Điều tra của Merrill Lynch về tình hình đầu tư toàn cầu tháng 12/2008

Hôm 17-12, websíte www.ml.com của công ty quản lý và tư vấn tài chính hàng đầu thế giới Merrill Lynch công bố Báo cáo kết quả điều tra ý kiến các giám đốc quỹ đầu tư toàn cầu trong tháng 12 (Merrill Lynch’s Survey of Fund Managers for December). Bản báo cáo cho thấy tâm trạng cực kỳ bi quan của các nhà đầu tư đã có phần lắng dịu song nhiều người vẫn cho rằng chính quyền cần áp dụng những biện pháp kích thích tài chính mạnh hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn một nửa số người được hỏi ý kiến đã có đánh giá tốt về thị trường chứng khoán ở Mỹ và Trung Quốc.

Thời kỳ bi quan nhất đã trôi qua

Việc điều tra được thực hiện trong thời gian từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 12; đã hỏi ý kiến 196 giám đốc các quỹ đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Các quỹ này điều hành khoảng 582 tỷ USD tiền vốn. Nhưng đợt điều tra này chưa xét tới quyết định giảm lãi suất mới đây của FED.

Tỷ lệ số người dự đoán kinh tế toàn cầu năm 2009 sẽ xấu đi đã giảm xuống còn 36%, so với 60% trong tháng 10. Hơn 25% ý kiến cho rằng kinh tế thế giới năm 2009 sẽ có chuyển biến tốt, nhưng đa số vẫn nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sút kém. Mức độ giữ tiền mặt bình quân là 5,5%, cao hơn mức 5,1% của tháng 11, và là cao nhất kể từ 2001. Các giám đốc phổ biến cho rằng hiện nay giá cổ phiếu đã thuộc vào loại rẻ dù là giá tuyệt đối hay tương đối.

Gary Baker trưởng bộ phận sách lược chứng khoán EMEA của Merrill Lynch nói: “Sau hai tháng cực kỳ bi quan đã có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu dần dần tươi tỉnh lại. Sự cải thiện không khí thị trường, tỷ trọng tiền mặt cao và việc chính quyền Mỹ từ 1-2009 sẽ thực thi kích thích tài chính quy mô lớn – tổng hoà các yếu tố này đem lại hy vọng thị trường năm mới sẽ phấn chấn hơn.”

Thiệt hại tổng cộng gần 1000 tỷ USD

53% giám đốc được hỏi tỏ ý rất có thể trong 12 tháng tới họ sẽ tăng mua chứng khoán Mỹ, nhưng rất có thể sẽ giảm mua chứng khoán Anh và châu Âu.

Từ 20-11 trở đi chỉ số thế giới MSCI bao hàm các thị trường phát triển chính đã tăng trở lại 15%, chủ yếu nhờ các nước đã áp dụng những biện pháp mạnh kích thích kinh tế. Song cho tới nay chỉ số này vẫn còn rớt khoảng 46% so với trước kia. Do tác động của cơn sóng thần tài chính, các thiết chế tài chính tiền tệ trên toàn cầu đã bị thiệt hại tổng cộng gần 1000 tỷ USD; các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật rơi toàn diện vào cảnh suy thoái tồi tệ nhất kể từ đại chiến II.

Các giám đốc tỏ ý trong 12 tháng tới sẽ tăng đầu tư vào 4 ngành: y tế-sức khoẻ, thông tin, sự nghiệp công cộng và hàng tiêu dùng số lượng lớn.

Tránh né các thị trường mới nổi lên

Đáng chú ý là lần điều tra ý kiến này cho thấy nhiều nhà đầu tư toàn cầu có ý định né tránh các thị trường mới nổi lên – ý kiến này chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm nay. 17% (mức cao nhất kể từ 2001) giám đốc được hỏi tỏ ý trong 12 tháng tới họ sẽ giảm bớt đầu tư vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi lên; tỷ lệ này trong tháng 11 là 6%. Michael Hartnett trưởng nhóm chuyên gia chiến lược cổ phiếu các thị trường mới nổi lên của Merrill Lynch nói: “Sẽ là một điều ngạc nhiên lớn với các giám đốc quỹ toàn cầu nếu các thị trường mới nổi lên qua mặt được thị trường cổ phiếu Mỹ năm 2009.”

Trung Quốc vẫn được coi là sự lựa chọn ưa thích

Thế nhưng thị trường cổ phiếu Trung Quốc vẫn được không ít người lựa chọn đầu tiên. 50% người được hỏi ý kiến tỏ ý hy vọng trong 12 tháng tới sẽ tăng phần nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc dù rằng 80% ý kiến vẫn dự đoán kinh tế nước này năm 2009 sẽ hạ nhiệt. Hartnett nói: “Sự hạ nhiệt kinh tế ngược lại sẽ gián tiếp thúc đẩy các nhà đầu tư coi trọng thị trường cổ phiếu Trung Quốc. Đó là nhờ chính sách kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc và việc giá cả ở nước này liên tục hạ đem lại những hứa hẹn tốt.”

Hartnett nhấn mạnh: phần lớn giám đốc quỹ đầu tư được hỏi đều có ý định mua cổ phiếu của Trung Quốc và Brazil, bán ra cổ phiếu của Argentina và Hàn Quốc. Trong báo cáo tuần trước, Hartnett tỏ ý Trung Quốc là thị trường mới nổi lên được Merrill Lynch lựa chọn đầu tiên vì giá cố phiếu “rẻ” và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2009 cao hơn các nước khác. Ngoài ra, chính sách kích thích kinh tế mạnh, hối suất đồng Nhân dân tệ ổn định và tình hình tài chính của người tiêu dùng chưa bị tác động nặng từ khủng hoảng cũng là các lý do Merrill Lynch coi trọng thị trường cổ phiếu Trung Quốc.

Cho tới nay chỉ số chứng khoán Thượng Hải-Thâm Quyến sụt chừng 60%, còn chỉ số chứng khoản chuẩn của Brazil giảm 40%.

Một số chuyên gia coi trọng thị trường mới nổi lên cho rằng do các thị trường các nước đang phát triển bị suy giảm nặng hơn các thị trường các nước phát triển cho nên khi phục hồi cũng sẽ phục hồi với biên độ lớn hơn.

Nguyên Hải