Đỗ Phủ (712-770) và Thu hứng
Đỗ Phủ 杜 甫 tự Tử Mỹ, sinh năm 712 trong một gia đình quý tộc sa sút (tự cho là dòng dõi vua Nghiêu), quê quán chỉ biết ở gần Lạc Dương (kinh đô thứ hai của nhà Đường), nay thuộc tỉnh Hà Nam.
Nhiều chi tiết về đời Đỗ Phủ được bộc lộ qua các bài thơ của ông. Mẹ Đỗ Phủ mất từ khi ông còn rất bé, và ông đã được thím nuôi một thời gian. Người anh trai của ông mất sớm. Ông còn có ba em trai và một em gái khác mẹ, họ cũng được nhắc tới trong thơ của ông, trừ bà mẹ kế.
Năm 20 tuổi, Đỗ Phủ bắt đầu thăm Giang Tô, Triết Giang - hai vùng giàu đẹp miền Nam sông Dương Tử. Năm 24 tuổi, ông trở về Lạc Dương dự thi nhưng không đỗ, rồi tiếp tục du lịch khắp các vùng Sơn Đông, Hà Bắc.
Cha ông mất khoảng năm 740. Theo cấp bậc của cha, Đỗ Phủ có thể được phép nhận một chức quan văn, nhưng ông nhường cho một người em. Bốn năm sau đó ông sống ở quê nhà để giữ hiếu.
Năm 744, Đỗ Phủ gặp Lý Bạch ở Lạc Dương và trở thành bạn thân, dù Lý Bạch đã nổi tiếng trên văn đàn và hơn Đỗ Phủ đến 11 tuổi. Hai ông viết nhiều bài thơ về nhau. nhưng chỉ gặp lại nhau một lần nữa vào năm sau.
Năm 746, Đỗ Phủ đến Trường An (kinh đô thứ nhất của nhà Đường) dự thi nhưng lần này cũng bị quan chấm thi đánh hỏng. Từ đó ông không bao giờ thi nữa mà chỉ cầu vua. Ông lấy vợ khoảng năm 752, và tới 757 đã có 5 con (3 trai 2 gái) — nhưng một cậu bị chết năm 755.
Năm 751, vua Huyền Tông tổ chức ba cuộc tế lễ lớn, ông làm ba bài Đại lễ phủ dâng lên, nhờ đó mà có một chức quan nhỏ coi vũ khí. Trước khi nhậm chức, ông trở về Lạc Dương thăm nhà. Khi qua Ly Sơn, ông thấy vua cùng Dương Quý Phi tránh rét ở đó, ngày đêm yến tiệc vui chơi. Về đến quê hương, ông lại gặp cảnh con thơ chết đói.
Từ năm 754 ông bị bệnh phổi. Tháng 12-755, viên tướng người Hồ là An Lộc Sơn khởi loạn. Năm 756 Huyền Tông buộc phải thoái vị, bỏ kinh đô tháo chạy. Đỗ Phủ, khi ấy đã rời kinh đô, đưa gia đình lánh nạn rồi tìm theo triều đình mới của Túc Tông. Trên đường đi ông bị quân nổi loạn bắt đưa về Trường An. Tới mùa thu, con trai út của ông ra đời. Có lẽ thời gian này ông bị bệnh sốt rét.
Năm 757 ông trốn khỏi Trường An, được Túc Tông cho giữ chức Tả thập di vào tháng 5 nên có cơ hội gặp vua. Nhưng Đỗ Phủ nhanh chóng gặp rắc rối khi dâng thư can gián việc loại bỏ tể tướng Phòng Quán [1] chỉ vì một lỗi nhỏ, sau đó chính ông cũng bị giam nhưng được thả ngay tháng 6. Tháng 9-757 ông được phép về gặp gia đình, rồi trở lại triều ngày 8-12. Ông về Trường An sau khi quân triều đình tái chiếm nó. Song những lời can gián của ông vẫn không hợp tai vua và hè năm 758 ông bị giáng cấp làm Tư công tham quân ở Hoa Châu.
