số các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ trung bình và thấp, thâm dụng lao động và năng lượng, một số dự án gây ô nhiễm môi trường. Chính vì lẽ đó, một số địa phương có phần e ngại khi tiếp xúc với các dự án FDI đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, nắm bắt cơ hội cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số, Trung Quốc nổi lên trở thành quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ và các nước phát triển trong nhiều lĩnh vực then chốt của kinh tế và công nghệ tương lai như đường sắt, tàu cao tốc không người lái, phát triển năng lượng xanh, điện tử, công nghệ 5G phổ cập toàn quốc, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ vũ trụ. Trung Quốc tham vọng đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế và khoa học công nghệ.

Chính bởi lẽ đó, việc thu hút các dự án công nghệ cao từ Trung Quốc đang thực sự là cơ hội để Việt Nam cải thiện chất lượng hiệu quả thu hút FDI, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia vùng lãnh thổ, thực hiện hóa lợi ích và kết quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, phát huy giá trị của đường lối ngoại giao liên kết đầy năng động và thân thiện.

Để thu hút hiệu quả các dự án FDI công nghệ cao từ các quốc gia nói chung và Trung Quốc nói riêng, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các DN Việt Nam, chúng ta cần tạo lập hệ sinh thái cho thu hút và phát triển công nghệ. Cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN gồm hệ thống chính sách văn bản pháp luật, thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển. Chúng ta đang làm một loạt các đường cao tốc, TP xanh (đổi mới sáng tạo), đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để nhà đầu tư nước ngoài có môi trường sống, môi trường làm việc tốt, gắn bó lâu dài.

Phải có thị trường về công nghệ. Của ta trước kia nói có cũng được, nói không cũng được. Khi có thị trường công nghệ tốt thì tất cả lao động, sáng tạo sẽ được kết hợp. Sự kết hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và DN sẽ chặt chẽ hơn.

Hiện, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là vườn ươm để phát triển khoa học công nghệ. Khuyến khích phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo không những Quốc gia mà cả ở các tỉnh, địa bàn trọng điểm. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển của các DN FDI và các DN trong nước. Đặc biệt, hỗ trợ phát triển DN trong nước, trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn với vai trò dẫn dắt các DN nhỏ và vừa, từ đó liên kết, hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cung ứng các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ…

Xây dựng và vận dụng hiệu quả bộ tiêu chí đánh giá các dự án công nghệ cao, công nghệ xanh. Nâng cao năng lực bộ máy công chức để có thể hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát tiếp cận dự án, cho đến triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt khẩu thẩm định dự án để thu hút được những dự án chất lượng…

Trung Quốc đang chứng minh là một nhà đầu tư với tiềm lực vô cùng lớn. Không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư của Trung Quốc đã đầu tư sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước như Mỹ hay EU đều muốn thu hút và tận dụng nguồn vốn này.

Hiện nay Việt Nam đang phải cạnh tranh rất lớn trong khu vực có Indonesia. Chính sách thu hút FDI của họ rất ưu đãi. Thứ hai là Ấn Độ, quốc gia rất mạnh, họ có nguồn nhân lực dồi dào, công nghệ tốt, tiếng Anh họ cũng rất tốt.

Nếu nói về tích cực, phải nói rằng Việt Nam là nước rất có kinh nghiệm thu hút FDI nhưng hệ thống cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó và có chương trình đào tạo rất cụ thể.

Liên kết giữa DN Việt Nam và nước ngoài vẫn diễn ra khá chậm. Đặc biệt, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 15% và 5%.

Sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của DN Trung Quốc sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ đối với các DN trong nước, nhất là những lĩnh vực họ có nhiều lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ.

Tuy nhiên, quan trọng là lựa chọn thu hút các dự án. Theo đó, thu hút đầu tư phải bảo đảm điều kiện về công nghệ và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm...

Số liệu điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2021 cho thấy, việc liên kết giữa DN FDI và DN trong nước diễn ra khá chậm. Năm 2020, chỉ có khoảng 8% DN FDI tham gia điều tra của VCCI và WB cho biết, họ đã chuyển sang sử dụng nhà cung cấp là DN Nhà nước, con số này cao hơn với nhóm cá nhân, hộ kinh doanh với 14,8%.

Nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn do năng lực của DN trong nước còn hạn chế và còn một khoảng cách rất xa mới có thể “đuổi kịp” được DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các DN FDI lại đặt ra những yêu cầu rất cao khi liên kết với DN nội. Điển hình như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), họ đặt ra 18 tiêu chí kể cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trách nhiệm cộng đồng… cho DN trong nước nếu muốn trở thành vendor cấp 1 của Samsung.

