Aristotle (384 TCN-322 TCN)

Aristotle

Tiểu sử tóm tắt

Aristotle sinh năm 384 TCN. tại Stagia miền bắc Hy Lạp. Bố ông là bác sĩ Nichomachus của hoàng gia Macedonia. Lúc đầu ông theo học ngành y. Năm 367 ông được gửi đến Athen học triết học với thầy Plato cho đến năm 347. Là một học sinh xuất sắc nên Aristotle được chỉ định đảm nhận một số bài giảng cho Plato.

Khi Plato qua đời, Aristotle không được chỉ định thay thế vị trí của Plato để điều hành học viện. Ông rời Athen và dành thời gian cho du lịch. Một số tài liệu cho rằng có thể ông đã học sinh học tại Asia Minor (vùng Tiểu Á, bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ) và các đảo của nó. Năm 338 ông trở về Macedonia làm thầy cho Alexander đại đế. Sau khi Alexander chiếm Athen, Aristotle quay lại Athen và lập trường học. Nhờ cuộc viễn chinh của Alexander, ông đã tiếp thu được rất nhiều tri thức từ nền văn minh Đông phương. (Xem thêm: Aristotle đạo văn từ Ai Cập?)

Khi Alexander chết, người Athen nổi dậy chống lại chế độ Macedonia, lúc đó Aristotle lâm vào tình khạng khó khăn về chính trị. Để khỏi phải chết, ông dời đến đảo Euboea và mất ở đó vào năm 322 tr.CN.

Nhà triết học cổ đại

Ông được cho là tác giả của khoảng 150 luận thuyết. Trong số đó, 30 luận thuyết được lưu lại đề cập đến nhiều lĩnh vực: từ sinh học, vật lý học đến đạo đức, mỹ học và chính trị. Mặc dù thầy của ông (Plato) đã đặt những giả thuyết về hiện thực, sự vĩnh cửu nhưng chỉ dựa trên nhận xét và suy luận. Aristotle xây dựng học thuyết dựa trên những thực tế trải nghiệm, thực nghiệm. Ông cho rằng sự vật, bao gồm cả những sinh vật, được cấu thành bởi vật chất có thực như một tảng đá hoa cương vẫn giữ tính chất của nó mặc dù đã được người thợ chạm làm thay đổi hình dạng. Một hạt giống hay một phôi thai có khả năng phát triển thành một cây hay một cơ thể động vật. Trong vật chất sống, hình dạng được xác định bởi "linh hồn": Cây cối có linh hồn dạng thấp nhất; động vật có linh hồn dạng cao hơn nên có cảm giác, và ở con người, có lý trí. Động vật được phân biệt với nhau bằng phương thức sống, cách hoạt động và quan trọng nhất là ở mối quan hệ với cá thể khác.

Những nghiên cứu và nhận xét của ông về động vật là những tổng hợp ở mức cao, được đánh giá nhiều thế kỷ sau khi ông mất. Những quan sát của ông về giải phẫu bạch tuộc, mực, động vật giáp xác và những động vật không xương sống ở biển tương đối chính xác và chỉ có thể tổng hợp được bằng cách mổ và quan sát trực tiếp. Ông mô tả quá trình phát triển của phôi gà; phân biệt cá voi và cá heo với các loại cá khác; mô tả dạ dày nhiều ngăn của động vật nhai lại; mô tả tính tổ chức của ong; cá mập đẻ ra cá con... nhưng nhiều quan sát của ông sau nhiều thế kỷ vẫn không được xác nhận.

Ông xếp các động vật có những đặc điểm tương tự nhau thành các giống và sau đó phân biệt các loài trong cùng một giống. Ông chia động vật thành hai nhóm: Nhóm có máu và nhóm không có máu (hoặc ít nhất là không có máu đỏ). Sự phân biệt của ông tương ứng với phân biệt của chúng ta sau này giữa động vật có xương sống và động vật không xương sống. Các động vật có máu bao gồm 5 loại: động vật có vú (vivaparous quadrupeds), chim, bò sát và lưỡng thê (oviparous quadrupeds), cá và cá voi (lúc đó ông không xếp cá voi vào với các động vật có vú). Các động vật không có máu bao gồm cephalopods (như bạch tuộc), giáp xác, côn trùng (gồm cả nhện, bọ cạp, rết), động vật có vỏ đá vôi (như thân mềm, da gai và các động vật hình cây - zoophytes).

Về khoa học trái đất: Ông đã đề cập đến trong học thuyết về khí tượng (meteorology) bao gồm những tổng hợp về sự tác động đến không khí, nước, các phần của trái đất. Ông mô tả trái đất và đại dương; nêu lý thuyết về sự thay đổi của trái đất; sự bốc hơi, ngưng tụ hơi nước, tạo mưa và trở về trái đất (chu kỳ của nước); bàn luận về gió, động đất (nhưng lúc đó ông cho động đất là do gió ngầm gây ra); mô tả sấm, chớp, cầu vồng, sao băng, sao chổi và ngân hà (ông cho là do hiện tượng không bình thường của khí quyến). Tổng hợp lại sẽ thấy trong những mô tả trái đất của ông có những ý tưởng hiện đại.