Năm 760 sáu tuần sống tại Tần Châu (Cam Túc) giúp ông sáng tác 60 bài thơ trước khi tới Thành Đô (Tứ Xuyên). Mùa thu 760 ông rơi vào cảnh túng quẫn phải gửi thư xin giúp đỡ ở những người quen biết. Ông được tổng trấn Thành Đô là Nghiêm Vũ, một người bạn đồng môn cho làm trợ lý. Nhiều bài thơ ông sáng tác trong thời kỳ này tả lại cuộc sống thanh bình trong "thảo đường". Năm 762 ông rời Thành Đô tránh loạn, chỉ quay lại vào hè 764 và được chỉ định làm Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang, tham gia chiến dịch chống quân Tây Tạng.
15 năm cuối đời Đỗ Phủ hầu như không ngừng biến động. Loạn lạc làm giảm 70% dân số chỉ trong vòng chục năm [2]. Trải qua bao cảnh đói nghèo vất vả, ông đồng cảm với nhân dân li tán và khổ sở vì đi lính, đi phu. Thời gian này, ông sáng tác được nhiều bài thơ nổi tiếng mô tả đau thương của xã hội và sự thối nát của vua quan, đồng thời nói lên hoài bão của mình muốn đóng góp cho nước, cho đời.
Cuối năm 770 Đỗ Phủ mất trong một chiếc thuyền nhỏ rách nát trên dòng sông Tương tại Đàm Châu 潭 州 (nay là Trường Sa), ở tuổi 59. Vợ và hai con trai ông vẫn ở tại đó thêm ít nhất hai năm nữa. Hậu duệ cuối cùng còn được biết của ông là một người cháu, đã đề nghị Nguyên Chẩn viết bài minh trên mộ Đỗ Phủ năm 813.
Thơ Đỗ Phủ
Từ thời nhà Tống người ta đã gọi thơ Đỗ Phủ là thi sử 詩 史 và gọi ông là Thi thánh.
Các nhà phê bình Trung Quốc thường dùng từ Tập đại thành [3] 集 大 成 cho trước tác của ông. Nguyên Chẩn nói Đỗ Phủ "đã thống nhất trong tác phẩm của mình những nét tiêu biểu mà người trước mới chỉ đề cập riêng lẻ". Ở bất cứ hình thức nào ông đều mang lại những tiến bộ vượt bậc hay đóng góp những ví dụ mẫu mực. Hơn nữa, thơ ông có phạm vi sử dụng từ vựng rộng lớn, từ cách nói trực tiếp và thông tục cho đến cách nói bóng bảy văn chương.
Nội dung chính trong thơ cũng thay đổi khi ông phát triển phong cách của mình để thích hợp với hoàn cảnh xung quanh. Những bài thơ sáng tác trong giai đoạn ở Tần Châu đơn giản đến tàn nhẫn, phản ánh quang cảnh hoang tàn. Những bài thơ giai đoạn ở Thành Đô nhẹ nhàng và đẹp đẽ, trong khi ở cuối giai đoạn Quỳ Châu đậm chi tiết và có tính dự báo.
Dù sáng tác ở mọi thể loại thơ, Đỗ Phủ nổi tiếng nhất ở cận thể thi, một kiểu thơ có nhiều ràng buộc về hình thức và số lượng từ trong câu. Hai phần ba trong khoảng 1500 tác phẩm hiện còn của ông là ở thể này.
Sinh thời và ngay sau khi mất, Đỗ Phủ không được đánh giá cao vì những đổi mới trong phong cách và hình thức thơ ông. Một số bị coi là quá táo bạo và kỳ cục. Nhưng Bạch Cư Dị đã ca ngợi những tình cảm đạo đức trong một số tác phẩm của Đỗ Phủ, rồi Hàn Dũ đã viết bài bênh vực mỹ học trong thơ Đỗ Phủ và Lý Bạch. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Đỗ Phủ đối với thi ca Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, và tới thế kỷ sau ông đã trở nên rất nổi tiếng.
