Đàn Nam Giao & lễ tế Giao (III)

PXP

Nhà Lê tế Giao tự bao giờ?

Mùa hạ năm Mậu Thân 1428, ngay sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi vào thành Thăng Long, lên ngôi Thái Tổ hoàng đế. Vua chọn Thăng Long làm quốc đô với tên mới là Đông Đô, qua năm Canh Tuất 1430 thì đổi tên Đông Đô thành Đông Kinh. Vua cũng đặt cho năm Mậu Thân 1428 ấy là Thuận Thiên nguyên niên. Mỗi phen lên ngôi “thiên tử” để thay trời hành đạo trên một xứ sở mà núi sông bờ cõi đã riêng, lại chính thức ban niên hiệu mới, tất tân hoàng đế phải cúng cáo trời đất rất long trọng. Đó chính là tế Giao. Chứ đâu phải đợi đến năm Nhâm Ngọ 1642, đời vua Lê thứ 5 (Thánh Tông) thì lễ tế Giao mới được khôi phục như Nguyễn Vĩnh Phúc viết trong tập 5 Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (NXB Trẻ, 2001, tr.49).

Dĩ nhiên, vì những lý do khách quan lẫn chủ quan, Quốc sử quán của các triều đình thuở xưa đã bỏ qua không ít nhân vật và sự kiện khi thực hiện các pho chính sử. Thế nhưng, Đại Việt sử ký toàn thư (sđd, tập II, tr. 338) từng ghi chép việc Lương Đăng dâng thư lên vua Lê Thái Tông vào năm Đinh Tị 1437 trình bày quy chế cung đình, trong đó có trang phục mặc lúc tế trời và bài bản nhạc tế Giao. Trong bộ sử vừa dẫn, chẳng hề thấy viết về tế Giao năm Nhâm Ngọ 1642. Song trước đấy một năm, Tân Tị 1641, sử ghi nhận một vụ thuộc loại “xì-căng-đan” hồi ấy. Rằng vua Lê Thánh Tông mắng đô ngự sử đài Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ bằng lời lẽ nặng nề thế này: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông, nên mới tế Giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế Giao cũng không đáng theo! Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hạng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. (…) Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!” (sđd, tập II, tr. 394).

Đàn Nam Giao thời Lê ra sao?

Trong Vũ trung tùy bút (tlđd), Phạm Đình Hổ cho biết: “Đàn tế Giao nước ta lập ra từ thời nhà Lý, đến thời Lê đã trùng tu lại. Chính giữa đàn có một cái đền gọi là Chiêu Sự điện. Nền điện cao độ một trượng, chung quanh xây bệ đá, bao lơn đá, chạm khắc rất khéo. Ở trong có xây một cái bệ đá để hợp tế các thần Hiệu thiên thượng đế [trời], Hậu thổ địa kỳ [đất]; thứ đến hai bên tả hữu là Thừa tướng đường, hai bên hành lang thì tế thần Đại minh [mặt trời] và Dạ minh [mặt trăng] cùng các vị tinh tú ở trên trời. Tất cả các vị thần kỳ, các vị đế vương đời trước đều được bày hàng để tế theo vào đấy. Lần cửa thứ nhất về mé ngoài là nơi hoàng thượng [vua] thay áo, ở về bên tả; ra đến lần cửa thứ hai, rẽ về phía đông nam, là nơi đức vương thượng [chúa] ra ngự; đến lần cửa thứ ba, bên ngoài có một ngôi nhà bảy gian là sở của phủ tiết chế đóng quân hầu”.

Dễ thấy rằng Phạm Đình Hổ miêu tả đàn Nam Giao giai đoạn vua Lê đã bị chúa Trịnh thao túng.

“Nam Giao điện bi ký” trong sân Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: PXP

Quy cách tế Giao & vị trí đàn Nam Giao thời Lê

Điển chế từ đời vua Lê Thánh Tông định rằng đàn Nam Giao bao gồm các hạng mục kiến trúc chính: điện Chiêu Sự, điện Canh Y, Trai cung, nhà bếp, phòng ăn chay, kho tế khí. Lê Quý Đôn đã ghi trong sách Kiến văn tiểu lục (sđd, tr.58 -59) như thế, rồi chép thêm về nghi thức tế Giao: “Ngày làm lễ chính tế, rước hoàng đế ngự ở sân điện Chiêu Sự. Sau khi đã quán tẩy, hoàng thượng mới bước lên trên điện dâng hương trước án. Việc dâng hương và đọc chúc đều cử hành ở trên điện, [hoàng đế] chỉ quỳ và cúi đầu vái, còn lễ bốn lạy trước và sau khi đọc chúc đều lạy ở sân điện. Ấy là điển lễ rất tôn nghiêm, rất kính trọng”.

