Trang nhà > Lịch sử > Cổ đại > Alexandre Đại đế (356-323 TCN)
Alexandre Đại đế (356-323 TCN)
Thứ Hai 3, Tháng Chín 2007
Alexandre Đại đế là một trong những kẻ xâm lược lớn nhất thời cổ đại mặc dù tên ông có nghĩa là «Bảo hộ con người». Ông sinh ngày 21-7-356 TCN tại Pella, kinh đô nước Maxêđonia cổ, mất ngày 13-6-323 TCN ở tuổi 34 tại Babylon, kinh đô đế quốc Ba Tư.
Tuổi trẻ
Thủa niên thiếu Alexandre rất ham học và thường ngủ với cuốn trường ca Iliade (1) bên gối. Thầy của ông là nhà hiền triết Hy Lạp Aristôt.
Lên 16 tuổi Alexandre đã được nhiếp chính với quyền hành và ấn tín của vua cha là Philip đệ nhị. Không bao lâu sau, ông dẫn đầu quân đội và khống chế được dân xứ Maides. Năm 336 TCN, Philip bị một người Maxêđonia ám sát. Alexandre lên ngôi khi mới 20 tuổi và phải đương đầu với nhiều thế lực chống đối ngay trong nước.
Lúc bấy giờ, các thành phố Tiểu Á như Ephez, Milet đang hoàn toàn do quân Ba Tư (2) thống trị và các thành bang Hy Lạp khác thường bị đột nhập từ biển Egie. Alexandre tự phong cho mình làm tư lệnh "Liên minh Corinth" (3). Năm 335 TCN Alexandre can thiệp vào miền Bắc Balkan (4) để dẹp các cuộc nổi loạn của dân xứ Thrace và khi trở về Maxêđonia, ông lại dập tắt cuộc khởi nghĩa của dân Hy Lạp tại Thebes, tàn phá cả thành phố chỉ trừ các đền thờ, dân chúng thì bắt làm nô lệ.
Truyền thuyết kể rằng hồi đó có cái gút dây làm bằng vỏ cây thù du, quấn chặt một cách lạ lùng. Nghe đồn hễ ai gỡ được sẽ làm bá chủ châu Á, Alexandre gỡ không được bèn lấy kiếm chặt làm hai khúc.
Mở đầu Đế quốc Alexandre
Tháng 5-334 TCN, Alexandre bắt đầu đánh Tiểu Á và thắng quân Ba Tư tại Granicus. Sardes, kinh đô xứ Phrygia phải mở cửa cho Alexandre vào. Quân đội Ba Tư cũng buộc rút khỏi thành Ephez, rồi thành Milet được giải phóng về Hy Lạp vào tháng 7-334 TCN. Chính quyền được thiết lập nhanh chóng do nền hành chính cũ ở các thành phố đó được giữ nguyên, chỉ trừ việc một chế độ dân chủ kiểu Athen được thành lập với người Hy Lạp và Maxêđonia nắm giữ các chức vụ chính.
Hè-Thu năm 334 TCN. Alexandre cho quân bao vây thành Halicarnasse. Cuối năm 334 TCN đầu năm 333 TCN ông tiếp tục đi xa, lần lượt chiếm xứ Lycia, Pamphylia và Pisidia. Rồi Alexandre chuyển hướng và lại thắng quân Ba Tư tại Issos (Syria ngày nay). Đội ngũ Ba Tư rất đông, có nguồn nói là 300 000 quân, cũng có nguồn cho là 600 000. Vua Ba Tư là Darius đệ tam buộc phải vừa đánh vừa chạy, bỏ lại cả mẹ, vợ và ba con cùng với áo, cung tên và xe của mình.