Tới thế kỷ 11, trong giai đoạn Bắc Tống, danh tiếng Đỗ Phủ lên tới cực điểm. Thơ Đường được đánh giá lại một cách toàn diện, theo đó Vương Duy, Lý Bạch và Đỗ Phủ lần lượt được coi là đại diện cho 3 xu hướng Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo. Lúc ấy, sự phát triển của Tống nho đã đặt Đỗ Phủ lên vị trí cao nhất, vì trong cả cuộc đời, ông đã không vì đói nghèo cùng khổ mà quên đi quân vương của mình. Ảnh hưởng của ông càng tăng do khả năng hòa hợp những mặt đối lập: phe bảo thủ chính trị bị thu hút bởi sự trung thành của ông với hệ thống tôn ti trật tự sẵn có, còn phe cải cách nắm lấy mối quan tâm của ông đối với đời sống dân nghèo.
Thu hứng
Năm 766 tại Quỳ Châu (Tứ Xuyên), Đỗ Phủ làm tám bài Thu hứng (Thu hứng bát thủ 秋 兴 八 首) sau khi Nghiêm Vũ chết.
Thu hứng 1
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn, Vu Giáp [4] khí tiêu sâm
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ [5]
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao [6] cấp mộ châm
Dịch nghĩa:
Móc ngọc tơi bời ở rừng phong
Khí ở núi Vu và kẽm Vu ảm đạm mịt mờ.
Trên sông, nước và trời cùng trôi chảy,
Ngoài ải, gió và mây liên tiếp mù đất.
Cúc từng chòm nở hai lần dòng lệ xưa,
Thuyền lẻ loi buộc chặt mối tình quê cũ.
Nơi nơi giục giã dao thước may áo rét,
Tiếng chày chiều dồn dập thành cao Bạch Đế.
Bản dịch của Nguyễn Công Trứ [7]
Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
Thu hứng 2
Quỳ phủ cô thành lạc nhật tà
Mỗi y Bắc Đẩu [8] vọng kinh hoa
Thính viên thực hạ tam thanh lệ [9]
Phụng sứ hư tùy bát nguyệt tra [10]
Họa tỉnh [11] hương lô vi phục chẩm
Sơn lâu phấn điệp ẩn bi già
Thỉnh khan thạch thượng đằng la nguyệt
Dĩ ánh châu tiền lô địch hoa
Dịch nghĩa:
Ánh chiều tà chiếu xuống thành phủ Quỳ cô đơn,
(Ta) thường dõi sao Bắc Đẩu ngóng về kinh đô.
Nghe vượn kêu ba tiếng, rơi nước mắt,
Đi sứ theo bè, tám tháng thật uổng công !
Nhớ lò hương nơi dinh vẽ, ôm gối không ngủ,
Từ tường vôi lầu canh trên núi, vọng tiếng kèn buồn.
Xem trăng qua bóng cây leo dọi trên mặt đá,
Đã lấp lánh trên bông lau ngoài bãi sông.
Bản dịch của Đông Tỉnh:
Chiều tà Quỳ phủ đứng chơ vơ
Bắc Đẩu trông sao hướng đế đô
Ba tiếng vượn kêu trào lệ thực
Nửa năm theo sứ uổng bè mơ
Lò hương dinh vẽ, chăn thao thức
Vách phấn lầu canh, trống thẫn thờ
Mặt đá cây leo trăng dọi bóng
Hoa lau bàng bạc sáng bên bờ
Thu hứng 3
Thiên gia sơn quách tĩnh triêu huy
Nhật nhật giang lâu tọa thúy vi [12]
Tín túc ngư nhân hoàn phiếm phiếm,
Thanh thu yến tử cố phi phi,
Khuông Hành [13] kháng sớ công danh bạc,
Lưu Hướng [14] truyền kinh tâm sự vi.
Đồng học thiếu niên đa bất tiện,
Ngũ Lăng [15] cừu mã tự khinh phì [16]
Bản dịch của Chi Điền:
Xóm làng sườn núi ánh triêu dương
Trên gác bên sông ngắm bốn phương
Đêm nói thuyền ngư dông mặt nước
Thu xanh chim én liệng trời trong
Khuông Hành dâng sớ, công danh chậm
Lưu Hướng truyền kinh, tâm chẳng an
Bạn học thiếu thời đều hiển đạt
Ngũ Lăng xa mã sống vinh quang.
