Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995)

Văn Cao được ghi nhận như một nghệ sĩ tổng hợp hài hoà bốn môn nhạc-hoạ-văn- thơ. Sáng tác âm nhạc của ông thường là những tác phẩm có tính lịch sử.

Tiểu sử

. Tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại làng Lạch Trai (ven Sông Cấm, Hải Phòng). Nguyên quán làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Học trường Bonnal cùng Nguyễn Đình Thi. Sau học trường dòng Saint-Joseph. Cha là Nguyễn Văn Tề làm cai máy nước. Vì cha bị mất việc, Văn Cao phải bỏ học, làm điện thoại viên ở Nhà bưu điện Hải Phòng. Được một tháng, bỏ việc.
. Cuối 1939, viết ca khúc đầu tiên Buồn tàn thu. Đầu năm 1940, bản nhạc được Phạm Duy đem đi hát ở khắp nơi. Văn Cao đi Hà Nội, Huế, làm trang trí nội thất ở Sài gòn gần một năm. Bị chủ quỵt tiền công nên bỏ việc ra Bắc.
. 1942, lên Hà Nội học dự thính trường Mỹ Thuật Đông Dương, thơ văn của ông được Vũ Bằng đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy.
. 1943, triển lãm tranh lần đầu ở Salon Unique. Tác phẩm Les Suicidés (Những kẻ tự sát) gây tiếng vang trong giới hội hoạ.
. 1944, được Vũ Quý, quyền bí thư Thành Ủy Hà Nội, giác ngộ vào Việt Minh, giao viết bài hát cho khoá Quân chính kháng Nhật. Sáng tác Tiến quân ca.
. 1945, sáng tác Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (thơ, in trên Tiên Phong số 9, tháng 4/46), và một loạt các ca khúc: Chiến sĩ Việt Nam, Chiến sĩ Hải quân, Chiến sĩ Không quân (Tiên Phong tháng 8/1946), Bắc Sơn.
. Đầu năm 1946, Quốc hội khoá I công nhận Tiến quân ca là Quốc ca Việt Nam.
. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/46), Văn Cao và Nghiêm Thúy Băng rời Hà Nội ra chợ Đại (gần Hà Đông, thuộc Liên Khu Ba) mới chính thức làm lễ cưới ở thôn Ba Thá. Nhận được chỉ thị lên Phú Thọ, rồi lên Lào Cai, mở Quán Biên Thùy trong Liên Khu 10 từ mùa xuân 1947.
. Mùa thu 1947, được lệnh về Vĩnh Yên làm báo Độc Lập. Rồi lại được lệnh trở lên Việt Bắc.
. Mùa đông 1947, sáng tác trường ca Sông Lô (in trên Văn Nghệ số 1, tháng 3/1948).
. Tháng 3/1948, Văn Cao vào Đảng CS, sáng tác Ngày mùa. Cuối năm được lệnh về Liên Khu Ba, sáng tác Tiến về Hà Nội tại căn cứ Đống Năm (Thái Bình).
. Hè 1949, lại được lệnh trở lên Việt Bắc, sau đó Văn Cao tham gia chiến dịch biên giới. Phụ trách giảng dạy ở trường Âm Nhạc Việt Bắc. Sáng tác: Tiểu đoàn Lũng Vài, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Công nhân Việt nam, Toàn quốc thi đua...
. 1952, được cử đi Mạc Tư Khoa trong phái đoàn văn hoá Trần Huy Liệu, Theo Hoàng Văn Chí, dịp này Văn Cao có gặp nhạc sĩ giao hưởng Soxtakovich.
. 1954, hoà bình lập lại, Văn Cao phụ trách ban nhạc của đài Phát thanh Hà Nội.
. 1956, tham gia Nhân Văn Giai Phẩm với bài thơ Anh có nghe không, đăng trên Giai phẩm mùa xuân. Sáng tác trường ca Những người trên cửa biển, một đoạn in trên Giai phẩm mùa thu, tập II.
. 1958, bị kỷ luật phải đi thực tế Điện Biên cùng Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng. Đến Hai Lót, Văn Cao bị đau dạ dày, được đưa về bệnh viện Lai Châu.
. 1976, sáng tác Mùa xuân đầu tiên, không được hát.
. 1980, Hiến Pháp mới không ghi Tiến quân ca là quốc ca.
. 1983, lễ mừng thọ 60 tuổi được tổ chức. Các bản nhạc Thiên Thai, Trương Chi, Suối Mơ... được tình diễn trở lại.
. 1988, được chính thức "phục hồi" cùng các thành viên NVGP. Tập nhạc Thiên Thai và tập thơ Lá được phép xuất bản.
. Ông mất tại Hà Nội ngày 10/7/1995 trong lòng tiếc thương của cả dân tộc.

Văn Cao để lại nhiều tác phẩm âm nhạc xuất sắc, đặc biệt là những ca khúc như Thiên thai, Trương Chi, Tiến quân ca, Bắc Sơn, Làng tôi, Trường ca sông Lô, Mùa xuân đầu tiên... Trong Bài Tiến quân ca (Sông Hương, số 26, tháng 7&8/1987), Văn Cao cho biết bối cảnh gia nhập Cách mạng và sáng tác bài hát đó như sau:

(...) Tôi ở lại một mình trên căn gác vắng [171 phố Mongrand nay là số 45 Nguyễn Thượng Hiền] vào những ngày đầu thu năm 1944.

