Dioxin và những tác động đến hệ sinh thái

Dioxin là một trong những chất độc nhất và khó phân huỷ nhất trong tự nhiên. Chỉ với vài phần triệu gram, dioxin đã có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ và khả năng di truyền của cơ thể sống.

Dioxin là sản phẩm của sự phát triển công nghiệp toàn cầu. Rất nhiều ngành có thể phát sinh dioxin. Ví dụ ngành công nghiệp nhựa PVC, sơn, công nghiệp giấy, dệt, công nghiệp luyện kim, nhiệt điện, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật v.v.. Mức độ phát sinh dioxin phụ thuộc vào đặc điểm ngành nghề và qui mô sản xuất. Đến đầu những năm 60, lượng dioxin trên toàn thế giới phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp lên tới hàng tấn mỗi năm. Dioxin cũng phát sinh trong một số hoạt động dân sinh, ví dụ các trường hợp đốt củi, rơm rạ, đốt rác thải v.v.

Máy bay Mỹ rải dioxin ở Việt Nam

Dioxin là tên gọi chung 75 đồng phân của polyclodibenzo-p-dioxin (gọi tắt là PCDD). Các đồng phân khác nhau bởi số lượng và vị trí các nguyên tử clo trong hợp chất. Trong đó, chất độc nhất là 2,3,7,8 Tetraclodibenzo-p-dioxin (gọi tắt là TCDD). TCDD là sản phẩm phụ được tạo ra trong quá trình sản xuất chất 2,4,5T (Triclo phenoxy axetic axit ) - một trong những thành phần chính của chất độc da cam. Chất 1,2,4,5 Tetra clorua benzen tác dụng với clorua axetic axit và hydroxit natri, dưới áp suất và nhiệt độ, tạo ra 2,4,5T đồng thời theo phản ứng phụ cũng tạo ra TCDD

Trong môi trường sinh thái, dioxin ít hoà tan trong nước nhưng khả năng hấp thụ vào đất lại khá cao. Khi xâm nhập vào đất, dioxin kết hợp với các chất hữu cơ biến thành các phức chất không hoà tan trong nước và ít bị rửa trôi, do vậy, những lớp đất có lượng mùn cao ở khu vực nhiễm độc dioxin có khả năng tích tụ dioxin nhiều nhất. Dioxin có thể chuyển rời ra khỏi những nơi tích tụ ban đầu nếu khu vực đất nhiễm dioxin bị sạt lở, và theo dòng nước cuốn đi xa, tạo thành những khu vực nhiễm độc mới.

Đầu những năm 1970, một số nhà khoa học cho rằng chu kỳ bán phân huỷ của dioxin trong đất là 1 năm. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thực nghiệm ở những khu vực bị nhiễm dioxin do sự cố hoá chất, nhiều nhà khoa học cho rằng chu kỳ bán phân huỷ của dioxin phải tới hàng chục năm.

Những nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định tính khó tiêu huỷ của dioxin trong môi trường với chu kỳ bán huỷ lên tới hàng chục năm. Thực tế ở nước ta cho thấy chu kỳ bán huỷ của dioxin có khả năng còn hơn thế nữa. Gần 30 năm sau chiến tranh, di chứng của dioxin vẫn hiển hiện trên nhiều vùng lãnh thổ. Có những khu rừng rậm nhiệt đới vốn giàu có về đa dạng sinh học, sau khi bị phun rải chất độc da cam, cho đến nay vẫn chưa thể tự hồi phục.

Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh, xét cả về tính độc, khối lượng, chủng loại hoá chất độc. 27% diện tích lãnh thổ miền Nam Việt Nam đã bị phun rải tổng cộng 76 triệu lít chất độc diệt cỏ và phát quang trong đó phần lớn là chất độc da cam (khoảng 44 triệu lít) . Rừng nội địa là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 86% tổng số đợt phun rải chất độc hoá học. Kết thúc chiến tranh, khoảng hơn 2 triệu ha rừng tự nhiên, chiếm hơn 1/3 diện tích rừng miền Nam Việt Nam đã bị tác động ở các mức độ khác nhau, trong đó có hàng trăm ha rừng nguyên sinh bị phá huỷ hoàn toàn.

