Đàn Nam Giao & lễ tế Giao (IV)

PXP

Cty Cơ khí Trần Hưng Đạo trên đất cũ đàn Nam Giao. Ảnh: Anymemnya

Vế thách đối hóc hiểm!

Sau khi tập đoàn Lê – Trịnh bị hất văng khỏi vũ đài chính trị, đàn Nam Giao ở Bắc Thành (tên mới của Thăng Long) bị biến cải đến nực cười. Theo Phạm Đình Hổ (tlđd) thì bấy giờ, đàn hết là nơi đón vua tế trời, chỉ còn là chỗ quan lẫn dân tới cúng cầu hầu bóng cực kỳ nhố nhăng! Tác giả Vũ trung tùy bút phải than: “Cứ năm nào gặp hạn hán thì một quan trấn phủ đại viên họp các giáo phường và đội bả lịnh, ra đấy [đàn Nam Giao nhà Lê] làm lễ đảo vũ [cầu mưa], hoặc rước tượng tứ pháp ra bày ở ngoài lần cửa thứ ba để cầu đảo; lễ nghi rất là lỗ mỗ, không sao nói được!”. Thuở đó, cũng tại lần cửa thứ ba của đàn Nam Giao, ngang trên Ngự đạo / Ngự lộ, bỗng mọc lên ngôi đền bằng gạch nom hết sức chướng mắt. Đó là đền thờ… Mẫu, tức công chúa Liễu Hạnh! Phạm Đình Hổ không tránh khỏi bực bội, bèn lên tiếng cảnh báo: “Hỏi những người lính lệ ở đấy, họ bảo rằng từ khi nhà Lê mất, những kẻ lân cận coi đền Nam Giao và những kẻ đồng cốt làm ra cái đền ấy để thờ đế nữ khi lên triều thiên thì tạm ở đấy chờ đợi [trạm quá cảnh ư?]. Lời nói ấy thật hoang đường, không nên tin!”.

Tập 5 Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc và Tô Hoài (sđd, tr.49-50) viết: “Sang thời Tây Sơn, thời Nguyễn, vì kinh đô đóng ở Huế nên không tế Giao ở Thăng Long. Điện [Nam Giao] xuống cấp dần và đến đời Tự Đức năm 1858, điện bị cháy trụi. Thời Pháp thuộc, thực dân cắt khu đất này cho Nhà máy Diêm, khi đó bia [Nam Giao điện bi ký] vẫn còn nên được đưa về Bảo tàng Finot tức nay là Bảo tàng lịch sử”. Đoạn vừa dẫn có đôi điểm chưa thật chính xác.

Kỳ thực, như đoạn sau bài viết này sẽ đề cập, từ thế kỷ XVII, trong bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh, ở lãnh thổ Đàng Trong từng xuất hiện đàn Nam Giao do các chúa Nguyễn, rồi các thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn tạo tác. Đến đầu thế kỷ XIX, vì sự đỏng đảnh và trớ trêu của… lịch sử, vùng Thăng Long lần nữa chứng kiến lễ tế trời đất do vua thứ nhì của triều Tây Sơn là Cảnh Thịnh (tức Nguyễn Quang Toản, con vua Quang Trung) làm chủ tế. Trong Vũ trung tùy bút (tlđd), Phạm Đình Hổ ghi nhận: “Mùa hạ năm Tân Dậu 1801, vua Thiếu chủ đời Tây Sơn (Quang Toản) bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Thành, đổi Bắc Thành là Kinh Bắc, cho đắp gò Viên Khâu ở ngoài cửa Liễu Thị, xây đàn Phương Trạch ở trên Tây Hồ, định cứ đến ngày đông chí, hạ chí thì tế thiên địa ở hai nơi ấy. Còn như Chiêu Sự điện ở đàn Nam Giao thì cứ theo như lệ Quang Minh điện ở Trung triều để làm nơi cầu đảo cáo yết, và khi nào đổi niên hiệu thì đến đấy làm lễ cáo tạ. Người ta thấy thay đổi như thế thì biết ngay là triều Tây Sơn sắp mất”.