Chinh phục xứ Phenicia và Ai Cập
Alexandre làm chủ được Tiểu Á bèn tiến xuống phía Nam đánh xứ Phenicia (Li-băng ngày nay). Thành Sidon mở cửa đầu hàng, ngược lại thành Tyr anh dũng chống lại quân Maxêđonia. Tyr bị vây trong 7 tháng kể từ đầu năm 332 TCN và chỉ sau nhiều trận thua thì cuối cùng quân Alexandre mới vượt được qua thành lũy của kinh đô này.
Sau khi vượt qua dải Gaza, Alexandre chiếm được xứ Ai Cập ở châu Phi vào mùa thu năm 331 TCN mà không gặp trở ngại nào hết, thậm chí kinh đô Memphis còn vui mừng vì đuổi được bạo chúa Ba Tư. Alexandre hành hương đến ốc đảo Siwah giữa sa mạc, để hỏi nhà tiên tri Amon về "đế quốc toàn cầu". Ông cho xây thành phố Alexanđria trong châu thổ sông Nil, sau này trở thành một kinh đô của Ai Cập.
Tiến về Babylon và Persepolis
Mùa Xuân năm 331 TCN, quân của Alexandre đi về phía đông, nơi vua Darius đóng tại Babylon với khoảng một triệu quân. Trên một cánh đồng rộng gần làng Gaugameles, ngày 1-10 hai bên đụng độ, binh của Alexandre vượt qua sông Tigre và làm chủ tình hình. Thêm một lần nữa Darius chạy trốn, để lại gần 100 tấn bạc và cửa thành mở rộng.
Alexandre thắng trận tiến vào kinh đô Ba Tư nhưng cư xử khác với các thành phố khác: người Hy Lạp không chiếm đoạt quyền hành của người Ba Tư: thí dụ như Maze, tổng đốc Babylon, được thay chỗ của Darius. Cuối tháng Chạp, thành Suse đầu hàng trong cùng điều kiện và một người Ba Tư trở thành tổng đốc của đô thị này. Kho báu của Alexandre lại tăng thêm hàng trăm tấn vàng.
Cuối năm 331 TCN, Alexandre nhằm hướng đi Persepolis và sau những chiến thắng dọc đường đã đến trước cửa thành này vào tháng Giêng năm 330. Ông vào thành mà không gặp một phản kháng nào hết nhờ liên kết với Tiridates người Ba Tư bằng cách hứa cho cai trị thành phố này. Quân Maxêđonia cướp bóc đốt phá thành phố, đàn ông bị tàn sát, đàn bà bị làm nô lệ. Sau đó Alexandre chiếm Pasargades, kinh đô cũ của Ba Tư nằm cách Persepolis 40 km.
Thế chân Darius
Từ khi bại trận ở Gaugameles, Darius trốn trong núi Media, tỉnh Ectabane. Nơi đó ông có ý định thành lập quân đội với số người còn sót lại nhưng bị đảo chính. Tháng 7-330 TCN, khi Alexandre đến gần, Bessos, tổng đốc tỉnh Bactriane đã ám sát Darius. Alexandre bèn lợi dụng cơ hội này để tăng uy tín của mình bằng cách cho người truy tìm kẻ giết vua.
Alexandre được phần lớn giới quý tộc Ba Tư tôn làm vua mới của nước họ. Ông theo phong tục Ba Tư lập một hậu cung với 365 cung tần và dùng ấn tín của Darius. Mùa Xuân năm 329 TCN ông đi dọc theo thung lũng Panshir (nay là Afghanistan) đến Bactriane để đánh Bessos. Những kẻ phản bội bắt Bessos đem nộp. Ông bị cắt mũi, tai trước khi bị đưa ra tòa án ở Ectabane và xử tử. Trong những năm kế tiếp, Alexandre đàn áp những người nổi dậy ở xứ Saces và Massagetes, trải rộng đế quốc mình cho tới tận miền Sogdiane. Mùa Xuân năm 327 TCN, ông đi về phía sông Indus (Pakistan ngày nay).
