Internet là một cây cầu để Việt Nam hội nhập

Nguyễn Chí Công

Qua 10 năm nối Internet, Việt Nam đã và đang đứng trước những cơ hội và thách thức của toàn cầu hoá mà Internet chính là môi trường cho việc đó. Dưới đây là những chia sẻ của TS Nguyễn Chí Công - nguyên Trưởng Tiểu ban Mạng, Chương trình Quốc gia Công nghệ Thông tin (1995-2000).

PV: Trước hết, xin ông cho biết một vài nhận xét, đánh giá về thực tế 10 năm nối mạng Internet của Việt Nam.

Qua 10 năm nối mạng Internet, chúng ta đều thấy đất nước đã có những đổi thay khác hẳn giai đoạn trước 1997. Bên cạnh các kênh liên lạc cũ, người Việt Nam đã có thể chủ động tiếp xúc nhanh với thế giới và người nước ngoài nhờ Internet cũng hiểu Việt Nam hơn và có quan hệ tốt hơn. Từ đó tạo ra những cơ hội mới cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Internet chính là cây cầu giúp cho Việt Nam hội nhập và tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu như đợi đến khi sắp gia nhập WTO mới cho nối Internet thì chắc chắc sẽ rất bất lợi. May thay không phải thế và chúng ta đã tạm đủ thời gian để hiểu một số hệ quả quan trọng của toàn cầu hóa.

Tại các nước phát triển, Internet ban đầu chủ yếu phục vụ cho khoa học và quân sự; tiếp đó trở thành công cụ hữu hiệu của thương mại, giáo dục rồi của “chính phủ điện tử”... và kinh tế tri thức. Internet sẽ còn gây ra nhiều biến đổi toàn cầu, thí dụ có thể dự đoán báo mạng sẽ thay thế báo giấy, v.v..

Tuy nhiên cho đến nay ở Việt Nam, Internet lại chủ yếu để giải trí, tuyên truyền và phục vụ những người có điều kiện thuận lợi. Ứng dụng cho giáo dục, thương mại và hành chính chiếm tỷ lệ chưa tương xứng. Đa số học sinh, sinh viên chỉ ham chơi game và chat mà ít sử dụng Internet để học tập. Cách ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) và Internet trong quản lý hành chính, thí dụ như Đề án 112, đã không đạt được các mục tiêu của lãnh đạo...

Giáo dục từ xa là điều mà chúng ta đã nói đến cách đây cả chục năm nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có được động thái hay chính sách cụ thể gì để có thể phát triển được nó. Thực tế là ngành giáo dục hiện đang lui cui chống những việc trái quy định hiển nhiên mà lẽ ra phải làm từ lâu rồi như “nói không với tiêu cực”, “đào tạo theo nhu cầu của xã hội"… Trong bối cảnh bùng nhùng đó thì rất khó có thể thực hiện giáo dục từ xa một cách có hệ thống, bài bản. Không ít giáo viên và hiệu trưởng hiện nay dường như đã quá quen mải mê cải thiện thu nhập mà quên nhiệm vụ chính của nhà trường. Không nhiều người thầy biết sử dụng Internet để trao đổi thông tin giữa họ với nhau chứ chưa nói đến việc cập nhật kiến thức. Chuyện theo số liệu chính thức có hơn nửa số giáo sư không sử dụng máy tính và Internet chỉ nói lên rằng tâm lý ngại công nghệ không phải của riêng người lớn tuổi ở Việt Nam, ngay cả tại các nước phát triển như nước Đức, nếu họ không có những biện pháp thích hợp thì cũng thế. Nhưng sự thay đổi tự nhiên đằng nào cũng đến nhờ ở thế hệ trẻ - những người dễ chủ động nắm bắt và xử lý thông tin, trước hết để phục vụ cho chính mình.

Thương mại điện tử Việt Nam nhìn chung chưa theo kịp thời đại. Có thể nói sự tồn tại yếu ớt của nó cho đến nay chủ yếu vẫn mang tính tư nhân và tự phát. Một trong các nguyên nhân khách quan là vấn đề thanh toán điện tử qua mạng chưa được giải quyết thật sự. Bài toán an ninh mạng và thanh toán điện tử hiện vẫn còn để ngỏ. Người ta dường như quá thiên đổ lỗi cho hacker và virus nhưng vấn đề không chỉ vậy. Điều này cũng xảy ra trên đường xá nếu không tuân thủ luật giao thông, đường càng cao tốc và nhiều xe thì càng dễ có tai nạn hơn. Internet chính là một hạ tầng thông tin được so sánh với mạng lưới đường vận tải, vì vậy cũng cần giáo dục người tham gia mạng thông tin, trang bị kỹ thuật và có chế tài cụ thể, hợp lý cho từng loại vi phạm, dù vô tình hay cố ý...