Vào cuối thời kỳ Trung cổ, những học thuyết của ông được phát hiện lại và được nhiều học giả thời đó tin tưởng, tôn sùng. Họ kết hợp các học thuyết của ông với học thuyết Cơ đốc giáo thành hệ thống triết học kinh viện (scholastism). Triết học Aristotle trở thành triết học chính thức của nhà thờ Thiên chúa Roma. Một số khám phá khoa học vào thời Trung cổ và thời Phục hưng bị chỉ trích đơn giản chỉ vì chúng không được tìm thấy trong các thuyết của Aristotle.

Lý luận về nhà nước

Aristotle được xem là “người sáng lập ra khoa học chính trị” tức chính trị học – khoa học chuyên nghiên cứu về quyền lực, chính thể, tổ chức và hoạt động của nhà nước. Ông đã dành gần hết cuộc đời mình để khảo cứu các thành bang Hy Lạp và Hiến pháp Aten để rút ra những kết luận khoa học mà tầm vóc của nó không chỉ dừng lại ở đương thời.

Ông cho rằng con người là một sinh vật xã hội (động vật chính trị). Con người chính trị tức là công dân của một nhà nước và được đặc trưng ở khả năng lập luận có lý lẽ (logos) và hành động có hợp tác (praxis). Khả năng lập luận hợp lý cho phép con người thể hiện được những điều mà không một con vật nào có thể làm được, nhờ khả năng này con người có thể phân biệt được đúng - sai, thiện - ác, chính đáng – bất chính, công bằng – bất công. Đó chính là cơ sở để con người có thể hiệp tác và liên kết với nhau nhằm xây dựng các thể chế chính trị mà cơ bản nhất là gia đình và các thành bang (polis).

Dưới con mắt của Aristotle, mọi công dân có đạo đức đều có quyền cai trị. Tuy nhiên, ông quan niệm rằng con người chính trị lý tưởng chỉ giới hạn ở những pháp quan và những ông vua thông thái, đó là những người có phẩm chất đạo đức ưu việt, vượt lên trên tất cả những người khác, có trí tuệ và kỹ năng lãnh đạo, dẫn dắt đám đông quần chúng. Những người nô lệ không có chỗ đứng trong thể chế chính trị, họ chỉ được coi là những “công cụ” và dành cho các công việc “hèn hạ”.

Từ sự quan sát nhà nước Athens cùng với nền dân chủ của nó, Aristotle khẳng định, thể chế chính trị là sự sắp xếp các pháp quan trong một thành bang, hay nói cách khác thể chế là một nhà nước trong thực tế. Theo Aristotle, nhà nước là một thực thể tự nhiên, từ các cá nhân hình thành gia đình, các gia đình liên kết nhau lại thành làng xã, nhiều làng xã liên kết nhau lại thành các thành bang, nhà nước.

Aristotle lập luận rằng, quá trình hình thành các thể chế, nhà nước là quá trình tự nhiên và nó có quan hệ chặt chẽ với khả năng suy lý và lập luận của con người, nhưng trên hết vẫn là khả năng và nhu cầu của con người về sự liên kết để tập hợp sức mạnh, thể hiện tự do và khát vọng dân chủ của mình.

Tham gia vào các thể chế chính trị, tự do của con người “dường như” bị hạn chế đi, kỳ thực không phải như vậy, đó là sự cộng đồng trách nhiệm, uỷ một phần quyền, một phần tự do của mình để được tự do lớn hơn, có sức mạnh hơn - tự do mang tính cộng đồng và có tổ chức, có khả năng hành động lớn hơn. Đó chính là nhà nước và nó cũng quy định ngược lại mục tiêu của các thể chế chính trị, nhà nước là để hiện thực hóa, bảo vệ và phát triển tự do dân chủ của con người.

Dựa trên dấu hiệu là số lượng và chất lượng của nền dân chủ, Aristotle phân chia thành 5 loại hình chính thể cơ bản:

  • Nhà nước Quân chủ: Quyền lực nhà nước nằm trong tay một người cai trị vì lợi ích chung.
  • Nhà nước Quý tộc: Quyền lực nhà nước nằm trong tay một số ít người có những phẩm chất tốt nhất, cai trị vì lợi ích chung.
  • Nhà nước Quả đầu: Là hình thức cai trị của một số ít người nhưng lại vì lợi ích riêng.
  • Nhà nước Cộng hòa: Các công dân cai trị thành bang vì lợi ích chung.
  • Chính thể Dân chủ: Cơ sở của dân chủ là tự do. Con người chỉ thực sự được tự do trong xã hội có dân chủ. Mục đích của chính thể dân chủ, thể chế dân chủ là phục vụ số đông, thể hiện ý chí của số đông dân chúng. Nó chính là nguyên tắc để xây dựng chính thể dân chủ, ngược lại cũng là thước đo đánh giá mức độ dân chủ của các thể chế chính trị.

(DT tổng hợp)