Alexandre càng ngày càng theo phong tục Ba Tư. Trong một bữa tiệc rượu, bạn thời niên thiếu của ông có ý chỉ trích. Tức giận, ông đứng dậy và giết bạn bằng chính bàn tay mình.
Alexandre truyền bá văn minh Hy Lạp khắp đế quốc và đồng hóa dân bản xứ bằng cách lập gia đình với người địa phương: 10 000 quân lính Hy Lạp đã cưới cùng một lúc những người vợ Ba Tư. Các tướng được cưới vợ thêm và chính ông cũng cưới thêm để làm gương: mùa Đông 328-327 TCN, Alexandre kết hôn với Roxane, con gái một nhà quý tộc Ba Tư.
Trở về và chết
Hè năm 326 TCN, Alexandre tiếp tục cuộc chinh phục đế quốc Ba Tư và đánh sang miền Tây Bắc Ấn Độ ngày nay với chiến thắng trước vua xứ Pendjab là Poros. Nhưng khi đến bờ sông Hyphase (Beas), binh sĩ từ chối không chịu tiến nữa. Bắt đầu khởi hành 9 năm trước từ Hy Lạp họ đã đi 20 ngàn cây số và nay muốn trở về với gia đình. Gần Nice và Bucephalia, Alexandre cho xây chiến thuyền để một đoàn binh sĩ của ông trở về vịnh Ba Tư bằng đưởng biển. Một đoàn khác do ông cầm đầu, đi theo dọc bờ biển và đoàn quân thứ ba đi theo đường cũ. Cả ba đoàn quân đều gặp khổ sở, thiếu nước và thực phẩm. Mãi năm 324 TCN, họ mới về đến thành Suse.
Alexandre di chuyển giữa các thành phố và sắp đặt lại chính quyền theo hướng người cai trị có thể là quan văn, quan võ, hay quan thu thuế. Quyền hành không bao giờ tập trung ở một nguời mà chia ra cho nhiều người và được tổ chức theo lối kiểm soát lẫn nhau trong chế độ hành chính địa phương tự trị. Ông cho mở mang kinh tế, chấn hưng nông nghiệp và kỹ nghệ bằng cách xây thêm những bến tàu, đường sá, sông đào, biến sa mạc thành đồng làng, trồng oliu, nho... Nhưng ngày 3-06-323 TCN, sau một bữa tiệc, ông bị sốt nặng và mất ngày 13 tiếp đó (*).
Kết luận
Trong khoảng thời gian là 10 năm, Alexandre đã tạo dựng một đế quốc khổng lồ, tiêu diệt hoàng gia Ba Tư, nhưng ông không có con nối dõi. Cuộc viễn chinh của Alexandre Đại đế, bên cạnh giết phá cướp bóc, đã mang lại cho những nước bị chiếm ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp.
Đế quốc của Alexandre bắt đầu từ biển Adriatic đến sông Gange (Hằng Hà), từ Hắc Hải đến vịnh Ba Tư, từ sông Danube đến sa mạc Libya. Alexandre chọn Suse và Babylon làm hai kinh đô và để giữ trật tự, ông phải dùng chính sách vừa rắn vừa mềm với thủ đoạn mua chuộc. Và muốn dân trung thành, ông cho thần thánh hóa cá nhân mình.
CHÚ THÍCH
(1) Sử thi nổi tiếng nhất thời cổ Hy Lạp cùng với Odysse, tương truyền đều của nhà thơ Homer.
(2) Đế quốc Ba Tư (Persia) chủ yếu bao gồm đất của Iran và Iraq ngày nay.
(3) Liên minh Corinth vốn do vua Philip đệ nhị nhóm họp các thành phố và quốc gia Hy Lạp vào năm 338 TCN nhằm chống lại Ba Tư.
(4) Bán đảo lớn ở miền Nam châu Âu, ngày nay bao gồm Hy Lạp, Albania, Serbia, Croatia, Slovenia, Romania, Bulgaria...