Sư Vạn Hạnh (?-1025)

Thiền sư đời Tiền Lê, họ Nguyễn, không rõ tên thật, quê ở làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, nay là Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Ông tinh thông Tam giáo, sùng đạo Phật, được nhân dân tôn gọi theo pháp danh là Sư Vạn Hạnh.

Năm 21 tuổi, ông vào tu ở chùa Lục Tổ, Bắc Ninh. Vua Lê Đại Hành quí trọng xem ông như cố vấn tối cao, thường lắng nghe ý kiến đóng góp của ông trong việc chống ngoại xâm. Là người nhận thấy sự suy vong của nhà Tiền Lê thời Lê Ngọa Triều nên ông đã ủng hộ Lý Công Uẩn dựng nên nhà Lý. Do vậy, khi Lý Công Uẩn lên ngôi, ông càng được trọng đãi, phong làm Quốc sư. Ông đóng góp cho triều đình nhà Lý và Phật giáo giai đoạn ấy những ý kiến tâm huyết để phát triển đất nước. Chính ông đã nối truyền tâm ấn, trở thành thế hệ thứ mười hai dòng thiền Nam Phương. Ông mất năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), tại thế khoảng 80 năm, vua Lý Thái Tổ thân đến viếng, sai lập đàn siêu độ. Tương truyền Vạn Hạnh là tác giả nhiều bài sấm ký thời ấy, và có bài kệ lưu lại, qua bản dịch của Ngô Tất Tố như sau:

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

THAM KHẢO: Sư Vạn Hạnh, VĂN HOÁ PHẬT GIÁO SỐ 10 -THÁNG 11-2005


Đường Sư Vạn Hạnh là một trong những con đường khá lớn ở TP Hồ Chí Minh, kéo dài từ Q.5 đến Q.10, nối liền đại lộ 3 Tháng 2 với đại lộ An Dương Vương, xuyên qua đường Hùng Vương và Lý Thái Tổ. Con đường được mang tên một vị Thiền sư, một nhà văn hóa, giáo dục tiêu biểu của dân tộc, sống vào thời nhà Tiền Lê và đầu thời nhà Lý: Thiền sư Vạn Hạnh (?-1025).

Sách Thiền Uyển Tập Anh cũng như các bộ chính sử của nước ta đều có ghi rõ tiểu sử và công hạnh của ngài. Thiền sư họ Nguyễn, người châu Cổ Pháp, hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (nay là làng Đình Bảng, Thuận Thành, Bắc Ninh), xuất thân trong một gia đình đời đời tín Phật. Thuở nhỏ, ngài đã có tư chất khác thường, tinh thông Tam học, nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi, xuất gia với Thiền Ông ở chùa Lục Tổ. Sau khi thầy qua đời, Thiền sư dốc chí luyện tập môn Tổng trì Tam muội, từ đó lời nào ngài nói ra cũng đều rất ứng nghiệm.

Hoàng đế Lê Đại Hành (980-1005) rất mực kính mộ Thiền sư, vua nhiều lần thỉnh ngài vào triều để bàn bạc quốc sự, tham vấn kế sách đối phó với giặc Tống ở phương Bắc cũng như giặc Chiêm Thành ở phía Nam. Thiền sư Vạn Hạnh chính là người đã dày công giáo dưỡng Lý Thái Tổ (1010-1028) ở trong chùa từ nhỏ, lúc vua còn là chú tiểu Lý Công Uẩn, theo nghĩa phụ Lý Khánh Văn đến chùa Tiêu Sơn học đạo. Khi thấy Lê Long Đĩnh (1005-1009) bạo ngược, trăm họ sống trong cảnh lầm than, bấy giờ Lý Công Uẩn đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ nhà Lê, Thiền sư đã vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra nhà Lý. Và về sau, cũng chính Thiền sư đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Thăng Long, để tính kế phồn thịnh muôn đời cho con cháu.

Ngày rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh Xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).

Cảm mộ đức hạnh của Thiền sư, về sau, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ truy tán rằng:

“Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua”

(Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ)

Tháng 10 vừa qua, cả nước hướng về kỷ niệm 995 năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2005). Tôi dạo khắp Hà Nội ba mươi sáu phố phường, qua phố Nhà Chung, phố Nguyễn Trường Tộ,... mà chẳng thể tìm thấy một con đường nào được mang tên Thiền sư Vạn Hạnh, người đã cùng Lý Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng Long, suốt đời tận tụy với sự nghiệp “Hộ quốc an dân”, và từng được xưng tán là “Chống gậy thiền trấn giữ kinh vua” thuở nào...!

Bất giác, bên tai tôi như còn vang vọng lời Thiền sư căn dặn đệ tử trước lúc thị tịch: “Các con muốn đi đâu? Thầy không nương vào chỗ trụ để trụ, cũng không lấy chỗ vô trụ để trụ”. Và mặc dù, trên Long vị thờ Thiền sư tại chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh, hiện còn ghi dòng chữ: “Lý triều nhập nội Tể tướng Lý Vạn Hạnh Thiền sư thần vị”, nhưng chúng ta biết rằng, đối với Thiền sư, mọi thứ vinh hoa phú quý phù du ở đời, mãi mãi chỉ là một “giọt sương rơi đầu cành” mà thôi!

Phước Cảnh