Tin từ Hải Phòng lên cho biết mẹ tôi, các em và các cháu đang đói khổ. Bà đưa các đứa nhỏ ấy từ Nam Định ra Hải Phòng, dọc đường để lạc mất đứa cháu con anh cả tôi. Nó mới lên ba. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Có thể nó đã nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy. Các anh tôi cũng đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Năm ấy rét sớm hơn mọi năm. Tôi ngủ với cả quần áo. Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn đêm mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu.

Căn gác được thêm một người ở. Anh Ph.D. là bạn thân của tôi từ Hải Phòng lên. Anh mới nhận nhiệm vụ làm giao thông của tổ chức giữa hai tỉnh Hà Nội và Hải Phòng. Từ lâu, tôi vẫn biết Ph.D. là người của đoàn thể, và thường chú ý giúp đỡ tôi. Tôi nghĩ làm cách mạng là phải bỏ văn nghệ, con đường của người làm cách mạng là phải thoát ly phải hy sinh như gương chiến đấu của các đồng chí mà tôi đã được biết qua sách báo. Nhưng tôi vẫn có thể làm khác với việc thoát ly -tôi chỉ hiểu tổ chức đến thế- có thể là bằng sáng tác, bằng những hành động mà tôi dễ làm nhất như nhận dạy hát cho một đoàn thanh niên về những bài ca yêu nước, hay tham gia những buổi biểu diễn giúp đỡ người nghèo v.v...

Năm 1946 ông ra chiến khu. Trong Hồi ký của Phạm Duy có viết:

(...) Vào khoảng đầu mùa hè của năm 1947 tôi tới Lào Cai và thấy ở đây có một phòng trà với cái tên là Quán Biên Thùy, bề mặt là một nơi giải trí nhưng bề trong là một tổ chức tình báo. Lúc đó, đối diện với Lào Cai vẫn còn là vùng Trung Hoa Quốc Gia chưa bị nhuộm đỏ hoàn toàn. Tôi gặp Văn Cao ở đây và được mời ở lại hát cho phòng trà này.

Đáng tiếc rằng Văn Cao chỉ còn làm minh họa sau năm 1949, khi hai tranh sơn dầu Cây đàn đỏ và Đường cấm bị phê bình là quá hiện đại khó hiểu, bởi những người có tư tưởng nông dân trong kháng chiến chống Pháp. Hồi ký "Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi" (nxb Thằng Mõ, Hoa Kỳ 1990) của họa sĩ Tạ Tỵ cho biết như sau:

(...) Văn Cao nổi tiếng từ tiền chiến, trong kháng chiến và mãi mãi, mọi người đều nghe nhạc của anh. Nhưng anh, con người đa tài, ngoài nghệ thuật còn làm nhiều thứ khác.

(...) Phạm Duy và Văn Cao cũng có một thời gian theo học Mỹ Thuật cũng như Phan Tại, nhà đạo diễn kịch sau này, nhưng cả ba đều bỏ ngang, có lẽ vì không thích hợp. Chỉ riêng Văn Cao vẫn vẽ, có vài tác phẩm được trưng bày tại Salon Unique năm 1943 do chính phủ Pháp tổ chức. Tác phẩm mang tựa đề "Những kẻ tự sát" (Les suicidés) với bút pháp phong phú gây được nhiều thiện cảm của giới yêu mỹ thuật lúc ấy. Qua tác phẩm này, ý thức cách mạng đã có ở Văn Cao nhưng chưa ai biết.

(...) Văn Cao vẽ cũng mới lắm; những bản nhạc như Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi, v.v... được in ra đều do Văn Cao trình bày bìa đi rất gần với trường họa lập thể, mà hồi đó chưa có một bản nhạc nào, cuốn sách nào trình bày dưới hình thức đó.

(...) Sau khi phòng triển lãm bế mạc, Văn Cao gửi tôi giữ dùm hai tác phẩm nói trên vì lý do không ở đây lâu, nhưng sau khi tôi đã "dinh tê", đến năm 1951, quân Pháp đánh vào quê tôi, lấy đi tất cả!.

Tác phẩm

Ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên Thai (1941), Suối mơ (1942), Thu cô liêu (1942), Bến Xuân (1942-1945, sửa lời và đổi thành Đàn Chim Việt), Cung đàn xưa (1942), Trương Chi (1942), Vui lên đường, Gió núi, Anh em khá cầm tay, Chiều buồn trên Bạch Đằng Giang (1941), Gò Đống Đa (1942), Thăng Long hành khúc ca (1943), Tiến quân ca (1944), Chiến sĩ Hải quân (1945), Chiến sĩ Không quân (1945) Bắc Sơn (1945), Chiến sĩ Việt Nam (1945), Làng tôi (1947), Sông Lô (1947), Ngày mùa (1948) Tiến về Hà Nội (1949), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1949). Mùa xuân đầu tiên (1976)... [Thời điểm sáng tác nhiều tác phẩm không chính xác vì các tài liệu ghi khác nhau].*

Đã in: Thiên Thai, tuyển tập nhạc Văn Cao (nxb Trẻ 1988), Lá (nxb Tác Phẩm Mới, 1989) 28 bài. Tuyển tập Văn Cao, (nxb Văn Học, 1994) gồm các bài đã in trong Lá và thêm 20 bài nữa.