Những nghiên cứu trên cơ thể thực vật cho thấy, khi bị phun rải chất độc da cam, cơ thể thực vật sẽ có những phản ứng sinh lý, như xuất hiện nhiều u nổi trên lá, một số thay đổi khá rõ nét về hình dáng thân, cành, lá, hoa và quả, nhiều trường hợp dẫn tới rụng lá. Nếu cây không mọc lá trở lại, có nghĩa là chấm dứt sự quang hợp, dẫn đến chết cây. Chất độc da cam cũng gây tiêu huỷ các chất hữu cơ trong đất, dẫn đến sự giảm sút các hoạt động của vi sinh vật trong đất, gây hậu quả phá huỷ cơ cấu thành phần thổ nhưỡng và xói mòn đất. Hệ động vật cũng chịu tổn thất rất nặng nề. Sau mỗi đợt máy bay phun rải chất độc hoá học, trên mặt đất la liệt xác động vật chết. Những cá thể loài sống sót vẫn có thể tiếp tục chết nếu ăn phải thức ăn hoặc uống phải nguồn nước bị nhiễm độc.

Một đặc tính của hệ sinh thái rừng là khả năng hồi phục tự nhiên. Nhưng những khu rừng bị tàn phá bởi chất độc hoá học có thể tự hồi phục được hay không?. Vào những năm 1980, vì chưa có đủ thời gian thử nghiệm để đánh giá hậu quả lâu dài của chất độc da cam, một số nhà khoa học đã dùng các dẫn chứng rút ra từ mô hình diễn thế của rừng nhiệt đới sau khi bị tác động của con người như đốt nương làm rẫy để suy ra diễn thế của rừng nhiệt đới sau khi bị phun rải chất độc da cam. Rừng nhiệt đới bị đốt thành nương rẫy, sau đó bỏ hoang do thoái hoá đất, có thể tự phục hồi theo chu trình: khởi đầu là những thực vật bậc thấp như lau lách xuất hiện, tiếp đó là chuối rừng và tre nứa, các loài cây gỗ mọc nhanh. Sau khoảng một vài chục năm sẽ xuất hiện những cây rừng và phát triển tiếp một thời gian sẽ thành rừng nhiệt đới. Nhưng thực tế cho thấy diễn thế của rừng nhiệt đới bị phá huỷ do chất da cam lại không diễn ra như vậy.

Đến nay, gần 30 năm đã trôi qua, tuy có những biến đổi tại nhiều vùng do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nhưng ở miền Nam Việt Nam vẫn còn nhiều hiện trường rộng lớn còn giữ lại các di chứng của cuộc chiến tranh hoá học cho phép chúng ta quan sát, nghiên cứu và đánh giá một cách đúng mực hơn hậu quả của chất độc da cam chứa dioxin lên môi trường và các hệ sinh thái.

Rừng ở A Lưới là một ví dụ. Thung lũng A Lưới thuộc huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng chừng 65 km theo đường chim bay, sát với biên giới Lào - Việt. Đây là một thung lũng dài khoảng 30 km, rộng 2-6 km, nằm giữa dãy Trường Sơn ở độ cao hơn 600m so với mặt nước biển. Diện tích thung lũng khoảng 117.000 ha, trong đó trước năm 1945 có đến 107.000 ha rừng nguyên sinh. Đây nguyên là một vùng rừng mưa nhiệt đới gió mùa điển hình với chủng loại cây phong phú, xếp theo nhiều tầng, chủ yếu là các loài cây gỗ quí như tùng, huỳnh, dầu con quay, gụ, táu, kiền kiền. Đa số cây có đường kính thân trên 1 mét. Quần xã động vật trước kia cũng rất phong phú và điển hình cho hệ động vật rừng mưa nhiệt đới Đông Dương. Về chim ít nhất có khoảng 150 loài, trong đó có những loài quí hiếm như công, trĩ sáo... Về thú có voi, bò tót, hổ, báo, gấu chó, voọc vá, vượn, rất nhiều nai, hoẵng , lợn rừng v.v.

