Vòng luẩn quẩn

Tháng 9-2007, thêm nhiều trường ĐH được thành lập: ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), ĐH Quốc tế Bắc Hà (Bắc Ninh), ĐH Thành Tây (Hà Tây)... Trước đó, hàng loạt trường ĐH khác cũng đua nhau ra đời. Chưa lúc nào nền giáo dục trong nước chứng kiến sự “bùng nổ” các trường ĐH như vậy.

Theo quy hoạch của Bộ GD-ĐT, mạng lưới các trường ĐH đến năm 2020 sẽ đạt con số 225 trường.
Có thêm nhiều trường ĐH, một hiện tượng vui của nền giáo dục nước nhà, mà sao có nhiều nhà giáo lại ưu tư?
Trong Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đến 2020 đã trình Chính phủ cuối năm 2006, Bộ GD-ĐT giải thích sự cần thiết phải tăng số lượng các trường ĐH, CĐ là do tỉ lệ sinh viên (SV) trên đầu người dân ở nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực. Chính phủ đồng tình với đề xuất này. Vấn đề còn lại là cách tổ chức thực hiện như thế nào cho khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí?
Nhiều năm qua, đội ngũ giảng viên (GV) ĐH thiếu trầm trọng. Chỉ tính năm 2006, tổng số SV trong cả nước là 1.387.107 người, trong khi tổng số GV là 48.579 người, tỉ lệ SV/GV là 28,55, cao hơn nhiều so với quy định cho phép tối đa là 25 SV/GV. Tình trạng GV phải dạy 800 - 1.000 tiết/năm không hiếm (trong khi ở nước ngoài chỉ 300 - 400 giờ/năm). Hầu hết họ không còn thời gian cho nghiên cứu khoa học. Không những thiếu, chất lượng GV cũng yếu. Năm 2006, tỉ lệ GV có chức danh GS, PGS trên tổng số GV chỉ 5,26%; có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học là 12,43%; có trình độ thạc sĩ là 32,26%; số còn lại là cử nhân, kỹ sư. Tình trạng lấy SV vừa tốt nghiệp ĐH dạy ĐH theo kiểu “cơm chấm cơm” là rất phổ biến, nhất là ở các trường ngoài công lập.
Trong tình hình đội ngũ GV thiếu và yếu trầm kha như vậy, sự “bùng nổ” các trường ĐH khiến người ta không thể không đặt câu hỏi đâu là tính kế hoạch của Bộ GD-ĐT? Bởi vì, theo cách làm thông thường từ trước tới nay ở nhiều nước, trước khi mở thêm trường ĐH người ta phải tính toán đến đội ngũ GV sẽ đảm đương nhiệm vụ như thế nào, nếu chưa đủ thì đào tạo, bổ sung, có khi phải chuẩn bị trước đó cả chục năm hoặc hơn nữa. Họ quan niệm chất lượng đào tạo phải đặt lên hàng đầu. Còn ở ta thì làm ngược lại. Người ta lo ngại hàng vạn SV ra trường mỗi năm với chất lượng thấp, lại đào tạo lại, tính ra mất thêm thời gian và tốn kém hơn nhiều lần nếu tập trung chuẩn bị tốt đội ngũ GV.
Cái vòng luẩn quẩn “cơm chấm cơm” rồi đào tạo lại làm cho chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục ở mức thấp. Ngày nay, nhiều nước xác định nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự giàu mạnh của nước mình. Trước cách làm khó hiểu như vậy, các nhà giáo đã ưu tư càng thêm ưu tư.
Theo TỪ NGUYÊN THẠCH (NLĐ)