Nhà cách mạng

Trường Chinh (1907-1988)

Nhà thơ, nhà báo, nhà lý luận mác xít, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Tên thật là Đặng Xuân Khu, bút danh Sóng Hồng.

Sinh 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình Nho học, vừa khoa bảng vừa làm thầy thuốc. 1926, ông tham gia bãi khoá để truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh tại Nam Định, bị đuổi học, ông lên Hà Nội vào học ở Trường Cao đẳng Thương mại.

Năm 1927, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, ông được chỉ định vào Ban Tuyên truyền Cổ động TƯ Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó ông bị bắt và kết án 12 năm tù cầm cố đày đi Sơn La, nhưng đến cuối 1936 ông được trả tự do. Ông tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 7, năm 1940, ông được bầu vào BCH TƯ Hội nghị TƯ lần thứ 8, năm1941, ông được cử làm Tổng bí thư của Đảng, đồng thời làm chủ bút các báo Giải phóng, Cờ Giải phóng và Tạp chí Cộng sản.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử vào nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, như Tổng bí thư, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Tháng 7/1986, ông lại được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12 năm ấy làm Cố vấn Ban chấp hành TƯ Đảng.

Ông mất ngày 30-9-1988, để lại các tác phẩm chính:

  • Vấn đề dân cày (viết chung với Võ Nguyên Giáp) (1938)
  • Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (tháng 3 năm 1945)
  • Cách mạng Tháng Tám (1946)
  • Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947)
  • Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (1948)
  • Bàn về cách mạng Việt Nam (1951)
  • Thơ Sóng Hồng, tập I (1960), tập II (1974)

Ngoài ra ông còn viết: Công tác tư tưởng của Đảng, Tăng cường công tác báo chí của chúng ta, Về văn hoá văn nghệ, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Mấy vấn đề quân sự trong cách mạng Việt Nam, Chủ nghĩa Cộng sản mục đích và lý tưởng của Đảng, Về cách mạng tư tưởng và văn hoá, cùng nhiều bài chính luận khác.

Xin trích một bài trong tập thơ Sóng Hồng:

Đọc thơ Ức Trai

Đêm đông sương lạnh
Quanh nhà tiếng trùng ra rả
Dưới đèn đọc thơ Ức Trai
Canh khuya nói chuyện với người xưa
Và thức tỉnh một thời qua

Hơn năm trăm năm trước
Nhân dân ta vùng lên đuổi quân xâm lược
Ai chí khí hiên ngang
Hơn đời mưu lược
Cứu dân cứu nước, nhớ lời cha
Một lòng ưu ái vì dân tộc
Lo trước vui sau giữ nếp nhà
Mười năm quyết chiến
Ngang dọc xông pha
Lấy nhân nghĩa chống bạo tàn
Dựa sức dân dẹp tan kình ngạc
Vung gươm khiếp vía quân Minh
Múa bút mềm gan tướng giặc

Sau khi sóng kình im bặt
Chí đang hăng dựng nước buổi thanh bình
Vì đâu phải lui về núi cũ
Bạn với cúc tùng cho ngày tháng trôi qua
Tưởng thoát chốn phồn hoa
Mặc ai bon chen danh lợi
Đau đớn nhìn việc đời biến đổi
Như mây trôi nước chảy xuôi dòng

Lúc thuyền ai hờ hững ở trên sông
Nhưng duyên nợ nước mây chưa trọn
Chí lo việc lớn vẫn hăng say
Bi kịch Lệ Chi Viên để lụy bậc thiên tài
Hận anh hùng, nước biển đông cũng không rửa sạch
Nay đọc thơ Người
Lòng ta đau xót
Thấm từng câu:
Yêu nước thương dân
Tâm hồn cao khiết
Sự nghiệp muôn năm vẫn sáng ngời

Ù ù gió thổi bên ngoài
Trăng bạc rung rinh cành sấu
Trông ra tưởng thấy Ức Trai
Trên đỉnh Côn Sơn đang mỉm cười
Nhìn con cháu thời đại Hồ Chí Minh anh dũng
Đã lấy máu viết nên Bình Tây đại cáo.

Hà Nội, mùa đông 1963
Sóng Hồng