Từ năm 1966 đến 1969, quân đội Mỹ đã thả bom và rải chất độc hoá học nhiều lần, chủ yếu là chất độc da cam. Trong thời gian này không một loài thực vật nào có thể sống sót vì hễ xuất hiện màu xanh thì nơi đây lại bị phun rải tiếp tục.

Kết thúc chiến tranh đến nay, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến nghiên cứu vùng A Lưới và coi đây là một điển hình của hệ sinh thái rừng bị phá vỡ hoàn toàn bởi chất độc hoá học. Diễn thế của thảm thực vật vùng A Lưới trong 30 năm qua phần nào có thể nói lên được hậu quả lâu dài của chất độc da cam chứa dioxin lên môi trường rừng ở đây và cả các vùng khác ở miền Nam Việt Nam có điều kiện tương tự.

Thung lũng A Lưới hơn 10 năm sau đó hầu như không có rừng, các thân cây gỗ to thuộc nhóm gỗ cứng đã chết khô. Phần lớn các loài cây rừng gỗ mềm hơn đã bị mục nát do nắng mưa. Trên nền rừng chủ yếu là các loài thực vật bậc thấp.

Những vùng rừng khác từng bị phun rải chất độc hoá học nhiều lần, diễn thế cũng tương tự A Lưới. Rừng Sa Thầy cho thấy, nơi không bị rải chất độc hoá học, rừng cây rất rậm rạp; trong khi đó, ở nơi bị rải chất độc hoá học, hầu như không có thực vật bậc cao mà đến nay vẫn chỉ toàn cỏ dại và tre nứa che phủ.

Rừng ngập mặn Nam Bộ cũng là đối tượng chịu tác động nặng nề của chất độc hoá học. 35.500 ha ở rừng Sác, hơn 40.000 ha ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và tới 740.000 ha rừng ngập mặn Cà Mau bị tàn phá bởi chất độc da cam.

Có thể trồng lại rừng ở những nơi đã từng bị phun rải chất độc da cam hay không? Câu trả lời là có thể. Tuy nhiên công sức và thời gian bỏ ra sẽ rất lớn. Từ năm 1978, các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã tiến hành trồng rừng thử nghiệm tại Mã Đà. Sau 4 năm đầu, việc trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn và gần như thất bại, các nhà khoa học đã rút dần kinh nghiệm và đưa ra một qui trình trồng rừng phù hợp. Hiện nay, qui trình này phổ biến rộng rãi và tại nhiều nơi, hàng chục ngàn ha rừng đã được trồng lại. Công việc đang được tích cực thúc đẩy và là một phần quan trọng trong dự án của Nhà nước khôi phục và trồng mới 5 triệu ha rừng.

Hơn 2 triệu ha rừng miền Nam Việt Nam đã bị rải chất độc hoá học với mức độ gây thiệt hại khác nhau. Việc đẩy mạnh hoạt động trồng rừng ở những nơi này là yêu cầu cấp thiết, cho dù vô cùng khó khăn và tốn kém, nhằm từng bước phục hồi thảm thực vật, tạo thêm độ che phủ cho các khu vực đầu nguồn, đồng thời khôi phục các hệ sinh thái. Chúng ta hy vọng rằng những vùng đất trơ trụi hôm nay, dưới bàn tay con người, sẽ dần xanh trở lại, để các loài động vật sẽ hội tụ về , phục hồi sự giàu có về đa dạng sinh học.

dviet (Theo thiennhien.net)