Mặc dù đã có những DN trong nước đáp ứng được, nhưng đa số các DN nhỏ và vừa còn thiếu rất nhiều tiêu chí mới có thể đáp ứng được yêu cầu trên của Samsung.

Nếu để các DN nhỏ vừa vừa năng lực hạn chế thì không thể đáp ứng được chuyển giao hay công nghệ hỗ trợ từ những tập đoàn lớn, đa quốc gia đến Việt Nam. Chúng ta phải xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ lớn để bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài để từ đó vai trò dẫn dắt kết nối với những thành phần DN trong nước khác. Đặc biệt là ở những lĩnh vực công nghệ cao. Như vừa rồi công nghệ bán dẫn, FTP, Viettel, Vingroup phải vào cuộc và phải có chính sách hỗ trợ. Cái này Hàn Quốc họ làm rất lâu rồi, họ có chính sách hỗ trợ các Tập đoàn lớn rất mạnh mẽ để bắt tay với các Tập đoàn nước ngoài lớn, vươn ra thế giới. Trung Quốc cũng làm như vậy.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một làn sóng mới các đoàn DN và nhà đầu tư Trung Quốc đã đến Việt Nam.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hai nước đều có nền kinh tế mở với xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế. Nền kinh tế hai nước cũng có sự tương thích, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau; hai bên có cùng nhận thức và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều cơ chế hợp tác. Hai bên đều là thành viên tích cực của nhiều cơ chế hợp tác đa phương như các cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, RCEF và nhiều cơ chế khuyến khích, bảo hộ đầu tư đã ký kết...

Đáng lưu ý, Trung Quốc có một số tập đoàn đang phát triển mạnh những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm. Chẳng hạn, Huawei đang đứng đầu thế giới về công nghệ chuyển đổi năng lượng, họ tăng tốc ký kết hợp tác để bán công nghệ này. Việt Nam đang cần và là thị trường quá tốt để hãng này chào hàng. Đó là những hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đó là cách mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong mối quan hệ làm ăn với các DN Trung Quốc.

Sourrce

Tin tức khảo cổ học tháng 4-2024

Người Úc không học làm gốm từ châu Âu

Một phát hiện mới ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Australia đã chứng minh điều sau đây trong sách giáo khoa là sai. Cho đến nay, giới học thuật đều nhất trí rằng đồ gốm được người châu Âu du nhập vào Australia.

Phát hiện mới này cho chúng ta thấy rằng người Australia bản địa đã làm đồ gốm rất tốt hàng ngàn năm trước khi người châu Âu di cư đến. Trên thực tế, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều mảnh gốm có niên đại từ 2.000 đến 3.000 năm.


Đó là những mảnh gốm lâu đời nhất từng được tìm thấy tại Úc, được phát hiện ở độ sâu chỉ 50cm trên một hòn đảo nằm ngoài khơi bán đảo Cape York. Phân tích địa chất cho thấy chúng được chế tác tại địa phương, sử dụng đất sét và chất ủ có nguồn gốc trực tiếp từ đảo Jiigurru, còn gọi là đảo Thạch sùng (Lizard Island).

Nguồn

Những mộ đá 25.000 năm tuổi ở Nga

Ở vùng núi Kavkaz của Nga, không xa các thành phố Tzelentzchik, Touapse, Novorossiysk và Sochi, có hàng trăm di tích cự thạch được gọi là mộ đá.

Theo trang web Kykeon, tất cả những mộ đá cự thạch mà bạn nhìn thấy bên dưới trong các bức ảnh đều có niên đại từ 10.000 đến 25.000 năm trước. Các nhà khảo cổ học khác cho rằng tuổi của những công trình cự thạch này là 4000 đến 6.000 năm tuổi.


Mặc dù thường không được biết đến ở phần còn lại của châu Âu, nhưng những tảng cự thạch này của Nga ngang bằng với những khối cự thạch lớn của châu Âu về độ tuổi và chất lượng kiến trúc, nhưng vẫn có nguồn gốc chưa được biết đến.

