AL GORE : “TÔI TỪNG LÀ TỔNG THỐNG MỸ NHIỆM KỲ SAU”

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore lại một lần nữa trở thành nhân vật được dư luận quan tâm với giải Nobel 2007. (Ảnh bên: diễn thuyết về nguy cơ sinh môi)

Ảnh Gore xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn, trên bìa tạp chí Prospect của phái Tự do đảng Dân chủ Mỹ; Gore được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Dư luận đang rôm rả bàn chuyện Al Gore liệu có ra tranh cử Tổng thống (TT) năm 2008 hay không.

Nhật báo phố Wall ngày 8 tháng 5 năm nay đăng hàng tít lớn tin Al Gore ngày 6 mời hơn 200 khách đến dự buổi khởi chiếu bộ phim tài lệu về vấn đề đối phó với hiệu ứng nhà kính toàn cầu, do ông bỏ vốn làm phim. Tin này khiến nhiều người phỏng đoán Gore sắp xuất hiện trên chính trường Mỹ. Từ sau thất bại trong lần tranh cử TT năm 2000, Gore im hơi lặng tiếng suốt. Trong 6 năm qua, ông giảng bài ở mấy trường đại học, làm uỷ viên hội đồng quản trị công ty máy tính Apple, cố vấn cấp cao công ty mạng Google, sáng lập một mạng thông tin cáp phục vụ giới trẻ và một công ty quản lý đầu tư và tiến hành đầu tư vào các công ty bảo vệ môi trường và đề xướng trách nhiệm xã hội. Ông cùng vợ là Tipper viết chung hai cuốn sách (đã xuất bản). Sau khi rời Washington, ông tậu nhà mới ở Nashville, bang Tennessee quê ông, và mua một căn hộ ở San Francisco để tiện gặp hai cô con gái làm việc tại bang California. Ông còn lập một Văn phòng riêng của mình tại Tennessee.

Gore đôi lúc công kích TT Bush về chính sách bảo vệ môi trường, chiến tranh Iraq và vấn đề lạm dụng quyền lực. Gần đây Gore rất hài lòng về việc bỏ vốn làm bộ phim nói trên. Ông có mặt trong các hoạt động liên quan đến bộ phim và còn chủ trì một hội thảo về vấn đề bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu nóng lên. Điều đáng chú ý là trong phim cũng như trong hội thảo, ông đều thích nói một câu ý vị sâu xa: “Tôi là Al Gore, từng là Tổng thống nhiệm kỳ sau của nước Mỹ.” Mọi người đều hiểu ông muốn nói về tranh chấp trong kỳ bầu TT năm 2000: Gore được nhiều phiếu cử tri hơn Bush, nhưng do sự hạn chế của cơ chế bầu cử Mỹ nên ông không đắc cử. Hiểu được cái “ý tại ngôn ngoại” của câu nói bóng gió ấy, công chúng đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng ông.

Còn hai năm nữa mới đến năm 2008, nhưng nhiều người Dân chủ đã muốn Al Gore ra tranh cử lần nữa. Dù cựu đệ nhất phu nhân và đương kim thượng nghị sĩ Hillary có uy tín rất cao, nhưng họ chưa tin bà có thể thắng khi đấu tay đôi với ứng cử viên đảng Cộng hoà. Nhiều cử tri khó chấp nhận bà làm TT. Phái hữu của nước Mỹ đều không ưa Hillary vì bà ta để lại ấn tượng cực đoan tự do, dễ giao động trên nhiều vấn đề, khiến người ta khó nắm được định hướng chính sách của bà sau khi đắc cử. Trong số những người ủng hộ Gore tranh cử có một số tỷ phú và doanh nhân nổi tiếng. Bà Davis, người làm bộ phim do ông Gore đầu tư nói: “Khi mọi người xem bộ phim này, họ sẽ thấy một Al Gore đích thực, và họ sẽ yêu cầu ông ra tranh cử TT nhiệm kỳ tới”. Qua câu nói đó có thể đoán ra ý đồ của Gore khi bỏ vốn làm bộ phim này.

Tuy thế các thân tín của Gore lại bất đồng về việc ông ra tranh cử. Cựu cố vấn của ông là Friedman nói Gore đang rất hài lòng với cuộc sống bình dân và đang dồn sức nhắc dư luận lưu ý vấn đề hiệu ứng nhà kính, sẽ không nói chuyện chính trị, và Friedman không tán thành Gore tranh cử. Một số nhân vật trong chính quyền Clinton- Gore cho rằng nhất định Gore đang xem xét vấn đề tranh cử nhưng còn chưa quyết định. Khi ai hỏi về vấn đề này, ông thường tránh trả lời.

Gore phải cân nhắc việc Hillary có ra tranh cử TT năm 2008 hay không, vì nó đụng chạm đến mối quan hệ Gore-Clinton, cũng vì Hillary đang được nhiều người ủng hộ hơn Gore và John Kerry (ứng cử viên TT năm 2004). Nhiều nhân vật cấp cao đảng Dân chủ e ngại dù Hillary được đảng đưa ra tranh cử song chưa chắc bà có thể thắng cử; vì bà có màu sắc “phái Tự do” quá đậm nên khó mà được các cử tri phái trung gian ủng hộ. Gore có ưu thế hơn Hillary về điểm này. Đảng Dân chủ quyết không thể lại thua trong kỳ bầu cử tới, nhất thiết phải giành lại chức TT sau 8 năm bị ra rìa. Cho nên dù ai thay mặt họ tranh cử thì người đó phải nắm chắc giành phần thắng. Suy nghĩ ấy khuyến khích Gore xem xét việc ra tranh cử.
Mọi người đều nghĩ là nếu Hillary không ra tranh cử TT thì chắc chắn Gore sẽ tái xuất giang hồ. Hillary là nhân tố quan trọng nhất tác động tới quyết định của Gore. Cho dù bà ấy có ra tranh cử đi nữa thì khả năng Gore cùng tranh cử vẫn rất lớn, vì ông có khả năng tập hợp vốn và được nhiều người Dân chủ ủng hộ. Dĩ nhiên ông phải mạo hiểm chịu rủi ro thất bại lần nữa, vì lần này ông phải đối mặt với không chỉ Hillary mà cả Clinton. Năm 2008 Al Gore sẽ tròn 60 tuổi – cái tuổi vàng của một nhà chính trị, đây cũng là dịp cuối cùng ông có thể vào Nhà Trắng. Nếu lần này không ra tranh cử thì chắc chắn sau này ông sẽ hối tiếc suốt đời. Có thể đoan chắc hiện giờ Al Gore đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn./.

Nguyên Hải tổng hợp