Sau đây xin giới thiệu vài bài thơ cuối đời của Văn Cao:

Có lúc

Có lúc
một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ

có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt

có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được

Không đề

Con thuyền đi qua
để lại sóng

đoàn tàu đi qua
để lại tiếng

đoàn người đi qua
để lại bóng

tôi không đi qua tôi
để lại gì?

Năm buổi sáng không có trong sự thật

Những mái nhà như những cánh chim đêm
Ở những giấc mơ dưới trời sao lồng lộng

I.

Ngủ dậy một sáng
Cả phố biến đâu mất
Không một bóng người đi.
Im lặng hồ nước sâu thăm thẳm
Mặt đất đỏ mầu gạch nung
Như miệng quả núi lửa
Anh đi tìm em
Tìm dấu vết những con đường
Chúng ta thường đi lại
Giữa mênh mông tôi gọi em mãi mãi

Thế kỷ chúng ta dừng lại nơi đây
Em ở đâu
Thế kỷ chúng ta còn đang tiếp tục
Trên trái đất này
Hàng ngày đứng lại nơi đây
Tôi gọi em mãi mãi.

II.

Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót
Một buổi sáng không thực
Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi
Cả thành phố cùng tôi im lặng
Tất cả những con người
Chỉ thấy mắt đen lay láy
Cả tiếng xe không thành tiếng
Tại sao? Tại sao?
Không ai nhìn miệng tôi
gào thét không ra tiếng
Trong kinh hoàng tôi chạy trên đất
Một mình
Giữa thành phố mọi người im lặng
Tại sao? Tại sao? Không tiếng nói
Không tiếng động, không sự sống
Tại sao thành phố sa mạc
Không nghe gió thổi
Những hình người như bị đẩy
Qua nhanh
Hình như nơi đây
Bị đày trong im lặng

III.

Buổi sáng nay không phải mình thức dậy
Một người nào trong tôi đang thở
Trước mặt tôi
Buồng nửa đêm nửa ngày len lỏi
Nửa phố mặt trăng, nửa phố mặt trời
Từ khi ấy chúng tôi hai người suy nghĩ
Hai kẻ thù nhau
Hai thái cực tâm hồn
Hai người ấy trong một người chịu đựng
Mưu hại lẫn nhau
Không biết ngày đêm không biết giả thật
Từ phút ấy tôi không còn thật nữa.

IV.

Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội
Mỗi con người đeo mặt nạ đi chơi
Những bước chân nhảy múa
Vui lên cành non
Lá bàng trên phố xanh màu ngọc
Xuân tháng hai
Cửa hàng rượu bên đường
Tơ lụa pha len, hoa giấy ni-lông
Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi
Những em bé búp bê mùa xuân
Hồng hào da thịt
Ngồi đập nút chai làm tiền bac chơi xuân
Mở tròn mắt nhìn kinh ngạc
Họ vui làm sao?
Ô kìa
Nước mắt mồ hôi
Sao chảy ra trên từng mặt nạ
Từng con người
Vội vàng lau mồ hôi và nước mắt
Trên những mặt nạ giấy bồi.

V.

Những cánh cửa đều khóa chặt
Trong gian phòng trong suốt thủy tinh
Em ở đây với anh
Cho bớt lạnh sang mùa Xuân náo nức
Thịt da em cho anh sưởi
Hơi ẩm mình con chim khuyên
Trong lòng bàn tay
Run rẩy
Giữa hai cành non
Nghe nhựa mùa xuân
Những nụ hồng mới nở
Và mật vừa thơm và ong đã tới
Chúng ta đi vào bí mật của mùa xuân
Ngày đầu tiên của em trên biển.

1960

Ba biến khúc tuổi 65

Những ngày buồn không nói được
tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi

I

Một người cho tôi con dao găm
Không biết dùng làm gì
đêm nhìn qua cửa sổ
một khoảng trống đen
tôi ném vào khoảng trống
con dao găm ấy
có phải đấy là sự nghịch ngợm
bỗng nhiên có tiếng ngã ngoài sân
một người trúng tim đã chết

tôi không hề biết người ấy
tôi là kẻ không muốn giết người
chỉ biết bóng tối
mà tôi đã ném dao

II

Tôi đi trên phố
bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy

tại sao tôi chạy?
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
xe cộ đuổi theo tôi

tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội.

III

Tôi rơi vào mạng nhện
mạng nhện cuốn lấy tôi
không còn cách gì gỡ được
tôi như con sâu tằm
cuộc đời cứ như thế
muốn phá cái mạng nhện
tôi không đủ tay.

Tháng 9-1988