Đi tìm Đò Mè cảng cũ Đàng Ngoài
Bắc BộẢnh trên: Mảnh trôn bát ở An Dụ có chữ Thái và khắc hình rồng. Theo nghiên cứu, nó xuất xứ từ phía bắc Thái Lan, có niên đại từ TK 16 và lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam.
Theo tấm bản đồ “Sông Đàng Ngoài” thì Domea nằm ở vùng cửa sông Thái Bình và ở vị trí 20 độ 45 phút vĩ độ Bắc, nay thuộc làng An Dụ, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Nơi đây thoáng nhìn ta chỉ thấy một cánh đồng rộng lớn, mọi dấu vết của một hải cảng sầm uất (nếu có) đã bị che phủ sau 3 thế kỷ. Nhưng khảo sát kỹ hơn thì tìm ra vết tích lòng sông cổ chảy qua, với các địa danh như bến An Dụ, An Tháp… của làng này. Gần bến An Dụ, trước đây người dân đã đào được cả một con thuyền to bị đắm. Ở đầu làng, cũng thấy bóng dáng một hệ thống bến cảng, khu buôn bán và cư trú, để lại các cái tên Chùa Vàng, Cầu Bạc… Ngoài ra còn có dấu tích của 3 giếng cổ: giếng Vườn Tổ và hai giếng Cầu Bạc. Có thể đây là giếng cung cấp nước ngọt cho các thương thuyền ngoại quốc. Bản đồ “Sông Đàng Ngoài” cũng ghi rõ một điểm là: “Vịnh ở đây có nguồn nước ngọt tốt”.
Đặc biệt, dân An Dụ (tức An Hỗ ngày xưa) vẫn lưu truyền câu dân ca “Tiền An Hỗ, cỗ Phú Kê” để hàm ý về sự trù phú của làng An Hỗ, trong khi An Dụ hiện nay là một làng nghèo ở Tiên Lãng. Khoảng những năm 1952-1953, trong khi đào giao thông hào, dân làng còn bới lên được 2 nong tiền cổ.
Một điều thú vị nữa là theo khẳng định của các cụ cao tuổi trong làng, cánh đồng Sở Cao thuộc làng An Dụ cũng là nơi đầu tiên ở phía Bắc trồng su hào, bắp cải, và dân làng vốn có nghề truyền thống trồng rau xứ lạnh. Điều này phù hợp với ghi chép của William rằng người Hà Lan đã dạy dân bản xứ cách trồng các loại rau họ mang theo từ phương Tây.
Qua khảo sát của PGS Nguyễn Quang Ngọc và cộng sự, thì vị trí của Domea, Pagoda, mỏ neo và con sông được phân bố trên bản đồ “Sông Đàng Ngoài” cũng rất khớp với vị trí thực địa của chúng. “Dòng sông đối diện” mà “Lịch sử đàng ngoài” nhắc tới chính là sông Domea theo cách gọi của William và là sông Đò Mè trên thực tế (nay là sông chết). Ứng với vị trí của Pagoda là đền Hà Đới (thờ Trần Quốc Thành - tôn thất nhà Trần, người đã luyện thuỷ quân tại đây để đánh trận Bạch Đằng năm 1288). Ngôi đền này cũng là di tích lâu đời nhất trong vùng. Quả là, giữa Domea được mô tả trong các thư tịch cổ phương Tây và “Domea” qua khảo sát thực địa có rất nhiều điểm trùng hợp.
Những bằng chứng thật
- Một bát cổ tìm được ở An Dụ (thế kỷ 16-17)
Ngày 23/3/2002, PGS Nguyễn Quang Ngọc cùng đoàn khảo sát khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tiến hành đào thám sát tại cánh đồng làng An Dụ. Trên một vùng rộng khoảng 1 km2, rất nhiều đồ gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc đã được tìm thấy như các mảnh chum, vại, gốm, sành, gạch Bát Tràng và gốm Chu Đậu, Hải Dương có từ thế kỷ 15-16, đặc biệt là ngói ống - loại vật liệu chỉ có ở các công trình kiến trúc đô thị sang trọng. Ngoài ra, nhóm khảo cổ còn đào thấy di tích giếng cổ cung cấp nước ngọt và đền thờ người đi buôn bán gốm bị chết đuối. Có thể nói, trong một phạm vi nhỏ đã tập trung cả một phế tích kiến trúc đô thị cổ dày đặc.
Còn theo lời dân làng canh tác trên cánh đồng này thì chỉ cần đào sâu quá 1 mét là chạm ngay phải tầng gạch ngói. Kết quả thẩm định cho thấy, các cổ vật khai quật được đều có niên đại từ thế kỷ 15-18, tập trung nhiều nhất ở thế kỷ 17, trùng với giai đoạn tồn tại của Domea. Đó là những bằng chứng để có thể nhận định: Nơi đây từng là một bến cảng lớn, một khu đô thị sầm uất như các tư liệu phương Tây đã nói đến.
Tuy thế, cũng có những câu hỏi chưa được giải đáp. Thứ nhất về tên Domea. Theo suy đoán của PGS Nguyễn Quang Ngọc thì có khả năng Domea là cách phiên âm của người phương Tây từ Đò Mè, giống như là Cacho (Kẻ Chợ, Thăng Long). Vì đô thị này không những nằm ở hạ lưu sông Đò Mè (tức đoạn sông Thái Bình chảy qua phía Tây Bắc đến huyện Tiên Lãng) mà trong vùng cũng có chợ Mè, phố Mè, thôn Độ Mi, đền Độ Mi (Đò Mè). Đặc biệt, dân Tứ Kỳ vốn có câu ca giải thích về thế đất của mình: “Đầu Trắm đuôi Mè giữa khe Tam Lạng”. Dân Tiên Lãng cũng có câu: “Đầu Mè đuôi Úc giữa khúc Lữu Đăng”. Như vậy, vùng Mè được xác định là nằm giữa đuôi Tứ Kỳ và đầu Tiên Lãng, bao quát cả làng An Dụ, cũng có nghĩa Domea nằm trong cả một vùng Mè rộng lớn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phỏng đoán.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu như đô thị này đã từng được phương Tây coi trọng như thế thì tại sao nó lại biến mất một cách bí ẩn sau một thế kỷ tồn tại? Cho đến nay, PGS Nguyễn Quang Ngọc cũng chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về nguyên nhân biến mất của Domea. Mặt khác, sự thờ ơ và quên lãng của sử sách Việt Nam đối với đô thị thứ ba Đàng Ngoài này cũng là một câu hỏi lớn chưa được giải đáp.
Sắp tới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ phối hợp với TP Hải Phòng để tiến hành khai quật toàn bộ vùng cánh đồng làng An Dụ nhằm làm rõ quy mô, cấu trúc của phố cảng Domea.
Hương Lan (Thanh Niên)