PV: Ông bình luận gì về sự “vỡ hụi” các đường dây tín dụng mạng mới đây?

Sự bể mánh, vỡ hụi các đường dây tín dụng trên mạng vừa qua cho thấy vấn đề tồn tại chính là ở khâu luật pháp. Có ít đại biểu Quốc hội hoặc đại diện Tư pháp và Chính phủ của chúng ta được cập nhật các hiểu biết hiện nay về công nghệ cao và mặt trái của nó. Lý ra, trong những bộ luật liên quan phải bổ sung kịp thời các điều khoản cụ thể về thương mại điện tử, nhưng thực tế là Quốc hội chỉ vừa mới có một Luật Giao dịch Điện tử còn sơ lược và chung chung. Thêm nữa, thay vì làm Luật Thông tin thì Quốc hội lại xây dựng Luật CNTT, hiểu nôm na là coi phương tiện (tức các công cụ CNTT) quan trọng hơn mục tiêu (là quản trị thông tin).

Do vậy, các cơ quan hành pháp đã không được chuẩn bị về tri thức và không có đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn từ đầu hoạt động tín dụng đa cấp qua mạng, một kiểu lừa đảo tràn lan làm hàng vạn người mất tiền oan. Và cũng phải có các điều khoản tương ứng và rõ ràng trong luật thì mới xét xử đúng được những sai phạm sử dụng công nghệ cao. Dĩ nhiên, như TS Nguyễn Quang A đề cập, theo luật hiện hành là đã có thể xử những kẻ tổ chức các đường dây này. Đừng vin cớ chưa có quy định về “tội phạm công nghệ cao” mà dây dưa. Xin nói thêm rằng công dân lương thiện sống và làm việc theo pháp luật nhưng người tham thì ngược lại sẽ lợi dụng các kẽ hở của luật để trục lợi. Vậy phải sửa luật liên tục để lấp những kẽ hở đã được phát hiện. Thực tế cũng có những cơ quan đã hành động không chờ sửa luật, thí dụ dù luật hiện hành chưa quy định chặt chẽ nhưng việc truy cập các website chống chính quyền rất khó thực hiện. Tuy nhiên, trong an ninh kinh tế thì dường như nhiều chỗ đã bị bỏ quên.

Thực tiễn Internet và CNTT ở Việt Nam những năm qua cho thấy chúng ta coi trọng vấn đề kỹ thuật hơn vấn đề luật pháp. Hình thức kinh doanh đa cấp đã có từ lâu, hụi họ cũng đã có từ lâu, bản chất vẫn là sự tham lam và lừa đảo; Internet chỉ làm cho nó lan nhanh và nguy hiểm hơn. Hệ quả đau xót của việc đào tạo công chức một cách bất cập là hàng nghìn nhân viên nhà nước và người thân của họ đã tham gia những kiểu kinh doanh đa cấp và tín dụng mạng chỉ là vụ mới nhất. Lòng tham và sự ngây thơ thường là rất lớn trong một nền kinh tế thị trường mới mở cửa. Chừng nào luật pháp chưa ngăn ngừa được những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ cao thì thật khó nói rằng rồi đây sẽ không có các vụ tương tự nạn vỡ hụi trên mạng mà giá trị thiệt hại có lẽ còn nhỏ hơn nhiều so với lừa đảo thí dụ trên thị trường chứng khoán...

PV: Ông nghĩ gì về những chính sách cần phải thực hiện cho sự phát triển của CNTT và Internet trong thời gian tới?