Đấy là điển lễ giai đoạn nhà Lê thịnh trị, còn sau thì sao? Qua Vũ trung tùy bút (tlđd), Phạm Đình Hổ tường thuật khá chi tiết: “Đời Lê, cứ trong ba ngày xuân đán, chọn ngày nào tốt thì làm lễ tế Giao. Từ Trung hưng trở về sau, quyền chính về cả chúa Trịnh, vua Lê chỉ ngồi giữ hư vị, duy đến ngày xuân thủ thì vua mới ra dự lễ tế Giao (…). Cứ lệ cũ thì tế Giao phải chi ra 145 quan, 5 tiền, 54 đồng. Bộ Hộ lĩnh món tiền ấy ở Hộ phiên, rồi giao cho các viên giám thừa ở Tư lễ cục biện lễ. Cứ lệ cũ thì trước vị thượng đế, địa kỳ, bày lễ chay tam tài và hoa quả chuối tiêu, còn đôi bên tả hữu hành lang thì theo thứ tự giảm bớt dần, đồ lễ không có ngọc liệu sát sinh gì cả. Lúc tế thì đặt chỗ đứng của hoàng thượng ở giữa Ngự đạo trong điện đình, chỗ đứng của vương thượng thì ở xích về bên tả Ngự đạo, rồi đến chỗ đứng của quan tiết chế. Các quan từ nhị phẩm trở lên thì lễ ở ngoài lần cửa thứ nhất, tam tứ phẩm trở xuống thì lễ ở ngoài lần cửa thứ hai. Lúc tế rất giản lược, chỉ có lễ thượng hương [dâng nhang] rồi đọc tờ tấu [chúc văn / sớ điệp], trước sau lạy 8 lạy mà thôi”.

Vậy mới hay: khác hẳn triều Nguyễn sau này, triều Lê tế Giao không linh đình rình rang tốn kém công của mà vẫn giữ được tính chất nghiêm trang. Đặc biệt là vua Lê tế trời đất thánh thần mà y như cúng Phật, chỉ đơm soạn toàn món chay, chứ không thui nghé rồi chôn lông với máu (ế mao huyết), cũng không hạ thịt tam sinh (dê, bò, lợn).

Thật ra, thời Hậu Lê, tính trang nghiêm trong lễ tế Giao chỉ là một sự… vờ vĩnh giữa chính trường suy đồi, mục nát. Vì như Phạm Đình Hổ ghi nhận thì chẳng bao lâu sau, chúa Trịnh Sâm tóm thâu quyền bính xong là không chịu làm bồi tế cho vua Lê Hiển Tông nữa. Rồi dịp tế trời, chính Lê Hiển Tông có lần viện cớ cư tang bà Đại Hành hoàng thái hậu, bèn sai quan thủ tướng Nguyễn Hoàn thay mình đến đàn Nam Giao làm mệnh bái. Thế thì Kinh Lễ đã bị khinh nhờn? Trên không chính, dưới đâm loạn, thảo nào!

Đàn Nam Giao tại kinh thành Thăng Long được xây đi sửa lại lắm lần, song được tái thiết kiên cố và mỹ thuật vào niên hiệu Cảnh Trị thứ nhất, tức năm Quý Mão 1663, đời vua Lê Huyền Tông (Lê Duy Vũ). Bấy giờ, việc xây mới đàn này không phải do vua “làm chủ đầu tư”, mà do chúa Trịnh Tạc. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú (1782 – 1840) đã tái hiện quy mô công trình của chúa Trịnh Tạc cũng tương tự Phạm Đình Hổ từng mô tả trong cuốn Vũ trung tùy bút. Phan Huy Chú viết: “Giữa là điện Chiêu Sự, bốn góc cột bằng đá, nền và sân đều lát đá, rui mè đều sơn son thếp vàng. Có hai dãy hành lang tả hữu. (…) Triều thần là bọn Hồ Sĩ Dương làm văn khắc bia”. Tấm bia đá kia, nay vẫn còn. Ấy là Nam Giao điện bi ký do tiến sĩ Nguyễn Tiến Triều chấp bút, tiến sĩ Hồ Sĩ Dương nhuận sắc, dựng năm Kỷ Mùi 1679.

Suốt thời Lê, cho tới đời vua Mẫn Đế (Chiêu Thống), lễ tế Giao vẫn được tổ chức tại đấy. Mà đấy là ở vị trí nào?

Xem xét các bản đồ được thực hiện từ thời Lê – như An Nam bình thắng đồ (vẽ năm 1469) hay Hồng Đức đồ bản (vẽ năm 1490) – rồi đối chiếu với các bản đồ ra đời muộn hơn – như các bản đồ thời Nguyễn (vẽ vào những năm 1831, 1866, 1873) và cả bản đồ hồi cố của Madrolle (in năm 1939) – hậu thế có thể xác định vị trí đàn Nam Giao ở Thăng Long xưa. Đấy là địa điểm vốn thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi ra tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, nằm về phía đông nam kinh thành, trên bờ bắc sông Kim Ngưu (chi lưu của sông Tô Lịch chảy ven đê La Thành).

Ngày nay, địa điểm đấy là đâu? Hoàng Đạo Thúy viết sách Người và cảnh Hà Nội (NXB Hà Nội, 1998, tr.66) cho rằng: “Phố Đoàn Trần Nghiệp, trước đây có Nhà [máy] Diêm, lập trên đất đàn Nam Giao thời Lê. Bây giờ là Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo”.

Cần nói rõ thêm: đàn Nam Giao quay về hướng nam, tức là nhìn ra phố Thái Phiên; cạnh phía bắc của đàn là đoạn giữa phố Đoàn Trần Nghiệp; cạnh phía đông giáp phố Mai Hắc Đế; cạnh phía tây giáp phố Bà Triệu. Địa điểm ấy bây giờ thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

(Còn nữa)