Nhà văn Tô Hoài (1920-)

Tô Hoài, tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ngày 7 tháng 9 năm 1920 trong một gia đình thợ thủ công tại quê ngoại, làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,... và nhiều khi thất nghiệp.

Đến với văn chương rất sớm, ông nhanh chóng gây được sự chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký dành cho trẻ em, sau này đã dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ về sau được đưa vào sách giáo khoa và dựng thành phim.

Hòa bình năm 1954 ông trở về Hà Nội và có điều kiện tập trung vào sáng tác, mặc dù vẫn đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo giới văn nghệ. Tính đến nay, sau 64 năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Các bút danh:

Tô Hoài, Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa.

Các tác phẩm chính:

1. Dế Mèn phiêu lưu kí (1941)

2. O chuột (1942)

3. Nhà nghèo (1944)

4. Truyện Tây Bắc (1953)

5. Miền Tây (1967)

6. Cát bụi chân ai (1992).

7. Ba người khác (2006).

Ba người khác là tác phẩm gần đây nhất. Tác phẩm này được viết xong năm 1992 nhưng đến 2006 mới được phép in, nội dung viết về thời kỳ cải cách ruộng đất, đã gây tiếng vang lớn và có thể so sánh với Dế Mèn phiêu lưu ký.

Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).