Các cơ quan hữu trách đã và đang cố gắng đưa ra đường lối và chính sách sao cho phù hợp dù khó kịp với tình hình mới phát triển không chỉ trong viễn thông và CNTT. Sau khi gia nhập WTO và ký kết các Công ước, nước ta buộc phải điều chỉnh theo chính sách chung và nhiều thông lệ quốc tế, thí dụ về sở hữu trí tuệ, hải quan điện tử, thương mại điện tử v.v.. Việt Nam tiếp tục bổ sung các điều khoản chi tiết của luật và các quy định dưới luật cho ứng dụng Internet và CNTT trong giáo dục, y tế, hành chính và thanh toán điện tử... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/2007/CT-TTg về việc tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định 35/2007/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Nghị định 63/2007/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT, Nghị định 64/2007/NĐ-CP quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, v.v. Thực hiện được những chính sách như thế trong giai đoạn sắp tới thì cũng mệt vì các điều kiện chưa đồng bộ và đầy đủ, mặc dù xuống tới cấp Bộ cũng đã có một số văn bản chi tiết hơn như Quyết định 20/2007/QĐ-BBCVT về việc ban hành "Mẫu Quy chế chứng thực chữ ký số" và Chỉ thị 07/CT-BBCVT về "Định hướng Chiến lược phát triển CNTT và Truyền thông Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020", Dự thảo Thông tư 02/2007/TT-BBCVT "hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Quyết định 169 và Quyết định 223 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước", v.v. và đấy là tôi còn chưa nói đến các văn bản liên quan của Bộ, ngành khác.

Việc thực hiện các bổ sung, thay đổi chức năng quản lý nhà nước trong Bộ Thông tin Truyền thông mới ra đời cần một lộ trình tăng tốc nhưng không vội vã. Có một số nhiệm vụ chưa được rõ ràng và đôi khi lẫn lộn giữa hạ tầng và thượng tầng. Hạ tầng viễn thông là kỹ thuật, cần sự đầu tư rất lớn nên lâu lâu mới có thể thay đổi. Ngược lại, thượng tầng thông tin là thứ gắn với chính trị, xã hội nên thường biến chuyển nhanh. Chúng ta hiện chưa có bộ luật về thông tin và đó là một yếu tố cản trở rất lớn. Tuy nhiên, từ khá lâu trước khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều thứ kỹ thuật ở vé máy bay, hộ chiếu, điện thoại, fax, máy tính v.v. đã phù hợp với nước ngoài.

Các doanh nghiệp cũng có nhiều việc cần phải cải thiện trong thực tiễn. Thí dụ chi phí cho tên miền và thuê Internet hosting tại Việt Nam hiện vẫn còn đắt. Điều đó phần nào cho thấy người ta chưa quyết tâm phá bỏ độc quyền nhưng như thế là khôn mà không ngoan. Nhiều blogger và tổ chức muốn lập website đã tìm đến các dịch vụ ở nước ngoài để tiết kiệm chi phí. Như vậy gây ra lãng phí băng thông và tài nguyên Internet vì những người sử dụng nội địa phải truy cập ra tận nước ngoài mặc dù nhiều khi không có nhu cầu về thông tin của nước ngoài. Để khắc phục điều này, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích cạnh tranh về thị trường hosting và xã hội phải có thật nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ Internet.

PV: Thêm một câu chuyện nữa cần đề cập là hiện cộng động người sử dụng Internet tại Việt Nam cũng khá đông. Bên cạnh các tổ chức cũ như Hội Tin học, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm… Hiệp hội những người sử dụng Internet cũng đang được nêu ra và vận động thành lập. Ông nghĩ gì về thực tế này?

Theo tôi, việc ra đời các hiệp hội không thể nói là nên hay không nên mà nó phải do nhu cầu của xã hội. Số người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện lên đến hàng triệu nhưng chỉ cần quan sát các diễn đàn (forum) ta thấy họ tập hợp thành nhiều nhóm theo nhu cầu riêng, không chỉ về CNTT mà còn cả vô số thứ khác. Các công cụ Alexa và Google cho biết hiện nay nơi truy cập đông nhất là các website về sex rồi đến game và nhạc v.v. Ngoài các hội đoàn quần chúng đông đúc phải chia thành nhiều chi hội, một hội chuyên nghiệp thường gắn với một ngành nghề nghiêm túc, tồn tại cụ thể và đủ hẹp để các thành viên hiểu và bênh vực nhau. Nhiều người chưa đồng ý với nghị định hiện hành về quản lý hoạt động hội và mới đây Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã không chấp nhận dự thảo sửa đổi nghị định này của Bộ Nội vụ trình Chính phủ. Trong bối cảnh đó, nếu có tham vọng thành lập một hiệp hội người sử dụng Internet thì phải nêu lên những tiêu chí nào có thể tập hợp được họ và làm gì để bảo vệ được quyền lợi chung hơn là quyền lợi của mấy vị tổ chức.

Xin cám ơn ông!

(BBĐ, Tân Khoa thực hiện)