Thu hứng 4
Văn đạo Trường An tự dịch kỳ,
Bách niên thế sự [17] bất thăng bi.
Vương hầu đệ trạch giai tân chủ,
Văn vũ y quan dị tích thì.
Trực bắc quan san kim cổ chấn,
Chinh tây xa mã vũ thư [18] trì.
Ngư long tịch mịch thu giang lãnh,
Cố quốc bình cư hữu sở ti (tư).
Dịch nghĩa:
Nghe nói Trường An tựa như bàn cờ
Trăm năm thế sự thăng trầm thật đau buồn
Phủ đệ của các vương hầu nay có chủ mới
Mũ áo quan văn võ khác kiểu dáng xưa
Chấn động trống chiêng qua ải núi canh phía Bắc
Dồn dập ngựa xe đưa tin trận chiến dẹp miền Tây
Rồng cá nằm im dưới sông thu lạnh lẽo
Đau lòng nghĩ về nước cũ sống thanh bình.
Bản dịch của Đông Tỉnh:
Nghe nói Trường An tựa cuộc cờ,
Trăm năm thế sự xót xa chưa?
Vương hầu phủ đệ thay người mới,
Văn võ triều quan bỏ áo xưa.
Giữ Bắc, cửa non rền trống gióng,
Chinh Tây, xe ngựa rộn tin đưa.
Cá rồng im lặng, sông thu lạnh,
Nước cũ an cư, bụng quặn lo.
(còn tiếp...)
[1] bạn và người bảo trợ của Đỗ Phủ
[2] Năm 754 Trung Quốc có 52,9 triệu người, năm 764 chỉ còn 16,9 triệu.
[3] theo lời Mạnh Tử dành cho Khổng Tử
[4] Một vùng núi ở Quì Châu
[5] Đỗ Phủ rời Thành Đô, định đi Giang Lăng nhưng bị kẹt ở Quỳ Châu và Vân An, được thấy cảnh mùa thu ở hai vùng này nên gọi là "tùng cúc lưỡng khai" (cúc tượng trưng cho mùa thu). Chữ "tha nhật" có nghĩa là ngày qua
[6] Bạch Đế thành nằm ở phía đông Quì Châu
[7] hoặc Phan Huy Vịnh ?
[8] có người ghi là Nam Đẩu
[9] Theo sách Thủy kinh chú, mỗi buổi sớm sương sa rừng lạnh, có tiếng vượn kêu. Người chài lưới ca rằng: "Ba đông tam hiệp Vu hiệp trường, viên minh tam thanh lệ chiêm thường" nghĩa là "Đất Ba đông có ba kẽm, kẽm Vu dài hơn cả. Nghe vượn kêu ba tiếng, lệ ướt áo"
[10] Nhắc đến Trương Khiêm thời Hán Vũ đế để chỉ Đỗ Phủ từng làm dưới trướng Nghiêm Vũ, nay Nghiêm mất, mà Đỗ ở đất Thục không về được.
[11] Họa tỉnh: Thời Hán, trong dinh quan thượng thư, trên vách thường vẽ các danh nhân.
[12] thúy vi: Sách Nhĩ Nhã nói núi từ xa ngó màu xanh gọi là thúy, gần thì màu nhạt đi gọi là vi.
[13] Khuông Hành: Người thường được vua Hán Nguyên Đế hỏi ý kiến.
[14] Lưu Hướng: Nhà nghiên cứu sách đời Hán Tuyên Đế.
[15] Ngũ Lăng: khu dinh thự quý tộc ở ngay bên ngoài hoàng thành Trường An.
[16] Cừu là áo lông. Lấy ý từ sách Luận ngữ "thừa phì mã, ý khinh cừu" nói cảnh giàu sang.
[17] Chuyện đời 100 năm, kể từ khi nhà Đường thay nhà Tùy.
[18] Vũ thư: Thư có gắn lông chim, thư khẩn.