Dưới triều Nguyễn, năm 1831, trấn Bắc Thành (với phủ Hoài Đức tức kinh thành Thăng Long cũ) được vua Minh Mạng lập nên đơn vị tỉnh: tỉnh Hà Nội. Năm 1883, thực dân Pháp chiếm Hà Nội và 5 năm sau biến nơi này ra khu nhượng địa (concession), tiến hành chỉnh sửa thành một đô thị thuộc địa. Theo sách Lịch sử thủ đô Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên (NXB Hà Nội, 2000, trang 218 & 313 – 317) thì từ thập niên 1890, tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà thành một số nhà máy để sản xuất và kinh doanh, trong đó có Nhà máy Diêm cung ứng thị trường “hằng năm từ 40 đến 43 triệu bao diêm”. Đó là những bao diêm với nhãn hiệu “quả đào” phổ biến một thời ở Đông Dương. Nhà máy Diêm, hoặc Nhà Diêm như dân Hà Nội bấy giờ quen gọi tắt, thật ra chỉ do tư bản Pháp bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu, sau đấy chuyển giao cho doanh nhân Hoa kiều điều hành. Trong bài Tên một số đường phố Hà Nội thời thuộc Pháp của Phanxipăng đăng trên Thế Giới Mới số 552, có chi tiết liên quan: “Thực dân Pháp chiếm Hà Nội, đã cho một doanh nghiệp Hoa kiều tên là A Chi liên kết với các thương nhân châu Âu tạo lập Manufacture d’allumette AChi et cie (Nhà máy diêm A Chi và công ty) ngay trong khuôn viên đàn Nam Giao cũ! Đấy là nhà máy diêm đầu tiên của Hà Nội, khai trương ngày 9-5-1921, đến năm 1940 thì ngừng hoạt động. Ngày nay, đấy là Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo”.

Thế thì đàn Nam Giao nhà Lê có lẽ bị phá hủy khoảng đầu thế kỷ XX chứ không phải cuối thế kỷ XIX. Bước đầu giải tỏa mặt bằng di tích, Pháp chưa đụng tới nhà bia lẫn tấm bia đá Nam Giao điện bi ký. Hạng mục công trình ấy tồn tại trong ngõ Lê Đại Hành (con hẻm nối phố Lê Đại Hành với phố Thái Phiên) suốt một thời gian sau khi Nhà Diêm đã đi vào hoạt động.

Viết về ngõ Lê Đại Hành, sách Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá (NXB Hà Nội, 1979, trang 256) xác nhận: “Tại đây vốn có ngôi nhà bia thuộc về khu vực đàn Nam Giao thời Lê xưa. Trong ngôi nhà này có một tấm bia tên là Nam Giao điện bi ký, người soạn là Nguyễn Tiến Triều, hoàng giáp khoa Bính Thìn 1676, khắc năm 1679, ghi việc khởi công dựng lại Giao đàn vào năm 1663. Năm 1926, thực dân mở đường, phá nhà bia đó, đem tấm bia về dựng ở Viện Bảo tàng lịch sử, đầu phố Tràng Tiền”.

Điều này phù hợp thực tế. Vì Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam nguyên là Bảo tàng Louis Finot được Pháp khởi công xây dựng tháng 1-1926, phải sáu năm sau mới hoàn tất và làm lễ khai mạc vào ngày 17-3-1932; thuở bấy giờ giao trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO: Học viện Pháp quốc tại Viễn Đông) quản lý.

Căm phẫn trước sự kiện giặc Pháp phá đàn Nam Giao của kinh thành Thăng Long xưa, dân Việt đương thời liền rỉ tai nhau câu nói lái hiểm hóc để lên án hành động xâm hại di tích lịch sử – văn hóa dân tộc. Tới hồi nhà bia bị triệt giải, tấm bia Nam Giao điện bi ký bị dời về dựng trong sân Viện Bảo tàng Louis Finot, câu cửa miệng dân gian kia lại có dịp loan truyền rộng thêm mà đến nay, một số bô lão hãy còn nhớ.

Như một vế thách đối, câu ấy thế này:
– Giao đàn bị… gian đào!

Ba thế kỷ rưỡi, mấy đàn Nam Giao?

Nhà Lê, nếu kể luôn cả giai đoạn Trung hưng, kéo dài từ năm Mậu Thân 1428 đến năm Mậu Thân 1788, tính ra tròn 360 năm. Tuy nhiên, như nhiều người đã biết, chẳng phải bao giờ các vua Lê cũng đủ bản lĩnh ngự trên cửu trùng để trị vì đất nước mà lắm phen lâm cảnh… đứng không yên ổn, ngồi không vững vàng quá đỗi bi hài: hết bị nhà Mạc tiếm ngôi và rơi vào thế Nam – Bắc triều, đành chấp nhận để chúa Trịnh nắm thực quyền, dẫn tới sự kiện đất nước chia đôi vì Trịnh – Nguyễn tranh hùng.