Nguồn

Hàm giả 300 tuổi được làm bằng vàng và đồng ở Ba Lan

Các nhà khảo cổ học khi tiến hành khai quật Nhà thờ Thánh Phanxicô Assisi ở Krakow đã tìm thấy một điều được mô tả là phát hiện đầu tiên thuộc loại này ở Ba Lan. Thi thể của người đàn ông được phát lộ có một hàm giả ở trong miệng, làm vật chèn nhân tạo giúp anh ta có thể sống sót với căn bệnh hở hàm ếch.

Anna Spinek, một nhà nhân chủng học tại Viện Miễn dịch học và Trị liệu Thực nghiệm Hirszfeld ở Ba Lan, đã giải thích phát hiện này với tạp chí Live Science. "Đây có lẽ là phát hiện đầu tiên như vậy không chỉ ở Ba Lan mà còn ở châu Âu. Không có thiết bị nào như vậy tồn tại trước đó trong các bộ sưu tập của tổ chức và tư nhân."


Thiết bị này, được mô tả là một dụng cụ bịt vòm miệng, được thiết kế để vừa với vòm miệng của người đàn ông. Nó áp khít với khoang mũi của người đàn ông và thay thế cho vòm miệng cứng.

Bản thân nó được mô tả là “đặc biệt” và bao gồm hai phần. Một tấm kim loại mô phỏng vòm miệng cứng được gắn vào một miếng đệm làm bằng len, được thiết kế để cố định thiết bị một cách êm ái khi đưa vào miệng.

Hở hàm ếch xảy ra trong thời kỳ mang thai khi vòm miệng, đặc biệt là vòm miệng cứng, không đóng được hoàn toàn. Kết quả là khoang mũi thông trực tiếp với miệng và các chất lạ có thể xâm nhập vào khoang này. Hở hàm ếch thường gây ra các vấn đề liên quan đến hít thở, nói năng và ăn uống.

Các tác giả lưu ý trong bài báo của họ rằng những nỗ lực đầu tiên nhằm thay thế những phần bị thiếu của vòm miệng có thể đã có từ thời cổ đại. Nhà hùng biện Hy Lạp Demosthenes (384 - 322 trước Công nguyên) mắc chứng hở hàm ếch bẩm sinh và có thể đã sử dụng sỏi để lấp đầy những khoảng trống trong miệng.

Hở hàm ếch ngày nay được giải quyết bằng các thủ tục phẫu thuật tương đối đơn giản, nhưng cách đây 300 năm thì con người không có được phương pháp này. Thay vào đó, anh tìm ra một giải pháp khác: thiết bị này được đưa vào miệng anh như một bộ phận hàm giả.

Khi loại bỏ miếng len đã phát hiện các hạt nhỏ màu vàng và xanh lá lục được cho là dấu vết của vàng và đồng. Có vẻ như thiết bị này được phủ một lớp đồng mỏng, sau đó là vàng, để tạo rào cản và ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách ngăn chặn sự hấp thụ chất dịch tiết từ khoang mũi.

Miếng đệm dường như cũng có một lớp đồng và vàng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Bộ phận giả có hình dạng lõm và được thiết kế để uốn cong vào khoang mũi, để lại một lỗ rỗng trong miệng, giống như vòm miệng cứng tự nhiên.

Để hiểu rõ hơn về thành phần của bộ phận giả, các nhà nghiên cứu đã phân tích nó dưới kính hiển vi điện tử quét và bằng quang phổ tia X, phương pháp phân tích thành phần hóa học của mẫu. Họ phát hiện ra rằng những mảnh kim loại này thực sự phần lớn được làm bằng đồng, với một lượng đáng kể vàng và bạc.

Mảnh len đệm cũng được phân tích và phát hiện có chứa dấu vết của io-đua bạc. Có khả năng chất này đã được thêm vào miếng đệm vì đặc tính kháng khuẩn của nó.

Thiết bị ban đầu đã được quan sát thấy khi hầm mộ chứa người đàn ông được khai quật từ năm 2017 đến năm 2018. Phần lớn nó nằm ở vị trí giữa các hàm xương. Tuy nhiên, mặc dù đã phân tích sâu hơn nhưng vẫn chưa thể biết được bộ hàm giả thực sự hoạt động tốt như thế nào.

Nguồn

Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi

Ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi và ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng gần 15%. Tuy nhiên, nếu tầm soát, phát hiện các triệu chứng của bệnh ngay từ giai đoạn đầu thì sẽ giúp làm tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.
Các triệu chứng Ho kéo dài dai dẳng Ho có thể là do bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, thường hết sau 1 - 2 tuần, tuy nhiên nếu ho kéo dài lâu ngày không khỏi thì không loại (...)