Giai đoạn xung đột Nam – Bắc triều, nhà Mạc cai quản cả vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa trở ra và đóng đô tại Thăng Long, còn vua Lê dựa vào chúa Trịnh trấn giữ xứ Thanh trở vào. Bấy giờ, trong hoàn cảnh khó khăn, vua Lê vẫn tiến hành việc tế Giao tại “chiến khu” và được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại. Chẳng hạn năm Nhâm Thân 1572, vua Lê Anh Tông (Duy Bang) tổ chức tế trời đất ở đàn Nam Giao vào tháng giêng, có tình tiết: “Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất, vua biết là điềm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu [Chính Trị] thành Hồng Phúc thứ nhất” (sđd, tập III, tr. 146). Năm Mậu Dần 1578, vua Lê Thế Tông (Duy Đàm) vừa nối ngôi, chọn niên hiệu Quang Hưng thứ nhất, sau khi tướng Mạc Kính Điển (con của vua thứ hai nhà Mạc là Đăng Doanh) tuân lệnh Mạc Mậu Hợp dẫn quân tấn công Thanh Hóa và bị Trịnh Tùng đánh cho tan tác, sử ghi: “Vua lập hành tại [chỗ vua tạm trú khi xuất tuần] ở sách Vạn Lại; lập đàn Nam Giao ở ngoài cửa lũy Vạn Lại” (sđd, tập III, tr.155).

Đóng vai trò như kinh đô của Nam triều vào thế kỷ XVI, Yên Trường (nay ở xã Thọ Lập) rồi Vạn Lại (nay ở xã Xuân Châu) – đều thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa – ít ra đã có hai đàn Nam Giao từng hiện hữu. Rất có thể đàn tế trời giữa thời loạn lạc kia được đắp bằng đất kiểu dã chiến chăng? Nếu thế, e nó đã tan hoang tự bao giờ! Sách Di sản văn hóa xứ Thanh do Nguyễn Văn Hảo và Lê Thị Vinh hợp soạn (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2003, trang 118) phản ánh thực trạng: “Rất đáng tiếc kinh đô Vạn Lại hiện nay chỉ là phế tích. Yên Trường hầu như bị hủy hoại hoàn toàn”.

Biết đâu nhờ may mắn, dấu vết một trong hai hay cả hai đàn Nam Giao giai đoạn Lê Trung hưng sẽ được phát hiện vào ngày đẹp trời nào đấy, tương tự trường hợp đàn Nam Giao nhà Hồ vừa xuất lộ tại huyện Vĩnh Lộc cùng tỉnh?

Thật ra, nước ta trong buổi nhiễu nhương Nam – Bắc triều, các vua nhà Mạc từ Đăng Dung, Đăng Doanh, Phúc Hải, Phúc Nguyên đến Mậu Hợp nếu tế Giao ắt cử hành tại Thăng Long. Vua nhà Hậu Lê thì có phen chẳng được chủ tế trời đất vì họ Trịnh soán mất “nghĩa vụ” ấy. Đại Việt sử ký toàn thư (sđd, tập III, trang 170) ghi nhận sự kiện năm Nhâm Thìn 1592: “Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 3, tiết chế Trịnh Tùng sai quan lập đàn sắm lễ, trai giới làm lễ tế trời đất, Thái Tổ cao hoàng đế và các vị hoàng đế của bản triều [nhà Lê] cùng các vị linh thần núi sông, các danh tướng xưa nay trong nước”. Tế xong, Trịnh Tùng chỉ huy quân sĩ Bắc tiến, chiếm lại thành Thăng Long, đuổi bắt Mạc Mậu Hợp để bêu đầu thị chúng, khử luôn Mạc Toàn (con của Mạc Mậu Hợp) lẫn Mạc Kính Chỉ.

Kê cứu thư tịch cổ, Trần Trọng Kim biên soạn Việt Nam sử lược (NXB Văn Hóa Thông Tin in lại, Hà Nội, 2002, trang 304) đã tóm tắt kết cục của nhà Mạc: “Từ đó nhà Mạc mất ngôi vua, ngày sau tuy Mạc Kính Cung nhờ có nhà Minh [Trung Hoa] bênh vực được về ở đất Cao Bằng, nhưng cũng là ở một chỗ nhỏ mọn gần biên thùy mà thôi”.

Tuy vậy, Mạc Kính Cung rồi Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ cũng nghênh ngang một cõi biên thùy những 84 năm ròng (1593 – 1677) với niên hiệu riêng theo thứ tự là: Kiền Thống, Long Thái, Thuận Đức. Chẳng rõ ba ông vua Mạc nọ có tổ chức tế Giao tại Cao Bằng? Nếu có, đàn Nam Giao nhà Mạc trên rẻo cao kia như thế nào và hiện còn dấu vết gì không?

(Còn nữa)